"Xuyên Mỹ" cùng với Phan Việt,


 Theo như lời giới thiệu của một bạn trong topic, lần gần đây nhất đi mua sách, tôi đã chọn cuốn “Xuyên Mỹ” của Phan Việt. Tôi không rõ vì sao nữa, nhưng trước đây tôi vốn không thích những cây bút nữ đã từng hay hiện vẫn còn đang du học hoặc sinh sống ở nước ngoài, có thể vì cách họ mô tả quá dày về những chuyến đi đến những nước quá xa xôi với nền văn hóa xa lạ, giọng văn có phần kẻ cả và Tây hóa … Phải chăng vì tôi giữ suy nghĩ bảo thủ Á Đông? Cũng có thể lắm. Nhưng biết sao được.

Vì thời gian này không khỏe, nhìn vào màn hình máy tính và sách truyện lâu là nhức đầu nên mới đọc được một phần ba cuốn sách thôi, dễ đến dịp nghỉ Tết tôi mới hoàn tất và hy vọng thêm một lần nữa có điều gì đó khác để viết về Xuyên Mỹ. Nếu chỉ nói một câu đơn giản là “Tôi cũng nghĩ y như những gì Phan Việt viết trong Xuyên Mỹ đấy” thì không phải là cách chia sẻ đúng đắn, vì thế nên tôi xin chia sẻ vài cảm nhận về “Xuyên Mỹ” để các bạn chưa đọc cuốn này có chút xíu hình dung.

… Cuộc sống của tôi không có gì thay đổi vì tôi (cũng như Phan Việt) đã trải qua giai đoạn ly hôn được 1 khúc thời gian rồi. Tư duy của tôi cũng không có nhiều thay đổi vì tôi nhận thấy tôi (cũng như Phan Việt) có cách tiếp cận vấn đề khá giống nhau.
… Nhưng trước hết, theo tôi, cuốn sách cực kỳ hữu ích cho những ai đang ở giai đoạn chớm bị nghĩ đến việc ly hôn (dù vì bất kỳ lý do gì). Bạn là phụ nữ hay đàn ông thì cuốn sách cũng phù hợp dù Phan Việt là cây bút nữ và sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” để kể về cuộc hôn nhân của mình. Các bạn sẽ được nhìn thấy cả quá trình (của việc ly hôn cũng như suy nghĩ của người phụ nữ trong cuộc ly hôn ấy). Và cuốn sách sẽ ở bên các bạn trên từng nấc thang tiến-hay-lùi trong quá trình dài dằng dặc, mệt mỏi, đầy tâm trạng ấy. Cho dù xuất phát từ đâu, phông văn hóa nào, học vấn ra sao … thì những cảm xúc và tâm trạng mà cuốn sách đề cập đến, bất kỳ ai trong chúng ta cũng gặp phải. Hành xử ra sao khi va vào những tình cảnh và cảm xúc ấy? bạn sẽ tìm được đâu đó – ít nhiều trong cuốn sách này. Hơn một câu chuyện kể, “Xuyên Mỹ” là một phần trong luận văn ngành xã hội học của Phan Việt. Tôi tin như thế.
… Sau nữa, trong “Xuyên Mỹ” không chỉ có Phan Việt, mà có bạn, có tôi, có chúng ta, những người đang loay hoay nghĩ hoặc đã bước qua ngưỡng “bước chân đi cấm kỳ trở lại trong hôn nhân”- LY HÔN.
… Có khi nào bạn lại nghĩ: đang cân nhắc mới quan trọng mới vật vã mới điên đảo chứ, sau khi xong chuyện rồi thì còn gì mà nói nữa? Vậy sao? Vậy sao tôi thấy … nhiều giọt nước mắt còn rơi, nhiều đêm trắng, nhiều buồn tủi và nhiều cái nhìn ngoái lại … đến thế? Nếu cuộc sống đơn giản chỉ như là tìm vần cho điệu ví dụ “nghĩ đơn giản cho đời thanh thản” thì … có đơn giản quá chăng, thì … sách truyện chắc không bán được, nhạc tình không có chỗ đứng và người ta không tìm đến các mạng xã hội như là một cách để giải tỏa … Phiếm đàm, phiếm đàm!
… Tôi đã được đi du lịch “ké” khi đọc “Xuyên Mỹ”, hy vọng các bạn cũng sẽ thấy thú vị. Tôi cảm nhận được sự bối rối trong lòng người giữa thời tiết giá lạnh nơi xứ xa. Và dần dần những búi rối ấy được gỡ bỏ. Bạn sẽ cảm nhận rõ sự cô độc, sợ hãi, luống cuống và cũng cảm nhận được tình bè bạn, lối suy nghĩ văn minh, cách ứng xử đúng mực, của hai người đã từng có chung một cuộc hôn nhân.
… Đọc “Xuyên Mỹ”, chắc chắn các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, đôi lúc bạn có cảm giác như ai đó đang vực bạn dậy, tâm trạng bạn khá phấn chấn, bạn nghĩ “mình đã làm đúng, mình nghĩ đúng rồi và mình sẽ mạnh mẽ”.
Đọc thử nhé: “Ở ngoài kia, có bao nhiêu phụ nữ dù ở lại nhưng thực chất đã đi khỏi hôn nhân của mình mà người chồng không hề biết, những đứa con không hề biết? Có bao nhiêu người đã ra đi, chỉ còn là khách trọ, người làm công, người mua vui, cái bóng trong cuộc hôn nhân mà gia đình họ không biết; thậm chí có lẽ chính những người phụ nữ cũng không biết? Có bao nhiêu phụ nữ thường trực trong cảm giác quá ấm để ra đi nhưng quá lạnh để ở lại và cứ chấp nhận tình trạng co ro trong hôn nhân như thế suốt đời?”
… Như một người vừa ốm dậy (một trận ốm không hề nhỏ), thức dậy qua một đêm dài thiếp đi sau cơn khóc lặng, ngồi thẳng dậy vuốt tóc mai qua vành tai, khoanh chân hít thật sâu, chầm chậm thở, nhìn vào mình trong gương … xanh xao, yếu đuối, trắng tay, mất mát, đau, hận … nhưng ánh mắt bạn nói với bạn rằng: mình mạnh mẽ, mình sẽ đứng dậy và hôm nay là một ngày khác! …
… Tôi không thể trả lời chính xác một cuốn sách hay có thể làm được gì cho tôi, cho bạn? Chính xác thì một cuốn sách hay có thể thay đổi được điều gì ? Nhưng, trước hết hãy cứ cảm nhận cảm xúc tích cực mà một cuốn sách hay, ý nghĩa, nhân văn, mang đến cho mình trong phút giây hiện tại …
Tôi xin gút lại những dòng giới thiệu về “Xuyên Việt” bằng một món quà nhỏ xíu, chỉ là một lời hát thôi, nhưng chúng đã giúp tôi khá nhiều. “you're so beautiful no matter what they say, words can't break you down” …

Chấm, phẩy.


Đối với nhiều người, cuộc sống là những chuyến đi
Bởi vì không muốn vài lời sau cuối (nếu có) mà (ai đó) sẽ phát biểu tại “dấu chấm hết” đời tôi, cuộc sống là những sai lầm nối tiếp, tôi đang cố nặn óc để tìm cách chuyển hướng cuộc sống, không hẳn là những chuyến đi thì cũng na ná như là đang dịch chuyển. 
Tôi nói với tôi: bỏ việc đi. Tôi nói với mẹ: chán quá thì con bỏ việc. Tôi và đồng nghiệp nói với nhau: bỏ quách đi cho rồi. Level chán đã lên đến đỉnh điểm. Nước đã ngập đến mũi và chỉ trong gang tấc thôi, tôi sẽ chìm lút. 
Nếu đó là một tai nạn thì mọi người sẽ tiếc. Nhưng nếu đó không phải là một tai nạn thì sao nhỉ, mọi người sẽ chê trách. Đằng nào thì cũng thế (dù là tai nạn hay không).
Tôi nhìn xuống bàn tay mình, có vài vết chai mờ mờ sau thời gian chạy xe gắn máy. Những ngón tay mềm oặt và xanh rớt. Nước da thì tai tái vì ngồi phòng máy lạnh thường xuyên. Tôi có thể cầm chổi và xẻng, tôi có thể cầm cuốc và bồ cào, tôi có thể xắn quần tới bẹn lội xuống ao, tôi có thể tát gầu sòng, tôi có thể lội xuống bùn hay đi nhổ cỏ … được không nhỉ ? Trước đây 10 năm, tôi đã từng hỏi mình như thế này. Tôi làm mọi người phì cười. Họ nghĩ tôi “chảnh”, tôi đùa giỡn, nói vui. Thật sự thì … chưa bao giờ tôi thấy vui hay cảm thấy như đang đùa khi tự hỏi mình như vậy. Tôi đã từng phát tờ rơi, từng đi bán hàng thuê ở hội chợ, chở cám con Cò và keo dính chuột đi bán dạo. Vậy tôi có thể cuốc đất trồng rau không ?
Có thể nào tôi đã quen với những bữa cơm không có thịt thì đã có cá ? Tôi lo sợ khi phải ăn cơm trắng muối vừng với nước rau luộc không có gì đánh chua sao? Tôi có chán những con đường ồn ào, bụi trắng và nhốn nháo trợn trạo này không? Tôi có chán cảnh phân hóa giàu nghèo ở thành phố như cảnh vừa cười vừa khóc này không ? Ngày ngày tôi lao như tên bắn trên cung đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Buổi chiều thường phóng nhanh hơn buổi sáng. Chỉ để được nhanh nhanh chóng chóng về lại căn phòng bé xíu, đóng cửa lại và ngồi đối diện với bức tường, u ơ như trẻ lên ba. 
Tự kỷ là ngồi đó, trong thế giới riêng, âm thanh thường nhật biến thành mũi dùi nhọn xuyên qua màng nhĩ, hỏi han thường nhật biến thành ma mị xa lạ tra tấn, ánh sáng thường nhật là mặt trời thiêu đốt giữa trưa hè ... Tôi thích cách người ta mô tả về một đứa trẻ tự kỷ như đang ngồi giữa một quả cầu thủy tinh cực đẹp, cực trong trẻo (rồi chúng sẽ là người lớn tự kỷ - như tôi bây giờ).  Tôi thấy điều đó rất đẹp … theo một cách nào đó … Chẳng phải, một người bình thường cũng có đôi lúc muốn được trốn vào/lạc tới một thế giới thần tiên đó sao?!
Quay lại câu chuyện cuộc sống là những chuyến đi. Đi đâu? Đi bao lâu? Đi như thế nào? Đi bằng cách nào? Chuẩn bị tâm thế ra sao? Một người tự kỷ bước ra khỏi thế giới yên tĩnh của mình, là một cuộc cách mạng, cho dù “cuộc dịch chuyển” đó chỉ đơn giản là vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Trịnh Công Sơn có những ca từ như thế này “bỏ mặc con đường, bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc em về, bỏ mặc người, bỏ mặc tôi ...”. 
Bỏ mặc tất thảy, tôi sẽ gặp lại mình. 

em đi ... bỏ mặc con đường ...

Em đi bỏ mặc con đường ... 

Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi
Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người
Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa
Bỏ mặc tôi là... tôi là ai

Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cô quạnh muôn trùng nhớ thêm

Bỏ mặc đêm dài bỏ mặc tôi
Bỏ mặc gian nan bỏ mặc người
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui 

Bỏ mặc mưa về bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay

Bỏ mặc vui buồn bỏ mặc ai
Bỏ mặc chăn không bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi 




vợ mình là con người ta ...


câu "ranh ngôn" từ miệng mấy gã đàn ông mà ra, đúc kết lại rằng "suy đi suy lại chẳng là con chi". Vợ là người dưng !


Hôm nay, vì đích thị, đã, đang, là "người dưng", nên chẳng cần phải e dè làm gì ... Xả lũ ! Xả lũ ! Xả lũ !


... lời khuyên nhận được từ mạng ảo: mỗi ngày hãy viết vào nhật ký 3 điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Điều đó sẽ khiến cho bạn tránh được đau đầu, đau cổ vai gáy, tạo động lực làm việc, tránh được căng thẳng ...bla...bla...bla. Tinh thần đang rơi vào trạng thái trầm cảm hay là gì. Chỉ biết là mọi thứ đều nhạt nhẽo, chúng không khiến tôi hoảng sợ tránh xa nhưng cũng không kéo tôi lại gần. Tôi bói đâu ra 1 niềm vui mỗi ngày, huống chi là 3 niềm vui? Thay vì cố nặn ra 3 lý do để vui, tôi tìm đến 3 kênh thông tin uy tín để tìm việc mỗi ngày, thống kê ra những điểm còn yếu và thiếu của bản thân liên quan tới công việc để tìm cách cải thiện. May mà còn có công việc. 

Hôm nay, Em nhận quyết định ly hôn. Buổi cuối cùng Tòa gọi hòa giải và hẹn ngày đến nhận quyết định, em nhắn tin “chị ơi, em muốn khóc 1 trận thật thỏa thuê”. Đi cùng em từ những buồn phiền manh nha không hề nghĩ sẽ bỏ nhau, đến hôm nay, hình như kéo dài khoảng 1 năm, trong tôi như cũng vỡ òa một cảm xúc khó tả. Chắc hẳn, ai cũng như tôi và em, khi bước chân ra khỏi cánh cửa nặng nề của Tòa án, cất gọn tờ giấy in Quyết định ly hôn vào túi xách, chạy xe thật chậm, tự dưng muốn loanh quanh câu giờ, không muốn về nhà, không muốn gặp ai, chính xác là không muốn dừng lại, không muốn ai hỏi gì, không muốn trả lời ai, thấy mọi người bỗng dưng xa lạ ráo hoảnh, vì mình … muốn khóc quá đi mất, mà không biết ngồi đâu, giấu mình vào đâu để mà khóc bây giờ … 
Em thật may mắn vì có thể ngồi ngay ở bàn làm việc mà khóc. Sếp là nam giới, vốn được chúng tôi coi là người anh cả trong gia đình, thật ra đã biết mọi chuyện, anh buồn chuyện của chúng tôi rất nhiều, Sếp chẳng trách giận mỗi khi chúng tôi than thở chán rồi động viên nhau bằng những điều đôi khi rất chi là vớ vẩn. 
Chắc Sếp quá hiểu là nếu đuổi nó chạy đi đâu đó để khóc, có khi còn hại nó hơn. Mình nhắn “xin Sếp về sớm rồi lên 1 ngôi chùa nào đó mà ngồi, xả stress tốt lắm đấy”. Em nhắn lại “vâng, em đi lên Đền Ngọc Sơn xem họ có cho vào không, lâu lắm rồi em không vào đấy”. Thật ra chỗ đó đông như kiến suốt ngày, không ai có thể tĩnh tâm nổi, nhưng em còn nghĩ ra một nơi để mà tìm đến, thế là tốt rồi.

Tôi lặng đi một lúc lâu. Tự dưng hụt hẫng. Thôi thế là xong. Chẳng lẽ lại chọn ngày hôm nay để “tổng sỉ vả” tụi đàn ông đạo đức giả và xấu xa một trận cho bõ tức. Bởi quá chừng là vật vã, Em mới rũ được gã đàn ông, chẳng biết gọi là cái thứ gì, ra khỏi đời mình. Tôi gọi hắn là “kẻ bệnh hoạn”. Mẹ hắn thì chắc vẫn gọi hắn là “con yêu quý hóa của mẹ”. Bố hắn chắc gọi thầm hắn là “thằng trời đánh” (gọi thầm thôi vì nếu ông ta dám nói thế với bà vợ thì chính ông sẽ bị bà ta đánh). Tôi thấy mình có phần may mắn vì không bị ám ảnh bởi những vụ giằng co tranh giành như em. Mọi thứ cứ diễn ra đúng thủ tục, chẳng mất tiền, chẳng mất thêm thời gian. Nhưng để có một quyết định mà mọi người nhìn thấy, trước đó là cả quá trình trăn trở. Em đã vượt qua rồi. Tôi cũng xếp vụ-của-em vào ngăn kéo. Cầu mong thằng dở hơi kia đừng tìm đến hành hạ em và con bé nữa. Em thì cầu mong “hắn gặp được ai đó sơm sớm đi để rồi buông tha cho em”. Tôi bảo "em đừng mong vậy. Lại có thêm người nữa phải khổ". Hắn đã trải qua 1 cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên (xinh đẹp, giỏi giang, có học thức), người đã phải chạy xa khỏi đất nước này ngay sau khi ly hôn với hắn, khi hai người chưa có con và cuộc hôn nhân cũng chẳng kéo dài, đã để lại trong tôi nhiều câu hỏi. Rồi khi gặp em, hắn bày tỏ sự tha thiết muốn xây dựng gia đình ngay và luôn, tôi lại thêm nhiều câu hỏi. Tán thì ít mà tỉnh thì nhiều. Yêu đương gì mà tính toán từng bữa ăn từng bữa uống, đếm tin nhắn, đặt giới hạn giờ chat (đúng 8h ngày nào cũng như ngày nấy "thôi, chúng ta dừng ở đây nhé"). Tôi gần như lăn xả vào can ngăn em hãy bình tĩnh đã nhé, hãy dò xét thêm đi nhé, hãy cố dò hỏi về lý do ly hôn đã nhé … nghi lắm!
Đôi khi ghét linh cảm trong con người mình…cứ nằng nặng, ám ảnh.
Và rồi mọi việc xảy ra, đúng như tôi dự đoán. Hắn độc đoán, hơi hoang tưởng về năng lực của bản thân nên đứng núi này trông núi nọ, chẳng làm việc gì cho yên ổn, thích làm chủ không thích làm tớ. Hắn là một ví dụ điển hình của thằng con trai lớn lên dưới váy của bà mẹ luôn coi con mình là nhất. Một thằng đàn ông không điều khiển được cảm xúc, đánh vợ không tiếc tay, nhiếc nhà vợ như họ là hàng cháu chắt của hắn.
Haizzz, bệnh. Bệnh nặng.
Các gã phần lớn đều bày tỏ sự tha thiết muốn được tự nuôi con. Nhưng nuôi như thế nào và đến bao giờ thì đa phần đều ngắc ngứ hoặc huyên thuyên. Sỹ diện nhưng đầy hoang mang. Bọn chúng cố dành giật đứa trẻ từ tay phía bên kia, như thể đó là một món đồ trong danh sách tài sản đang cần chia chác. Cố nhiên, chuyện đó chỉ xảy ra trong thời gian Tòa đang xử thôi. Còn sau khi đã có Quyết định trong tay rồi thì a lê hấp, mất hút con mẹ hàng lươn, đến 1 xu còn không thấy gửi chứ đừng nói đến con số mà hắn ta cứ nằng nặc bắt thư ký Tòa phải đưa vào Quyết định ở mục hỗ trợ nuôi con (dù phía nguyên đơn không đòi hỏi gì). Lúc nào có bồ mới, hắn sẽ lại mon men tìm về “mượn” con để “mị” bồ mới (đặc biệt là các cô gái trẻ). 
Thấy cần phải có một chữ “Tởm” để ở đây !

Đạo đức giả xem chừng còn đáng ghê hơn là kẻ sống hớt ngọn, ranh ma lừa lọc có nghề. Phần đa, thiên hạ bĩu môi: ai bảo không biết giữ chồng ...! Ừ, tôi kém! Vì đã từng khóc bởi sốc, nên giờ khuyên Em ngay và luôn bỏ qua cái "đận" này, bỏ qua những gì thiên hạ nghĩ và nói và thể hiện (ai thích xin cứ nhảy vào, mình buông, chạy thật nhanh và thật xa để giữ mạng mình để mà nuôi con, Em ạ). Ừ, tôi sai lầm đấy ! Và ... không muốn tiếp tục sai lầm nữa !

... Cái thói đời này, ghét ghê, đang muốn khóc thật to, đang muốn kêu lên thật to, muốn chửi cho bõ tức ... ấy vậy mà bây giờ buông thõng hai tay ngồi thừ cái mặt ra ... có thể đã quá mệt vì những thứ mục sở thị. Nhào trộn cay đắng, xót xa, tủi thân, bực tức, ê chề, ân hận, khinh bỉ, hụt hẫng, chông chênh ... kéo tay nhau chạy thục mạng, nhanh chóng ra khỏi hố sâu thăm thẳm trước đó chất chứa bao hy vọng hạnh phúc ấm êm gia đình. Tôi mệt. Mệt nhoài. 

Mọi thứ thật rõ ràng làm sao. Khi chúng ta là người dưng. 

Nhân tiện đây, trưa nay mấy người phụ nữ đang bầu ngồi thì thào với nhau "báo đăng Việt nam hiện dư đến hơn 4 triệu bé trai, con mình sau này sợ ế mất". Tôi thì sợ một nguy cơ khác. Tôi thầm nghĩ: các mẹ chẳng lo cho con đâu, các mẹ lo cho thân các mẹ đó thôi, lo đẻ được con trai để yên tâm lớn với chồng với gia đình chồng đó thôi. Các mẹ chả vui ra mặt khi bác sỹ siêu âm điềm nhiên thông báo "giống bố nhé" đấy thôi. Rồi ra, chẳng thiếu những đứa trẻ trai trở nên quý giá vì độc nhất, như là tài sản đảm bảo của mẹ chúng vậy. Có bao nhiêu đứa con trai quý hóa đó, sau này lại ca vè "vợ mình là con người ta ..."

Mọi thứ thật rõ ràng làm sao. Khi chúng ta cứ là người dưng. 





Chỉ có thể là rất buồn ...

Chỉ muốn tìm về một nơi lặng yên ... như thế này ... nhìn ngắm mọi thứ đẹp đẽ bình yên trước mắt ... rồi nằm xuống ... và tan vào đất ...
Tưởng đơn giản vậy ... mà không dễ dàng đâu ... trần trụi đến với thế giới này ... thì cũng trần trụi ra đi ...
Không phải vội ... Mà là quá vội ...
Ai mà chẳng đang đi đến nghĩa trang ! yeah ...



Miên ...


Trung tâm chiếu phim quốc gia. Suất chiếu rất cắc cớ. 13h. Ninja Rùa. Con gái vào rạp thưởng thức một mình. 
Mẹ của con gái ngồi ở sảnh chờ.
Người ta chạy trailer trên màn hình rộng to oạch bằng nguyên mảng tường. Âm thanh ép phê. Hình ảnh của Step Up quyến rũ tê người, chỉ muốn đứng lên hòa mình vào các điệu nhảy hiphop khoáng đạt. Mẹ của con gái sở hữu gần 2 tiếng đồng hồ để thỏa sức mà nhìn. Nếu dùng từ "ngắm" thì không chính xác. Ở sảnh chờ của một rạp chiếu phim có gì nhiều để mà ngắm chứ. Cảm xúc mono. Người ta đến đây để xem phim. Còn gì khác nữa chứ. Trong phòng chiếu tối om, trên màn hình có thể là đấm đá máu me ứ hự hoặc tình cảm sướt mướt hít hà ma quỷ hiện hình hài hước vật vã cười. Thật kỳ lạ mong muốn được "diễn" trong mỗi con người. Muốn được trở thành một diễn viên có sức hút ma thuật. Có người "diễn" còn điệu nghệ hơn diễn viên nhiều nhưng họ không bao giờ nhìn nhận điều đó. Đâu cần phải là một diễn viên chứ, ngoài đời đầy diễn viên giỏi đấy thôi, vì đời sống là một sân khấu lớn. 
Dưới ghế khán giả luôn bonus thêm thắt những pha diễn còn táo bạo hơn cả trên phim. Vì thế mà mẹ của con gái cho rằng việc trói mình trên một cái ghế chật chội trong căn phòng điều hòa kín bưng hơn trăm người cùng hít thở hơn tiếng đồng hồ không sướng bằng ngồi ở sảnh chờ ... Vì sao ... 
Ánh sáng. Tiếng động. Những khuôn mặt biểu cảm. Những đôi yêu nhau (ghét nhau chắc không dẫn nhau vào đây). Những gia đình viên mãn. Với giá vé chát xít như ở đây, đương nhiên, là những người (đang) rủng rỉnh tiền. Một không khí đậm chất sân khấu kịch cọt phim trường. Mẹ của con gái có thể chơi trò đạo diễn. Bốc một khuôn mặt này để cạnh một khuôn mặt khác. Nhăn mặt hoặc phì cười. Đoán định những cảm xúc đang có giữa 2 người trong một khuôn hình. Dừng hình ở đâu đó và tự biên kịch một câu chuyện. 
Hiếm có ai đến đây một mình. Mẹ của con gái chắc đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ngồi giữa đám đông và viết. Chốn xôn xao nhất, có thể lại là chốn an toàn và yên tĩnh nhất. Mình có lắng nghe hay không mới là quan trọng. Mình có cho mọi thứ vào đầu mình không mới là quan trọng. Tiếng ồn đó, cũng có thể chỉ là tiếng muỗi vo ve vật vã đói đang khi trưa hè trong một ngôi nhà hoang vắng giữa đồng trơ gốc rạ ...
Hiếm có ai đến đây chỉ để ngồi một mình. Cho mọi người thấy mình một mình, hình như rất khó khăn. 
Nào thì đôi lớn đôi bé. Nào đôi nam, đôi nữ. Và đôi nam nữ. Mẹ của con gái giật mình nhiều lần khi không biết liệt kê một đôi nào đó vào nhóm đôi nam nữ hay đôi nữ. 
Bần thần nghĩ, khi trẻ con khoảng 3 tuổi đã biết phân biệt giới tính rồi, cho đến khoảng 10 tuổi. Nằng nặc khẳng định mình "con là con trai" bất kỳ lúc nào suýt bị nhầm lẫn (cố tình hay vô ý). Có đứa dũng cảm còn vạch ra cho mọi người thấy cái ấy nó lồ lộ ra thế mà bảo là con gái à. Bố mẹ chúng cũng nằng nặc lựa chọn cho con trai mình những thứ đậm đặc màu sắc con trai, đậm đặc nghịch ngợm mạnh mẽ thông minh nhanh nhẹn đúng chất con trai. Đứa trẻ con đó thường nhìn ra rõ nhất nó là con trai ở giai đoạn này. Còn khi cái giọng ồ ồ, dáng đi ngồ ngộ, râu ria ở vài nơi lố nhố, thì tự dưng lại bâng khuâng chới với "chẳng biết mình là trai hay gái?!". Bố mẹ chúng cũng tự dưng loay hoay muốn tìm lại vị bác sỹ ngày xưa siêu âm hoặc đỡ đẻ, lo lo lắng lắng, chả biết có phải cái đứa lưỡng lự nửa muốn lớn nửa muốn bé kia, có phải là do chính chúng mình sinh ra hay không nhỉ. Một người trưởng thành thành ra thế, là do nhiều phần đời này sinh ra mà thế. 
Cái thời nay, đến là nhiều thứ lạ. Con trai mới lớn, choai choai chớm hư hỏng chơi bời, cứ nhất quyết thích mềm mại mơn mởn như con gái. Hai đứa (rõ là yêu nhau rồi) đi bên nhau mà không biết đứa nào là trai đứa nào là gái. Chúng không có các biểu hiện giống như một số đôi lớn tuổi hơn kia. Người nữ đi trước, 1 bàn tay người đàn ông luôn thường trực ở sau lưng người nữ ở phần thắt lưng, họ nói chuyện nhỏ nhẹ, đôi khi người đàn ông phải cúi người xuống nghiêng tai để nghe người nữ thì thầm. Họ nhìn nhau và cười, nụ cười tròn đầy, ánh mắt tròn đầy. Họ đang thảnh thơi, họ đang thư giãn, họ biết mình đang làm gì, đang cần gì. 
Nhìn họ, mẹ của con gái muốn YÊU. 
(viết không bậy, nhưng có ối người nghĩ bậy cho mà xem :-)) 
Cứ muốn. Sao chứ. Đã lâu lắm không nhận được một lời mời xem phim. Đã lâu lắm không có ai đủ tin cậy để rủ đi xem phim. Đã lâu lắm không gặp được một ai thú vị để được ngạc nhiên, để được giật mình, để được thấy trái tim reo vui khe khẽ. Mẹ của con gái đang ngồi giữa sảnh chờ của một rạp chiếu phim rộng lớn. Khung cảnh thật đẹp. Mắt dừng ở đâu cũng là khuôn hình đẹp. Sao phải dừng ước mơ. Vì ước mơ chỉ là mơ ước thôi mà. Mỉa mai thật đấy. Mà đâu có sai. 
Đắn đo với chữ YÊU. Chẳng biết để nó ở đâu bây giờ. Không nỡ thấy nó bơ vơ, ngoài nắng mưa, rồi sớm bạc phếch bạc phơ. Không thể cưu mang nó trong trái tim vì trái tim này đang chật chội bởi cơm áo gạo tiền chằng chịt vá víu tạm bợ đầy vết rách. Muốn YÊU phải tàm tạm đủ đầy, tàm tạm vui vẻ, tàm tạm nhàn nhã, tàm tạm quá khứ tàm tạm tương lai, tàm tạm lo âu ... Muốn YÊU phải được đặt để ở nơi nào cao ráo một chút, để ngước nhìn, để nhón chân với tay, để nhìn lên phía ấy những ngôi sao, để ước ao ... 

Thôi, lãng mạn, dừng hình đi ! :-P 
Ngoài kia trời đang mưa ... 






Chỉ là… vậy thôi! - Thơ Nguyễn Phong Việt


Hôm nay, xoa dịu cái đầu nóng và trái tim lạnh, thời gian vừa qua, bằng thơ của Nguyễn Phong Việt. Bốn ngày nghỉ Lễ không đi khỏi Hà nội. Tự chán bản thân quá đỗi. Ngạc nhiên về mình quá đi mất. Sự mạnh mẽ quyết liệt đâu rồi? ham thích dịch chuyển đâu rồi? niềm vui trong góc nhìn đa chiều đâu rồi? sự rung động đâu rồi? ... chỉ còn cái lạnh tái tê, chỉ còn điều ước mình vô hình

Thôi, thơ đây, mưa đấy, đường đời thẳm xa, lòng người thẳm xa ... 


Chỉ là có những điều không thể nói thành lời
chỉ là có những yêu thương rất đơn giản…
vậy thôi!

Như sau một ngày trở về nhà thấy mình như một đứa trẻ cần niềm vui
được nhìn Má nấu một nồi canh chua cho cả nhà ăn tối
có Ba ngồi hỏi han với tiếng cười thân quen quá đỗi
không gian của những cuộc đời gần gũi
vì cần có nhau…

Cho buổi sáng hôn lên má người mình yêu thương để bước ra phố xá ồn ào
thấy mình đủ niềm tin dù ngày mưa hay bão
thấy mình ở giữa những đám đông và bụi đường huyên náo
thấy mình có lúc muốn hét lên khi đối diện với nỗi lo cơm áo
rồi sau đó lặng lẽ bước đi…

Đôi khi biết mình muốn đứng im trong một khuya trời tối đầy sao trời
tự nói chuyện với trái tim đang giữ nhiều chua xót
sao cứ phải đòi hỏi trên môi toàn là vị ngọt
biết rằng sống cho mình thì đừng đặt nỗi đau lên vai những người khác
làm ơn đừng bắt ai gánh vác
chỉ để mình được vui…

Chỉ là một cái nắm tay có khi cứu được một con người
chỉ là có khi lắng nghe thôi mà làm bớt đi một đêm trắng
chỉ là có khi cúi xuống cũng đã là câu trả lời cho những điều ân hận
chỉ là có khi một nụ cười cũng trở thành yêu thương vô tận
giúp sống sót trong cuộc đời…

Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi
rồi muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé
đến khi biết cắn răng cuộn tròn mình trong góc tối mới nhận ra giá trị của hơi thở
của giọng nói, tiếng bước chân, của thanh âm “Xin lỗi” trước một giây đổ vỡ
đâu phải ai cũng có thể bắt đầu…

Đâu phải ai cũng có thể nhận ra mình ảo tưởng quá lâu
đâu phải ai cũng biết mình đang làm đau những người bên cạnh
đâu phải ai cũng tự choàng khăn khi trời trở lạnh
đâu phải ai cũng ít ỏi những vết thương dù bên ngoài lành lặn
mặc từng giờ đều thứ tha…

Chỉ là, có rất nhiều yêu thương đơn giản
trong mỗi ngày đi qua…


vượt chướng ngại vật


Dạo này tôi bị mất năng lượng. Mất hoàn toàn.
Một loạt triệu chứng khó chịu ở dạ dày và đại tràng, dẫn tới thuốc.
Các đợt đau đầu ghé thăm ngày một dày hơn, dẫn tới thuốc. 
Cơ quan thỉnh thoảng lại huy động nhân viên (toàn hệ thống) đi làm ngoài giờ (trong tuần), rồi thứ bảy chủ nhật để thử nghiệm chương trình mới nâng tầm năng suất lao động nâng tầm chất lượng dịch vụ nâng đủ thứ tầm (riêng Tâm thì chả ma nào thèm quan tâm nữa), chỉ có lời cảm ơn suông, mệt mỏi, dẫn tới thuốc. 

Thuốc, không phải là cách tốt nhất để hết bệnh. Yêu cầu của công việc là đúng 7h30 mỗi sáng phải tươi tắn sẵn sàng dốc sức rồi. Bệnh, để đó, cho nó mãn tính đi. Công việc yêu cầu sức khỏe của bạn phải trên cả tuyệt vời, luôn phải nhiệt huyết và "máu lửa" (tính từ nhé). Bốn phương tám hướng, quay chỗ nào, hỏi ai, chỉ nghe thấy 2 chữ: cố gắng!. Lúc đầu thì còn thấy cú huých, dần dần nhàm chẳng còn xi nhê gì, giờ thành phản tác dụng, chỉ thấy nhụt nhạt thêm. Như sợi dây thun bị kéo căng mãi, căng mãi, riết rồi đứt (dù nó chẳng muốn đứt tẹo nào, may mà nó còn có lực căng tốt hơn ối vạn các loại dây chằng khác, cho dù vậy lực căng của nó cũng có giới hạn mà thôi. Trong giới hạn thì bền. Quá giới hạn thì đứt, đứt ngay và luôn)

Thời gian 3 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã không còn là ngành hot nữa. Thật ra, khi còn trong kỳ hỗn mang, chưa ai biết "nó" là cái quái gì, thì người ta có thể nhào nặn nó, mô tả nó, gọi nó bằng các thứ to tát mỹ miều, gán cho nó nhiều thứ xa xôi nghiêm trọng xa xỉ lắc xi ri ướt, ai cũng thấy nó là thứ gì đó rất chi thời thượng phức tạp rối rắm sang trọng, mục đích tối thượng là tranh thủ hốt bạc của người chưa thông hiểu. Cho đến nay, ngay cả 1 người chuyên vá xe đạp đầu ngõ cũng vanh vách cách tính lãi tiết kiệm, gửi "thằng" nào không nên gửi "thằng" nào, lãi suất vay mượn nặng nhẹ ngắn dài ra sao, bàn bạc như chuyên gia kinh tế về tỷ giá vàng chứng khoán, thì cái chuyện thò tay vào túi thiên hạ không còn dễ dàng nữa. Người ta trở lại trần xì nguyên vẹn là cái đinh gỉ hay cái kim sắt đơn sơ bé nhỏ, sinh ra có chức năng gì thì làm đúng chức năng đó. Như một vị thần bị mất hết phép thần thông, chỉ còn là một gã khổng lồ thù lù một đống tốn cơm tốn đất. 

Tôi vốn ít khi bị "mị" bởi những thứ to tát cao siêu và biết là cầm 1 đồng tiền lẻ cũng phải trả lại một-cái-thứ-gì-đó chứ chẳng phải cho không biếu không (thậm chí rất chi sợ nhặt được tiền. Mà quả các cụ có dạy là nhặt được tiền đen như cứt chó thui!?). Thậm ghét (thậm ghê tởm) cái trò đố kỵ chơi xấu xảo trá quê mùa lăng nhăng hổ lốn bịp bợm ở công sở. Chẳng hiểu khúc quanh này thế nào (ông Trời có ý gì đặc biệt dành cho tôi chăng?) mà tôi bị dí chạy tít mù như cái đèn cù, từ đơn vị này sang đơn vị khác. Và hiện giờ thì đang bị "kẹt" ở một đơn vị dồn ứ đậm đặc thứ tôi ghét nhất ấy. Cái thời con người ta nếu có nói với nhau thì say sưa trao đổi chuyên môn và chân thành tâm tình sẻ chia câu chuyện cuộc sống, đã qua rồi, qua hẳn rồi. Giờ chỉ còn thấy những con kiến, con ong, con bọ rùa, con dán, con bọ hung ... vác trên vai những cái túi có kích cỡ tiêu chuẩn, đi kiếm ăn, nhiệm vụ là phải mang các túi ấy về đầy ăm ắp. Mang được về thì cho ăn, không mang được về thì đá đít cho bay qua hàng rào, ngay tắp lự, rồi lại có đợt cào cào châu chấu mới thế chân, cũng ngay tắp lự. 

Ở thời hiện tại, không còn ai nghe ai nói nữa. Chỉ có 2 khái niệm Thu nhập và Chi phí. Sếp đảo điên "tôi cũng bị Sếp lớn ép đây". Sếp dọa dẫm (mà chắc cũng có đôi phần hậm hực trong đó) "không phải cứ có công việc rồi là yên tâm đâu nhé. Có thể ra đi bất cứ lúc nào đấy!". Sếp tài tình khích lệ thi đua bằng cách dằn mặt dọa dẫm áp lực nhăn nhó chê bai ma cũ ù lỳ, chào đón chiều chuộng chống lưng ma mới nhanh nhẹn khéo chiều lòng. Rồi ra, ma mới và ma cũ dạt dào từng đợt sóng ngầm đánh phá nhau, ganh đua chỉ tiêu thì ít mà ganh đua vị trí thì nhiều, sa đà đố kỵ không đâu, vì vốn dĩ người giỏi thì ít người làng nhàng thì không thiếu. Ừ thì cũng là một "mánh" của đám quản lý (để tụi nó thi đua với nhau). Nhưng, "mánh" đó sao thấy không ở thế Thượng, mà ở thế Hạ làm sao í ... Tranh giành khách trong chính nội bộ mới thấy cái khó nó bó cái tâm con người ta, toàn dở sách ra xem lại "hạ sách" không à, chẳng mấy ai đủ bản lĩnh để đóng thuyền to lao ra đại dương bắt cá dữ. 

Khi không còn ai muốn nghe ai nói nữa, thì ... đau đớn thay ... phải liên tưởng tới tin thời sự đang nhức nhối suốt 1 tuần qua ... đó là việc phiến quân Hồi giáo chặt đầu 1 phóng viên chiến trường người Mỹ. Việc vốn dĩ trước nay không có, đó là phóng viên chiến trường không phải là kẻ thù của phe nào hết cả, họ là trung lập, là người đưa tin trung thực nhất từ nơi nóng nhất. Vậy mà khi không tìm được tiếng nói chung, không ai còn nghe ai nói nữa, khi từ chối ngồi vào bàn đàm phán, người ta đã làm một việc man rợ như vậy ... Bản thân tôi đã từng xem những đoạn video về việc phiến quân chặt đầu con tin (là kẻ thù của họ) do 1 phóng viên chiến trường người Pháp chia sẻ có giới hạn, nên không thể tin được câu chuyện đau thương này (dù nó đã trở thành hiện thực mất rồi). Khi không còn ai nghe ai nói nữa, chân thành trung thực nhiệt huyết lót dép ngồi hóng nịnh hót a dua a tòng mánh khóe, phủ bụi cho đến khi cũ, "lâu cứt trâu hóa bùn", cạn đến mức nông nổi nghĩ đến bỏ đi như tôi cũng là cùng thôi. 

Chưa có một giai đoạn nào mà tôi dở ra dở vào cái đơn xin thôi việc nhiều đến thế. Mỗi lần dở ra thì hình ảnh con gái lại hiện lên rõ mồn một. Cái câu "vì con, người mẹ có thể làm tất cả" lại hiện lên, thậm chí nhiều người nhắc tôi phải nhớ. Cái Tôi của tôi ngày càng nhạt dần (sớm thôi sẽ mất hẳn), để cái Tôi của con gái nét dần lên theo năm tháng. Đó có phải là nước mắt chảy xuôi không, tôi không biết nữa và cũng không còn nghĩ gì nữa, tôi cứ trôi xuôi. Thật ra thì có nhiều cách để thoát khỏi. Chỉ là không phù hợp với tất cả mọi người mà thôi. 

Tôi viết những dòng này, như một cách phân thân, bước ra khỏi sự việc của chính mình, để soi rọi lại nó, biết đâu may mắn nhìn ra một kẽ hở nhỏ đủ để lách qua. Thời gian qua, tôi buộc phải xen vào vụ ly hôn của Em. Vụ việc sắp xong xuôi. Giúp đưa em và cùng em đi qua một khúc quanh của cuộc đời, cũng là khi tôi buộc phải nhớ lại tôi của một giai đoạn đã qua, chưa quá xa. Thử tưởng tượng ra sau này mình sẽ ra sao, sẽ đưa ra lời khuyên thế nào nếu như ngày nào đó bạn bè gặp chuyện như mình và xin lời khuyên? Tôi biết mình sẽ nghĩ về những đứa trẻ đầu tiên, ừ thì rồi cũng là vì chúng tất thảy đấy mà. 

Chỉ là đôi lúc, mọi thứ trở nên quá nặng trên đôi vai tôi, khuỵu xuống khi khóc một mình, nói "cố lên" trong bóng tối, gồng mình để qua mỗi ngày "một mình chống lại Mafia", tập thiền để tự dỗ dành xoa dịu các nỗi đau, để các cảm xúc đó trào ra là không được phép ... Lạnh lùng từ chối tất thảy những lời đường mật "cho mượn bờ vai này em". Chẳng muốn mất thêm thời gian để bận lòng mình hơn nữa.

Tạm thời dừng lại và cố nghĩ đến những điều tốt đẹp (hiện giờ chưa nghĩ được điều gì. càng ngày càng khó thấy). Tạm thời vẫn chưa thấy dấu chấm hết cho nỗi buồn, chưa thấy ngày nào có thể đóng cửa blog này. Hy vọng lâu lắm rồi mà vẫn chưa biết ngày nào đây? Còn ngổn ngang nhiều dấu ? và dấu lặng ... quá. Bước thấp bước cao, bước dài bước ngắn, từ hư vô đến lộn tùng phèo cũng về đến đích hư vô, mà sao con người cứ mãi vặn mình từ cơn mơ điên loạn này đến cơn mơ điên đảo kia, mà phần đa không khiến cho mọi thứ tiến lên mà đang đẩy mọi thứ lùi lại về thời nhờ nhợ trắng đen chưa rõ thằng người chưa đứng được thẳng thớm cứ cúi lom khom ăn tạp sống bầy đàn a dua tồi tàn không văn minh chưa văn hóa. 

Đôi lúc tôi tự hỏi mình, phải chăng, cái cách tôi chọn để tồn tại là chỉ nhìn xuống mũi chân mình mà thôi, bám chắc cả 2 tay 2 chân lên mặt đất lỳ lợm sống, có chăng, cũng giống như đang đi lùi về thời tranh tối tranh sáng ấy ?! 




...


Hãy xem như có một thế giới khác. Thế giới từ đó mà em bước ra, lạc đến đây, gặp gỡ, thân quen và một giây phút nào đó đã mang tới cho anh một cảm giác an tâm, ấm áp, chộn rộn như thể đã từ lâu ta thuộc về nhau, như thể không bao giờ rời xa ...
Hãy xem như có một thế giới khác. Thế giới mà em sẽ phải trở về. Thế giới mà em luôn thuộc về, luôn muốn tìm về. 
Hãy xem như ... chuyện như chưa từng bắt đầu. Thì ... chuyện cũng chẳng bao giờ kết thúc. 




Để thấy em không quá xa vời và phi thực tế, em mượn tạm bài thơ của một bạn trẻ để thay lời muốn nói. Riêng em, khi đọc bài thơ này, điều em băn khoăn nhất là nếu không còn đủ niềm tin thì con người ta có thể làm được điều gì cho thật tử tế không? Sống tử tế. Sống cho ra sống. Ngắn gọn thế thôi, mà một đời người không dễ gói cho trọn vẹn. Em đã thấy cái dốc bên kia cuộc đời. Nên điều em muốn nhất là dù mắt không thể thấy phía bên kia ra sao, cũng mong nơi ấy chan hòa hạnh phúc, con người thiết tha yêu cuộc sống, và những tia sáng ấm áp ấy sẽ giúp cho biết bao người xung quanh cũng được hạnh phúc lây ... 


Mẹ à

Hôm nay lại có thêm người nữa bước vào đời và nói thương con
Sẽ cùng con gói lại những vuông tròn ngày trước
Sẽ nắm tay con qua bao điều mất được
Sẽ thương con hơn cả bản thân mình

Con băn khoăn liệu mình có nên tin
Có nên vin vào bình yên để thêm một lần tìm nơi mà dựa
Con chỉ sợ niềm tin không còn đủ nữa
Sau những chuỗi ngày tự ngã tự đứng lên

Người ấy cũng nói thương con bằng ánh mắt rất hiền
Như thể bình yên kia là có thật
Con muốn đưa tay ra nhưng lại chần chừ,sợ mất
Bởi những thăng trầm còn ám ảnh con

Người ấy cũng có một quá khứ buồn
Những câu chuyện cũ đã dồn theo năm tháng
Người ấy chẳng giấu con điều gì mà cứ thật thà như hai người bạn
Cứ trải tâm tình,cứ thế sẻ chia

Con muốn kể thật nhiều cho người ấy nghe
Về những thói quen,nghĩ suy đời thường,nhỏ nhặt
Về những khát khao một thời con tưởng rằng đã mất
Bất chợt hôm nay như nguyên vẹn thế này

Con muốn một lần thử can đảm đưa tay
Trao chút niềm tin vào bàn tay người ấy
Rồi cứ bình yên theo tháng ngày như vậy
Những lúc vui buồn đều muốn nghĩ tới nhau

Nhưng mặt khác con lại cũng sợ một lần nữa thêm đau
Chắc sẽ sâu và khó lành hơn vết thương trước đó
Những quyết định trong đời đôi khi thật khó
Nhất là lúc mình muốn mở lòng để có thể thương yêu

Con chỉ sợ con như cánh nhạn trong chiều
Giữa mùa bạt gió và rất nhiều giông bão
Chỉ sợ niềm tin kia là mong manh ,huyền hão
Và lời nói nào một lần nữa là mây

Con biết phải làm gì bây giờ đây
Dừng lại hay tiếp tục dựng xây một tình yêu khác
Con cũng sợ lòng tin kia sẽ nhận về bội bạc
Nhưng điều con lo sợ hơn là để lạc mất trái tim mình

Hay là con cứ tiếp tục lặng thinh
người ta thương mình thì sẽ chứng minh thôi,mẹ nhỉ ?

(P2T)

Tặng mình

Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên
Tác giả Lưu Quang Vũ


Lá cơm nguội rụng vàng mặt phố 
Mùa đông sắp tới rồi 
Mùa đông này ta sẽ phải chia tay 
Một chuyện chia tay, có gì đâu em nhỉ 
Một chuyện tình tan vỡ, có gì đâu 
Kết thúc một năm bao giờ chả thế 
Sau mọi điều, lại chỉ có mùa đông 
Có gì đâu mà tiếc mà buồn 
Em biết đấy anh chẳng tin định mệnh 
Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật 
Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi 
Em là tia nắng soi anh đến trọn cuộc đời 
Chẳng có ai yêu em như thế được 
Em ở đâu, dù cùng trời cuối đất 
Dù năm tháng dài lâu 
Dù sướng vui hay cùng cực khổ đau 
Anh vẫn ở bên em mãi mãi 
Là bậc cửa dưới chân em qua lại 
Là cốc nước trên môi em run rẩy 
Chiếc lá trên tay em 
Giọt mưa trên áo em 
Như hạt bụi trên mặt bàn em quét 
Có gì đâu mà khóc 
Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt 
Nên tình yêu là chuyện viển vông thôi 
Sương mùa đông lặng lẽ đã giăng đầy 
Bao kỷ niệm, quên đi đừng nhớ nữa 
Lá sẽ rơi trên cỏ mòn lối cũ 
Thân cây xưa sẽ gục đổ bên thềm 
Lời anh nói vang lên 
Như những lời vĩnh biệt 
"Cuộc sống chia rẽ chúng ta 
Chỉ cái chết là nối gần nhau lại” 
Sau này chết đi, ở bên nhau mãi 
Chấm dứt mọi đắng cay buồn tủi 
Mọi nhọc nhằn ngang trái 
E chúng mình không nhận được ra nhau.

Nhắn người: Bao kỷ niệm quên đi đừng nhớ nữa. Không phải cố quên cũng như đừng cố nhớ. Bởi vì khoảnh khắc đó qua rồi, chẳng trở lại được đâu. Chạm vào vai ai một buổi chiều đau. Tất cả chỉ là cái bóng. Em chỉ là làn sương mỏng, vắt ngang một buổi chiều. Nắng quái, mưa giông, sương đã tan ...

về thôi để giữ sức mai làm con người



Nghe quá nhiều lời than vãn. thôi, dừng kêu ca.
Đọc quá nhiều về tai nạn, về giết chóc. thôi, không còn nghĩ mình bất hạnh
Cuộc sống mong manh. Nhìn thấy đường hai chiều, những ngả rẽ, những ngã 5 ngã 6, đã thấy rối. Giờ còn thấy gì nữa sau cái chết bất ngờ, phản biện với trời cao đất dày ư ?!

Tự nhận mình hèn. thời buổi, slogan cách tân tạo động lực nhan nhản khắp nơi sách vở giáo điều ra rả, thì cũng nhiều ngần ấy, cách "dìm hàng" kéo tuồn tuột ý chí mòn mỏi của con người ta xuống. Mò mẫm đọc báo mạng, lướt qua tít này mà giật mình: Kẻ bất tài mới không dám nhảy việc! muốn khóc, mà lại bật cười. Tự nhủ: vừa hèn vừa bất tài, mình sống mòn ngang Giáo Thứ và dở hơi gần giống Chí Phèo rồi còn đâu ... Ghét đời, ghét người, ghét mình ...

Kẻ không biết mình đang đứng ở đâu thì đúng là dở hơi thật rồi. Mong có ai đó giúp kéo mình ra khỏi cái chỗ mình đang đứng chết trân bao lâu nay, rồi bảo "ra đến đường rồi, tiếp tục bước đi". Mình sẽ hàm ơn lắm. Như đám lục bình vướng vào đâu đó, cần phải có sóng cao gió to mới đẩy được nó ra xa được. Trở lại với dòng chảy. Dẫu vẫn mang thân phận phập phồng nổi trôi đó mà thôi ...




bão


Cơn bão số 2 khá mạnh, mạnh đến nỗi nó phóng vội vã vào sâu đất liền Trung Quốc, chỉ xẹt ngang một thành phố ven biển phía Đông Bắc Việt Nam. Không có ghi nhận tổn thất về người. Mùa mưa bão đã về. Con dân đất Việt vô thức chắp tay nguyện cầu cho những người anh em ở khúc miền Trung thắt ruột quanh năm quang gánh dẻo dai. 

Cơn bão xung đột quyền lợi, tham vọng phân chia lại thế giới của các ông lớn chính trị lan tỏa khắp địa cầu. Có nhiều người không kịp chắp tay cầu nguyện cho người anh em của mình. MH17 không còn đơn giản là số hiệu một chuyến bay. Bao người trong số 298 người trên chuyến bay, đang ấp ôm một điều chờ để nói ra khi hạ cánh? Bao người cần được nghe, cần được nhận, xứng đáng được hưởng ... những điều chưa nói ra ... vì chưa đúng lúc. Thế giới này có tốt đẹp hơn và ổn thỏa hơn, khi những chuyến đi trở nên vô định?!

Có nhiều hơn một cơn bão đi qua đời người, để lại những rung chấn, và đứt gãy. Bỗng chốc xung quanh chỉ còn sương mù ken dày như kén tằm. Buông tay nhau ra là lạc lối. Biết là phải đi. Hình như đang đi. Mà không biết về đâu, tới đâu, hay đang luẩn quẩn qua lại trên chính vết chân mình. 

Nỗi buồn cũng có lúc rất mạch lạc. Như chính lúc này.

Nỗi đau đã có lúc gọi được tên. Như chính lúc này.

Sự chán chường cũng vậy. Rõ ràng lắm ... Một ngày bắt đầu với sự uể oải kinh khủng khiếp khi khoác lên người bộ đồng phục, dắt xe chạy đến công sở. Nỗi sợ hãi giống y hệt thời mẫu giáo, khi mẹ cất tiếng gọi đi học thì phản xạ đầu tiên sẽ là chui tọt vào tủ, tim đập chân run. 
Không còn khóc nữa. Nước mắt từ lâu đã không còn giúp gì được. Trong con người, cảm xúc đã trốn tiệt vào ngóc ngách quỷ quái nào rồi không biết. Nhìn mà không thấy. Lắng mà không nghe. Không muốn biết và chẳng cần hiểu. Thôi cảm nhận và thôi luôn phản biện. Dừng. Dừng tất cả rồi. Như không khí im phăng phắc trước mỗi cơn bão. Bão càng lớn, bầu trời càng cao vút, càng thinh lặng. 

Sau bão, là đổ nát, hoang tàn. Là dựng lên, làm lại. Là đau đớn khi biết mình còn sống, duy nhất và lẻ loi. Là chai lỳ cảm xúc hoặc hoang mang khó tả chờ đợi phấp phỏng. 

Sao chẳng có cơn bão nào giúp sắp xếp lại suy nghĩ con người. Chẳng có cơn bão nào đủ mạnh và đủ minh triết, cuốn phăng đi những tâm địa độc ác những dã tâm thâm độc những âm mưu thù địch. Có siêu bão nào sẽ đưa những tin yêu trở lại. Có cơn bão nào thu vén lại nhớ và thương. Đọc bài viết "Nếu không có ngày mai" của bạn Đức Hoàng trên vnexpress.net (link: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/neu-khong-co-ngay-mai-3019867.html), nước mắt lăn dài vì điều mà người thầy giáo truyền dạy cho con trẻ. Nhưng với rất nhiều người, ngay cả khi biết ngày mai không còn đến, thì cũng không dễ thỏa nguyện ước được bày tỏ. 
Sự thật là, có những điều vẫn rất đẹp và lung linh, ngay cả khi không thể tỏ bày. 




copy and paste


Như đã hứa với chủ nhân của bài viết, mình copy không sót một dấu phẩy nào, rồi sau đó muốn bình gì thì bình sau

"Giấc mơ dịu ngọt về cuộc hải hành ở một bến cảng xa lạ với một cô gái mắt đen như hạt nhãn, ti hí như hạt vải thiều bị cắt ngang bởi cú điện thoại công việc dù rất ngắn gọn. Nằm dài trên giường ngu ngơ nghe tiếng chim lách chách đầu nhà, tiếng xô chậu nhà hàng xóm va lách cách vào nhau, tiếng đòi ăn của con Mướp chết tiệt - Mướp là mèo đực, háu ăn, háu gái và đang kì trổ mã- tiếng bà hàng xóm gọi chồng " Anh ơi vào nhổ nông nách cho em, mau kẻo muộn nàm" thở dài và cảm thấy trống rỗng . 

Cuộc sống của người đơn thân vẫn quay cuồng và tất bật giống như một bức mail với quá nhiều file đính kèm. Rất nặng và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể load được từng ấy dữ liệu.


Buổi sáng, vừa mặc cả quả mướp mớ hành với bà bán rau, lạng bạc nhạc với mụ bán thịt vừa nhận điện thoại, buổi trưa nhận điện thoại, buối tối gấu quần đùi hoa xoăn lên tận bẹn vừa xào thịt vừa nhận điện thoại. Nhận nhiều đến mức có cảm giác mình không còn sở hữu chính cuộc sống của mình, hoàn toàn bị động và đôi khi cứ để kệ cho chiếc điện thoại đổ chuông liên hồi, tắt máy và gọi lại. Như thể vớt vát được chút gì đó là chủ động trong cuộc sống của chính mình.


Tôi thấy mình sống tràn những thời khắc của một ngày đến mức phải viết mail cho khách hàng” Anh cho em một ngày bình lặng được không, dù anh trừ bao nhiêu tiền cũng được” và tắt máy điện thoại… Nhưng ngay cả lúc tôi thấy mình đầy ứ tới cổ như thế, tôi vẫn là một tập rỗng. Trong khi mọi người đều nhìn tôi giống một tập đầy (!)


Tôi có một mái nhà, một cậu bé dễ thương và một con mèo đang kì động đực. Chúng lớn lên từng ngày và làm những điều thú vị. Buổi tối nghe tiếng đàn dò dẫm từng nốt của bài sonate “Ánh trăng” mà cậu bé đang tập chợt thấy lòng dịu nhẹ. Có hàng nghìn giây phút tôi muốn hét to lên cho cả thế giới biết rằng chúng đang làm điều này hay lắm, có thể là cú ngoáy mông điệu nghệ ghê gớm của cậu bé trước màn hình tivi khi có chương trình ca nhạc, hay con mèo nhảy vào lòng tôi ư ử rừ rừ mỗi khi tôi đi làm về... Nhưng dù có yêu chúng đến bao nhiêu, tôi vẫn thấy mình rông rỗng, trông trống…


Tôi có những người bạn tôi yêu, và họ yêu tôi. Nhưng giữa cuộc đời đầy xô bồ này, chẳng ai nắm tay nhau từ sáng đến tối… Đôi khi thoát khỏi cảnh tất bật buổi sáng, tôi đi làm sớm, tần ngần đi chậm ven hồ… thấy mình thanh thản, tung tẩy… và cô đơn. Khi ấy tôi cảm thấy mình cần ai đó bên cạnh, ghép vào bên cạnh, tay ghép vào tay, vai ghép vào vai… Nhưng cho dù có họ ngay bên cạnh tôi vẫn rỗng một cách nào đó, rất kỳ lạ. Có lẽ vì giấc mơ tôi êm ả lắc lư trên một chuyến xe chiều, trở về ngôi nhà ấm áp ánh điện vàng, một cô gái của riêng tôi đang ngồi ủ tay mình trong cốc trà nóng bên chiếc bàn gỗ chắc nịch, nhìn ra khoảng vườn tắt nắng chờ đợi tôi. Chúng tôi ngồi đó, pha cafe và nói chuyện vớ vẩn… chẳng chuyện gì ra chuyện gì. Hoặc thậm chí tôi bắt đầu nhổ lông nách cho nàng dưới ánh chiều tà mặc điện thoại đổ chuông.


Rỗng như kiểu khi bạn sống quá nửa đời người không quyết định được mình sẽ đi về phía trước một mình hay chạy ngược lại phía sau và làm những việc rồ dại là gắn bó với một ai đó.


Tôi biết, tôi thấy mình rỗng khi cuộc sống không có đủ phiêu lưu, đủ mới mẻ… đủ khám phá. Tôi giống cậu trai lãng đãng đầy băn khoăn trong đôi giầy của một người đàn ông, hoàn toàn không biết có nên trở thành một chú gà trống dưới mái nhà với chú gà con. Mỗi sáng mỗi tối chỉ làm có chừng đấy việc, Gáy, ăn, lên chuồng sớm, chết ngậm hoa hồng.


Tiếng Mướp lại gào lên tìm bạn trong đêm tha thiết. Chắc mai phải thiến Mướp thôi.


Làm Đàn ông đơn thân thật khó, nhất là khi bạn vừa phải nuôi con vừa nuôi mèo?? Đắng ...à mà thôi, mèo nào có biết đắng lòng."

By Renzo 11h53 PM 03/07/2014 

(mình chẳng biết "gã" này là ai, tên thật là gì và là người thế nào. chỉ đơn giản là "gã" viết cũng khá ngộ nghĩnh, với lối tư duy đôi chỗ phũ phũ thô thô, giống mình)



Đây là mô tả nhanh, gọn cuộc sống của một gà trống nuôi con, một chú gà trống con. và một con mèo mướp nữa chứ ... hình như không chỉ có con mèo mướp đang gào lên tìm bạn trong đêm tha thiết. và hình như những cú ngoáy mông lắt léo ngộ nghĩnh của "chú gà trống con" không còn đủ sức kéo "gà trống bố" ra khỏi cảm giác rỗng và trống nữa rồi.

Những gam màu sáng sủa chói lói đặt cạnh những gam màu đen xám bẩn bẩn. Những đoạn đứt - nối vá víu đuểnh đoảng. những chiều loạng choạng giữa cảm xúc và nghĩa vụ. những cảm giác bơ vơ muốn dụi đầu vào ngực của ai đó thay vì vòng tay bé xíu của con trai. những là muốn phá phách, muốn "hư hỏng", muốn được bù chỗ thừa vào chỗ thiếu, hừm. đặt bên cạnh những bài học dở dang dành cho "gà trống con" chỉ chực đảo lộn tùng phèo đúng-sai. 

Yeah, không biết mình cảm nhận có đúng không, chứ lúc rỗng và trống trải nhất lại là lúc dễ cảm thấy hạnh phúc nhất. Đó là khi sẵn sàng đón nhận, là khi đã dọn sẵn tâm thế để chờ đợi, biết chờ đợi, thậm chí biết mình chờ đợi điều gì. Rỗng - không phải là một tình cảnh mất mát đớn đau, mà có lẽ là khi đã tinh khiết trở lại hoàn toàn như lúc đầu ban sơ khởi thủy. Trống - không phải là không còn gì, mà có lẽ là khi đã dọn dẹp sạch sẽ để sẵn sàng lấp đầy trở lại. Mọi thứ đang rất hoàn hảo, gần như trả lại lớp toan trắng ban đầu, sẵn sàng chờ tô vẽ. Ngồi nhìn vào tấm toan trắng, đâu phải là cảm giác tê dại ngu muội. 
Hãy tự hỏi: phía sau có gì?
Phía sau một sự tình cờ là một câu chuyện dài, không có hồi kết. Phía sau một dòng sông êm ả, có khi là thác cao vực sâu. Phía sau một làn sương có khi là nắng chói. Phía sau mộng ảo là thực tại. Phía sau "không có gì" có thể là "có tất cả". Phía sau thiền định là cả cuộc sống nhộn nhịp. Phía sau khói hương là sự trở về. Phía sau hạnh phúc là hy sinh. Phía sau thành công là thất bại. Phía sau chúng ta là con cái. Phía sau sống mòn là điểm dừng chân. Phía sau tình yêu là lẽ sống. Phía sau anh/em là chúng ta. Phía sau chờ đợi là đón nhận. Phía sau bất ngờ là ngạc nhiên. Phía sau tiếng cười là nước mắt. Phía sau tăm tối là ánh sáng ... 

Mình đọc bài viết này của Gà trống nuôi con thấy tâm trạng vui vui, ngộ ngộ, có lẽ vì cách hành văn bụi phủi như bất cần, cũng rất chông chênh, điểm xuyết vài chi tiết hơi phô phô. "gã" đang muốn nũng nịu đổi vai cho "gà trống con" cũng nên (?!) Mà nếu được thế thì rất dễ có chuyện "gã" sẽ rúc vào nách bất cứ một "gà mái" nào mà "gã" gặp được mất (hihi). Nhưng ... "gã" đâu có đơn giản như vậy. "gã" quá biết một điều rằng, sự lạnh lùng của rỗng và trống sẽ gây được ấn tượng mạnh thu hút hơn nhiều so với sự đáng thương ủy mị than khóc mà rất nhiều gà trống nuôi con khác đã và vẫn sử dụng. Để rồi xem ...! 

Phía sau phức tạp là sự giản đơn ... 

tĩnh và động

... ngồi giữa đầm sen và cảm nhận mọi thứ bị đầy ra xa, rất xa ...


...


Tắt

Gã dúi mái tóc rối vào lưng cô khi cô đang thiu thiu ngủ, còn thằng cu con đang thin thít mút vú mẹ. Thứ mùi chua chua khăm khẳm quen thuộc xộc vào mũi khiến cô tỉnh cơn mê. Gã đưa bàn tay không có lấy một vết chai, sấn sổ luồn qua eo cô, vén thốc chiếc áo cánh ... cái giọng vừa gia trưởng vừa chớt nhả nhay nhay "quay qua đây cái coi". Cô khẽ khàng quay qua "anh nói khẽ thôi, thằng bé đang bú dở". Gã hực lên một tiếng dấm dẳng "đ.mẹ ... đợi nó ngủ thì mất cả hứng". 
Chiếc giường nhỏ xíu trong căn phòng 20m2 thì gã đã chiếm phân nửa, đã thế gã vốn thích nằm ngửa tênh hênh giang tay giang chân cơ. Cô nhích thêm chút về phía mép giường. Nhóc con o oe. Bú no, nó sẽ tự buông vú mẹ và ngủ ngoan thôi. Cơn buồn ngủ lại kéo đến rất nhanh với cô, sau một ngày dài công việc, chợ búa và đống quần áo bẩn. Bất chợt, gã vật sang, vừa hậm hực vừa nắm lấy cổ tay cô "kệ nó nằm đó đi, đợi đến bao giờ ...". 
Cô gạt tay gã, thì thào "đau quá. anh làm gì thế. tôi mệt cả ngày nay rồi, lấy đâu ra sức mà ...". Bốp! "mệt thì cô vẫn phải phục vụ chồng cô chứ"... Nói đoạn, gã nhấc bổng thân hình bé nhỏ của cô lên, rồi ném trả lại xuống giường. Tấm chăn chiên rơi tuột xuống sàn. Trong đống chăn gối lùng nhùng đó, thằng cu giật mình khóc u oa lặng đi, tiếng có tiếng không. Cô bật dậy khỏi giường, tỉnh táo hoàn toàn, nhảy vào bới thằng cu ra, thở gấp. "ôi mẹ thương, mẹ thương. bà mụ đỡ con đấy, con sẽ không sao đâu. nín đi nín đi nào ... mẹ đây mẹ đây ...". Cứ thế, điệp khúc đó tới lui đến nửa tiếng đồng hồ cho đến khi đứa bé nín hẳn, mà cũng không hẳn nín cho đến tận khi trời sáng ... 

Bật

Gã đã đi khỏi nhà từ sớm. Đống quần áo thay ra đêm trước vứt trên sàn nhà tắm. Tô mỳ to đã vét sạch, bao gói cùng đôi đũa cứ thế tống vào chậu rửa trên bệ bếp. Phòng khách còn phảng phất mùi thuốc lá. 
Cô để lá đơn Thuận tình ly hôn lên bàn làm việc.
Trong hành lý, cô còn một đơn đơn phương ly hôn nữa.
Cô đã chuẩn bị tất cả những thứ này ngay hôm gã tát cô đến gãy một chiếc răng, đến giờ còn chưa đi trồng lại được. Mà không biết có còn trồng lại được không ? ...
Hôm nay không phải vội, không gào thét và không một giọt nước mắt. 
Hôm nay, cô mới biết rõ mình phải làm gì. 
Vì ... cô đã tha thứ cho tất cả ... 


Tắt

Viết vào thứ Sáu ngày mười ba


Hôm nay, thứ Sáu ngày 13, trăng tròn mười sáu. mưa đang rơi, táp vào kính cửa sổ, thành phố nhòe nhoẹt nước.
Tự dưng … ước … đang ngồi ở đâu đó … xa lắm … xa đến không thể … cứ lên xe là … trở về. 
Đâu phải đi xa. Ngay giữa lòng người, mà người cũng đã xa xôi lắm. Từ lâu lắm rồi, đã nghĩ về cái chết, về cái ngày thân xác về trời. Lúc đầu nghĩ rất dở hơi, nghĩ là sẽ nhờ mọi người vứt tro cốt của mình xuống biển. Sau rồi nghĩ, nước biển lạnh lắm, biển rộng lắm, mênh mông lắm. Sợ đắm chìm. Rồi lại nghĩ đến sông, con sông Hồng chảy qua Hà nội. Nhưng mùa nước cạn, lòng sông hẹp lắm, mình mà nằm lại đáy con sông lúc đó … sợ vướng víu. Rồi nghĩ đến suối, những con suối luôn hát ca, luôn réo rắt, luôn chảy xuôi. Rồi cũng đổ ra biển cả mà …
Còn bây giờ thì nghĩ cứ đứng nguyên đó mà … vãi ra đất cũng được. Đâu mà chẳng được. Đâu mà chẳng thế. Chết là hết, chẳng còn biết gì nữa, sao còn đòi hỏi. Tôi (cũng như bao đứa trẻ) được đưa đến đến đời này, lặng lẽ, vào một giây phút bình yên nào đó. Vậy thì lúc ra đi, xin cũng được ra đi lặng lẽ như thế, vào một giây phút bình yên.

Bình yên là gì …
Là khi bước vào nhà, ướt nhẹp vì mưa, nhưng … gió bão ở phía sau cánh cửa đã khép, 
Là khi ngồi lặng lẽ nghe con bé huyên thuyên đủ chuyện trong nhà ngoài ngõ, thấy con cười và chạy nhảy tung tăng trong tầm mắt, thấy chẳng có chỗ nào trong người mình đau,
Là khi những ngón tay em được lồng vào tay anh, run và ấm, im lặng tuyệt đối, không nghĩ đến bất kỳ điều gì,
Là khi được làm điều mình đam mê, với niềm vui thu hoạch được ngay cả khi đã … thất bại,
Là khi được thảnh thơi buông bỏ, không phải vì nông nổi sỹ diện hay cảm tưởng tội lỗi, mà  đánh mất chính mình,
Là sau một ngày mệt nhoài, đặt lưng xuống … một tấm phản tre, cũng đón được giấc ngủ nồng đượm sâu lắng,
Là được ngồi xuống bên cạnh, 1 người thật lòng yêu thương tin tưởng và tôn trọng mình, để được khóc được cười không giấu diếm ngại ngùng,
Là có được một thuần khiết đức tin, một chan chứa niềm tin, 

Bình yên! Hòa bình! Tình yêu! Hạnh phúc! … những khái niệm vô lượng, con người đánh đổi cả cuộc đời dài đằng đẵng để kiếm tìm, để ao ước và để chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng thống khổ nữa,


Biết là bình yên khó gặp lắm, nên biết chấp nhận thôi, đã là đứng trước ngưỡng cửa bình yên rồi. 
Gõ cửa, bước qua, là tới … chỉ là … biết đâu khi ấy … cũng là lúc bước qua … thế giới bên kia ...

Bình yên là gì ...