Chấm, phẩy.


Đối với nhiều người, cuộc sống là những chuyến đi
Bởi vì không muốn vài lời sau cuối (nếu có) mà (ai đó) sẽ phát biểu tại “dấu chấm hết” đời tôi, cuộc sống là những sai lầm nối tiếp, tôi đang cố nặn óc để tìm cách chuyển hướng cuộc sống, không hẳn là những chuyến đi thì cũng na ná như là đang dịch chuyển. 
Tôi nói với tôi: bỏ việc đi. Tôi nói với mẹ: chán quá thì con bỏ việc. Tôi và đồng nghiệp nói với nhau: bỏ quách đi cho rồi. Level chán đã lên đến đỉnh điểm. Nước đã ngập đến mũi và chỉ trong gang tấc thôi, tôi sẽ chìm lút. 
Nếu đó là một tai nạn thì mọi người sẽ tiếc. Nhưng nếu đó không phải là một tai nạn thì sao nhỉ, mọi người sẽ chê trách. Đằng nào thì cũng thế (dù là tai nạn hay không).
Tôi nhìn xuống bàn tay mình, có vài vết chai mờ mờ sau thời gian chạy xe gắn máy. Những ngón tay mềm oặt và xanh rớt. Nước da thì tai tái vì ngồi phòng máy lạnh thường xuyên. Tôi có thể cầm chổi và xẻng, tôi có thể cầm cuốc và bồ cào, tôi có thể xắn quần tới bẹn lội xuống ao, tôi có thể tát gầu sòng, tôi có thể lội xuống bùn hay đi nhổ cỏ … được không nhỉ ? Trước đây 10 năm, tôi đã từng hỏi mình như thế này. Tôi làm mọi người phì cười. Họ nghĩ tôi “chảnh”, tôi đùa giỡn, nói vui. Thật sự thì … chưa bao giờ tôi thấy vui hay cảm thấy như đang đùa khi tự hỏi mình như vậy. Tôi đã từng phát tờ rơi, từng đi bán hàng thuê ở hội chợ, chở cám con Cò và keo dính chuột đi bán dạo. Vậy tôi có thể cuốc đất trồng rau không ?
Có thể nào tôi đã quen với những bữa cơm không có thịt thì đã có cá ? Tôi lo sợ khi phải ăn cơm trắng muối vừng với nước rau luộc không có gì đánh chua sao? Tôi có chán những con đường ồn ào, bụi trắng và nhốn nháo trợn trạo này không? Tôi có chán cảnh phân hóa giàu nghèo ở thành phố như cảnh vừa cười vừa khóc này không ? Ngày ngày tôi lao như tên bắn trên cung đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Buổi chiều thường phóng nhanh hơn buổi sáng. Chỉ để được nhanh nhanh chóng chóng về lại căn phòng bé xíu, đóng cửa lại và ngồi đối diện với bức tường, u ơ như trẻ lên ba. 
Tự kỷ là ngồi đó, trong thế giới riêng, âm thanh thường nhật biến thành mũi dùi nhọn xuyên qua màng nhĩ, hỏi han thường nhật biến thành ma mị xa lạ tra tấn, ánh sáng thường nhật là mặt trời thiêu đốt giữa trưa hè ... Tôi thích cách người ta mô tả về một đứa trẻ tự kỷ như đang ngồi giữa một quả cầu thủy tinh cực đẹp, cực trong trẻo (rồi chúng sẽ là người lớn tự kỷ - như tôi bây giờ).  Tôi thấy điều đó rất đẹp … theo một cách nào đó … Chẳng phải, một người bình thường cũng có đôi lúc muốn được trốn vào/lạc tới một thế giới thần tiên đó sao?!
Quay lại câu chuyện cuộc sống là những chuyến đi. Đi đâu? Đi bao lâu? Đi như thế nào? Đi bằng cách nào? Chuẩn bị tâm thế ra sao? Một người tự kỷ bước ra khỏi thế giới yên tĩnh của mình, là một cuộc cách mạng, cho dù “cuộc dịch chuyển” đó chỉ đơn giản là vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Trịnh Công Sơn có những ca từ như thế này “bỏ mặc con đường, bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc em về, bỏ mặc người, bỏ mặc tôi ...”. 
Bỏ mặc tất thảy, tôi sẽ gặp lại mình. 

em đi ... bỏ mặc con đường ...

Em đi bỏ mặc con đường ... 

Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi
Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người
Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa
Bỏ mặc tôi là... tôi là ai

Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cô quạnh muôn trùng nhớ thêm

Bỏ mặc đêm dài bỏ mặc tôi
Bỏ mặc gian nan bỏ mặc người
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui 

Bỏ mặc mưa về bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay

Bỏ mặc vui buồn bỏ mặc ai
Bỏ mặc chăn không bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi 




vợ mình là con người ta ...


câu "ranh ngôn" từ miệng mấy gã đàn ông mà ra, đúc kết lại rằng "suy đi suy lại chẳng là con chi". Vợ là người dưng !


Hôm nay, vì đích thị, đã, đang, là "người dưng", nên chẳng cần phải e dè làm gì ... Xả lũ ! Xả lũ ! Xả lũ !


... lời khuyên nhận được từ mạng ảo: mỗi ngày hãy viết vào nhật ký 3 điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Điều đó sẽ khiến cho bạn tránh được đau đầu, đau cổ vai gáy, tạo động lực làm việc, tránh được căng thẳng ...bla...bla...bla. Tinh thần đang rơi vào trạng thái trầm cảm hay là gì. Chỉ biết là mọi thứ đều nhạt nhẽo, chúng không khiến tôi hoảng sợ tránh xa nhưng cũng không kéo tôi lại gần. Tôi bói đâu ra 1 niềm vui mỗi ngày, huống chi là 3 niềm vui? Thay vì cố nặn ra 3 lý do để vui, tôi tìm đến 3 kênh thông tin uy tín để tìm việc mỗi ngày, thống kê ra những điểm còn yếu và thiếu của bản thân liên quan tới công việc để tìm cách cải thiện. May mà còn có công việc. 

Hôm nay, Em nhận quyết định ly hôn. Buổi cuối cùng Tòa gọi hòa giải và hẹn ngày đến nhận quyết định, em nhắn tin “chị ơi, em muốn khóc 1 trận thật thỏa thuê”. Đi cùng em từ những buồn phiền manh nha không hề nghĩ sẽ bỏ nhau, đến hôm nay, hình như kéo dài khoảng 1 năm, trong tôi như cũng vỡ òa một cảm xúc khó tả. Chắc hẳn, ai cũng như tôi và em, khi bước chân ra khỏi cánh cửa nặng nề của Tòa án, cất gọn tờ giấy in Quyết định ly hôn vào túi xách, chạy xe thật chậm, tự dưng muốn loanh quanh câu giờ, không muốn về nhà, không muốn gặp ai, chính xác là không muốn dừng lại, không muốn ai hỏi gì, không muốn trả lời ai, thấy mọi người bỗng dưng xa lạ ráo hoảnh, vì mình … muốn khóc quá đi mất, mà không biết ngồi đâu, giấu mình vào đâu để mà khóc bây giờ … 
Em thật may mắn vì có thể ngồi ngay ở bàn làm việc mà khóc. Sếp là nam giới, vốn được chúng tôi coi là người anh cả trong gia đình, thật ra đã biết mọi chuyện, anh buồn chuyện của chúng tôi rất nhiều, Sếp chẳng trách giận mỗi khi chúng tôi than thở chán rồi động viên nhau bằng những điều đôi khi rất chi là vớ vẩn. 
Chắc Sếp quá hiểu là nếu đuổi nó chạy đi đâu đó để khóc, có khi còn hại nó hơn. Mình nhắn “xin Sếp về sớm rồi lên 1 ngôi chùa nào đó mà ngồi, xả stress tốt lắm đấy”. Em nhắn lại “vâng, em đi lên Đền Ngọc Sơn xem họ có cho vào không, lâu lắm rồi em không vào đấy”. Thật ra chỗ đó đông như kiến suốt ngày, không ai có thể tĩnh tâm nổi, nhưng em còn nghĩ ra một nơi để mà tìm đến, thế là tốt rồi.

Tôi lặng đi một lúc lâu. Tự dưng hụt hẫng. Thôi thế là xong. Chẳng lẽ lại chọn ngày hôm nay để “tổng sỉ vả” tụi đàn ông đạo đức giả và xấu xa một trận cho bõ tức. Bởi quá chừng là vật vã, Em mới rũ được gã đàn ông, chẳng biết gọi là cái thứ gì, ra khỏi đời mình. Tôi gọi hắn là “kẻ bệnh hoạn”. Mẹ hắn thì chắc vẫn gọi hắn là “con yêu quý hóa của mẹ”. Bố hắn chắc gọi thầm hắn là “thằng trời đánh” (gọi thầm thôi vì nếu ông ta dám nói thế với bà vợ thì chính ông sẽ bị bà ta đánh). Tôi thấy mình có phần may mắn vì không bị ám ảnh bởi những vụ giằng co tranh giành như em. Mọi thứ cứ diễn ra đúng thủ tục, chẳng mất tiền, chẳng mất thêm thời gian. Nhưng để có một quyết định mà mọi người nhìn thấy, trước đó là cả quá trình trăn trở. Em đã vượt qua rồi. Tôi cũng xếp vụ-của-em vào ngăn kéo. Cầu mong thằng dở hơi kia đừng tìm đến hành hạ em và con bé nữa. Em thì cầu mong “hắn gặp được ai đó sơm sớm đi để rồi buông tha cho em”. Tôi bảo "em đừng mong vậy. Lại có thêm người nữa phải khổ". Hắn đã trải qua 1 cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên (xinh đẹp, giỏi giang, có học thức), người đã phải chạy xa khỏi đất nước này ngay sau khi ly hôn với hắn, khi hai người chưa có con và cuộc hôn nhân cũng chẳng kéo dài, đã để lại trong tôi nhiều câu hỏi. Rồi khi gặp em, hắn bày tỏ sự tha thiết muốn xây dựng gia đình ngay và luôn, tôi lại thêm nhiều câu hỏi. Tán thì ít mà tỉnh thì nhiều. Yêu đương gì mà tính toán từng bữa ăn từng bữa uống, đếm tin nhắn, đặt giới hạn giờ chat (đúng 8h ngày nào cũng như ngày nấy "thôi, chúng ta dừng ở đây nhé"). Tôi gần như lăn xả vào can ngăn em hãy bình tĩnh đã nhé, hãy dò xét thêm đi nhé, hãy cố dò hỏi về lý do ly hôn đã nhé … nghi lắm!
Đôi khi ghét linh cảm trong con người mình…cứ nằng nặng, ám ảnh.
Và rồi mọi việc xảy ra, đúng như tôi dự đoán. Hắn độc đoán, hơi hoang tưởng về năng lực của bản thân nên đứng núi này trông núi nọ, chẳng làm việc gì cho yên ổn, thích làm chủ không thích làm tớ. Hắn là một ví dụ điển hình của thằng con trai lớn lên dưới váy của bà mẹ luôn coi con mình là nhất. Một thằng đàn ông không điều khiển được cảm xúc, đánh vợ không tiếc tay, nhiếc nhà vợ như họ là hàng cháu chắt của hắn.
Haizzz, bệnh. Bệnh nặng.
Các gã phần lớn đều bày tỏ sự tha thiết muốn được tự nuôi con. Nhưng nuôi như thế nào và đến bao giờ thì đa phần đều ngắc ngứ hoặc huyên thuyên. Sỹ diện nhưng đầy hoang mang. Bọn chúng cố dành giật đứa trẻ từ tay phía bên kia, như thể đó là một món đồ trong danh sách tài sản đang cần chia chác. Cố nhiên, chuyện đó chỉ xảy ra trong thời gian Tòa đang xử thôi. Còn sau khi đã có Quyết định trong tay rồi thì a lê hấp, mất hút con mẹ hàng lươn, đến 1 xu còn không thấy gửi chứ đừng nói đến con số mà hắn ta cứ nằng nặc bắt thư ký Tòa phải đưa vào Quyết định ở mục hỗ trợ nuôi con (dù phía nguyên đơn không đòi hỏi gì). Lúc nào có bồ mới, hắn sẽ lại mon men tìm về “mượn” con để “mị” bồ mới (đặc biệt là các cô gái trẻ). 
Thấy cần phải có một chữ “Tởm” để ở đây !

Đạo đức giả xem chừng còn đáng ghê hơn là kẻ sống hớt ngọn, ranh ma lừa lọc có nghề. Phần đa, thiên hạ bĩu môi: ai bảo không biết giữ chồng ...! Ừ, tôi kém! Vì đã từng khóc bởi sốc, nên giờ khuyên Em ngay và luôn bỏ qua cái "đận" này, bỏ qua những gì thiên hạ nghĩ và nói và thể hiện (ai thích xin cứ nhảy vào, mình buông, chạy thật nhanh và thật xa để giữ mạng mình để mà nuôi con, Em ạ). Ừ, tôi sai lầm đấy ! Và ... không muốn tiếp tục sai lầm nữa !

... Cái thói đời này, ghét ghê, đang muốn khóc thật to, đang muốn kêu lên thật to, muốn chửi cho bõ tức ... ấy vậy mà bây giờ buông thõng hai tay ngồi thừ cái mặt ra ... có thể đã quá mệt vì những thứ mục sở thị. Nhào trộn cay đắng, xót xa, tủi thân, bực tức, ê chề, ân hận, khinh bỉ, hụt hẫng, chông chênh ... kéo tay nhau chạy thục mạng, nhanh chóng ra khỏi hố sâu thăm thẳm trước đó chất chứa bao hy vọng hạnh phúc ấm êm gia đình. Tôi mệt. Mệt nhoài. 

Mọi thứ thật rõ ràng làm sao. Khi chúng ta là người dưng. 

Nhân tiện đây, trưa nay mấy người phụ nữ đang bầu ngồi thì thào với nhau "báo đăng Việt nam hiện dư đến hơn 4 triệu bé trai, con mình sau này sợ ế mất". Tôi thì sợ một nguy cơ khác. Tôi thầm nghĩ: các mẹ chẳng lo cho con đâu, các mẹ lo cho thân các mẹ đó thôi, lo đẻ được con trai để yên tâm lớn với chồng với gia đình chồng đó thôi. Các mẹ chả vui ra mặt khi bác sỹ siêu âm điềm nhiên thông báo "giống bố nhé" đấy thôi. Rồi ra, chẳng thiếu những đứa trẻ trai trở nên quý giá vì độc nhất, như là tài sản đảm bảo của mẹ chúng vậy. Có bao nhiêu đứa con trai quý hóa đó, sau này lại ca vè "vợ mình là con người ta ..."

Mọi thứ thật rõ ràng làm sao. Khi chúng ta cứ là người dưng. 





Chỉ có thể là rất buồn ...

Chỉ muốn tìm về một nơi lặng yên ... như thế này ... nhìn ngắm mọi thứ đẹp đẽ bình yên trước mắt ... rồi nằm xuống ... và tan vào đất ...
Tưởng đơn giản vậy ... mà không dễ dàng đâu ... trần trụi đến với thế giới này ... thì cũng trần trụi ra đi ...
Không phải vội ... Mà là quá vội ...
Ai mà chẳng đang đi đến nghĩa trang ! yeah ...



Miên ...


Trung tâm chiếu phim quốc gia. Suất chiếu rất cắc cớ. 13h. Ninja Rùa. Con gái vào rạp thưởng thức một mình. 
Mẹ của con gái ngồi ở sảnh chờ.
Người ta chạy trailer trên màn hình rộng to oạch bằng nguyên mảng tường. Âm thanh ép phê. Hình ảnh của Step Up quyến rũ tê người, chỉ muốn đứng lên hòa mình vào các điệu nhảy hiphop khoáng đạt. Mẹ của con gái sở hữu gần 2 tiếng đồng hồ để thỏa sức mà nhìn. Nếu dùng từ "ngắm" thì không chính xác. Ở sảnh chờ của một rạp chiếu phim có gì nhiều để mà ngắm chứ. Cảm xúc mono. Người ta đến đây để xem phim. Còn gì khác nữa chứ. Trong phòng chiếu tối om, trên màn hình có thể là đấm đá máu me ứ hự hoặc tình cảm sướt mướt hít hà ma quỷ hiện hình hài hước vật vã cười. Thật kỳ lạ mong muốn được "diễn" trong mỗi con người. Muốn được trở thành một diễn viên có sức hút ma thuật. Có người "diễn" còn điệu nghệ hơn diễn viên nhiều nhưng họ không bao giờ nhìn nhận điều đó. Đâu cần phải là một diễn viên chứ, ngoài đời đầy diễn viên giỏi đấy thôi, vì đời sống là một sân khấu lớn. 
Dưới ghế khán giả luôn bonus thêm thắt những pha diễn còn táo bạo hơn cả trên phim. Vì thế mà mẹ của con gái cho rằng việc trói mình trên một cái ghế chật chội trong căn phòng điều hòa kín bưng hơn trăm người cùng hít thở hơn tiếng đồng hồ không sướng bằng ngồi ở sảnh chờ ... Vì sao ... 
Ánh sáng. Tiếng động. Những khuôn mặt biểu cảm. Những đôi yêu nhau (ghét nhau chắc không dẫn nhau vào đây). Những gia đình viên mãn. Với giá vé chát xít như ở đây, đương nhiên, là những người (đang) rủng rỉnh tiền. Một không khí đậm chất sân khấu kịch cọt phim trường. Mẹ của con gái có thể chơi trò đạo diễn. Bốc một khuôn mặt này để cạnh một khuôn mặt khác. Nhăn mặt hoặc phì cười. Đoán định những cảm xúc đang có giữa 2 người trong một khuôn hình. Dừng hình ở đâu đó và tự biên kịch một câu chuyện. 
Hiếm có ai đến đây một mình. Mẹ của con gái chắc đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ngồi giữa đám đông và viết. Chốn xôn xao nhất, có thể lại là chốn an toàn và yên tĩnh nhất. Mình có lắng nghe hay không mới là quan trọng. Mình có cho mọi thứ vào đầu mình không mới là quan trọng. Tiếng ồn đó, cũng có thể chỉ là tiếng muỗi vo ve vật vã đói đang khi trưa hè trong một ngôi nhà hoang vắng giữa đồng trơ gốc rạ ...
Hiếm có ai đến đây chỉ để ngồi một mình. Cho mọi người thấy mình một mình, hình như rất khó khăn. 
Nào thì đôi lớn đôi bé. Nào đôi nam, đôi nữ. Và đôi nam nữ. Mẹ của con gái giật mình nhiều lần khi không biết liệt kê một đôi nào đó vào nhóm đôi nam nữ hay đôi nữ. 
Bần thần nghĩ, khi trẻ con khoảng 3 tuổi đã biết phân biệt giới tính rồi, cho đến khoảng 10 tuổi. Nằng nặc khẳng định mình "con là con trai" bất kỳ lúc nào suýt bị nhầm lẫn (cố tình hay vô ý). Có đứa dũng cảm còn vạch ra cho mọi người thấy cái ấy nó lồ lộ ra thế mà bảo là con gái à. Bố mẹ chúng cũng nằng nặc lựa chọn cho con trai mình những thứ đậm đặc màu sắc con trai, đậm đặc nghịch ngợm mạnh mẽ thông minh nhanh nhẹn đúng chất con trai. Đứa trẻ con đó thường nhìn ra rõ nhất nó là con trai ở giai đoạn này. Còn khi cái giọng ồ ồ, dáng đi ngồ ngộ, râu ria ở vài nơi lố nhố, thì tự dưng lại bâng khuâng chới với "chẳng biết mình là trai hay gái?!". Bố mẹ chúng cũng tự dưng loay hoay muốn tìm lại vị bác sỹ ngày xưa siêu âm hoặc đỡ đẻ, lo lo lắng lắng, chả biết có phải cái đứa lưỡng lự nửa muốn lớn nửa muốn bé kia, có phải là do chính chúng mình sinh ra hay không nhỉ. Một người trưởng thành thành ra thế, là do nhiều phần đời này sinh ra mà thế. 
Cái thời nay, đến là nhiều thứ lạ. Con trai mới lớn, choai choai chớm hư hỏng chơi bời, cứ nhất quyết thích mềm mại mơn mởn như con gái. Hai đứa (rõ là yêu nhau rồi) đi bên nhau mà không biết đứa nào là trai đứa nào là gái. Chúng không có các biểu hiện giống như một số đôi lớn tuổi hơn kia. Người nữ đi trước, 1 bàn tay người đàn ông luôn thường trực ở sau lưng người nữ ở phần thắt lưng, họ nói chuyện nhỏ nhẹ, đôi khi người đàn ông phải cúi người xuống nghiêng tai để nghe người nữ thì thầm. Họ nhìn nhau và cười, nụ cười tròn đầy, ánh mắt tròn đầy. Họ đang thảnh thơi, họ đang thư giãn, họ biết mình đang làm gì, đang cần gì. 
Nhìn họ, mẹ của con gái muốn YÊU. 
(viết không bậy, nhưng có ối người nghĩ bậy cho mà xem :-)) 
Cứ muốn. Sao chứ. Đã lâu lắm không nhận được một lời mời xem phim. Đã lâu lắm không có ai đủ tin cậy để rủ đi xem phim. Đã lâu lắm không gặp được một ai thú vị để được ngạc nhiên, để được giật mình, để được thấy trái tim reo vui khe khẽ. Mẹ của con gái đang ngồi giữa sảnh chờ của một rạp chiếu phim rộng lớn. Khung cảnh thật đẹp. Mắt dừng ở đâu cũng là khuôn hình đẹp. Sao phải dừng ước mơ. Vì ước mơ chỉ là mơ ước thôi mà. Mỉa mai thật đấy. Mà đâu có sai. 
Đắn đo với chữ YÊU. Chẳng biết để nó ở đâu bây giờ. Không nỡ thấy nó bơ vơ, ngoài nắng mưa, rồi sớm bạc phếch bạc phơ. Không thể cưu mang nó trong trái tim vì trái tim này đang chật chội bởi cơm áo gạo tiền chằng chịt vá víu tạm bợ đầy vết rách. Muốn YÊU phải tàm tạm đủ đầy, tàm tạm vui vẻ, tàm tạm nhàn nhã, tàm tạm quá khứ tàm tạm tương lai, tàm tạm lo âu ... Muốn YÊU phải được đặt để ở nơi nào cao ráo một chút, để ngước nhìn, để nhón chân với tay, để nhìn lên phía ấy những ngôi sao, để ước ao ... 

Thôi, lãng mạn, dừng hình đi ! :-P 
Ngoài kia trời đang mưa ...