Gọi yêu thương quay về




Cuối tuần lắng nghe một giai điệu thanh bình. 
Cuối tuần sống chậm. Cuối tuần dành riêng cho bản thân, nỗi nhớ, tình yêu. 
Điều duy nhất mà bất cứ ai cũng kiếm tìm, không thể khước từ sự kiếm tìm, không phải là tiền, không phải danh vọng, không phải quyền bính ... mà là ĐƯỢC YÊU THƯƠNG. Nội hàm trong đó là việc con người ta được công nhận, được tôn trọng, được luyến lưu và đưa lên cao. Ở nơi nào con người ĐƯỢC YÊU THƯƠNG, ở đó có sự an toàn, ở đó có nội lực, ở đó có khát khao thể hiện và tỏa sáng. Nơi nào có người mình yêu thương, nơi đó là nhà, là quê hương, là nơi không xa lạ, là nơi không muốn rời xa, là nơi luôn muốn quay về. Khi được yêu thương, con người thấy mình thật giàu có .... 
Đừng bao giờ ngăn cản trái tim bạn rung động. 
Đừng e sợ khi bạn thấy mình đang bị hút về phía một ai đó. 
Đừng ngại ngần giúp trái tim trao thông điệp bằng lời và/hoặc bằng hành động. 
Đừng giấu mình và so sánh tình yêu của bạn với một ai đó khác, tình yêu của bạn là duy nhất, như chính bạn vậy. 
Đừng bối rối khi không biết nói gì, bạn có thể tìm ra trăm ngàn cách hay hơn thế để bày tỏ. 
Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào điểm đích, vì con đường bạn đi đến đích thú vị hơn nhiều. 
Đừng tự chế giễu mình vì sự vụng về, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết đó chính là điểm đáng yêu của bạn trong mắt người yêu bạn. 
Đừng quên thể hiện các ưu điểm. Đừng quên nỗ lực cải thiện nhược điểm. 
Đừng từ chối nếu đó là một cơ hội. Đừng chấp nhận đầu hàng dễ dàng nếu đó là một thử thách, chẳng có thử thách nào là nhỏ, nhưng bên cạnh các thử thách mà bạn chưa gặp thì hãy luôn nghĩ thử thách trước mắt thật là nhỏ bé nhé. 
Đừng quên chiều chuộng mình, và cũng chiều chuộng người bạn yêu nữa. 
Đừng từ bỏ thói quen nắm tay người ấy thật chặt, nhìn sâu vào mắt nhau ít nhất một lần trong ngày. Đừng quên gửi thông điệp tới người bạn  yêu rằng bạn tin và yêu người ấy thế nào, ít nhất một lần trong tháng. 
Đừng bỏ qua lịch hẹn với người bạn đời, thậm chí bạn nên tìm cách bỏ bớt các cuộc hẹn khác để ưu tiên cho cuộc hẹn của hai người. Con cái ư, sự gắn kết tuyệt vời nhỉ, nhưng nếu chẳng có chúng, cũng chẳng sao, đó chỉ là món quà tặng thêm của Chúa, hai bạn chẳng đã  có nhau rồi đó sao. 
Đừng vội vàng, hãy luôn đợi để người đó luôn ở bên cạnh bạn. Đừng quá chậm chạp và ỷ lại, dù bạn cho rằng bạn ở đằng sau để hỗ trợ người ấy. 
Đừng tin bất kể ai bôi xấu về người ấy, cho đến khi chính bạn có lý do để nghĩ như vậy, và cho dù thế, bạn hãy là người đầu tiên tha thứ. Đừng bao giờ từ bỏ niềm tin rằng người ấy chính là một nửa dành cho bạn. 
Cho dù qua thời gian, chia tách và gắn kết, hạnh phúc và hờn giận, có thể khiến cho hai mảnh ghép xơ tướp mềm oặt xấu xí. Nhưng hãy nhớ, đó vẫn là hai mảnh ghép sinh ra là để đặt bên cạnh nhau !
(sao tự dưng hôm nay viết được dài vậy nhỉ?) 




Và đây là The Promise của Tracy Chapman
(xin hãy nghe giai điệu, dù bạn không hiểu hết lời của bài hát, tương tự như khi bạn có thể "chạm" vào ai đó chỉ bằng ánh mắt và những ý nghĩ thành tâm từ đáy trái tim mình)

If you wait for me
then I'll come for you
Although I've traveled far
I always hold a place for you in my heart

If you think of me
If you miss me once in a while
Then I'll return to you
I'll return and fill that space in your heart

Remembering
Your touch
Your kiss
Your warm embrace
I'll find my way back to you
If you'll be waiting

If you dream of me
like I dream of you
In a place that's warm and dark
In a place where I can feel the beating of your heart

Remembering 
Your touch
Your kiss
Your warm embrace
I'll find my way back to you
If you'll be waiting

I've longed for you
And I have desired
To see your face your smile
To be with you wherever you are

Remembering
You r touch
Your kiss
Your warm embrace
I'll find my way back to you
Please say you'll be waiting

Together again
It would feel so good to be
In your arms
Where all my journeys end
If you can make a promise
If it's one that you can keep
I vow to come for you
If you wait for me

And say you'll hold
A place for me
in your heart.

A place for me in your heart.
A place for me in your heart.
A place for me in your heart.

Nghĩ khác đi

dạo này không biết phải nghĩ như thế nào và phải sống ra sao 
thì vẫn thế tự bao giờ không nhớ nữa. cái thói quen xấu xa này đã bắt rễ trong mình, phát triển nhanh và mạnh mẽ, cứ như là cá gặp nước, đúng môi trường thuận lợi và hòa hợp. 
đương nhiên là mọi thứ sẽ "mất vị" một thời gian. mình đã trải qua một lần rồi nên biết như thế. Rồi mọi thứ sẽ lần lượt xuất hiện trở lại, cảm xúc có phần tươi trở lại. Nhưng đó là lần thứ nhất. Còn lần thứ hai có được thế không hay chẳng có thứ gì trở lại, chưa đến được bến Tương lai, thì chưa biết được.

đôi khi muốn bật khóc. nhưng thật ra thì không khóc thành tiếng được, mọi thứ cứ ngắc ngứ ngắc ngứ trong người mà không có một giọt nước mắt nào rịn ra được. giống như "vật thuốc". 

đến cơ quan luôn phải cười, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá 5S. Phải trang điểm, phải đồng phục sạch sẽ và phải cười. Thực ra, ai cũng biết rằng hiếm có nụ cười nào là thật ở môi trường công sở. Kể cả nụ cười tuyệt nhất vẫn có thể bị đem ra mổ xẻ, và sau đó xào nấu cho ra một "phiên bản" tệ đến chết người. giống tranh châm biếm của Chóe. 
...
mọi người bảo "sao phải sỹ diện, bố nó đưa tiền thì cứ cầm chứ". nếu "vô tư" đưa là cầm thì còn gọi gì là H nữa. đơn giản là mình nghĩ khác. Mình biết quá rõ mình CẦN thứ gì. Nếu có chồng trước mặt cả đống tiền thì tâm trí vẫn cứ là không tập trung vào, mà cứ nghĩ đến thứ mình cần mà chưa có, đấy thôi. Mình cần là cần sự quan tâm, cần tình yêu thương chân thật cơ. Cái tâm trí mình nó cứ ở đấy, chứ nó không ở chỗ có đống tiền. 

ngày nào cũng có ít nhất một tin nhắn hỏi thăm tình hình, có vui không, có ngủ được không, đừng nghĩ ngợi nữa. Nào mình có nghĩ gì đâu. chẳng nghĩ gì mới lạ chứ. Mình cũng trả lời thật là mình ngủ được nhưng ít, không có gì vui nên không vui và thực sự chẳng có gì để mà nghĩ. tiếc nhất là lúc này không nghĩ ra được điều gì hay ho. 

nhiều lúc thấy chết còn sướng hơn là sống thế này. Chết còn sướng hơn "sống thế này". chứ không phải chết sướng hơn sống. chết thì chẳng biết gì nữa. chẳng còn gì nữa. giờ chỉ nghĩ cho mỗi con gái. thực ra, mình có cái số của mình, con gái có cái số của con gái, tưởng 1 mà là 2. gửi con vào cửa Phật, ăn mày chút bình an, hòa nhã. Rồi số phận thế nào thì sẽ là thế đó. Nếu số phận mình mà đúng như thế này, mà cứ thế này thôi, thì chết còn sướng hơn là sống thật. 

nhưng nếu vẫn phải sống, thì phải nghĩ đấy. nghĩ khác đi. 

sao lại nghĩ người chủ động chia tay là để tìm hạnh phúc mới. sao không nghĩ chia tay để không rối nhằng rối nhợ vào nhau, cho đời sống của tận những hai kẻ ba kẻ chẳng ra gì. sao nhiều người than thở về chồng/vợ rồi kêu không hạnh phúc (kể ra thì không hạnh phúc thật) rồi hỏi thiên hạ tôi phải làm sao đây. rồi nghe thiên hạ xúi chia tay đi cho nhanh, thiếu gì đàn ông/đàn bà tốt (ý là đang nói có anh/có chị/có tớ đây ;-)), sao phải chịu vậy bật dậy phản pháo đi chứ, một vài trường hợp bị ném đá không thương tiếc, đang bầm dập vào tâm sự có khi te tua hơn khi quay ra ... Họ - những người bối rối, Họ - những người ngoài tỉnh táo, chẳng ra sao cả. Rốt cục cái comment tốt nhất, mà chẳng ai nghĩ tới, đó là IM LẶNG. Hầu hết người ta chỉ muốn nói ra cho nhẹ lòng. Họ muốn chửi  con vợ/thằng chồng/bà mẹ chồng/ông bố chồng... mà không dám chửi thẳng (chắc là sợ/nể/sỹ diện), thì họ mang ra chửi chỗ đông người hoặc nơi họ nghĩ không đông người lắm :-))   
Mình không bao giờ coi thường vấn đề của người khác. Biết đâu, vấn đề của bạn đang gặp phải, mình cũng sẽ gặp phải thì sao. Tự hỏi mình câu tương tự và thử tìm câu trả lời. Mình đọc rất nhiều những comment góp ý này kia, tự hỏi comment nào sẽ giúp con người bối rối kia thay đổi được hoàn cảnh? có lẽ còn bi quan hơn, thậm chí thề không bao giờ dám chia sẻ nữa. haizzz

Nhớ lại các cụ có câu "đúng là con mẹ hoẹt". chẳng hiểu "mẹ hoẹt" là con nhà ai, mẹ đứa nào, sao lại có cái thuật ngữ kỳ kỳ này. hỏi ra thì biết sẽ sử dụng thuật ngữ này trong tình huống mà người phụ nữ nào đó cứ mở miệng ra là ta giỏi nhất, đảm nhất, cái thứ gì người ta làm cũng không vừa mắt vừa miệng, chỉ có mình làm là chuẩn không cần chỉnh, chê người là không biết thưởng thức, rồi cứ gặp ai là dạy bảo phải thế này cơ phải thế kia nhé ... cơ quan mình hóa ra đầy "mẹ hoẹt",hi hi. Mình buồn cười thôi. Ít khi thấy bực bội. Nhưng hóa ra, đàn ông cũng lắm lão..."mẹ hoẹt" ra phết. hihi

nghĩ khác đi ! nghĩ làm sao mà lại buồn ủ rũ thế này. nghĩ chẳng có đồng tiền hoặc nếu không có ý tưởng tốt thì không làm được gì giúp người ta này. nghĩ cách để tự mình thoát ra, chờ người đến cứu lâu lắm. nghĩ "sao mà thứ mình thấy bình thường lại trở nên quý giá với người ta đến vậy". nghĩ làm sao có thể trân trọng cuộc sống này hơn chút đi chứ thế này mãi sao. nghĩ, sao báo chí không viết về những người tốt tin tốt nhỉ để con người tin vào những điều tốt đẹp trên đời là còn, còn thật đó, ngày ngày được biết về những người tốt việc tốt, điều đó sẽ gây ra hiệu ứng ấm áp tin yêu giữa người với người, người ta nghe thấy nhìn thấy biết được toàn điều tốt không cớ gì người ta lại nghĩ xấu và làm điều xấu. nghĩ sao để có thể cười từ đáy trái tim mình, khiến tất cả các tế bào trong cơ thể đều rung rinh rung rinh ấy ...

hãy thử đặt mình vào vị trí giữa bức ảnh này, cầm chén cơm chan nước mắm ớt, và cười !

Hãy thử nằm trên nền đường (giả sử của ngày Hà nội cách đây vài hôm 44 độC) như thế này, thử hỏi có say sưa ngắm lồng đèn và cười ? 


Thử hỏi nếu chỉ có một tấm vải che thân, mọi thứ thật sự "trần trụi", không nhà không gia đình không giường chiếu không mái nhà không việc làm không cơm ăn không nước sạch không an toàn không chăm sóc y tế ...... hãy tìm cho tôi nụ cười? 



Tôi luôn ước ao được bé mãi, hoặc lớn rồi mà vẫn có được tình bạn vô ưu như thế này. Để được cười tự đáy trái tim tôi 


Tôi luôn bắt mình phải nghĩ khác đi ... 



Không cần đọc chuyện cổ tích đâu


Gửi tặng chính mình và con gái, 

Bài này đọc trên vnexpress.net chiều nay ở cơ quan, ngồi khóc ngon lành trước mặt mọi người. Đây là một trong những "chiếc phao cứu sinh" quý giá khi tâm trí người ta bất chợt hẫng hụt, giật thót tim và rất dễ chìm nghỉm vì tuyệt vọng giữa những câu chuyện đau lòng về con người giết hại lẫn nhau, làm hại lẫn nhau, tranh giành lẫn nhau ... nhan nhản trong thế giới đảo điên này. 

Đọc câu chuyện mà như trở về một miền xa xăm cổ tích, còn hơn cả cổ tích nữa. thấu hiểu "nhân chi sơ tính bản thiện", khi lòng từ tâm mộc mạc chân thành mong cho người ta hạnh phúc đã được nâng lên thành đạo - đạo làm người. Mỗi ngày sống là mỗi ngày để yêu thương, yêu thương hơn và thực tâm làm những điều cụ thể ý nghĩa thiết thực với thái độ dứt khoát, không lần lữa, không thỏa hiệp, không vương vấn so bì, không tính toán thiệt hơn ... 

"Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Vân, con dâu trung tướng Vương Thừa Vũ thì người mẹ trong bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam "Mẹ chồng tôi" có nét gì đó rất giống với mẹ chồng chị, bà Lê Thị Hợp. Nhưng còn hơn thế, Vân đã được gia đình trung tướng Vương Thừa Vũ coi như là con đẻ, chứ không phải là con dâu.
Kể về thời gian được làm con của mẹ Hợp, làm vợ liệt sĩ Vương Thiết Căng, đôi mắt chị Vân rưng rưng như muốn khóc. Vốn từ nhỏ gia đình Vân và gia đình anh Vương Thiết Căng (người chồng đầu tiên của chị, con trai trung tướng Vương Thừa Vũ) là hàng xóm với nhau ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội).
Vân kém anh Căng 2 tuổi và thường bám đuôi các anh đi chơi. Khi Vân tròn đôi tám, còn anh đang theo học Trường Thiếu sinh quân về thì mối tình nảy nở. "Một buổi tối, chúng tôi đi dạo trên con đường Hoàng Diệu. Đột nhiên, anh Căng dừng lại và quay sang hỏi tôi: "Vân đã để ý đến ai chưa". Tôi chỉ mỉm cười im lặng. Căng khẽ nắm tay tôi, và cả hai dắt nhau đi tiếp nhiều vòng nữa. Vậy là chúng tôi bắt đầu yêu nhau từ lúc đó", chị Vân kể lại.
Bà Lê Thị Hợp và chồng - Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Như bao cuộc tình thời chiến, tình cảm của Vân với anh Căng chủ yếu được bộc lộ qua những lá thư. Thời điểm đó, Vân đang là sinh viên Trường Dược, còn anh học ở trường quân sự xa nhà. Mỗi năm được nghỉ phép một lần, anh về thăm người yêu. Suốt cuộc đời mình, Vân không bao giờ quên kỷ niệm về những lần đón anh ở ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội).
Anh vừa bước xuống sân ga là vội ngóng ra cánh cổng. Khi nhìn thấy chị liền chạy thật nhanh đến bế chị lên và xoay một vòng, đó là điều anh vẫn làm trong suốt quãng thời gian anh chị yêu nhau. Tình yêu đẹp của anh chị đã có một cái kết có hậu bằng đám cưới giản dị vào năm 1969. Chị về làm vợ anh, và trở thành con dâu của gia đình trung tướng Vương Thừa Vũ.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng với bản tính hiền lành, thông minh, chịu khó, chị Vân nhanh chóng hòa nhập vào nếp sống của gia đình chồng. Anh Căng noi gương bố, quyết tâm theo đường binh nghiệp. Khi chị Vân vừa mang thai đứa con đầu lòng thì anh lên đường sang Liên Xô học.
Anh trở về nước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Chẳng hề do dự, anh xung phong vào chiến trường Quảng Trị, khi mà con gái chưa kịp bén hơi bố. Trước lúc đi, có lẽ đã dự cảm về một cuộc chia tay không hẹn ngày về, anh để lại cho chị một chiếc phong bì và nói: "Trong chiếc phong bì này có địa chỉ của Thủy, bạn thân nhất của anh. Trong những lúc anh vắng nhà, Thủy sẽ thay anh chăm sóc mẹ con em".
Khi ấy, chị chẳng bao giờ biết đó là lần cuối cùng chị gặp anh, và cũng không bao giờ biết lời dặn cuối cùng của anh trước lúc đi xa sau này sẽ trở thành định mệnh của đời chị. Chị Vân vẫn còn nhớ một ngày mùa xuân năm 1972, trong khi mà những tin tức về cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị ngày một báo về dồn dập thì cũng là khi chị thấy vẻ mặt của người bố chồng trở nên ưu tư hơn mọi ngày. Và bà Hợp cũng có nhiều biểu hiện khác lạ.
Trong bữa cơm thường nhật, bà Hợp nhiều lúc đang bón cơm cho đứa cháu gái mới lên hai được 1-2 miếng thì lại chạy ra ngoài. Sau này chị Vân mới biết, bà chạy ra ngoài để giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra. Bà Hợp còn ép chị Vân mỗi bữa phải ăn hết bát chè do chính tay bà nấu.
"Tôi không biết bà cụ chăm chút tôi, để tôi lấy sức chuẩn bị đón nhận nỗi đau sắp tới. Bà giấu tôi cho đến khi không thể giấu được nữa. Trước ngày tổ chức lễ truy điệu cho anh Căng ở quê nhà, bà bảo tôi về quê chơi, thăm mẹ đẻ. Thế rồi ngày hôm sau bà xuống tận nhà tôi ở quê. Bà nhìn mẹ tôi, bảo thằng Căng nó cướp công của chị em mình rồi. Rồi bà quay sang ôm lấy tôi và cháu nội cứ thế khóc. Bà nói với tôi đất nước có chiến tranh, gia đình nào cũng phải đóng góp. Đây là phần đóng góp của mẹ và con cho đất nước. Đó là phần mất mát của gia đình ta trong mất mát của cả dân tộc. Nó là chồng con, nhưng cũng là con trai mẹ. Mẹ và con cùng chịu chung nỗi đau này. Con có thể đau đớn, nhưng con phải tự hào vì nó đã hy sinh cuộc đời mình cho tổ quốc", chị Vân kể.
Chị giở lá thư cuối cùng anh viết cho chị từ chiến trường. Anh viết: "Lúc bom đạn, khói lửa khốc liệt nhất, anh chỉ nghĩ đến hình ảnh mẹ con em. Đó là sức mạnh giúp anh tiến lên và chiến đấu, giúp anh không sợ hãi trước bom đạn quân thù. Em hãy yên lòng chờ đợi anh về. Tình yêu của em và con sẽ che chở cho anh trong mưa bom bão đạn. Và em ơi, em hãy đợi. Một tối thứ bảy nào đó, anh sẽ trở về. Anh, em và con, gia đình ta sẽ được đoàn tụ…". Chị đã làm như lời anh dặn. Chị đợi anh mỗi ngày, chờ đợi anh mỗi thứ bảy, từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng tối thứ bảy đó đã không bao giờ đến trong cuộc đời chị.
Ngày anh Căng vào chiến trường, anh để lại cho chị một lá thư ghi địa chỉ của anh Nguyễn Sinh Thủy, người bạn thân thiết của anh. Anh Căng và anh Thủy học với nhau từ Trường Thiếu sinh quân; cùng sang Liên Xô học và cũng cùng trở về Việt Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu. Chị Vân không biết rằng anh cũng tình cờ gặp người bạn thân trên chuyến tàu đó. Trong lúc gặp nhau vội vã đó, anh đã nói: "Khi mình đi vắng, hãy thay mình chăm sóc mẹ con Vân". Lời nhắn nhủ đó không ngờ lại thành sự thật. Nó đã đưa chị và anh Thủy đến với nhau, gắn kết cuộc đời anh chị với nhau.
Sau ngày đất nước giải phóng, chị mới gặp anh Thủy. Biết tin bạn đã hy sinh, giữ đúng lời hứa với bạn, Nguyễn Sinh Thủy thường qua lại nhà thăm hỏi mẹ con chị. Thỉnh thoảng anh đưa chị đi chơi. Ban đầu là tình bạn, sau là một thứ tình cảm đặc biệt hơn thế. Mặc dù đang là giai tân, song anh chẳng nề hà mà vẫn hy vọng một ngày nào đó chị sẽ mở lòng.
Rồi một ngày anh mạnh dạn viết thư ngỏ lời với chị: "Ngày xưa có lần Căng nhờ tôi chuyển quà về cho Vân. Lần đầu gặp Vân, tôi đã xao lòng trước người con gái xinh đẹp, hiền lành, có mái tóc dài chấm gót. Nhưng khi đó, biết Vân là người yêu bạn mình, tôi chỉ biết mỉm cười chúc phúc cho hai bạn. Giờ Căng đã hy sinh, liệu tôi có thể thay Căng chăm sóc Vân, yêu thương con gái của Vân và Căng? Liệu tôi có thể là chỗ dựa cho mẹ con Vân suốt cuộc đời sau này?". Nhận được bức thư đó, chị vô cùng xúc động nhưng cũng chưa dám nhận lời.
Ngoài 30 tuổi, chị Vân vẫn gần như vẹn nguyên những nét đẹp từ thời con gái. Ngôi nhà số 32 phố Hoàng Diệu mà chị đang ở cùng bố mẹ chồng vẫn thỉnh thoảng có nhiều thanh niên, trung niên thập thò tìm cớ gặp chị. Song chị vẫn không mở lòng với bất cứ ai. Khi anh Căng mất, chị đinh ninh nghĩ rằng mình sẽ thờ chồng, nuôi con đến khi nhắm mắt. Sớm mồ côi cha, mẹ chị ở vậy nuôi nấng chăm sóc các con nên người. Vì thế, bà cũng muốn con gái sẽ theo gương mình.
Ảnh kỷ niệm của chị Vân, anh Thủy.
Thế nhưng bà Hợp không nghĩ như vậy. Bà đã có những suy nghĩ thật cởi mở mà hiếm ai nghĩ được, nhất lại là vào thời kỳ bấy giờ. Con trai mất, bao nhiêu yêu thương bà dồn cả lại cho con dâu và cháu nội. Bà coi chị Vân như con đẻ của bà. Ngày chị đi sơ tán, cứ cuối tuần bà lại tất tả đạp xe hàng vài chục cây số đến chỉ để gửi cho chị nào patê, nào quà bánh. Có bao nhiêu tem phiếu, bà đều dành mua đồ ăn, vật dụng sinh hoạt gửi lên cho chị. Và lần nào bà cũng gửi cho chị một lá thư đầy yêu thương.
Bà Hợp hiểu rằng, tình thương của bà dù lớn lao đến mấy cũng không thể đủ bù đắp những thiệt thòi cho chị. Bà thương chị còn trẻ, còn đẹp, còn đang độ xuân sắc mà phải chịu cảnh sống cô đơn, góa bụa. Dù thương con trai đến cháy ruột cháy gan bà vẫn không muốn con dâu mình phải sống góa bụa suốt đời. Bà cũng trao đổi ý định của mình với chồng. Thật bất ngờ, trung tướng Vương Thừa Vũ không hề phản đối mà ủng hộ nhiệt thành.
Rồi một ngày nọ bà Hợp lựa lời nói với chị Vân: "Bố mẹ coi con như con gái. Nhưng bố mẹ sẽ không sống bên con cả đời. Các anh chị em trong nhà có thương con thì chúng nó cũng chỉ dành cho con được những lời an ủi. Sau này bố mẹ mất đi, các anh chị mỗi người mỗi phận, chúng nó sẽ chẳng thể lo lắng cho con. Con phải tìm một người đàn ông tốt, để mẹ con con có thể nương tựa sau này".
Khi biết anh Nguyễn Sinh Thủy, người bạn thân của con trai mình có ý với chị, mẹ chồng chị đã ra sức vun vào cho tình cảm đó. Bà bảo với chị: "Thủy là quân nhân. Nếp sống cũng giống với nếp sống của gia đình mình. Mẹ thấy nó tốt tính, thật thà. Nó sẽ là chỗ dựa cho con".
Bà Hợp cũng biết mẹ đẻ chị Vân không đồng ý để chị đi bước nữa. Đó có lẽ là bức tường rào cuối cùng ngăn cản chị Vân kiếm tìm hạnh phúc. Vậy là bà về tận quê gặp bà thông gia để nói rằng: "Đời chị đã khổ, sao chị nỡ để cho con Vân khổ theo. Nó đi lấy chồng thì bà có thêm con rể, tôi có thêm các cháu. Như vậy thì bà phải tạo điều kiện, sao còn nỡ lòng nào ngăn cản".
Vì lời khuyên của mẹ chồng, vì những cảm tình với anh Thủy cuối cùng chị Vân cũng gật đầu đồng ý làm vợ anh, vào năm 1976. Sau khi lấy nhau, hai anh chị ra ở riêng tại căn nhà nhỏ 9 m2 trong ngõ Linh Quang (Khâm Thiên, Hà Nội) mà chị Vân được cơ quan cấp cho. Anh chị có thêm hai người con gái và một người con trai nữa. Anh Thủy coi con riêng của vợ còn hơn con đẻ của mình.
Trong một thời gian dài, Nga (con của chị Vân và anh Căng) vẫn luôn nghĩ anh Thủy là bố đẻ của mình. Mãi về sau, khi đã đủ nhận thức thì Nga hiểu mình là con của bố Căng. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm của chị với bố Thủy. Ngay cả với các con của anh Thủy thì đơn giản là họ có hai người bố, bố Căng và bố Thủy.
Giờ đây, trung tướng Vương Thừa Vũ, bà Hợp, Nga đều đã mãi ra đi. Song thỉnh thoảng chị Vân cùng anh Thủy vẫn kể cho con cháu nghe về người bà tuyệt vời cùng câu chuyện tình cảm động mà họ là nhân vật chính để mong các con sẽ noi gương mà sống đẹp, sống tốt hơn.
theo An ninh thế giới"

Tìm trong lãng quên lời yêu đã cũ


Không phải đến bây giờ em mới biết em chỉ là nhánh dây leo mỏng manh, quẩn quanh với ước mơ "gia đình yêu thương". Đã lâu lắm rồi. Kỷ niệm ngày xưa đã vụn lắm. Cô gái khoảng chừng 15 tuổi, tóc đen dày tết đuôi sam sau lưng ngồi trên phiến đá sù sì dùng để chặn cổng khu nhà chung chật chội. Lúc nào cũng có vẻ mơ màng. Người xe dạo đó còn rất thưa thớt. Trên đầu là dàn cam thảo nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh non đến ngỡ ngàng. Từ dạo đó, em đã cảm nhận mơ hồ về nỗi nhọc nhằn thân phận, về sự bất hạnh. Cô bé gầy nhẳng trong mắt hàng xóm láng giềng và bè bạn thật chẳng giống ai, cứ hay buồn bã nghĩ suy. Thật ra trong em luôn là nỗi buồn chất chồng lên nỗi buồn, nỗi nhớ chất chồng lên nỗi nhớ và sau một quãng đời còn có cả nỗi đau không nguôi ngoai đi được. Từ dạo đó rồi, bạn bè đã châm chọc nói xiên xẹo tên em rồi gọi "Bất Hạnh ơi" thay vì "Bích Hạnh ơi". Em không hề giận chúng bạn. Em thấy chúng nó đáng yêu, cho đến tận bây giờ. Chỉ là ... chẳng thể thân nhau được. Em đã là thứ gì đó xa lạ, dị hợm lắm so với bạn đồng trang lứa. Vì vậy mà em chẳng thân với ai. 

Tự dưng em nhớ về em một thời áo trắng xưa cũ, vì ước mơ của em vẫn vẹn nguyên. Dòng thư mới viết, chấm hết câu đã thấy cũ. Vậy mà em vẫn dựa vào ước mơ cỏn con bé bỏng kia mà sống được ngần ấy năm. Nói quẩn "nửa đời" đã qua, chẳng ai biết được lúc nào là nửa đời mình? Nên với em, sống trọn vẹn từng phút giây trôi qua thì hơn. Khi còn sống trên đời, trọn vẹn chắt từng chút tình trao cho nhau, để đến khi thân xác này tan thành bụi thì còn ý nghĩa gì nữa. Làm được gì cho nhau, xin hãy làm ngay khi tim còn đập những nhịp yêu thương, đôi bàn tay còn có thể chìa ra cho nhau, và lời nói còn vẹn nguyên tình nghĩa. 

Khi em ngồi viết những dòng này, tình ta đã cũ. Như chưa hề có ngày ta quen biết nhau. Em ngoảnh mặt làm lơ để dòng nước mắt lăn ngược vào tim. Trái tim thắt lại vì nhớ, thương, và chút hờn giận cuối cùng. Rồi lặng phắc. Em không phải là người cao thượng. Bởi em vẫn muốn tới gần và chạm vào cái gọi là Hạnh phúc ấy. "Em luôn cầu mong cho anh hạnh phúc", đó là câu nói anh ghét nhất. Anh bảo "đừng tỏ ra cao thượng". Em hiểu anh định nói đó là thứ cao thượng rởm đời, khi yêu thật lòng thì chẳng ai lại không đòi hỏi, không khát khao kiếm tìm và mong muốn sở hữu. Với em thì đơn giản thôi. Khi người ta hạnh phúc, người ta tốt đẹp hơn, rộng rãi, tử tế với những người khốn khổ thiếu thốn bất hạnh xung quanh. Nhiều người hạnh phúc, họ sẽ đem niềm vui hơi ấm đến với nhiều người khác nữa. Cuộc đời này sẽ bình yên và an hòa tràn khắp nơi. Khi người ta hạnh phúc. Vậy sao em lại không thể "cầu mong cho anh hạnh phúc" cơ chứ. 

Tâm trạng em lúc này chẳng khác mấy với tâm trạng của cô gái trong bài hát này. 



Vài người hiểu em thì bảo họ sợ sự quyết liệt của em, đôi lúc gần như bất chấp mọi thứ ra sao thì ra. Em chạm vào, chân thành tha thiết thể hiện, nhận ra sự thật bằng sự nhạy cảm đến đáng sợ, khóc  đó quay quắt đó, rồi buông bỏ đến tàn nhẫn. Em tin là ngần đó chưa đủ những gì em đã trải nghiệm. Khi em không là người quan trọng trong tim anh, thì những thứ đó cũng vụn vặt mà thôi người nhỉ. 

Sao em chỉ như một nhánh dây leo mỏng manh. Sao em chỉ như cành liễu yếu bên hồ. Sao em chỉ như bông cỏ may. Sao em chỉ là hoa dại không sắc hương. Nhưng hãy hỏi sấm sét mưa giông có dễ khiến em ngã rạp xuống hay chăng. Tương lai mong manh quá. Quả thật thế. Quá khứ mệt mỏi quá. Rảo bước mải miết trong Hiện tại khiến xước xát chẳng kịp vá víu. Đến khi dợm bước đã thấy mình bị thương. Mới thấy đau. Trước vạch Đích, em thấy mình đã làm hết sức mình. Em vẫn thấy bình yên và thanh thản. 

Em đã khóc suốt đêm qua. Em khóc cho kỷ niệm mãi không chịu phai nhòa. Em khóc cho một lời "yêu" bơ vơ. Em khóc cho một cuộc tình không biết đã vỡ tự bao giờ. Em khóc vì em vẫn ở xa tầm với Hạnh phúc. Hạnh phúc giờ chẳng còn lóng lánh nữa. Nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị thực của nó, như vàng mười, như kim cương, như tấm chân tình...

Đặt dấu chấm câu thấy những dòng thư đã cũ. Khi quay lưng lại với nhau, ai biết ai ra sao, đi nhanh hay chậm, hay có khi người ấy vẫn chưa dợm bước đi đâu, vẫn còn ở nơi ấy, chờ đợi ai đó ngoái nhìn. 
có ai đó đã tâm sự thế này mà em thấy rất đúng "từ đâu đó hai nơi xa lạ, họ trở nên gần gũi gắn bó, tưởng như mưa giăng đá lở vẫn chẳng làm họ rời nhau. Ấy vậy rồi khi không còn tình yêu, họ lại trở về với vị trí ban đầu, là hai nơi xa lạ, hai con người xa lạ, và dù có gắng đến đâu thì khoảng cánh dẫu chỉ còn như sợi tóc xem ra vẫn thật khó lấp đầy...". Hai người xa lạ, hai nơi xa lạ, biết nhau rồi thân rồi yêu rồi khăng khít đến hòa làm một. Khi rời nhau ra họ lùi dần lùi dần ra xa đến khi lại trở thành hai người xa lạ, đến đi qua nhau cũng chẳng nhận ra. Hình ảnh ấy hiện lên trong đầu em sao mà lạnh buốt tận tâm can. "người dưng". Phải rồi, "người dưng". Phải chăng, người ta đã gọi "người dưng" bằng những mỹ từ như anh yêu, em yêu, người tình, vợ yêu, chồng quý ... , rồi điểm tô cho "người dưng" những thứ lòe loẹt lộng lẫy. Rồi một ngày lại giật phăng mọi thứ trang sức đã khoác lên đó, xóa bỏ mỹ từ và thay vào đó là những lời lẽ tệ bạc xót xa ... Người dưng vẫn là người dưng đó thôi, người nhỉ.

Vì lẽ ấy mà em rời xa. Hãy để em ra đi. Nhẹ nhàng như ngày em xuất hiện giữa đời anh. Hãy để em được nở một nụ cười như ngày em đến anh nhé. Bỡ ngỡ, dịu dàng, thiết tha. Hãy để em rời xa. Hãy để em thấy anh hạnh phúc. Từ nơi em đứng, em luôn chắp tay nguyện cầu ...











...


cảm nhận thật rõ mình lẻ loi
đó phải chăng là một tình trạng không được vui vẻ cho lắm? không, 50/50 thôi !
bởi giữa đám đông xa lạ luôn thấy mình lẻ loi
trên mạng thì càng có cảm giác đó. vòng vo một hồi qua các blog thì thấy rất rộn ràng, không khí náo nhiệt, những comment sớm sủa và đúng lúc, sự chào đón và tung hô, sự cất giữ và cả sự khoe khoang ... Chẳng nghĩ gì, trống rỗng. Đó không phải nơi dành cho mình. Một kẻ lạc lõng.

"đừng làm gì khác biệt cả" đó là một lời khuyên hữu ích của người bạn ở cơ quan, cũng có thể áp dụng ở đây. Đôi khi, chặn lòng không đặng, cũng gửi lời chia sẻ với ai đó ở đâu đó một điều từ tấm chân tình. Lời "còm" cũng lẻ loi như chính chủ nhân của nó. Không, 50/50 thôi. Cố mà tin rằng một lúc nào đó rảnh rỗi, người ta có thể sẽ nhớ tới nó. Đó không phải là nơi dành cho mình. Một kẻ vô duyên. 

ngoài kia tối đen, trời vừa mưa xuống. trùm chăn lên vai, nghe mưa vội vã xô nhau vào tấm kính cửa sổ như muốn phá vỡ nó. Người ấm dần lên. Nghĩ đến những người mình yêu thương, thấy lòng ấm dần lên. tự dưng, cái sự lẻ loi bị hẩy ra xa. "Nó" đứng đó trân trân, có lẽ đang còn bỡ ngỡ vì sao lại bị tẩy chay thế này. Mình thấy "nó" mà thương, lại kéo vào mình. Để lẻ loi không còn lẻ loi nữa. Đôi khi, "nó" khiến mình thấy lạnh lẽo. Nhưng khi yêu thương dâng lên, ngồi gần bên nhau, để lẻ loi không còn thấy lẻ loi nữa, mình tin hơi ấm vẫn gần đâu đây thôi, với tay là thấy. 

Mấy hôm này muốn ốm quá. Muốn khóc nữa. Nghĩ đến hai thứ đó mà như được tham dự bữa tiệc linh đình vui vẻ huyên náo vậy. Mình đúng là một kẻ dị hợm. Khi ốm và nằm khóc, mình được yên tĩnh. Y như lúc này, xung quanh mình chỉ toàn tiếng mưa thôi. Để thấy mình đang ở trong căn phòng kín, ấm và an toàn quá đi mất. Mỗi lần khóc là thêm một lần tự ném những trái banh vào mình. đã từng tự dằn vặt, ngắt nghéo mình đến héo hon như thế, rồi cũng có lúc tỉnh dậy khi đã tím tái hết cả tinh thần. Phía đó chẳng có ai, ngoài chính mình. Nhìn vào gương không thèm nhận đó là mình nữa. Vậy mà, cứ ném về phía đó những trái banh với những cú ném hết sức bình sinh đầy phẫn nộ. "mày làm sao thế, dở hơi phải không". "mày vô duyên". "mày chẳng làm nên trò trống gì sất". "mày chẳng đáng được yêu thương". ... Ngu xuẩn hết cỡ. Đã từng như vậy. Và hình như bây giờ vẫn còn rất ngốc. 

Nhiều lúc thấy mình lẻ loi. Bởi suy nghĩ của mình lẻ loi. Đừng nghĩ đó là một tình trạng tệ hại nhé. 50/50 thôi. như hôm nay trên đường đi làm về, tự dưng trong đầu xuất hiện một câu trả treo rất kỳ lạ "nhan nhản ra đó phụ nữ đơn thân, ly thân và đã ly hôn. Họ lên mạng chia sẻ, tâm sự, than thở chút xíu, chê trách đàn ông chút xíu thì bị ném đá điên cuồng tàn bạo, kiểu chỉ trích ngược, đã chẳng bớt buồn lại còn đau thêm. Nhưng những tản văn hay tạp văn gì đó của Trang Hạ, Dili ... nói xấu cánh đàn ông trên cơ sở đại diện cho đám đàn bà con gái, thì lại bán chạy. thậm chí đàn ông đọc cũng gật gù. haizzz
Các bạn cũng là phụ nữ như chúng mình cả thôi. Các bạn viết và bán sách cũng để mua mớ rau con cá trả tiền học cho con cái các bạn, như chúng mình đang đi làm công sở mà thôi. Cả đám đàn bà lên tiếng nói về thực tế đời mình (còn hay và ly kỳ hấp dẫn hơn nhiều lần trong trang sách của Trang Hạ), thì lại không bán được, không ai thèm đọc, chẳng ai tung hô, chìm lấp sau mỗi ngày tin mới đè lên tin cũ. Cuộc đời của chúng mình như là những viên cuội thô thiển nằm lăn nằm lóc góc nọ góc kia. Thực ra, những cuốn sách đó cũng chỉ là muỗi mòng đốt vào thân cây mà thôi. Một chút đanh đá, một chút nanh nọc, một chút dữ liệu cuộc sống, thêm chút kỹ năng viết lách, đổ vào và quấy đều tay, sẽ cho ra một thứ thuốc làm dịu cơn đau của đàn bà và mang đến chút men kích thích tiêu hóa cho đàn ông. Đặc biệt, món quà dành cho các bạn là các bạn được nằm ngoài vòng "ném đá" của thiên hạ. Các bạn trở nên miễn nhiễm với cái gọi là thất bại của cái số đông đang thút thít khóc kia. 

Rốt cuộc thì mình cũng đã viết ra được cái thứ xuất hiện trong đầu lúc cuối chiều nay. Nó bé xíu như một mày thóc, lợn cợn mãi không nuốt trôi được. Hóa ra là một cảm giác đanh đá, nanh nọc. Để nước mắt không rơi ra. Mà với mình, đanh đá nanh nọc giống như là tập tọe uống rượu. Chắc chắn sẽ say lăn quay chỉ sau một tợp nhỏ thôi. Hiền quá hóa đần. Híc. Người ta không thích thế. Phụ nữ phải như nước mắm chấm bánh tráng cuốn. Già mặn già ngọt già chua, hơi the the cay, mà phải mát. Híc. Mình quá hiểu lẻ loi là thế nào. Và vì sao mình lẻ loi. Hức. Mình chẳng thấy khóc được mà lại thấy buồn cười đây này. Giống như đi xem "Đời cười" ý, cười ra nước mắt. vậy đó. kỳ ghê

Những lúc vừa khóc vừa cười như thế này, lại nghĩ tới tình yêu - một thứ cũ kỹ như đồng hồ cổ, ấy vậy mà lại luôn muốn mới mẻ và vội vã như là thời gian. Kỳ diệu mà cũng kỳ cục lạ...

cảm nhận thật rõ mình đang lẻ loi ...