Đi đến ngày xưa

thơ Vi thùy Linh (ViLi)
4-2008

... Hồi bé, ngày xưa ...
Chúng ta thường bắt đầu hồi ức giống nhau
Chạy nhanh cho Trăng rằm tháng Tám chạy theo
Tùng tùng rinh rinh cháy dẫn đường hạt bưởi khô xâu dây thép
Sao con cứ chạy, đi nhanh, nói nhanh
Chạy nhiều nên hay vấp ...

Con đang sống hai năm cuối tuổi thanh niên
Muốn nói chậm, đi chậm, nhưng lại cứ hối hả vì sợ đời quá ngắn
Con chưa làm Bố sung sướng chút gì, cả đời gánh vác, chở che con, lo lắng
Bố già thật rồi, lưng trĩu như mang quả núi, tóc rụng nhiều, nếp nhăn ken dày tháng năm
Ai ví đời người như đời cây, làm sao như cây hàng trăm năm, làm sao mọc lại từ đầu y hệt
Con chưa ngoan, nên không gọi được Ông Bụt, Bà Tiên

Xin cắt tuổi thọ con sang Bố
Xin cứ thử thách thật nhiều gian khổ, nếu tôi luyện quy đổi được thời gian cho Bố, con nguyện sẵn sàng

Con đã đến được Lyon
Chữ Alexandre de Rhodes rực nắng huy hoàng sông Rhone
Ngỡ ngàng trong biệt thự anh em Lumiere, nơi ra đời Điện ảnh thế giới
Những thước phim, máy quay cũ giữ qua thế kỉ ...
Con ước Bố ở nơi này
Để nhìn thấy những điều Bố đã học từ năm 70 trong trường Điện ảnh
Bố chưa một lần đến nước Pháp và chưa lần nào nghỉ ngơi, du lịch
Bổ chỉ bên con lúc con đau ốm, gãy tay, rách cằm, cấp cứu nửa đêm hay sau nhiều truân chuyên ghen ghét nhằm vào con (mà con thường giấu Bố)

Bảo tàng Lumiere  lưu giữ và chiếu lại những thước phim sơ khai, cho người xem toàn thế giới
Còn bảo tàng của Bố con mình, chỉ chiếu lại trong ký ức mà thôi
Cuộc bươn chải sinh kế làm thất tán bao sức lực, còn ít quá những tấm ảnh gia đình (Thật vô lí, khi nhà ta theo nghiệp vẽ, làm phim)
Chúng ta đành cất giữ, lưu hành, công chiếu trong trí nhớ

Bây giờ bây giờ đây con không bao giờ muốn chạy đua với trăng, với ai nữa, dẫu là chính con
Con chỉ muốn chạy về tuổi nhỏ!
Bố bảo không thể ư, như Bố đã không thể kiệu con lên vai xem pháo hoa, cho con ngồi chân "cần cẩu, máy bay", trèo lưng "cười ngựa"
Chiếc "Phượng hoàng" cũ bán rồi

Con sẽ mua xe đạp mới, háo hức bám lưng, Bố đèo con nhé!
Chầm chậm đạp về ngày xưa
Cầu cho xe tuột xích, hỏng không sửa được
Cùng Bố đập hạt bàng, lấy nhân ngọt bùi. Trốn tìm thời gian...
Bố con mình ở lại ngày thơ bé!

____________
Bố của Vi Thùy Linh là chú Vi Kiến Hòa, một nhà quay phim, công tác tại Hãng Phim thời sự tài liệu TW
____________

Một ngày thứ bảy cô đơn. Đọc Vi Thùy Linh và Dili. Họ đang nói đến gia đình và bố của họ, tình yêu và những người đàn ông của đời họ.... 
Nhớ bố. Luôn ước ao được có bố, ngả đầu vào vai người, nũng nịu và hờn dỗi như khi nằng nặc đòi sờ vào khẩu súng treo cao mỗi khi người về thăm nhà, mà không được. Đã có một giai đoạn ngặt nghèo, con luôn ôm chiếc dao găm khắc tên Bố mỗi đêm đi ngủ. Chiếc dao găm đó sẽ luôn theo con, vì mỗi khi yếu đuối con thường ghì chặt lấy chiếc dao đó trong tay, và tưởng ra, Bố đang giữ tay con bé nhỏ, dắt qua đường rộng thênh thang. 
"con đừng sợ, cứ bước đi, có bố bên cạnh đây rồi"

Con chỉ còn hai năm bước tới tuổi trung niên
Nhớ đến ngỡ ngàng thuở bé tí teo
Những ngày nhớ đêm mong Giáng sinh, Tết nhất,Trung thu, Sinh nhật ...
Ngày nào cũng thiếu bố
Xa cách thành thói quen 
Xưa lắm con đã chờ ... mãi rồi quen ... chỉ có quên là chẳng thể nào quen 







Việt Nam có Trịnh Công Sơn

Nếu lựa chọn những điều đặc trưng Việt Nam để giới thiệu với bạn bè người nước ngoài, chắc chắn một trong những điều ấy là Trịnh Công Sơn. 

Khái niệm Vô thường đã theo tôi ngay từ lần đầu tiên nghe một bài hát của Ông. Rồi ôm riết trong lòng nỗi buồn từ ấy. Từ khi trở thành thiếu nữ, tôi hay buồn vô cớ đến phát ghét. Lúc thì mít ướt. Lúc lại lạnh lùng, rút vào vỏ ốc cô đơn lỳ ra. Tất cả là do buồn vô cớ. Có vô cớ thật hay không. Không ai còn quan tâm đi tìm điểm bắt đầu. Chỉ biết là những ca từ và giai điệu của Ông đã gieo vào lòng tôi để giúp tôi gọi tên nỗi buồn. Nỗi buồn gọi tên thì buồn dễ tiêu tan. 

Dẫu rằng, không phải lúc nào cũng định nghĩa được nỗi buồn. Dẫu nhiều khi, ta chỉ gọi tên nỗi buồn khi quá đau đớn. Nỗi buồn của Ông, ngoại trừ những bài hát phản chiến, tôi đều thấy ông tránh né dồn nén nỗi buồn vào một nơi chốn hay con người nào cụ thể. Nỗi buồn có thể trên mây, trên môi, trong mắt, trong sương gió, đọng trong từng hạt phù sa hay hạt gạo... Nỗi buồn chơi vơi. Đưa tay ra tưởng chạm tới, là rơi rụng ngay đấy, nhưng mà không. 

Sau ngày Ông mất, người ta tìm hiểu và đưa ra khá nhiều bằng cớ cho những nốt nhạc buồn. Với tôi, điều đó là vô nghĩa. Nhạc của Ông không hề làm tôi ủy mị. Thậm chí, khi tôi thất vọng và bế tắc nhất, "tôi ơi đừng tuyệt vọng" lại dìu tôi đứng dậy, gạt nước mắt mà đi tiếp. 
Sao Ông lại ra đi vào đúng ngày mùng Một tháng Tư nhỉ? Có sự sắp đặt nào đó chăng? Ngày nói dối. Sáng ấy tôi vẫn đến lớp như mọi ngày, háo hức "lừa phỉnh" được đám bạn thân và chờ tụi nó "lừa phỉnh" mình. Rồi có đứa kháo "Trịnh Công Sơn chết rồi đấy". Đương nhiên tôi không tin. Ngày này là ngày nói dối. Nhưng rồi ... tại sao lại đùa về cái chết của Trịnh Công Sơn  mà không đùa điều gì khác? Khi cả đám bạn nhao nhao. Rồi Thảo Nguyên, con gái chú Trần Tiến xác nhận tin đó, thì tôi phải tin. 

Ông không là thần tượng. Ông không là người thân quen. Ông không là người nổi tiếng (trong suy nghĩ của tôi). Ông sỉnh ở một nơi tôi chưa từng đặt chân tới. Ông nói tiếng Huế, cũng là một nơi mà tôi chưa tới. Ông là ai bây giờ để tôi có thể úp mặt vào tay mà rớt rơi một giọt nước mắt, hàm ơn. Chỉ biết là hôm ấy, tôi lặng lẽ như mất đi một điều gì đó quen thuộc lắm ấy, cần lắm ấy. Mặc dù gia tài tác phẩm của Ông, tôi mới chỉ biết có một phần mấy, lại đơn giản ngây ngô nên làm sao đã hiểu nổi. Ông là ai bây giờ, nếu không phải là lẽ vô thường. Có mà như không. Không mà như có. Ông và những bài hát đến bên tôi tình cờ, tồn tại bên tôi dịu dàng như là nắng hôm nay, ồn ào như cơn mưa hôm nay. Một dáng vẻ quen thuộc nhưng chưa từng chạm mặt, nỗi nhớ vô thường, để mỗi lần đi qua con ngõ nhỏ vào nhà Ông, tôi chạy chậm lại ngoái tìm. Tôi tìm chính tôi ngày đầu tiên biết đến Trịnh Công Sơn. Tôi tìm chính tôi đó thôi. 

Việt Nam có một Trịnh Công Sơn yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống cho dù người thì không ở lại, đời thì bạc mà cuộc sống thì đắng cay. 

Việt Nam có một Trịnh Công Sơn không phải là thiền sư mà cứu chuộc linh hồn con người bằng nhạc, bằng cách chắt chiu chữ. 

Việt Nam có Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ tỏa hương như quỳnh hoa trong đêm tối. Có thể cô đơn nhưng không ủy mị. Ai bảo Trịnh Công Sơn ủy mị. Khi chính Ông đã vực dậy bao tinh thần hao mòn và yếu đuối. 

Nhân ngày mất của Ông, xin một lần nữa được cảm ơn người đã giúp tôi rất nhiều điểm tựa. Tôi cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé. Một ngày nào đó thả mình vào gió rong chơi, biết đâu tôi bay qua nơi khe núi nhỏ, và thấy Ông đang hát tình ca. 


vô đề

vẫn chuyên vào vnexpress.net để đọc thông tin hạ lãi suất, vàng lên, đô xuống, thất nghiệp tăng, và cũng không quên ghé chuyên trang Gia đình. Không nói quá khi 100% comment dưới các bài viết, nhắc tới hai chữ "ly hôn". Bạn có nhột nhột hay gai gai người, hay thấy nhạy cảm khi đọc thấy hai chữ "ly hôn" không? có thời, hai chữ đó rất nhạy cảm đấy. Tôi dám chắc hiếm người thấy cảm giác đó. Gần như automatic mọi người nghĩ đến giải pháp đó.

thực ra, khi đau răng, bạn cũng muốn nhổ quách nó đi đó thôi. Kiểu "đau một lần rồi thôi". Đương nhiên, răng có hơn hai chục cái, nhổ cái này còn cái nọ. Chứ tay chân thì không sơ xảy được. Đầu thì lại càng không. Thế còn hôn nhân thì sao? Nó quan trọng ngang tầm với cái đầu, hay tay chân, hay chỉ là 1 cọng tóc của bạn? 

Mà cứ bảo bỏ là bỏ, hủy là hủy, cắt là cắt thế?

Có một người đàn ông đã nói với tôi rằng "yêu là yêu cuộc sống là cuộc sống". Tôi bất đồng với quan điểm ấy. Qua đây, tôi cũng muốn người ấy thử đọc những dòng tâm sự ngắn ngủi kia, để biết, cuộc sống có thể can thiệp vào chữ Yêu đó như thế nào và phá vỡ chữ Yêu đó ra sao. 

"Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì", dễ thương quá đi chứ. Đúng là khi yêu, chỉ nên biết đến yêu thôi, đừng phải biết đến cái chi chi nữa hết ráo trọi, thì đẹp. Nhưng chỉ yêu thôi đấy nhé, không nói tới chung sống, không nói tới điều gì xa xôi nữa đấy nhé, thì đẹp. 

Sao dzậy ta 

Đừng phải gánh vác gia đình riêng chung hai bên nội ngoại với thu nhập eo hẹp lại không ổn định của hai vợ chồng. Đừng bệnh tật ốm đau phải bán nhà bán đất chữa chạy. Đừng muộn con. Đừng vô sinh nhưng cũng đừng đông con quá. Đừng đòi hỏi con trai mà cứ sinh con gái. Đừng nhiều thở dài vì chồng lao ra ngoài xã hội kiếm tiền, mang tiền về và cũng mang ngần ấy thú vui tật xấu về. Đừng nhiều lo lắng vì vợ chỉ biết nội trợ ăn bám không giúp được gì cho sự nghiệp của chồng. Đừng "núi cao chi lắm núi ơi", để mà nhiều chọn lựa, nhan nhản chọn lựa, đặt vào tay sẵn sàng "hư đi nào". Đừng thương con quá, hư con, mẹ (chồng/vợ) ơi. Đừng can thiệp quá dữ dằn và áp đặt quyền cha quyền mẹ quyền đại gia đình lên gia đình nhỏ bé của riêng con. Đừng buông tay nhau dễ dàng thế. Đừng cứ như người câm và điếc khi cần phải cứu lấy gia đình bằng mọi giá. Đừng ngoảnh mặt đi với người mình đã từng yêu thương và chọn lựa (dù chỉ trong 1 khoảnh khắc quá khứ) ...

Còn nhiều thứ nữa mà cuộc sống bày ra đó và bắt con người phải đương đầu. Là con người, càng sắt đá cứng cỏi giỏi giang bao nhiêu thì sau lưng họ càng cần nhiều sự hậu thuẫn bấy nhiêu. Từ gia đình, bạn bè, vợ/chồng, con cái ... Đấy, kia, cứ nhìn nụ cười viên mãn, cứ nhìn thấy sự tự tin phơi phới, nụ cười hả hê, nói năng to tát chém gió chém bão ác liệt ... nếu không phải là đóng kịch, thì đó ắt là có sự hậu thuẫn. Ngược lại, cứ nhìn thấy vẻ buồn buồn, nhác nhác, lơ đễnh, xao nhãng, tự ti ... thì đó là gì, nó phản ánh một cuộc sống đang có vấn đề. 

Ây dà, điều kỳ lạ là trong cái thế giới ngày nay, cứ giấu mình sau 1 cái nick, chia sẻ chuyện Đông Tây Nam Bắc, chuyện đúng chuyện sai chuyện tày trời ầm ầm với thiên hạ, thì dễ dàng thế. Nhưng có những vấn đề nhỏ thôi, thì người một nhà không ngồi nói chuyện với nhau được, mặc dù vẫn chung nhà chung giường chung mâm cơm. Ây dà ... khó nhỉ. Càng ngày con người càng lệ thuộc vào màn hình vi tính và những con chữ vô hồn. Trên máy tính không có đôi mắt người ngấn lệ, đôi mắt mà biết nói ngàn lời không dễ nói đâu. Những con chữ vô hồn không kéo ta ngồi lại gần nhau hơn, để biết "phía bên kia" đang khóc đấy. 

Tôi chẳng bao giờ comment dưới những dòng tâm sự. Tôi tin rằng, khi có một kết cục cho ta nhìn thấy, có nghĩa điểm khởi nguồn đã có cách đó khá lâu rồi, chẳng cứu được. Bất kỳ điều gì cũng có một quá trình của riêng nó, phát sinh, phát triển, thoái trào rồi chết đi. Ly hôn không phải chấm hết. Nếu không nói đó là một sự khởi đầu. Dù không mấy suôn sẻ. Nếu một sự việc đã đến hồi kết, có nghĩa là nó phải thế. Quan trọng là trước đó tôi đã làm gì. Tôi đã nỗ lực hay tôi đã lười nhác. Tôi đã thiện chí hay tôi ngược ngỗ. Tôi đã vun hay tôi đã phá. Tôi đã nghĩ hay tôi vô tình... 

Em gái đồng nghiệp có hôm rảnh rang lên đọc xong, tâm sự "em thấy lắm chuyện bi đát hơn cả chuyện của chị em mình chị nhỉ, haizzz". Không, có gì mà bi đát. Họ nói ra được đã là 1 cái may. Nói ra hay type được nửa bài tâm sự, có lẽ đã tìm ra hướng giải quyết rồi cũng nên. Không phải mày mò đi trong bóng tối là may mắn rồi. Gạch đầu dòng ra được những điều ấy không dễ, phải mất thời gian. Ai mà không phải trả giá để được một bài học. Âu cũng là lẽ thường tình. 

Trời đẹp thế kia và cao thế kia. Tôi ước ao sao một ngày kia không còn những tâm sự buồn. chuyên trang Gia đình dành 1 góc cho các gia đình giao lưu thân tình, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, giữ sức khỏe, thiết kế những chương trình hay sân chơi càng ngày càng nhiều và thú vị cho những gia đình nhỏ tham gia. Cuộc sống quá nhàm chán đã gây ra không ít mệt mỏi. 

Bạn tôi ơi, nếu muốn "yêu là yêu mà cuộc sống là cuộc sống", tôi hiểu ý bạn, hãy thử để cuộc sống bên ngoài tình yêu của bạn xem sao nhé. Nhưng tôi không dám nghĩ là khả thi. 



thơ, nhạc, tìm quên

Chiều thứ Bảy. 39 Lý Quốc Sư. Nhà riêng của họa sỹ Lê Thiết Cương. Tôi - một mái đầu xanh một kẻ thực sự "ngoại đạo", ngồi giữa các nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu và phim hoạt hình. 
Ngồi giữa những mái tóc bạc và muối tiêu. cảm giác rất lạ lùng
Nghe thơ, nhạc và quên đi ngoài kia người xe đang vội vã trên con phố cổ có thể nói là sầm uất nhất của Hà nội. Qua cửa kính rộng lọc bụi, nắng và tiếng động, dòng đời đang trôi như phim câm.

Bác Lê Nguyên ra tập thơ mới "Khát khao xanh". Thơ chỉ là cái cớ để gặp lại bạn cũ. Chỉ còn lác đác. Rất nhiều người đã "đắc đạo" sau khi học chết. Đúng, họ đã học rất nhiều thứ trong cuộc đời dài đầy mồ hôi, máu và nước mắt. 
Tôi đang học gì? học quên


Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên. Ít ai biết, bài hát "Huế, Sài Gòn, Hà nội" của nhạc sỹ Hoàng Vân là bài hát phổ thơ của bác. Bài hát mở đầu bằng câu "Trên đất mẹ nắng hồng như lụa ...". 
Hơn 80 tuổi. Đi qua hai cuộc chiến, đi qua những khúc quanh đời người với nụ cười luôn trên môi. Bác là một người không bao giờ già trong suy nghĩ của tôi. Và tôi mong mình mãi luôn là "con bé Bắc Kỳ dễ thương" của bác.



Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trẻ hơn so với hình dung của tôi




Trong tập thơ mới của bác Lê Nguyên tôi chưa nhớ bài nào. Cũng bởi những mảnh đất bác đi qua, tôi chưa từng đặt chân tới. Những cung bậc cảm xúc bác đi qua, chưa biết lúc nào hay có khi nào chăng, tôi được chạm vào. 

Nên chọn bài thơ của bác mà tôi thích nhất đặt trân trọng ở đây: 

DẪU BIẾT RẰNG

Dẫu biết rằng
tiếng gọi không đến được em
nhưng tôi cứ gọi

Dẫu biết rằng
chỉ có lặng im 
trên phím đàn vắng hơi ấm tay người
nhưng tôi cứ mong

Dẫu biết rằng
chỉ còn đỉnh cao mây trắng ngày xưa
nhưng tôi cứ đến

Dẫu biết rằng
hoa sữa đêm nay
không còn hương thuở ấy
nhưng tôi vẫn tìm

Dẫu biết rằng
đời người chỉ có một mùa xuân
nhưng mùa đông trong tôi
không thiếu ngày nắng ấm

Dẫu biết rằng
không thể đi ngược thời gian
nhưng tôi vẫn gặp hôm qua
trong ánh sáng
                       hôm nay.

(Bài thơ này đã được bác Lê Nguyên phổ nhạc và cô Bảo Yến hát rất hay). Hy vọng có cách nào đó đưa vào entry này. 

Còn tôi ...
Dẫu biết rằng, hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa rồi cũng không còn. Mai mốt ra đi rồi thân xác hóa cát bụi. Rồi sao nữa. Ta từ đâu mà tới. Rồi ta đi tới đâu. Một người bạn già của bác Nguyên tóc đã bạc trắng, hôm qua cũng đã chia sẻ, con người với các số phận nổi trôi, thiên tai, chiến tranh, tất thảy đều là trò đùa của tạo hóa. 
vậy ... 
tôi cứ hồn nhiên đi qua tất thảy. Tạo hóa đùa ta ư? Vậy ta cũng đùa tạo hóa chơi ! 
Thơ, nhạc, tình yêu thương con người dành cho nhau ... cứu rỗi linh hồn, cứu rỗi nhân loại, cứu chuộc những mất mát đau thương .... Nói thế chẳng to tát và xa vời quá đâu








biển và em



Anh như là biển đấy
Trước em cứ lặng thinh
Để sóng ngầm hối hả
Cuốn chân em vỗ về

Anh như là biển đấy
Trước em biết lặng thinh
Thác ghềnh nào đã trải
Để rồi nay hững hờ

Em lại về trước biển
Biển ôm em vào lòng
Nằm bên bờ biển rộng
Ngước nhìn khát khao xanh

lá rụng xôn xao

Chiều nắng rất nhạt. Hồ Tây nổi sóng. Lòng cứ cồn cào, nhớ gì đó không rõ. Dẹp công việc sang một bên và uống thuốc giảm đau vào mà không sao ngủ được. 
Vùng dậy ra Bách Thảo dạo một vòng, hít thở không khí, ngắm đàn bồ câu nhí nhảnh, ngắm lá vàng rơi và ngắm ba cây hoa sưa còn dày đặc hoa trên đỉnh núi Nùng. 




vì nghĩ nắng sẽ cao lắm nên mang theo cuốn truyện trò của Cao Huy Thuần, ai dè trời ủ ê mà gió thì to đến díp cả mắt lại. có vài đoạn cũng phải cất công nghĩ lắm 
"trong cả hai, tình yêu đẹp nhất phải cúi đầu khuất phục định kiến bất công nhất. Khuất phục dưới danh nghĩa hy sinh. Người chết hy sinh thì chết thật. Người sống hy sinh thì sống giả. Chết thật thì nằm trong nghĩa địa, dưới trăng sao. Sống giả thì nằm trong nghĩa địa, giữa cuộc đời. Đâu cũng là nghĩa địa" (tác giả đang muốn nhắc tới tình yêu trong tác phẩm cải lương Lá Sầu Riêng và tác phẩm Trà Hoa Nữ)

đoạn này khiến mình nhớ đến Take a bow

All the world is a stage (world is a stage)

And everyone has their part (has their part)


But how was I to know which way the story'd go


How was I to know you'd break my heart


Đúng, đời là một sân khấu lớn. Mỗi người đóng một vai. 

Dù chính dù tà, dù bi dù hài, tuồng nhỏ tuồng lớn. Màn kéo lên rồi 

cũng đến hồi hạ xuống.Người ở đâu?nghĩ gì về ta? có nhớ ta không?

Phải chăng, khi ta vào vai thì người ngồi coi ta diễn. Nước mắt ta rơi 

sau một hồi cười. Đâu là thật đâu là diễn và đâu là mơ. Ta khóc 

người coi. Ta chết người coi. Sau cái chết màn không mở lên lần 

nữa để người có thể thấy những gì ẩn sau. Ta nhìn rõ người đang 

khóc dưới hàng ghế. Nhưng người chẳng thể nhìn thấy ta. Ta đang 

cười sau tấm màn nhung.




cho dù vậy, ta vẫn muốn tình yêu vén tấm màn lên lần cuối ... để

cho ta được thấy ... 


chết là hết

tôi rất hay nằm mơ về cái chết của mình. 
ví dụ như hôm nay mơ ...
đang giảng bài trên lớp, đưa ra bài tập cho học viên, chưa kịp giải đáp thì một cơn đau đột nhiên xuất hiện. giống như ai đó dùng một bàn tay có móng vuốt nhọn, xuyên thẳng vào người và móc đi một bộ phận nào đó. rất nhanh và rất đau đớn. chỉ kịp thốt lên "cái gì vậy", ôm lấy bụng rồi gục xuống.  sau đó tỉnh lại trong bệnh viện. một số xét nghiệm đã có kết quả. Ung thư gan giai đoạn cuối.

mình hỏi bác sỹ "nếu mổ, tôi cần chuẩn bị bao nhiêu tiền? hóa trị liệu hay xạ trị sau đó mất khoảng bao nhiêu tiền nữa? nếu mổ có thể kéo dài sự sống tối đa bao nhiêu lâu?". ví dụ là vài trăm triệu đi nhé (vì cũng chẳng biết bao nhiêu cho vừa) và kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm. Mình muốn biết thêm "Bệnh viện có cho nợ chi phí không? nếu cho nợ thì nợ trong bao lâu phải trả hết?". ví dụ là có cho nợ, khoảng 1-3 tháng đi nhé. Mình nghĩ "sống sót thì 3 tháng dặt dẹo nằm bẹp trong viện cũng chẳng làm gì để có ngay lắm tiền đến thế"

rồi mình quyết định (cũng chính là quyết định của mình nếu giấc mơ này bị biến thành hiện thực)
"Nếu thế tôi về nhà. Còn vài việc phải làm, xin bác sỹ vài liều thuốc tiêm giảm đau. Số tiền tôi đang có chỉ bằng phân nửa số cần đến, thà để dành làm sổ tiết kiệm cho con gái. Có lẽ chưa học hết cấp I,cháu đã tiêu hết số tiền dành dụm đó rồi. Nhưng bây giờ mà sử dụng thì vô nghĩa quá, người bệnh chưa chắc đã sống được. Sống cũng mất sức lao động, không còn sức khỏe mà đi làm kiếm tiền nữa. Người cần đến tiền để sống và ăn học thì lại không có, mất hết tương lai. Con trẻ cần được học hành. Có học hành thì còn có tương lai. Thôi thì nhờ cậy ông bà cô dì chú bác và các em chăm sóc giùm cho ..."

Đó chỉ là một giấc mơ thôi 
Tôi tiếc là suốt cả quãng đời ngắn ngủn, chưa gặp được một nửa thực sự của mình. (Ngớ ngẩn thật đấy, tiếc tiền không tiếc ;-)). Thế là đến chết cũng chưa gặp được nửa kia. 
Tôi luôn nghĩ thế này "một là Chúa Trời quên không tạo ra nửa kia dành cho tôi. Hai là có tạo ra, nhưng Ngài đã vung tay hơi quá, quăng nửa ấy đi quá xa. Vì xa thế nên lâu thật là lâu đi xa thật là xa vẫn chưa tìm được về với nhau đó thôi. Nhưng mà xa xôi mấy cùng lắm cũng chỉ nửa vòng trái đất thôi mà. Mười mấy tiếng bay là tới Việt nam rồi. Thế mà người ấy chẳng xuất hiện. cho dù tôi đã nằm bẹp chờ chết vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. 
điều lạ kỳ là (trong giấc mơ thì lúc nào chẳng có điều lạ kỳ)
nửa đó của tôi sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chỉ khác giờ thôi
và chúng tôi cùng đến thế giới bên kia cùng ngày cùng tháng cùng năm, chỉ khác giờ thôi
ở đó, chúng tôi đâm sầm vào nhau 
đằng ấy có vẻ yếu thế? - ừ, đang bệnh mà
đằng ấy sao có vẻ khỏe mạnh nhỉ? - ừ, đang trên đường thì một người mặc áo đen chặn trước mặt bảo "có người đang đợi anh đấy"
có thể là tớ chăng. tớ suốt ngày kêu ca với Chúa Trời là đợi mãi, đợi tới chết vẫn chưa gặp được nửa kia của mình.
thế thì vịn vào tay tớ đây, đằng nào cũng đến đây rồi, chúng ta cùng leo lên những nấc thang kia, chúng dẫn ta lên thiên đường đấy. biết đâu, đằng ấy lại tìm thấy nửa kia ở đây. và hai chúng tôi thong thả nhẹ bước lên đường ... 

Nói chuyện gở. Nghĩ chuyện gở. Ừ thì thế. Chẳng ai biết được chữ ngờ. Chẳng ai biết được chuyện ngày mai. Kể cả ông thày bói hay nhà tiên tri. Đó là những gì họ tin, rất tin, tin đắm đuối và mê mệt, thế thôi. Mà khi ông thày bói hay nhà tiên tri nói ra thứ họ luôn nghĩ tới, tin đắm đuối và mê mệt thì rất dễ hay và thuyết phục. 
Mình nghĩ mình cứ nhắc hoài, Chúa Trời chẳng nỡ bắt tội bắt lỗi đâu. Hoặc nếu chẳng may xảy ra chuyện đó với mình thật, thì coi như đã biết trước nên chủ động hơn. tính trước rồi nên không cập rập lộn xộn xáo trộn rối tung cả lên. 

Tôi tin nếu ở đây tôi không kịp gặp được nửa kia của mình, thì chắc chắn ở nơi ấy chúng tôi sẽ gặp được nhau thôi :-P 


Nhân đọc bài viết sẽ phạt tù người mẹ bỏ con mới sinh trên vnexpress.net


dành riêng cho phụ nữ

Trước hết chỉ nên coi bài viết trên báo mạng là một cái tin thay vì một bài viết chỉn chu.  Tin bị giới hạn chữ. Chủ đề này không thể  chỉ dừng lại ở vài trăm chữ toen hoẻn như vậy được. Nói không hết ý, dẫn chứng nghèo nàn, cái nhìn phiến diện và tư duy cụt lủn. Người đọc cần có cảm xúc mạnh mẽ hơn. Để thay đổi, con người ta cần sự thúc đẩy đủ để vượt qua một cái ngưỡng nào đó. 

Tôi viết xoay quanh chủ đề này. Nhưng trước hết, phải khẳng định: tôi không định lên mặt dạy ai, cũng không viết để ủng hộ việc “nên” hay “không nên” phạt tù ai. 

Mỗi khi đọc được những câu chuyện như thế này, biết rỉ ra những giọt nước mắt cay đắng xót thương, trước hết cho trẻ con sau là cho người lớn, thì cũng phải biết nghĩ thêm một chút nữa. Câu hỏi đơn giản là “làm sao hết cảnh này?”. Tôi không muốn đã mang tiếng đòi hỏi mà chỉ đòi “bớt”, sao không đòi “hết” đi. Cái tính tôi tham thế.

Nhan nhản Trung tâm này kia, nhận hỗ trợ bảo trợ và giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ. Bên cạnh đó còn có các bác sỹ tâm lý nữa. Tôi tự hỏi, ngoài những lời khuyên (của chuyên gia hay nhà tư vấn thường xuất hiện ở cuối mỗi bài viết), họ có thể giúp gì cụ thể và thiết thực hơn cho các trường hợp này không?.

Nhà báo giúp bằng cách tiếp cận vấn đề và nói ra cho mọi người cùng biết - “gióng lên hồi chuông báo động” - như cách nói hoa mỹ. Chuyên gia tư vấn. Bác sỹ chữa trị những vết thương thể chất cũng như tinh thần. Vậy, tôi và các bạn có thể làm gì để giúp những người phụ nữ ấy? Những đứa trẻ hóa ra lại có một thân phận rõ ràng hơn so với mẹ chúng. Trước hết, trẻ được đưa vào bệnh viện hay trung tâm y tế để chăm sóc tích cực, cùng lúc họ sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thân nhân đến nhận lại. Khi sức khỏe ổn định mà cha mẹ không nhận lại, thì trẻ được lập hồ sơ cho làm con nuôi. Trẻ được chuyển về các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc tỉnh thành phố, hay có thể được nuôi dưỡng ở các chùa chiền nhà thờ hay các nhà mở mái ấm … chờ cha mẹ nuôi tìm đến nhận và đem đi sau khi đã hoàn tất thủ tục nhận con nuôi.

Tôi đã từng đến với những đứa trẻ ấy. Với chúng, thôi thì tạm chấp nhận việc được cứu sống, có một nơi ở chung, ăn và mặc tàm tạm, được theo dõi sức khỏe. Tôi thực sự dành sự ái ngại hơn với những người mẹ đã bỏ con. Để không còn trường hợp trẻ bị bỏ rơi nào, thì nên chăng đi tìm nguyên nhân và loại trừ từ gốc rễ ấy. 

Viết tới đây, tôi thấy lòng mình trào lên nỗi ân hận. Với con gái tôi. 9 tháng mang thai, hầu như đêm nào tôi cũng khóc. Tôi được mẹ chăm sóc vụ ăn uống khá kỹ lưỡng trong suốt thai kỳ nhưng bản thân không bao giờ chủ động. Tâm trạng xáo trộn. Tâm lý bất an. Công việc bận tối mắt... Nỗi ân hận đầu tiên tôi có thể “đong” được, đó là khi bác sỹ báo cân nặng của con bé: hai cân tám lạng. Rồi ân hận tiếp theo là không có sữa cho con bú. Mọi người chạy đôn đáo tìm mọi cách để tạo sữa. Tôi vẫn hờ hững với việc ăn uống. không vượt lên chính mình chút nào khi vẫn nhất quyết không ăn cháo chân chó đen (vì tôi không ăn thịt chó). Tôi nhăn nhó và bỏ đi thay vì ăn tất cả mọi thứ mà mọi người chuẩn bị cho như các bà mẹ khác ... Đương nhiên, sau 4 năm là nhiều lần ân hận nữa .... Nhưng tôi thấy mình vẫn là 1 người mẹ may mắn khi được cùng con trải nghiệm. Cho dù bạn là 1 bà mẹ đoảng hay nghèo khó hay kém cỏi thế nào, tôi vẫn không muốn bạn phải ân hận khôn nguôi suốt cuộc đời vì không biết con mình sống hay chết, nếu sống thì như thế nào, trường thành ra sao, vui hay buồn ...

Vì thế ...
Tôi lại có ý tưởng dành cho phụ nữ trẻ nói chung hoặc cho những ai thực sự quan tâm. Tổ chức những chuyến đi, thực hiện những chương trình nhỏ thôi nhằm tiếp cận với các bạn nữ (có nguy cơ tiềm ẩn đối diện với việc có thai ngoài ý muốn và rồi bỏ con). Chúng tôi ư, chỉ là những phụ nữ bình dị thôi. Kể chuyện mình. Những va vấp dại khờ. Cách vượt qua những vấn đề cụ thể hàng ngày. Các chị các mẹ dạy cách chi tiêu, tiết kiệm, cách chăm sóc bản thân và em bé. Cùng tìm câu trả lời cho những băn khoăn (không bao giờ nghĩ là thừa thãi và ngây ngô). Điều quan trọng nhất, họ phải biết mình chính là “đối tượng nhắm tới” của đàn ông con trai. Họ phải biết họ không có sự bảo vệ chắc chắn như đàn ông con trai. Họ phải biết họ được hay không được bảo vệ, bởi luật pháp, bởi các trung tâm, bởi xã hội. Họ phải được biết và nắm vững cách thức tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bệnh tật, mang thai, sảy thai, sinh non, sinh con rồi bỏ con v.v và v.v. Nói chung là kiến thức và kỹ năng cần thiết để tồn tại.  

Tôi nghĩ, giáo cụ trực quan là không thể thiếu. Bởi lẽ, chắc hẳn ai cũng đồng tình với tôi rằng, khi yêu, con người ta như bước vào  giữa "điểm mù”. Non gan hơn một chút. Mềm yếu và cả tin hơn một chút. Sẵn sàng giúp đỡ người mình yêu cho dù người đó còn chưa mở lời, giúp đỡ (thậm chí chu cấp) từ thứ nhỏ nhất đến việc từ bỏ cả gia đình vì người ấy. Trao thân hóa ra vẫn là 1 việc nhỏ (dại). Người ta có thể phạm pháp và gây ra những tội tày đình hơn nữa kia.

Bỏ con ư, bạn có biết điều gì xảy ra sau khi bạn quay lưng đi không?
(một đoạn video clip hoặc những hình ảnh sẽ được trình chiếu: Cửa trung tâm bảo trợ một sáng sớm mùa đông. Bác bảo vệ nghe tiếng khóc hoặc tiếng gạch đá gì đó ném cái rầm vào cửa sắt (vốn dĩ các bác đã biết là có ai đó muốn đánh động để bác lưu ý rồi). Cái làn nhựa với một manh áo của người mẹ che lấp hết cả đứa nhỏ bới mãi mới thấy. tiếng khóc nghèn nghẹt, thân hình tím tái. Mảnh giấy ghi vội tên con thường không có họ. Rồi sau đó là ủ ấm, quần quần áo áo, khám sơ. Cho ăn. Có khi phải mang trẻ vào ngay trung tâm y tế để cấp cứu... ) - Cắt – tạm thế đã nhé

Có bạn sẽ mạnh dạn giơ tay chất vấn “thế nếu tôi không bỏ con, tôi và con tôi sẽ sống ra sao đây?” 
(tôi sẽ dẫn chứng bằng các đoạn clip ghi lại sinh hoạt thường nhật của vài gia đình trẻ. Vợ chồng sinh viên vừa học vừa chăm con. Những đôi vợ chồng trẻ còn mải chơi, học hành chẳng đến đâu, đã ẵm con và phải lo làm lụng để nuôi con, những cơ hội cho đứa trẻ và ngần ấy những cơ hội cha mẹ chúng sẽ mất đi ...) –  họ sẽ thử áp dụng vào điều kiện cụ thể của bản thân. Nếu cần phải điều chỉnh cho phù hợp, họ sẽ đặt câu hỏi. Mọi người cùng tìm cách giải quyết vấn đề.

Còn với câu hỏi: nếu tôi bỏ thai thì sao?
(cũng sẽ có video clip cho họ. Điều này nhan nhản trên tivi và các trang mạng xã hội rồi, chẳng phải nói nhiều nữa. Nhưng với các địa phương vùng sâu vùng xa lạc hậu đâu thể có sẵn những phương tiện thông tin để tiếp cận) 

Tôi muốn tất cả phải thật cụ thể. Như là họ đang đau đớn. Như thể họ đang đứng trước quyết định ấy. Có thể họ sợ đến ngất xỉu. Không sao. Điều đó là may mắn nếu vì thế mà họ thay đổi suy nghĩ và quan điểm sống. Thật tốt nếu điều đó sẽ dựng thêm một barier trong con người họ. Hy vọng tôi sẽ dựng thêm được một tường lửa để giúp họ tránh được tai ương.

Tôi muốn tất cả phải thiết thực. Tức là sau những sự chia sẻ, khi họ gặp chuyện và thực sự cần giúp đỡ, sẽ có một tập hợp các chuyên gia bác sỹ sẵn sàng giúp đỡ tận tình, trách nhiệm, và quan trọng là kịp thời. Đôi khi, chỉ là được nói ra, có người lắng nghe tôn trọng suy nghĩ đầy lo lắng của mình, đã kéo họ ra khỏi “xứ mù” được nửa đoạn đường rồi. Ví dụ các biện pháp phòng tránh thai. Nếu có thai và quyết định bỏ, thì phải đến đâu để được tư vấn hỗ trợ. Nếu giữ thai thì tổ chức cuộc sống thế nào, sinh con ở đâu, chế độ và sự hỗ trợ nếu cần. Ai dám chắc các bà mẹ ở phố thị đã biết mở lời với con gái của chính mình về chủ đề tế nhị này. Ai dám chắc chỉ có ở nông thôn vùng sâu vùng xa mới có sự e dè và thiếu hiểu biết. Còn đầy ra đấy những cô gái đã đi làm mà còn ngây ngô về những vấn đề thuộc chính cơ thể mình, né tránh e thẹn việc tìm hiểu và coi đó là chuyện tự nhiên sau khi có gia đình khắc biết.

Tôi muốn quan tâm đặc biệt tới những phụ nữ trẻ, từ nông thôn ra thành thị để học tập và làm việc. Họ mang tư tưởng khá tiến bộ và linh hoạt, muốn thoát khỏi lũy tre làng cổ hủ lạc hậu ấu trĩ để được học tập rồi thành đạt rồi kiếm nhiều tiền hơn, để thoát nghèo … phải biết cái giá phải trả. 

Phụ nữ vốn không được bảo vệ. Tự nhiên đã là thế. Có ai đời, thiên hạ lại nghĩ hay lo lắng cho đàn ông cơ chứ? Thật nực cười. Đàn ông không phải lo giữ một thứ để đánh đổi lấy hạnh phúc khi trưởng thành. Đàn ông không phải lo lắng “nhỡ … thì ...”. Đàn ông lao đi (gần như) không có gì để phanh lại. Đàn ông hiếu thắng, ganh đua, giành giật, chiếm đoạt (cái đoạn cuối cùng này thì chắc chắn chỉ thuộc về đàn ông mà thôi).

Tôi nghĩ, biết rõ bài toán đời mình thì tốt hơn. chắc mỗi người tự biết nó là dễ hay khó. ai cũng có một bài toán, nếu không nói là khá nhiều bài toán. Có người giải suốt đời không xong, đến chết vẫn chưa xong. nhưng không vì thế mà không đối mặt, chẳng tránh được.

Vô ích khi khóc lóc chạy theo đòi hỏi một người đàn ông hãy động lòng trắc ẩn đi, hãy nhìn tôi và đứa trẻ này, hãy làm gì đi chứ...Họ sẽ im lặng (cái thứ im lặng mà bao đời nay, cả cái xã hội cổ hủ Á Đông này cổ xúy bằng sự im lặng ăn theo, và bao đời rồi vẫn tội vạ đâu đổ đầu đàn bà con gái, không vì họ nhẹ dạ thì cũng vì họ lẳng lơ). Và rồi các bà mẹ trẻ, không một ngày nào từ khi biết mình mang thai, tự dằn vặt  “vì sao, tại sao, rồi ra thế nào đây”, “mình đã gây nên tội gì mà lại khổ thế này”, chạy ra chạy vô như gà mắc tóc với những ý nghĩ dại dột. 

Vô nghĩa thôi. vô nghĩa không phải vì đã không nghĩ ra thứ gì hay ho hơn là bỏ thai hay bỏ con sau khi sanh. Mà vô nghĩa bởi không nhìn ra xa mà xem, có ai thương xót các bạn không. Nếu nhìn thấy trước điều đó, thì hãy thương lấy chính bản thân mình nhé. 


Tôi ước ao mỗi người, không cứ gì là phụ nữ, khi gặp chuyện bế tắc, cũng có những bàn tay sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ. Đôi khi chỉ là một lời khuyên, một giải pháp tình thế để bạn tham khảo mà thực hiện. Đôi khi là một lời động viên khích lệ. Đôi khi là manh áo cho con, một cơ hội học tập cho mẹ.Có thể là một hội đoàn nho nhỏ cùng làm kinh tế. Thực tế - kịp thời - hiệu quả. 

Nếu có một câu hỏi khó dành cho tôi, rằng bạn đang day dứt tiếc nuối cộng với đau khổ vì bị bỏ rơi, bạn phải lựa chọn giữa giữ con và cơ hội học tập phấn đấu còn dang dở, thì tôi sẽ trả lời thế này: bạn nên bỏ thai. Đương nhiên, bạn phải ghi nhận tất cả các nguy cơ có thể xảy ra về thể chất và tâm lý. Bạn biết và hiểu sâu sắc rồi thì nên làm theo cách đó. 

Vì sao ư? Khi có con rồi, bạn sẽ phải suy nghĩ cho hai người, lo cho tương lai của hai người. Bạn sẽ phải bỏ đi phần lớn các cơ hội học tập phấn đấu hoặc chấp nhận bị bỏ lại phía sau khá xa. Nếu bạn không đảm bảo được rằng - với tình yêu thương vô bờ và nỗ lực không ngừng nghỉ - bạn và con sẽ sống tốt và được phát triển tốt nhất, thì hãy đừng sinh con. 

Giả sử bạn không thể có con sau này thì đó cũng là điều bạn đã biết trước. Tự làm tự chịu, bạn đau khổ, chỉ một mình bạn thôi, không ai nữa. bạn có tưởng tượng được một lúc nào đó bạn ân hận vì đã đem con tới cuộc đời này để rồi bày ra trước nó đầy thử thách ngay khi còn bé tí xíu không. Bạn chưa thể hình dung ra, thì chúng tôi sẽ kể bạn nghe ... 

tháng mấy mưa Ngâu



Đã lâu rồi, em quên bẵng 3 thứ: cuốn lịch, chiếc đồng hồ và việc trang điểm. chúng nhắc em về hai chữ Thời gian
chắc anh còn nhớ, em chỉ tô son mà thôi. son màu nhạt. Như là môi em đã hồng lên sau một nụ hôn vội vã.

Em nhớ, còn rét nàng Bân nữa thì phải. Vậy thì tháng mấy sẽ mưa Ngâu. Mưa rả rích em vốn không thích đâu. nhưng mưa Ngâu là một ngoại lệ. có hai người chỉ được gặp nhau trong mùa Ngâu ấy thôi.

Em thấy lòng mình ấm áp, dù đi trong mưa lạnh và ẩm thấp lắm. Em thấy hạnh phúc khi thấy người ta hạnh phúc. những lúc ấy, em thường ngước lên nhìn trời và thầm ước "hãy hạnh phúc thay cho cả tôi nữa nhé". Hãy cứ hạnh phúc và cười lên để cho tôi được thấy. em là thế đấy. cần phải thấy người ta hạnh phúc. Nếu phải sống giữa những cảnh đời u ám một thời gian dài, em héo úa như một cái cây cớm nắng vậy. 

Anh bảo muốn giúp em ư? làm sao anh giúp em được. anh đánh em thật đau đến ngất đi có lẽ lúc tỉnh dậy em vẫn nhớ và vẫn ủ ê như anh thấy bây giờ. Mọi thứ ở trong em, nặng nhẹ thế nào, em biết. Đẩy nó ra chỉ mình em có thể làm được. Có thể anh đỡ cho em những lúc em quá mệt mỏi. 

tháng mấy mưa Ngâu, mà em đợi mãi, đợi mãi
rồi em mơ
em thấy em ở một khu nhà trọ bằng gỗ trên phố núi. Xung quanh là những liếp hoa xen lẫn hoa màu. mỗi sáng em cùng mọi người cúi mặt trên những vuông vườn ấy, câm lặng. Những chiếc mũ vải bạc màu dập dờn trong sương mỏng. hình ảnh trôi qua rất chậm. những con người lặng lẽ làm việc. em và họ vô giá trị đối với thế giới ngoài kia. không còn bon chen, không còn nghĩ suy, không còn màu sắc. em thấy mình trôi đi bình yên trong giấc mơ ấy. đó là một giấc mơ đẹp. 

bao giờ mưa Ngâu để em đợi
để em mơ
em được bước đi thảnh thơi trong mưa. không sợ hãi nữa. không lo lắng nữa. 

có khi ngày ấy là ngày em không còn trên thế gian này nữa. 
có người còn cần đến em nên em không thể không tồn tại. tồn tại chẳng liên quan gì đến sống. nghĩ vậy chứ, em có thực sự cần cho ai đó nữa không.

bao giờ mưa Ngâu. bây giờ tháng mấy
em lí nhí hát "người điên không biết nhớ và người say không biết buồn"
em không bao giờ để mình say
em cũng chưa điên

nhưng có thể, với ai đó, em đã say và em đã điên 
thế cũng mừng. cho họ. và cho cả em nữa. 
em không còn giá trị nữa. em ở một thế giới khác. em đã được đưa vào khu cách ly. nhà chờ. chờ để ra đi.
giống như cảnh tượng ở nhà chờ xe buýt. những gương mặt vô hồn. vô cảm. cùng hướng cái nhìn về phía cuối đường. Một đàn kiến đen không có hàng lối. ở nhà chờ xe buýt luôn là một cảm giác bức bối, chật chội, bồn chồn, xớn xác. 

anh ạ, em không khóc nữa đâu. chắc chẳng bao lâu sau em sẽ cười.
trước đây, em khóc với mọi người. sau này, em cười một mình.

anh không nghĩ là em ... ? ồ không, em không ... 




bài hát này em vẫn hay hát mỗi khi ngồi một mình. là khi em đang đi giữa cơn mưa nào đó, dù trời đang nắng chói. là khi em đang mạnh mẽ dần lên. trong em, những mũi tên nhọn bị bẻ gẫy. những mũi dùi găm vào tim em được rút bỏ. dù nơi ấy, rỉ máu. nhưng em lại mỉm cười. anh có hình dung được không. 
rút hết đi rồi, chắc em chẳng thể tồn tại được nữa. em cần anh biết rằng, sau tất cả, là sự thanh thản. em không còn đau đớn nữa. Không còn chút nào.

You're so beautiful no matter what they say
words can't break you down 





ngày tám tháng ba-đàn bà nói xấu ... người ta :-X

mình nhớ có cuốn truyện tựa đề "Đàn bà xấu không có quà" thì phải. Hình như của Y Ban ?!  đã đọc đâu mà nhớ. cũng không biết viết về điều gì. Đàn bà? Đàn bà xấu? Đàn bà đẹp? hay là Quà? ...

Chẳng cần đến lúc nữ tác giả để câu này trang trọng trên bìa một cuốn sách (nghe nói bán chạy), đàn bà xấu vốn không có quà. 
Mình trộm nghĩ "tội nghiệp, đừng ai tặng quà đàn bà xấu. thế mà hơn. kẻo đàn bà xấu đã khổ lại khổ thêm vì cái thói kèn cựa, tò mò thái quá và ganh ghét của thiên hạ". cứ để kệ họ. thế mà hơn"

Mình mới là đàn bà xấu vài năm thôi. hix. Đâu mà có người ... vừa xấu người vừa xấu nết vừa ... xấu số, như mình. 
Mà chẳng phải chỉ có mỗi mình mình. 
Nói thế để an ủi à? 
Không phải đâu, để buồn phiền và lo lắng, thay cho ... đàn ông. 

Nhưng để sau. Hôm nay tháng Ba ngày Tám, mình mong những người đàn bà đang hạnh phúc, biết là họ đang hạnh phúc. Biết rồi thì đừng có giữ khư khư thứ đó, ngồi trước gương rồi tự cười 1 mình. Hãy nói với mọi người, nếu thích nói. Hãy đem san nó cho những người xung quanh, keo kiệt thì cho chồng con cha mẹ anh em họ mạc, sởi lởi hơn thì san tới cả những người dưng. San đi, để rồi lại tiếp tục đón nhận hạnh phúc. 

Mình chúc đàn bà xấu không cúi mặt. Biết mình xấu là "được" rồi, là đủ rồi. Nếu còn có ngày mai. Nếu ngày mai vẫn còn phải sống. Nếu xác định sống là chiến đấu... thì tiếp tục bước đi nhé. 

Đàn bà xấu ơi, 
Cứ yếu mềm, sắt thép cũng cần phải nung đến mềm trước khi cứng đến thế cơ mà
Cứ khóc, nếu thấy cần khóc. Đàn bà xấu nên nghĩ nước mắt là chất thanh tẩy nhẹ thôi nhé, đừng nghĩ đó là "vũ khí" vũ kheo gì hết. Vũ khí đó trong tay đàn bà xấu chẳng vô hiệu được ai đâu. 
Cứ cười thật rộn ràng, bởi đàn bà xấu cũng được quyền cười như bất cứ ai chứ bộ 
Hãy chăm sóc và cực kỳ yêu quý bản thân nhé, bởi lẽ ngoài bản thân ra, chẳng ai yêu đàn bà xấu đâu. 

* Tệ thật, viết đến đây,mình ngáp 1 cái rõ dài. thế là nghĩ ... đàn bà xấu người xấu nết cũng có những điều không dễ ai có. tự nhiên hơn người. có thể là do biết mình xấu nên không còn trông chờ gì nữa. có thể do không còn trông chờ gì nữa nên không có gì nữa thật. vô tư hơn người. Giả sử mà đàn bà đẹp ... làm xấu, chắc họ cũng làm xấu rất chi là ...đẹp ;-))

Mà sao hôm nay tuyệt nhiên không thấy ở cái xó xỉnh nào có bài viết nói xấu phụ nữ. Quái nhỉ? 
giả sử có 365 ngày thì 364 ngày đàn ông hay đàn ông nửa mùa hay đàn bà đứng giữa nửa này nửa kia của thế giới ... nói xấu phụ nữ. Sao chừa lại ngày này làm quái gì thế nhỉ. "Nhân nghĩa bà Tú đễ" thế quái nào. 

Chẳng bênh đâu, nhưng tháng Ba ngày Tám thường thì phụ nữ "được" hơi vênh một tí (giả vờ thả cho 1 ngày rồi lại vào khuôn khổ ngay đấy mà), mình cũng chen vào 1 tí nói xấu đàn ông (mình thì được thả quanh năm, chẳng cứ ...)
"nghe nói" họ vất vả, toàn công to việc nhớn, lại còn gánh thêm 1 tí việc cỏn con là duy trì nòi giống. 
Hôm nay ra Tòa, gặp 1 đôi sanh 81, sống với nhau 6 năm chưa có con. Dắt nhau ra mua đơn, đồng thuận mỗi người mỗi ngả, hy vọng chồng với ... ai đó sẽ có con, hy vọng vợ với ... ai đó cũng sẽ có con. Sao họ còn "anh,em" làm chi. Sao còn khoác tay nhau như đi ăn cưới làm chi. Sao còn nghĩ cho nhau thế làm chi. cho cái đám tóc muối tiêu ngồi ở Tòa hôm nay cứ tiếc. "Chậc, còn tình cảm thế, bỏ nhau nó phí đi cháu ạ" (câu của 1 bác già nhất, chính xác là từ "phí" đấy nhé)

Mình ước chi con người nhìn thấy mình từ ngoài dải thiên hà kia, bé tí xíu thôi hà. Thậm chí còn không biết mình ở đâu trong đám xanh, đen, nâu, trắng trên cái quả cầu kia nữa ấy chứ. Để rồi gặp cái chuyện Trời Đất có thể biết nhưng không thể nói hay giúp này, nếu người yêu thương người, hãy cứ nhận 1 đứa trẻ về rồi cùng nhau chăm sóc dạy dỗ nó. Mình ước thì cứ ước thế, nhưng để gió cuốn đi thôi. Nếu được thế thì đã không có những câu chuyện đắng lòng. Nhan nhản ra đó. 

Chốt hạ: đàn bà khổ. 
đàn ông đừng vội tranh cãi !
vâng, đàn ông định nói "đàn ông cũng có cái khổ của họ" chứ gì? 
vâng, cũng chẳng định nhận hết cái khổ của đàn ông về mình làm gì, mời cứ "tự" khổ đi. đàn bà cũng đủ khổ rồi. 

Hạnh phúc thì mong manh quá đỗi. 
Nỗi đau thì bất kỳ, dai dẳng và nhức nhối. Có nỗi đau khiến người đàn bà âm thầm cắn chặt môi trong đêm, bóp nghẹt ngực mình không cho nước mắt chảy ra, ấy vậy mà không thể nói với bất kỳ ai. Thậm chí, không thể nhìn chính gương mặt ủ dột của mình trong gương. "sống vì con" là một lẽ sống cao cả, chắc vậy và hy vọng thế. Nhưng đó vẫn không phải là "sống vì mình". Hóa ra rồi việc sống ấy, dần dà cũng thành 1 trong nhiều thói quen khác, mọi người đều làm thì mình cũng làm. kiểu vậy. 

Mà thôi, nói xấu ai đó rồi nói tốt cho ai đó, đều đáng tiếc cả. Chẳng thấy sướng vì chẳng thay đổi được gì hết. Những bó hoa, những gói quà, những lời chúc đẹp (cả "độc" nữa được chưa), cũng chẳng thể làm mờ đi những niềm đau mà người phụ nữ đã-đang và luôn phải gánh chịu. 
Dù ai đó không tin thì người phụ nữ đã-đang và luôn như vậy. 

Không tin, làm phụ nữ thử xem sao !