Nửa năm nhìn lại,


Nhìn cuốn lịch bàn vơi đi một nửa, tâm trạng tự dưng trùng xuống.
Nửa cuộc đời mình đã đi qua. Nghĩ thế đã là lạc quan tếu rồi.

Không có nhiều thời gian để suy ngẫm trước khi làm một việc gì. Không còn nhiều thời gian thì đúng hơn.

Cũng có thể do mọi thứ đã được đúc kết trong những năm tháng qua, thói quen đã hình thành, sự cẩn trọng cũng đã dựng nên ... vì thế mà không cần nhiều thời gian suy ngẫm nữa (?!)

Cũng có thể tuổi già sồng sộc đến và con người tự dưng vội vàng (?!)
Tuổi trẻ sung sức thì lại ngây ngô, điều gì cũng mơ mơ hồ hồ, nhiệt tình thái quá ... tuy điều gì cũng cân nhắc nghĩ suy nhiều, thật nhiều, mà vẫn chẳng đâu vào đâu.

Uhm, ngay cả bây giờ mọi việc vẫn chẳng đâu vào đâu đấy thôi.

Đôi lúc tự cười mình. Đời mình một màu xám đen – chủ đạo. Ngày mai thế nào, ngày sau ra sao. Một màu xám đen. Chấm dứt hy vọng. Không còn lằn ranh nào trong con người nữa. Chỉ có 1 việc duy nhất (và cũng tẻ ngắt) là nhích dần lên. Giống như chú ốc sên bé xíu trên cành cây kia. Mình nhìn chú ta bò lên (hay bò xuống cũng chẳng rõ) từ nãy giờ, chẳng được bao xa. Mình như ốc sên, mình như con rùa rụt cổ chân ngắn.

Muốn viện dẫn một đoạn đọc trong tản văn Chuyện trò của Cao Huy Thuần. Rằng: "Tôi mượn hình ảnh trà thất của Nhật mà con tôi biết nhiều qua tiểu thuyết. Cửa vào trà thất, tôi nói, bao giờ cũng thấp. Công hầu khanh tướng gì bước vào trà thất đều phải cúi đầu. Các tay võ sỹ nghênh ngang gươm kiếm lại còn phải bỏ gươm bên ngoài để vào bên trong. Cúi đầu là vất bỏ tất cả những vướng bận của thế giới bên ngoài để thấy được một bên trong kỳ diệu. Mà bên trong kỳ diệu ở chỗ trống không, không đồ vật, không tiếng nói, chỉ một vài cử chỉ im lặng. Cúi đầu trước cái trống không của trà thất, vất bỏ tất cả để được trống không, ấy là mầu nhiệm mở ra trước mắt. Mầu nhiệm không bao giờ đến với chén trà khi người cầm chén trong tay vướng đầy ngã mạn. Cúi đầu là vất ngã mạn ấy đi, vất luôn câu hỏi "tại sao phải lạy". Càng cúi sát, càng rạp mình, ngã mạn càng mất, chén trà và người uống trà khi đó mới là một. Muốn gọi chén trà đó là Phật cũng được."

Đôi lần tiếc sao mình đã sinh ra là người “cao không tới thấp không thông” như thế này cơ chứ. 

Nếu mình sinh ra trong nghèo khó, lúc này đang lang thang bán vé số dạo, gầy đét, khô rang, mái tóc xơ tướp, đôi mắt lúc nào cũng thoảng thốt lơ ngơ, lo sợ bị cướp giật, lo sợ bị lừa phỉnh, ít học không biết chữ, sống trong 4 vách thưa, mưa trước mặt nắng sau lưng, từng cơn ngủ chợp chờn trên nền đất lạnh chỉ dám mơ một gò đất cao để đỡ lụt … Có lẽ, mình sẽ không suy nghĩ như thế này đâu. Ồ, đương nhiên, không viết được thế này (vì không biết chữ mà). Mình đã không có ước mơ nhiều như đã từng mơ mộng. Mình chỉ mong 1 ngày trôi qua, không đói, không bị đuổi ra khỏi nhà trọ vì thiếu tiền, một đêm yên ổn.

Nếu không thì hẵng là một kẻ giàu có ấy. Lúc đấy chưa chắc đã viết những thứ này. Vì mình chẳng có gì phải suy tư. Đói ư? Lạnh ư? Thiếu ư? Có thể nào 1 con bé đỏng đảnh nhà giàu lại suy tư vì mình Thừa nhiều quá chăng? Hix

Có lúc mình đã thầm ước ao, giá như mình không may mắn. Không may mắn hơn nữa. Nghèo khổ thật nghèo khổ. Thiếu thật thiếu. Không chồng không con không gia đình. Mình là con số O tròn trĩnh. Một ngày nào đó, mình chẳng may bị làm sao đó, con số O ngã lăn quay. Lăn quay. Lăn về phía cuối con đường. Nằm lại. Chẳng ai biết. Chẳng ai quan tâm. Chẳng liên quan, chẳng ảnh hưởng tới ai.

Những giai đoạn khó khăn mình đã đối mặt. Sau mỗi lần, lại càng ao ước nhiều hơn. Được chết một cái chết vô tư, không vướng bận. Có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Mà mình muốn.


Có lẽ, Ông Trời biết cái tính mình ngang và khùng khùng vậy nên đã đẩy mình vào thứ gọi là tình yêu, hôn nhân và làm mẹ. Đó là những sợi dây níu mình lại trên mảnh đất này. Với cuộc đời này. Bay lên không xong. Rơi xuống cũng không xong. 

Ngã mạn!
Cái thứ ngã mạn trong mình cũng "cao không tới thấp không thông" là thế. Chán. Không phải là chán cái công việc mà mình chẳng lựa chọn. Không phải như chán cái váy mặc rất đẹp khi mình gần 60 kí lô, mà bây giờ không còn phù hợp khi còn 49 kgs nữa. Không hẳn là chán cái xe đang đi không sành điệu. Không thể bảo chán vì không có nhà riêng.... Chán là chán cả cái cuộc đời này. Xóa ván cờ này, ta bày một keo khác đi! Muốn giành được một thỏa thuận với gã nợ tên Đời, không thể bằng cách chạy trốn. Trốn đi đâu được ra khỏi gầm Trời này, mặt đất này. Trốn đâu ra khỏi được cái sự chán. Vì lẽ, nó ở ngay giữa con người mình chứ đâu nữa. Chẳng bước xa hơn được cái bóng của chính mình đâu. 

Chỉ có một nơi may ra có thể trốn được. Đến đó, phải bước qua một ranh giới, để đến với cái chết. 

Ngã mạn!
Mình sẽ tiếp tục cúi đầu thật thấp. Bỏ mọi thứ lại phía sau. Không để trong lòng những điều khó chịu cho dù chúng không hề dễ hiểu. 
Mình cười trước sự đối xử bất công. Mình cười trước sự ngỡ ngàng kèm theo đố kỵ của những kẻ sinh sự. Mình cười và sẵn sàng cho họ vượt lên. Mình sẵn sàng cúi đầu thật thấp, thấp hơn cả điều con người có thể tưởng tượng ra. Để mong thấy điều kỳ diệu của sự trống không. Ở nơi, người ta tưởng rằng chấm dứt mọi sự. Thì ở nơi đó, mình mới thực sự bắt đầu ...

__________________





tự kỷ

ám thị

xung quanh mình chỉ còn những sợi dây níu kéo mờ nhạt

chiều hè nóng bức tuổi thơ chân trần đá bóng cùng lũ bạn xóm giềng mái tóc ướt mẹp mồ hôi nụ cười trên môi là thật

trên vai là gánh nặng trách nhiệm hay chỉ là tưởng tượng khi trách nhiệm cũng bị người ta giành giật mất





chẳng ai muốn kết thân với một người ủ dột luôn miệng kêu ca buồn chán. Blue blog và mình đã giữ khoảng cách với thế giới ngoài kia bằng tuyên ngôn "buồn". Mình không thuộc về nơi ấy. Có với thì cũng chơi vơi mà thôi.

Một bé gái chân trần. Một cô gái chân trần. Một người đàn bà chân trần. Miên man đi. Đôi mắt ngày càng bạc. Đôi bàn tay ngày càng bạc. Muốn thả mình trôi đi. Nhưng đã đến đời này thì ra đi là điều không dễ dàng như vậy. Trong suy nghĩ lúc nào cũng dành một nơi trang trọng cho bóng tối và cái chết.

tự kỷ
ám thị

mảnh ghép dành cho mình đang ở đâu đó trên trái đất này. ngửa cổ mà cười. mình sẽ đợi mảnh ghép ấy. đến giây cuối cùng khi cánh cửa cuộc đời thực sự sập xuống. tin chứ. sao lại không. lời an ủi cho kẻ thất vọng chẳng phải là hãy hy vọng sao. chẳng ai đi cùng mình đến đó, sao biết. thế nên cứ gật đầu. thế nên cứ cười lên. chẳng phải là mình luôn lầm lụi như một con rùa hay sao. một con rùa có bao giờ ngẩng cao đầu và kêu lên ầm ĩ không.

tự kỷ
ám thị

trước mặt biển xanh hiền hòa, hoàng hôn màu tím. sau lưng là làng chài bình yên. không còn công việc. không còn nghĩ là "mình đang sống" với những kế hoạch của người khác, với những khát vọng của người khác, với những đam mê nửa vời, với những khát khao bị chế giễu, với những ngày sống chẳng biết để làm gì, cho ai... 
Lúc chết, điều bạn hối tiếc nhất là gì? lúc ấy thì mình chẳng hối tiếc gì nữa. Bởi chết còn hạnh phúc hơn là sống như đã từng sống. Câu trả lời đâu có gì quan trọng.

tự kỷ 
ám thị

một ngày ra đi. tay trắng. gửi tặng thân xác cho ai đó cần tới. chẳng ai cần tâm hồn mình nên mình sẽ mang theo. rồi mình sẽ đứng đó nhìn những niềm vui nỗi buồn. lặng phắc bên hồ. không còn ai bắt mình phải sống như thế nào, phải chịu đựng ra làm sao.

tự kỷ
ám thị

Chuyện phiếm công sở,

18/6/2013

Hôm nay là một ngày khá rảnh rỗi. Công việc đều đều nhịp nhàng không đổ lên đầu cùng một lúc, giúp cho tôi có thể kết nối các đoạn suy tư từ mấy hôm nay vào với nhau thành 1 trang viết ... Sáng nay có hồ sơ giải ngân. Và cũng như bao ngày đã qua, tôi lại chứng kiến sự xung đột (chẳng biết đáng có hay không đáng có) giữa nhân viên quan hệ khách hàng và nhân viên LoanCSR (chẳng rõ tên tiếng Việt là gì,quên mất).

13 năm qua, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu những cuộc tranh luận (đôi khi nảy lửa) đã xảy ra giữa đội Sales và đội Vận Hành. Điều này chắc cũng xảy ra ở các ngân hàng khác chứ không cứ gì ngân hàng này. Khái niệm Sales thì không phải giải thích nữa. Còn khái niệm Vận Hành là như thế nào? Đó là đội ngồi nhà làm các công việc bàn giấy, làm các công việc giấy tờ, hậu kiểm sau khi đội Sales đã mang được khách hàng về, sang hơn chút thì bán hàng tại quầy. Theo đội Sales thì đội Vận hành này chẳng tạo ra tí ti lợi nhuận nào mà ngốn chi phí thì không ai bằng, nguyên tắc quá đáng khiến cho đội Sales lắm phen cáu điên vì không nhét được các điều kiện thường là mềm (thậm chí mềm oặt) vào “khung” quy định của đội Vận hành.

(Hì, tự giới thiệu, tôi là một thành viên của đội Vận Hành. Nói vậy không có nghĩa là tôi ghét dân sales và thường cãi nhau với họ đâu  nhé. Công việc đặc thù giúp tôi ít khi có va chạm với họ. Oh, thank God!)

Với dân sales, tôi chỉ thấy hơi ngại họ thôi.
Các bạn có thể hình dung thế này: với một con sên thì việc băng qua đường cao tốc là một thử thách có một không hai trong đời nó (khả năng tiêu đời lên đến 99,9%). Tôi – con sên ấy. Dân sales – những chiếc xe ô tô đang lao đi trên đường cao tốc. Chúng gầm rú, nghênh ngang, bấm còi ầm ĩ, vượt làn liên tục, luôn ganh đua, nhiều màu sắc, đa chủng loại … Tôi khẳng định chắc chắn, phải là tuýp người hướng ngoại mới chọn sales và mới có khả năng sales thành công.

Đặc điểm của họ là nói nhiều, nói liên tục, giọng trầm hoặc cao (tùy) tuy nhiên chỉ sử dụng 1 tông duy nhất khi bán hàng, khả năng đeo bám cao hơn đỉa, khả năng quan sát tốt ngang một con thỏ rừng, nhanh thoăn thoắt như linh dương, nhũn như con chi chi và lỳ lợm ngang một con trâu … Họ muốn tham gia tất cả các chủ đề. Từ bát phở buổi sáng đến việc chiến sự ở đẩu ở đâủ ở đâu. Không có khái niệm nào là quá khó đối với họ, bởi lẽ các khái niệm đều có thể được viết lại một ngày đẹp trời bởi họ. Họ có khả năng hoạt náo. Họ xác định tọa độ và lựa chọn chỗ đứng giữa đám đông và chắc chắn đó phải là vị trí trung tâm. Họ bị áp lực phải tạo ra một hình ảnh thật chỉn chu.

Bạn nào tôi thấy cũng có phong thái của Sếp cả ;-)) 
Lộ trình công việc dành riêng cho họ chính là “On the way to the Boss!” mà (hi hi) điều này tôi sẽ viết ở đoạn sau.

Cách họ đi đứng (vai căng, cằm hất cao, khuôn mặt lộ), tiếng nói cười rổn rảng, ăn nói phải hào sảng, gần như không thấy ở họ sự e dè nhỏ nhẹ, luôn cầm theo 1 cây bút ở tay trái, khi nói phải huơ tay, khi ngồi sẽ vắt chéo chân, tiếng bước chân phải rõ thậm chí dõng dạc quá đáng, hì … Nói túm lại là đội sales na ná như nhau, cùng tạo ra một phong thái “đĩnh đạc” đúc khuôn từ Sếp trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều khi giống nhau đến là buồn cười. Và vì hầu hết họ đều trẻ, mọi thứ không hẳn được xây dựng từ một quá trình đủ dài, đôi khi là mất cơ bản, thậm chí họ đến từ các vùng miền khác nhau phông văn hóa khác biệt nên phong thái chỉ là thứ hình thức cóp nhặt từ thần tượng nơi công sở hoặc giả từ vô vàn cuốn sách dạy sales bán đầy rẫy trên thị trường. Ở đó, trên tờ bìa, những chàng trai cô gái trong trang phục complet kiểu dáng văn phòng khá sang trọng, tươi cười, tự tin, sáng rờ rỡ.  Ở môi trường tôi làm, dân Hội sở ra công tác ngoài Bắc, rất dễ nhận ra. Họ lại tạo cho mình thêm 1 vài sắc thái khác nữa. “Thể hiện” (là một tính từ nha), đẳng cấp (phải được khẳng định/phải cho chúng nó biết), quan hệ rộng và đặc biệt (đương nhiên, dân Hội sở cơ mà). Hì

Chân tình mà nói, dân sales khá hời hợt. Cũng vì cái “rộng” mà họ muốn/phải đạt tới, thành ra cái “sâu” hầu  như không có. Bạn có thể thấy, với dân sales, ai cũng có thể là khách hàng. Điều đó cũng đúng nếu nói một cách khác, ai cũng như ai cả thôi. Tạo dựng mối quan hệ là điều mấu chốt trong công việc của họ. Nhưng. Lại nhưng. Quan hệ với ai kia, mới là quan trọng. Cần ai thì họ săn đón, hỏi han “ác liệt” lắm. Khai thác xong rồi, thì có khi cọ vai vào nhau vẫn coi như không quen chẳng có gì để hỏi. Họ cần sự bình tĩnh tập trung khát khao chiến thắng tham vọng quyết liệt để thuyết phục khách hàng. Ngược lại, họ dành sự mất bình tĩnh, sự thô thiển trong giao tiếp, sự nửa vời trong công tác hỗ trợ … cho đồng nghiệp bên đội Vận Hành. Tôi gọi đó là mặt trái của “đồng xu”.

Đội vận hành thì khác hẳn. Chúng tôi thường chậm chạp, trông không được “sáng” hay “nhạy sáng” cho lắm. Thường túm tụm một khối, nhỏ nhẹ, nhút nhát, ít chủ động trong giao tiếp. Chúng tôi gây ra một cảm giác là chúng tôi bảo thủ và trì trệ. Về bản chất, chẳng phải do chúng tôi mà do các chính sách văn bản bảo thủ trì trệ đó thôi. Thực sự, số người giỏi trong đội Vận hành rất nhiều. Họ càng giỏi trong nghiệp vụ thì càng hiếm khi giỏi trong khâu ăn nói. Trong khi ấy sales xuất sắc rất hiếm. Tuy vậy, một sales làng nhàng được Sếp nhớ đến nhiều hơn là một vận hành giỏi. Đơn giản vì một người Sếp phải đến đơn vị đấy, đến cái bàn đó mới gặp được, còn người kia Sếp ở đâu họ sẽ tìm đến đó. Sales nói hay và hay  nói. Vận hành ít lời và tạo ra “lời ít”. Hic hic. Ngoài xã hội thì có phân hóa giàu nghèo, trong ngân hàng có sự phân chia đẳng cấp giữa dân sales và dân vận hành. Có lợi nhuận, đương nhiên chẳng ai muốn chia. Nhưng để hoàn thiện một hồ sơ lại cần đến đám vận hành. Sales càng muốn “bay nhảy” ở ngoài để “đi khách” (nghe hơi thô 1 tí, nhưng chúng tôi hay nói nhanh và gọn như thế), thì lại càng cần vận hành ở nhà làm nốt những việc còn lại cho nhanh, gọn, không gây rủi ro. Do các Sếp cả thôi. Thuật “tâng” ai đó lên cao, phải chăng là đẩy một ai đó thấp xuống?

Giai đoạn hiện nay, khi NH phất cao tiêu chí “giảm chi phí” thì đội Vận hành càng ít nói tợn, càng lầm lỳ tợn. Sales còn ra đường thì nói gì đến vận hành. Nhìn đám vận hành là ra chi phí mà. Nhìn vào vận hành, Sếp thường sốt ruột. Mà chúng tôi thì chạy đi đâu khỏi … mắt Sếp cơ chứ. Tụi sales ít ra vì đặc thù công việc còn chạy đi chạy lại, Sếp ủ dột thì khôn hồn né đi đâu đó chờ mây đen tan hết thì về. Chúng tôi ngồi nhà hứng trọn vẹn cảm xúc của Sếp. Có lẽ vì thế mà chẳng có việc gì mà chúng tôi không biết. Nhìn vẻ mặt Sếp rồi “gia cát dự”, rồi cũng vì thế mà chúng tôi trở nên rất nhạy cảm ...

Dông dài là thế, chuyện phiếm nơi công sở có bao giờ tìm đến dấu chấm hết, cũng không bao giờ cũ. Một ngày nào đó, tự dưng dân tín dụng và dân vận hành thân thiết và quý mến nhau, ấy hẳn là do …. cái hướng của văn phòng ấy tốt, thậm tốt. Hi hi. Nếu không thì chắc vẫn gằm ghè nhau dài dài.

Quay lại với lộ trình lên sếp của sales như đã nhắc tới ở trên ...
Thế này … giả sử, duy nhất bạn đang đứng khi một đám đông ngàn người đang ngồi, lúc ấy trông bạn thật cao và đặc biệt (nhưng khả năng mọi người thấy bạn dị hợm và không phù hợp. thì cao hơn, hí). Hãy lấy 1 chiếc ghế và ngồi xuống. Giờ thì bạn đã ở giữa đám đông và giống mọi người rồi đấy. Giả tỉ, bạn chỉ tìm thấy 1 chiếc ghế đẩu con con ở hàng cuối cùng và ngồi xuống đó. Ở vị trí ấy, chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều thứ còn hay ho hơn. Động lực được tạo ra mạnh nhất có lẽ là khi bạn ngồi ở đó, sau lưng mọi người, thấp hơn mọi người. Động lực khiến bạn phải nhoi lên, nhấp nhổm lao ngay vào 1 chiếc ghế trống nào đó ở trước mặt, nếu là hàng đầu tiên thì càng tốt. Ngồi ở hàng đầu tiên rồi, chiếc ghế còn lại mà bạn nhắm tới, ắt là ghế của Chủ tọa? Bạn có đầy động lực và nội lực và bạn chực lao tới. Stop, tôi có một câu hỏi thế này cho bạn: theo bạn, ai sẽ là người được lựa chọn thay vào vị trí Chủ tọa trong số ngàn người đang ngồi ở đó?
Bạn: tôi chứ còn ai nữa, tôi luôn sẵn sàng ! Hoặc … là người giỏi nhất trong số chúng tôi.
Tôi: Chủ tọa sẽ bốc một thằng không háo hức lắm, không máu lửa lắm và chẳng có động lực ghê gớm lắm. Đừng ngạc nhiên. đơn giản là nó sinh ra là cho cái chỗ ấy. À, không, cái chỗ ấy sinh ra là để dành cho nó. Bạn nghĩ sao thế? chỉ mỗi bạn có động lực thôi sao? Ngàn con người ấy cũng đang rục rịch vận động và dòm ngó cái ghế ấy như bạn thôi. Mọi thứ đều vận động không ngừng. Nếu bạn không thấy bằng mắt thường thì bạn sẽ thấy bằng sự nhạy cảm của mình. Bạn là sales cơ mà!

Cũng là phiếm bàn cả thôi. Ngày ngày, sales và vận hành vẫn thế, chẳng bao giờ hết xung đột cả ... 

Yêu như khi ta 20


Ngồi một góc tự nhiên mỉm cười ...

BB đã "già" 40 rồi, nên biết rằng khi đưa lên một tiêu đề như thế kia có thể bị chọc cười đến chết mất. Thật ra, đây là một trong nhiều cuộc thi diễn ra dịp Ngân hàng ACB tròn 20 tuổi vào tháng 6 năm nay mà thôi. Thấy thích thích, hơi văn nghệ một tí và hơi khẩu hiệu một tí nên chọn. Ở Ngân hàng, "người ACB" có một sinh nhật chung, vẫn thường hay gọi là "tháng 6 của người ACB". 

Mà cho BB hỏi, bạn đọc sao cụm từ "ACB"?

Người nổi tiếng có, người không nổi tiếng có, đều đã từng không gọi đúng tên ba chữ cái này. Lạ thật. Ca sỹ Thu Minh hôm nay trong khi khuấy động không khí cũng kêu to và chĩa micro xuống phía dưới kêu "Ây Xi Bê". Không chủ đích "dìm hàng" gì ai đâu, chỉ là ... tự ái vặt ý mà. Ví dụ tên cha mẹ đẻ đặt cho là Lý thị Kỳ thì cứ Lý thị Kỳ mà gọi, nhiều khi gọi Lý Nhã Kỳ tuy có khác biệt hơn nhưng vẫn không phải tên cha tên mẹ mình gọi mình, thì không ... sướng. Đó là BB ví dụ vậy thôi, chứ không định kéo vào bài viết này một cô xinh xinh kiêu kiêu điêu điêu, không rõ vị ấy từ phương nào đến Việt Nam thỉnh ... danh hiệu, không mang theo đồ đệ nào nhưng mang theo vô khối đồ hiệu ...

Mà thôi, quay trở lại với không khí nóng bỏng của buổi tường thuật sau trực tiếp ngày phải chơi rồi mới được ăn hôm nay. Vẫn hơi lâng lâng. hâm nhỉ. Định không tham gia nhưng đã tham gia rồi thì ngồi đến khi người ta đến dỡ pano, standee và quét dọn vẫn chưa thèm về. Hâm quá.

Rưng rưng khi Chủ tịch hội đồng quản trị cảm ơn và tặng quà cho những nhân viên đã gia nhập gia đình ACB từ 15 năm trở lên. Các anh chị ấy chính là thầy cô giáo trực tiếp của lứa chúng tôi - lứa mới được có 13 năm. Nhớ cái năm đầu đi làm, không khác gì đi học lớp một, tốn không biết bao nhiêu là nước mắt, khách hàng không khác gì ngáo ộp và không dám đến gần với tiền, đếm từng cọc tiền run như cầy sấy làm tiền chạy qua máy xong bay tung tóe. Những bài học giữa giờ, cuối giờ, người lớn dắt người bé vào nghề. Cái nghề mà cho đến giờ vẫn khiến cho lớp trẻ nhìn vào với ít nhiều ngưỡng mộ. Nhưng, có ngồi đến lúc này, mới biết, mọi thứ không sạch sẽ và sung sướng như mọi người vẫn nghĩ về dân ngân hàng. Với BB, "tiền" vốn dĩ là bẩn rồi. 

Người ta luôn bắt đầu bằng câu "bao nhiêu năm đã qua với biết bao nhiêu thăng trầm ...", BB chẳng biết nói gì ... chọn đại một câu hát  "mười năm không gặp tưởng tình đã cũ...". Nhiều lúc đã định buông. Chính cái "anh người yêu" tên ACB này lại bền nhất. Phải chăng vì "anh ấy" đổ tiền đều đặn vào tài khoản của mình mỗi tháng và thỉnh thoảng tặng quà này quà nọ ;-P

Vẫn biết đó là điều ai cũng cần. Nhưng chưa đủ đâu. Vậy vì sao nhỉ? Có lẽ, cần "hâm" thêm dăm năm nữa, BB mới trả lời chính xác điều gì đã khiến mình không buông.

Ngoài cười nói, đi qua đi lại, tìm đồng nghiệp cũ để tay bắt mặt mừng, BB chỉ tham gia hiến máu như năm ngoái. Thật lạ là mọi người tham gia hiến máu đều hơi ngượng. Đương nhiên là ngượng với những người không tham gia. Có lẽ, suy nghĩ của dân ngân hàng nó vậy, biết làm sao. Thật vui mừng vì biết rằng máu mình  sử dụng được. Vui hơn nữa vì mình hoàn toàn đủ sức khỏe để hiến máu. 

"Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" chính là "khoản tiết kiệm" đều đặn giúp BB "tất toán nợ vay" với lão chủ nợ mang tên Đời. Và ngày hôm nay, ngồi giữa mọi người, ngồi giữa những nụ cười còn mang ít nhiều nỗi lo toan, ngồi giữa những người trẻ, và trẻ con (thế hệ thứ 3 của đại gia đình ACB), và giữa những người không còn trẻ nữa ... thấy mình chưa phải vội buồn. 

Bốn mươi năm tuổi đời, 13 năm gắn bó, chẳng đơn giản đó là cười, hay là khóc. Mẹ vẫn thường nói mỗi khi tâm trạng BB down "đi đâu cũng thế, làm ở đâu cũng vậy thôi". BB nghĩ khác "1 công việc thì ở đâu cũng giống nhau, thu nhập thì không biết con số nào là đủ, chỉ có môi trường làm việc là có sự khác biệt, có nơi ít dễ thương hơn nơi khác.Thế mới có sự lựa chọn. Thế mới có sự dịch chuyển". Với BB, môi trường làm việc là lựa chọn ưu tiên số 1. 

Viết khi chạy theo cảm xúc sau khi trở về từ một ngày khá đặc biệt nên cứ vấp lên vấp xuống, lan man quá đi mất, chẳng ra sao cả. Chẳng dám lên facebook, dù nhiều anh chị em ACBer đều đã tham gia cả rồi, nghe nói cả Sếp lớn cũng lên đó nữa. Thế thì mất hẳn thú vui của dân công sở, đó là nói xấu Sếp rồi còn gì  :-) tốt nhất là ngồi một mình ở đây, như nấp sau bụi cây lớn, cảm giác an toàn là trên hết :X 
Chẳng biết Yêu như khi ta 20 thì thế nào nhỉ? vì 20 đã biết yêu là gì đâu. Thế nên, cứ tạm nghĩ yêu như khi ta 20 thì chắc là nhanh, mạnh mẽ, nồng nhiệt và vô tư vậy.  

Chúc mừng tuổi 20 - ACB!



Luôn dẫn đầu nhé - Acb!




Viết bởi một người ACB (ACBer) (phát âm A xê bê hoặc Ây Xi Bi - hi hi) 
Viết bởi một người luôn mong nhận được quà tặng là 1 niềm vui mỗi ngày!

Mùa đông lạnh lắm em à



Hạnh phúc và bình yên sẽ đến bên em mà thôi
Tôi muốn nói bao lời an ủi, động viên. tôi đã từng vật vã trong nỗi đau như em vậy. yêu ai đó là một điều khó khăn. tôi hiểu ra điều đó khi đã quá muộn. khi tôi đã mang đến cuộc đời này một sinh linh bé bỏng với số phận ngay từ những ngày đầu tiên đã có phần u ám. yêu ai đó là một điều kỳ diệu nhưng cũng nhiều khắc nghiệt. em biết rồi đấy. 
Tôi muốn chia sẻ với em biết bao trải nghiệm tôi đã qua. nếu em tin tôi. thì em sẽ thấy cái cây khô cằn là tôi này, cũng đã từng đầy nhiệt thành, vui vẻ và trẻ đẹp như em bây giờ. tôi cũng đã được thuyết phục bởi những người đi trước, rằng tình yêu không đáng ngại, tình yêu đẹp lắm, vui lắm. tôi đã tin và cũng đã từng chới với. 
Nhưng mùa Đông nào không lạnh?
mùa Hạ nào không rát rạt gắt gao?
mùa Thu nào không hanh hao u buồn?
để mùa Xuân trở lại luôn mang theo hy vọng quãng đường trước mặt không đáng ngại đâu. vì thế mà con người tiếp tục đi, tiếp tục sống và nuôi hy vọng.

giữa mùa Hè đổ lửa, lòng tôi lạnh giá. tôi lạnh từ trong ra ngoài, đôi khi người tôi rờn rợn, gai gai như đứng giữa phố một chiều gió mùa Đông - Bắc vậy. 

tôi đọc những dòng tâm sự của người xa lạ, của em, của bạn bè. nếu em có đi tìm, thì em sẽ thấy rất ít phao cứu sinh trong thời buổi này. nỗi lo sợ càng ngày càng dâng cao trong con người khi những chiếc phao cứu sinh như là LÒNG TỐT, TÌNH YÊU THƯƠNG, NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT ...dường như đã biến mất, bị hủy hoại, bị chôn vùi hay giam giữ đâu đó. đó là lý do vì sao con người ta dễ thấp thỏm, chút xíu là lo sợ, mất dần sự can đảm, hở chút là hằm hè ganh đua ...
Em hãy tự tin xóa bỏ những muộn phiền, để dành chỗ trong tim em để mà yêu thương nhé. có thêm chỗ để cưu mang nỗi niềm đáng thương. Người đó đã đi rồi. Họ tự đi, hay em bỏ đi, hay vô tình vô ý buông tay nhau đi, thì em hãy tự lý giải để tìm ra sức mạnh giúp xô nỗi buồn ra xa. nếu yêu thương em thật lòng, cho dù sau này không còn đi chung đường, chắc người ấy vẫn luôn muốn thấy em hạnh phúc đấy. Em hãy tin vậy đi. 

Tôi tặng em bài hát này, và tặng cả tôi nữa. Dẫu biết rằng, mùa Đông lạnh lắm, em à. Nhưng tôi tin, thật lòng, hạnh phúc và bình yên sẽ đến bên em thôi. 

VỤN

Đi và nhìn ngắm, 
Lắng nghe và chọn lọc

Cả tuần lo lắng chồng lên lo lắng xoay quanh hai chữ Trầm Cảm. Bác sỹ trấn an rằng cháu chỉ bị suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh thôi. Trong đơn thuốc, có khá nhiều thuốc bổ, nhưng chẳng thấy có thuốc nào tên gọi QUAN TÂM và YÊU THƯƠNG. haizzz. Mình có tham quá không? Nếu có kê hai thứ đó, mình có đủ khả năng mà mua không đấy. hic hic

Xung quanh mình có rất nhiều thứ để mà cười. tự trào lộng cũng là một cách hay. chẳng hiểu sao, chẳng cười nổi mà cũng không khóc được. 

Những hình ảnh này ở Mintown, Hanoi Rock City ... 




Những hình ảnh này ở festival Artwork is Work dành cho tụi nước ngoài do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Những hình ảnh này chụp từ cửa sổ ngay bàn làm việc khi mây vây kín bầu trời, tụi trẻ mở toang cửa, dùng Iphone chụp ảnh cho nhau để đưa lên facebook. Mình cũng bon chen 1 tấm. thực sự cảm giác lúc ấy khá phiêu



Hình ảnh mới cập nhật tối qua tại một quán cà phê lần đầu ghé, quên đọc tên quán, chỉ biết nằm ở số 5 Hội Vũ. Thực ra phố nhỏ lắm nên không có view, nhưng yên tĩnh và đem đến cảm giác êm đềm. Vote 4 sao. 


Chiều tối qua, cảm ơn cô bé đồng nghiệp cũ đã quan tâm rủ rê kéo mình ra khỏi nhà, lang thang. mặc dù mọi thứ vẫn cứ đập vào mình rồi trượt đi, nhưng rút cuộc thì mình phải tích cực vận động để đẩy máu lên não nhiều hơn, cung cấp thêm oxy cho não đỡ ủ ê. 
Một quán cà phê trong phố nhỏ, tiếng flute thanh thanh, bánh Mochi nhiều vị, trà gừng mật ong khiến mình mất ngủ cả đêm. Câu chuyện không đầu không cuối, đứt quãng vì trí nhớ cứ lúc bật lúc tắt của mình. 

Đôi lúc mình đã quên phéng mất là mình đang tồn tại ... Sáng ra, một tin nhắn "H khỏe không, tối qua ngủ được chứ?". Tối đến, một tin nhắn "ngủ chưa?" hay "có online không?... những thứ như thế  khiến mình nhớ "hóa ra mình vẫn đang tồn tại". Cảm tưởng rất nhỏ, rất vụn, và vặt. Nhưng không phải vậy.