Trước hết, xin bắt đầu bằng lời nhắn của một mẹ đơn thân:
"Chào cả nhà. Mình là một bà mẹ đơn thân, đã có 1 con trai 6 tuổi, cuộc sống không có chồng đến bây giờ cảm thậy dễ chịu. Mình chỉ muốn sống một mình cùng con đến hết cuộc đời này. Mình đang rất là hạnh phúc với mình. Gần đây, con mình đi học lớp 1, nó chỉ có 1 mình nên chơi cũng rất ích kỷ, không thích các bạn khác chơi cùng đồ của nó, mình cảm thấy rằng đã đến lúc cần thêm 1 đứa em cho nó. Mình đang nghĩ đến việc xin tinh trùng và làm thụ tinh ống nghiệm. Vào diễn đàn này, mình muốn hỏi xin người nào có thể cho tinh trùng không? Mình là người có khả năng về tài chính, có trình độ tốt để nuôi dạy con nên người. Mình luôn đặt việc nuôi dạy con là quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Nên con của mình sinh ra sẽ là con của mình, mình không muốn có sự ràng buộc với người cho tinh trùng và chắc chắn không bao giờ quấy rầy cuộc sống của người kia. Nếu lo lắng rằng con cái sinh ra không có bố thì sẽ phát triển không tốt? Xin cam đoan rằng không phải vậy, con sẽ rất tốt trong cách tổ chức của bà mẹ đơn thân. Như mình, mình mãn nguyện với cuộc sống của mình và không bao giờ có ý định đi bước nữa. Con của mình rất độc lập, tự chủ trong mọi sinh hoạt hàng ngày và đã thể hiện bản lĩnh đàn ông trong gia đình rồi. Mình tin rằng nó sẽ trở thành một người đàn ông thật tốt. Quan điểm của mình không phải có con để sau này về già có người phụng dưỡng. Về già, mình sẽ tìm cho mình một nơi như dưỡng lão tốt nhất để vào sống, có bạn bè cùng tuổi, có nhiều người , mình thích thế. Con của mình, nếu sau này, nó giỏi mình sẽ tạo điều kiện cho nó đi du học, ở nước ngoài, như thế sẽ tốt cho con của nó, cháu của mình, mình không cần phụng dưỡng, chỉ cần con mình luôn nhớ đến mình, thương mình và yêu mình là được"
Khởi nguồn của mọi nghĩ suy trong bài viết này, chính là những dòng tâm sự kể trên.
Khi BB khoảng chừng hơn 20 tuổi, BB đã từng nói với gia đình mình là sẽ không lấy chồng. Chỉ là không lấy chồng thôi. Lý do cũng dễ đoán ra, đó là vì BB lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ không hạnh phúc, khoảng cách địa lý dẫn tới khoảng cách giữa hai tâm hồn hai suy nghĩ, dù rằng bố mẹ không ly hôn. Những suy nghĩ của khá nhiều mẹ đơn thân thế hệ 9x bây giờ, khiến BB nhớ về thời tuổi trẻ của mình. Nhiệt thành, háo thắng, dở dở ương ương, thiếu va chạm ... nhưng cũng có những quyết định của lứa tuổi, như ai. Và, đương nhiên, sai lầm đầy rẫy, như bất kỳ người trẻ tuổi nào. BB đã quên rằng, vốn dĩ mình sinh ra là gái, thiên chức của một người phụ nữ bình thường là sinh con đẻ cái, giúp duy trì nòi giống. Để rồi, cho đến tận khi tuổi đã khá "cứng", BB mới hoàn thành chức phận này, hoàn toàn do may mắn. Đến giai đoạn này, sau khi có một đứa con và tự tay chăm sóc cho con, BB cũng từng ao ước có thêm ít nhất là một đứa con nữa.
Chắc không phải giải thích lý do tại sao lại có "ao ước" này, với những ai đã từng làm mẹ. Cũng chính vì BB đã từng ao ước như thế, nên BB thấu hiểu tâm sự của người mẹ đã chia sẻ tâm sự kia với cộng đồng một cách không e dè, thậm chí còn có chút tự hào (theo báo cáo của diễn đàn là hơn 1,3 triệu thành viên). Cũng vì con số "khủng" của thành viên diễn đàn, nên BB chọn nơi yên tĩnh này để thể hiện quan điểm của mình về việc mà người mẹ đơn thân kia đưa ra.
Chắc hẳn, đứa bé trai 6 tuổi kia cũng là do người mẹ này chủ động đơn thân mà có. Trẻ mong muốn có em ở độ tuổi này là hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Mẹ phát sinh nhu cầu có thêm một em bé nữa, cũng hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Hơn nữa, người mẹ đủ điều kiện về sức khỏe lẫn kinh tế để sinh đẻ. Tuy nhiên, việc chủ động đơn thân lần nữa, thông qua thụ tinh nhân tạo, bằng một lời "đề nghị" khá là đơn sơ, thả giữa một cộng đồng rộng lớn (thật giả chưa đánh giá được) ... lại khiến BB nghi ngờ về sự cẩn trọng của người phụ nữ này. Đó cũng chỉ là một cảm giác trực quan mà thôi. Có thể đúng mà có thể sai. Vấn đề nằm ở một khía cạnh khác.
Hiện nay, việc xin-cho tinh trùng ở Việt Nam có lẽ chưa có báo cáo chính xác từ Ngân hàng tinh trùng, về số lượng ca đã thực hiện, số ca thành công. Bản thân việc này (tuy không thể gọi là hiến tặng như hiến tặng trái tim, quả thận, máu ... ) nhưng cũng mang tính nhân văn, tính thiện và hàm chứa nhiều trách nhiệm với nòi giống tổ tiên.
Tuy nhiên, hãy thử nghĩ mà xem, đơn cử từ vấn nạn ly hôn trong xã hội thời hiện đại nhé. A lấy B, sinh ra Z1. Rồi A chia tay B. A lấy C sinh ra Z2, B lấy D sinh ra Z3. Chuyện hiếm gặp, nhưng không phải không thể xảy ra, rằng khi vô tình Z1 lấy Z2 hoặc Z3, sinh ra thế hệ kế tiếp. Chắc chắn có chuyện không hay. Bản thân các Z không hề có lỗi, vì đứa trẻ đâu có lựa chọn việc được sanh ra. Nhưng, bố mẹ chúng thì biết.
Quay qua việc làm cha/mẹ đơn thân (tức là không phải do ly hôn mà thành đơn thân. Họ chủ động xin tinh trùng hoặc trứng để có em bé và cùng em bé đó hình thành nên một gia đình đơn thân, tạm gọi như vậy). Ai bảo điều đó là không được?. Nếu cá thể đó hiểu rõ về bản thân họ, hiểu rõ kỳ vọng và khả năng của họ khi đặt ra mục tiêu ấy. Họ làm được và thậm chí làm tốt, từ việc chi tiền để có một mẫu tinh trùng/trứng, làm các xét nghiệm và thủ thuật, trải qua thai kỳ khỏe mạnh, sinh con an toàn, nuôi con đảm, dạy dỗ con thành người. Nói túm gọn là "như ai". Thành thật xin lỗi bất kỳ ai trong ví dụ vừa nêu, vì BB khẳng định chắc chắn ngoài sức khỏe và may mắn, chắc chắn phải có khả năng tài chính vững mạnh nữa.
BB tạm không bàn tới ở đây gia đình đơn thân do người mẹ bị lừa phỉnh rồi lỡ dở mà bị đưa tới hoàn cảnh bất đắc dĩ cho cả mẹ và con.
Có chăng, việc người mẹ đơn thân đang xin tinh trùng để có thêm em bé thứ hai kia, không nghĩ về tương lai của đứa trẻ và vấn nạn của xã hội trong tương lai (sau khoảng 20 năm nữa) mà chỉ nghĩ cho bản thân mình ? Nhu cầu của người mẹ này với đứa bé là gì, có thể, chính họ cũng chưa xác định rõ ra được? Trải nghiệm việc mang thai lần nữa để hồi hộp chờ đợi một bé gái sau 9 tháng, hay trải nghiệm sinh em bé (có khá nhiều phụ nữ thích việc này.haizzz), hay việc nhìn thấy em bé lớn lên các mốc thời gian ...
BB chắc người phụ nữ này có tiền, có học vấn, thậm chí là một người có vị trí trong xã hội, vì tự chủ và quyết đoán lắm, vì khẳng định một mình nuôi dạy con cũng tốt mà, em bé còn có khả năng đi du học nữa. Vậy sao người phụ nữ này lại tỏ ra khá ẫu trĩ và đơn giản khi "xin tinh trùng" như vầy? Hay sự tự chủ, quyết đoán và chủ động trong mọi việc đã khiến người đó nghĩ có một em bé hoàn toàn nằm trong tầm tay ? Hay sự cởi mở của xã hội ngày nay đã tạo cho người ta sự tự tin thái quá này ?! ...
BB biết, khi cho tinh trùng (có khi bán cũng nên) cho Ngân hàng tinh trùng, ở đó, họ có quy trình cho-tặng một cách quy củ theo Luật. Cầu Trời sao cho họ tuân thủ quy trình một cách nghiêm ngặt, một mẫu tinh trùng cho tặng thành công rồi là hủy luôn. BB phải lạy Trời vậy, vì như đã nói ở trên, cho tinh trùng không giống như hiến tặng tim, thận, giác mạc ... những thứ mà chúng ta chỉ có cho được 1 lần (có khi vào phút chót của đời mình). Thứ đó cũng như hiến máu, có sản sinh, tái tạo, nên có thể xảy ra việc bán-mua tùm lum tùm la. Chẳng phải reo rắc đại họa cho bao đời sau này sao. Những nhu cầu có em bé một cách tự thân chủ động như mẹ đơn thân này, vô tình gặp những nguồn cung thiếu hiểu biết chỉ vì nhu cầu sinh lý tầm thường hay lòng tham vật chất, thì cũng gặp phải vấn đề tương tự mà thôi.
BB tự hỏi, nếu yêu con trẻ, nếu tự tin đứa trẻ nào vào tay mình cũng sẽ khỏe, ngoan, được chăm sóc tốt, được học hành đến nơi đến chốn, sao không nuôi một đứa trẻ bơ vơ mồ côi ? Cũng là nhu cầu được chăm sóc một sinh linh bé bỏng đó thôi. Cũng là được làm mẹ đó thôi, dù cho không mang nặng đẻ đau. Chỉ cần xác định "làm mẹ" thực sự một em bé nào đó, thì bạn đã được trọn vẹn trải nghiệm rồi. Phải chăng, có biết bao cô gái trẻ, có mang nặng, có sinh đau đó, mà rồi sẵn sàng bỏ con, vứt con, cho con, bán con, thậm chí giết con. Vậy, hãy đặt việc "làm mẹ" là một việc hoàn toàn độc lập với việc "sinh em bé", chắc cũng không ai phản đối.
Viết tới đây, BB lại muốn chia sẻ một câu chuyện riêng tư, rằng không hiểu từ đâu và xuất phát từ suy nghĩ gì, mà một số gã đàn ông thích tán tỉnh mẹ đơn thân hay sử dụng chiêu trò "em ơi, sinh cho anh một đứa con nhé" thay vì nói 3 từ căn bản "anh yêu em". Phải thành thật mà đánh giá, các gã đó nắm tâm lý khá tốt. Cũng không ngoại trừ, không chỉ có phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân, mà đàn ông đến tuổi trưởng thành trong xã hội hiện đại cũng muốn làm cha đơn thân.
Để gút lại phần lạm bàn hôm nay, xin lấy một ví dụ được chia sẻ gần như cùng lúc với mẹ đơn thân kia, như sau:
"Nam, 33t, muốn làm bố đơn thân. Mình đã có 2 lần lấy vợ, vợ mới nhất cưới cách đây 14 tháng, nhưng chia tay đã được 7 tháng nay. Người vợ trước thì đã ly hôn cách đây 6 năm. Người vợ mới nhất thì có 1 con gái năm nay học lớp 3 với người chồng trước, sau khi cưới thì mẹ con cô ấy về ở với mình. Cô vợ mới thì không có hôn thú, nhưng có cưới xin đoàng hoàng, mình và cô ấy có mở công ty chung từ trước khi cưới, năm ngoái công ty phá sản và cô ấy cũng bỏ mình luôn. Công ty phá sản mình cũng phải bỏ hết tài sản để trả nợ, hiện nay cuộc sống đã ổn định trở lại, nhưng mình không muốn lấy vợ 1 lần nữa. Nhưng cảm giác và mong muốn có 1 đứa con lúc nào cũng thôi thúc. Không biết mình có thể nhờ ai đó sinh cho mình 1 đứa con không? trong khi thuê ai đó sinh hộ thì mình không biết có nên hay không? Với lại nếu nhiều tiền quá thì tình hình tài chính không cho phép. Mong các SM và SD tư vấn giúp mình.
Cuộc sống là một dòng chảy không bao giờ dừng lại, cho dù bất kỳ lý do gì. Vẫn biết đời người hữu hạn. Xuôi tay nhắm mắt không mang theo được gì, không làm được gì nữa cho đời. Nhưng không vì lẽ đó mà không cần phải nghĩ cho lứa tuổi trẻ sau này. Chúng còn phải ở lại, tiếp nhận quá khứ để bước vào tương lai của chúng nữa. Tin có kiếp trước, có nợ phải trả, con cái giúp chúng ta hiểu cha mẹ chúng ta hơn, bên cạnh đó khoa học đã phát triển, xã hội đã văn minh. Nếu thật sự có sự bó buộc hà khắc phong kiến làm cho con người ta thấy bị trói chặt đến đâu, vẫn còn có nhiều cách để thoát ra. Một trong các cách đó là hãy nghĩ khác, hãy tự giải thoát mình trong tâm tưởng. Việc nuôi một đứa trẻ không phải do chính mình sinh ra, không phải do mình và chồng mình tạo ra, thế nào là không thể chấp nhận được? Quan trọng trong việc giữ lại một gia đình, một cuộc hôn nhân, là tình yêu thương lẫn nhau giữa hai vợ chồng, chứ không phải là con cái. Biết bao nhiêu lá đơn ly hôn là do không có con chung (ẩn đằng sau lý do "mục đích của hôn nhân không đạt được"). Mà thời đại ngày nay, vô sinh đang là một vấn đề lớn. Sẽ còn bao nhiêu lời kêu than hậu ly hôn vì thiếu đứa trẻ làm cầu nối, mà đáng lẽ cái cầu nối ấy đã phải có rồi chứ. Sẽ còn bao nhiêu câu chuyện éo le, rắc rối, trong xã hội vài chục năm sau này, khi người đàn ông đàn bà hậu ly hôn chỉ nhìn vào nhu cầu tự thân của mình? biết bao nhiêu người tự tin chủ động "đơn thân", nuôi những đứa trẻ cùng cha khác mẹ, hoàn toàn vô tình thôi ?
Chỉ suy nghĩ theo hướng phản biện một chút, sẽ thấy mọi việc không đơn giản như vẫn tưởng khi chỉ lướt qua. Cũng thật bối rối, vì tình cảm là thứ không ai có thể nói trước được, chuyện tình cảm không ai có thể nhận mình là người từng trải, nó kéo con người qua những ngả rẽ không ngờ. Chỉ là thương thật thương những đứa trẻ, không vì tình yêu, mà được sinh ra.
Chị ơi, dạo này chị khỏe không ạ? Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, em chúc chị luôn mạnh khỏe, có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Trả lờiXóaCảm ơn em nhiều!
Xóa