Đối
với nhiều người, cuộc sống là những chuyến đi.
Bởi vì không muốn vài lời
sau cuối (nếu có) mà (ai đó) sẽ phát biểu tại “dấu chấm hết” đời tôi, cuộc sống
là những sai lầm nối tiếp, tôi đang cố nặn óc để tìm cách chuyển hướng cuộc
sống, không hẳn là những chuyến đi thì cũng na ná như là đang dịch chuyển.
Tôi
nói với tôi: bỏ việc đi. Tôi nói với mẹ: chán quá thì con bỏ việc. Tôi và
đồng nghiệp nói với nhau: bỏ quách đi
cho rồi. Level chán đã lên đến đỉnh điểm. Nước đã ngập đến mũi và chỉ trong
gang tấc thôi, tôi sẽ chìm lút.
Nếu đó là một tai nạn thì mọi người sẽ tiếc.
Nhưng nếu đó không phải là một tai nạn thì sao nhỉ, mọi người sẽ chê trách. Đằng
nào thì cũng thế (dù là tai nạn hay không).
Tôi
nhìn xuống bàn tay mình, có vài vết chai mờ mờ sau thời gian chạy xe gắn máy.
Những ngón tay mềm oặt và xanh rớt. Nước da thì tai tái vì ngồi phòng máy lạnh thường
xuyên. Tôi có thể cầm chổi và xẻng, tôi có thể cầm cuốc và bồ cào, tôi có thể xắn
quần tới bẹn lội xuống ao, tôi có thể tát gầu sòng, tôi có thể lội xuống bùn
hay đi nhổ cỏ … được không nhỉ ? Trước đây 10 năm, tôi đã từng hỏi mình như thế này. Tôi làm mọi người phì cười. Họ nghĩ tôi “chảnh”, tôi đùa giỡn, nói vui. Thật
sự thì … chưa bao giờ tôi thấy vui hay cảm thấy như đang đùa khi tự hỏi mình
như vậy. Tôi đã từng phát tờ rơi, từng đi bán hàng thuê ở hội chợ, chở cám con
Cò và keo dính chuột đi bán dạo. Vậy tôi có thể cuốc đất trồng rau không ?
Có
thể nào tôi đã quen với những bữa cơm không có thịt thì đã có cá ? Tôi lo sợ khi
phải ăn cơm trắng muối vừng với nước rau luộc không có gì đánh chua sao? Tôi có
chán những con đường ồn ào, bụi trắng và nhốn nháo trợn trạo này không? Tôi có
chán cảnh phân hóa giàu nghèo ở thành phố như cảnh vừa cười vừa khóc này không ? Ngày
ngày tôi lao như tên bắn trên cung đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Buổi chiều
thường phóng nhanh hơn buổi sáng. Chỉ để được nhanh nhanh chóng chóng về lại căn
phòng bé xíu, đóng cửa lại và ngồi đối diện với bức tường, u ơ như trẻ lên ba.
Tự kỷ là ngồi đó, trong thế giới riêng, âm thanh thường nhật biến thành mũi dùi
nhọn xuyên qua màng nhĩ, hỏi han thường nhật biến thành ma mị xa lạ tra tấn,
ánh sáng thường nhật là mặt trời thiêu đốt giữa trưa hè ... Tôi thích cách người ta
mô tả về một đứa trẻ tự kỷ như đang ngồi giữa một quả cầu thủy tinh cực đẹp, cực trong trẻo (rồi chúng sẽ là người lớn tự kỷ - như tôi bây giờ). Tôi thấy điều đó rất đẹp … theo một cách nào
đó … Chẳng phải, một người bình thường cũng có đôi lúc muốn được trốn vào/lạc tới
một thế giới thần tiên đó sao?!
Quay
lại câu chuyện cuộc sống là những chuyến đi. Đi đâu? Đi bao lâu? Đi như
thế nào? Đi bằng cách nào? Chuẩn bị tâm thế ra sao? Một người tự kỷ bước ra khỏi
thế giới yên tĩnh của mình, là một cuộc cách mạng, cho dù “cuộc dịch chuyển” đó
chỉ đơn giản là vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.
Trịnh
Công Sơn có những ca từ như thế này “bỏ mặc con đường, bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc
em về, bỏ mặc người, bỏ mặc tôi ...”.
Bỏ mặc tất thảy, tôi sẽ gặp lại mình.
Em đi bỏ mặc con đường ...
Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi
Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người
Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa
Bỏ mặc tôi là... tôi là ai
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cô quạnh muôn trùng nhớ thêm
Bỏ mặc đêm dài bỏ mặc tôi
Bỏ mặc gian nan bỏ mặc người
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui
Bỏ mặc mưa về bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay
Bỏ mặc vui buồn bỏ mặc ai
Bỏ mặc chăn không bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi