Tâm sự với mẹ đơn thân,


Hôm nay tản mạn một chút nhé, mẹ đơn thân!

Là một người mẹ đơn thân, tôi xác định rõ sự khó khăn khi dạy dỗ con. 
Ngay cả khi, con cái có đủ GIA ĐÌNH, thì việc dạy dỗ trẻ cũng không dễ dàng hơn. Đặc biệt, gia đình đó “có vấn đề” mà người ta cứ cố giấu nhẹm đi. 
Khi biết không thể thay đổi được quyết định của tôi, người ta có mỉa mai+giận lẫy+khinh bỉ+ngạo mạn mà dặn dò rằng cô dạy con làm sao để con đừng như cô. Người ta khỏi dặn, tôi cũng luôn thầm mong con gái không giống mình. Không giống ở số phận hẩm hiu, đa đoan, truân chuyên. Không giống dáng vẻ con cò lầm lụi buồn bã ủ ê. Không nghèo. Không thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Không sống quá tình cảm và nhiều trắc ẩn...

Có nhà tâm lý đã nói “Nuôi con là việc không hề đơn giản, dạy con là một hành trình gian truân đến suốt đời”. Ngẫm mà nhiều phen toát mồ hôi hột, chỉ muốn ngồi bệt xuống, chỉ muốn buông tay. Đứa trẻ lên ba hay lên mười ba, thì đối với các mẹ đơn thân, dường như vẫn chỉ là làm sao hai mẹ con không thiếu đói (có thể nghe buồn cười với một số người vì họ cho rằng thời buổi này có ai bị đói đâu). Phần đa là vậy đấy. Quay cuồng trong cuộc sống chỉ để cho con, quay cuồng trong chính các nhu cầu không dễ gì nói ra của bản thân, quay cuồng vì những trò lọc lừa dối trá, đẩy đưa …

Tôi không định nhắc tới ở đây: 
1. những phụ nữ sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt, lấy chồng, khi chia tay lại quay trở lại với chĩnh gạo nếp ban đầu. 
2. những phụ nữ có vị trí trong xã hội và có tiền, độc lập, muốn có gì là có thứ nấy. 
3. những phụ nữ lấy được chồng giàu, khi chia tay được chia một phần tài sản. 
(Tôi là một người khá may mắn, khi có hậu phương là gia đình lớn, nên cũng không dám bàn tới. Nhìn lên thì bao giờ chẳng thấy mình thua thiệt. Thế nên cũng tự gạt mình ra).

Phần đa phụ nữ đơn thân mà tôi biết, là tuýp người “đã khổ lại còn khó”. Tức là họ hoàn toàn bình thường. Sinh ra trong gia đình bình thường, có khi còn khó khăn. Lấy chồng cũng làm công ăn lương bình thường, hai vợ chồng (chưa con) thì vừa đủ thôi. Hậu ly hôn, mỗi người một phương, thuê nhà ở riêng, nách cắp con thơ, không nhờ vả được gia đình, một lương lo cho hai mẹ con (hoặc 3 mẹ con). Điều đó hoàn toàn khác biệt. Nếu không nói là khác biệt lớn.

Một người mẹ đơn thân, tuyệt đối không dựa dẫm được vào đâu, thì chỉ còn biết thu vén khéo léo, hoặc cần kiệm tối đa, hoặc thậm chí nhịn ăn nhịn mặc để cho con ... thì còn nghĩ gì đến những tình cảm trong lòng mình? Thật ra thì những nhu cầu vẫn đó, không mất đi đâu cả, chỉ là nó bị chìm khuất sau một loạt các nhu cầu khác, cấp tập và khẩn thiết hơn. Nhiều người hỏi “đêm xuống, khi con đã ngủ, người phụ nữ đơn thân có buồn không? Có nhu cầu chia sẻ không? Có khao khát một vòng tay ôm ấp không?”. Câu trả lời ai cũng biết cả rồi.

Không phải điều gì mẹ đơn thân cũng chia sẻ với nhau. Thật thế. Không đơn giản. Và thật lạ là khi càng khổ, họ càng khó, với bản thân và với người khác. Một số còn đầy tị hiềm nữa (?!). 
Một trong vài điều các mẹ đơn thân nói ra dễ dàng với nhau, đó là làm sao để dạy dỗ con cho thật tốt, để con không tủi thân, không khác biệt, không khó bảo, hòa đồng với bạn bè và mọi người xung quanh, học tập tốt không thua kém bạn bè, có được cuộc sống đầy đủ như bạn bè có đủ cả cha lẫn mẹ. Càng mặc cảm bao nhiêu, thì mẹ đơn thân càng hy vọng gửi gắm vào đứa con những kỳ vọng bấy nhiêu. Tôi ghi nhận được mong ước đó. Hoàn toàn trân trọng. Mặc dù, tôi có quan điểm hơi khác.

Thật lòng thì tôi không rõ lắm, mẹ đơn thân có thật sự được toàn tâm toàn ý chú tâm vào sự nghiệp trồng người (của các con) không? Nhiều bà mẹ, qua những gì mà họ nói/viết/thể hiện, khiến tôi đâm ngượng nghịu và hổ thẹn, vì mình không có được, dù chỉ là 1 phần trăm những gì mà họ có. Họ khiến tôi thấy mình trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, bản năng, hời hợt. Thật đáng ngại.

Tóm gọn lại, họ là người phụ nữ tự kiếm tiền trang trải cuộc sống dù phải làm đủ thứ việc trên đời, hy sinh sức khỏe, hạnh phúc riêng, thực sự chỉ sống vì con, hoàn toàn kiềm chế sự ích kỷ của bản thân, kìm nén tối đa (chắc là triệt tiêu luôn) khát khao bản năng, ôm nỗi buồn khổ cho riêng mình (không chia sẻ, kêu than, dựa dẫm). Tuyệt đối tự lực cánh sinh. Vượt lên khó khăn từng ngày và sau rốt là được tự hào về thành quả.

Tôi sẽ quỳ mọp dưới chân người đàn bà như thế. Không chút nghĩ suy !

Trong hình ảnh người phụ nữ đó, có mẹ tôi, có dì ruột của tôi, có đồng nghiệp của tôi, có các mẹ đơn thân mà tôi đã gặp và chưa từng gặp. Nhưng, nếu khẳng định rằng một người hội đủ mọi điều như thế, tôi e là không có. Hoặc giả, tôi muốn hồ nghi rằng, bên cạnh một người mẹ như thế chắc chắn có một đứa trẻ tuyệt vời chăng (!?)

... 
Tôi không muốn người mẹ đơn thân nuôi sự thù hận thay vì nuôi con.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân cô độc suốt cả cuộc đời.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân quá đau buồn và thất vọng với cuộc sống, bất mãn, tiêu cực.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân yếu thế, ốm đau lặng lẽ một mình, bị lường gạt, trộm cắp, bị bạo hành, bị hắt hủi, phải luôn luôn dè chừng.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân tự kết liễu đời mình (dù ta thấy họ vẫn sống) và ném trả đứa con cho đời.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân nuôi con như nuôi thánh Gióng hay một vĩ nhân tương lai, với áp lực tự vấn lương tâm, tự lăn trở thân tàn soi mãi bằng sai lầm trong quá khứ để nuôi dạy con.
Tôi không muốn người mẹ đơn thân ảo vọng quá nhiều vào đứa trẻ “buộc phải đầy đủ” mặc dù nó (chắc chắn đã) khuyết thiếu.

Tôi chỉ là một nửa (a half) mà thôi. Tôi xác định rõ điều đó.
Con gái tôi không là nửa trùng khít với tôi, không là nửa còn lại giúp tôi đầy đặn, tròn trịa, hoàn hảo. Con gái tôi không nên bị đặt lên vai trọng trách đó. Tôi muốn cho con có được tuổi thơ đúng nghĩa. Mà đúng nghĩa là thế nào nhỉ ?
Là “con hỏi cô giáo ngay trên lớp để hiểu bài” (khi biết rõ không có bố chỉ bài cho mỗi tối)
Là “con tự để/lấy balo trong ngăn kéo có hình cái bát nhé” (khi đưa/đón con mỗi buổi, thay vì làm thay cho con)
Là “mẹ đi có việc với bà, con ở nhà chơi với em và dì, thuốc ở kia, sữa ở đây. Khi kim dài chỉ vào chữ ACB trên mặt đồng hồ, con phải uống hết nhé. mẹ sẽ về đi ngủ cùng con” (khi không muốn con nhèo nhẹo bám chặt lấy chân mẹ và lo lắng việc mẹ đi rồi không về)
Là “con có ăn hết số cơm mẹ lấy không? Nếu con mệt, con sẽ ăn ít đi một chút và lát nữa uống thêm 1 bịch sữa nhé” (khi không chắc con sẽ ăn hết suất cơm và không khiến con sợ hãi khi đến bữa ăn)
Đối với con gái, tôi sẽ như một cô bạn gái, lớn hơn vài tuổi (điều này mới thật sự là một thử thách). Bởi lẽ, tôi sợ một ngày con không chọn tôi để chia sẻ mọi chuyện xảy ra trong một ngày của nó nữa. Nếu có ngày đó thật, thì người nó chọn, nên là một người bạn đáng tin cậy. Ừ, tôi còn có thể là “một cô bé” đến bao giờ? Tôi có thể khỏe mạnh đến bao giờ? Đến bao giờ, cái bệ phóng này không đủ cao, không đủ rộng, không đủ chắc chắn nữa? Nhưng đừng bao giờ là không đủ tin tưởng, là được! 
...

Dù gì thì tôi cũng đã sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn này. Một giai đoạn mà xã hội trở nên đa dạng, đa chiều và khá phức tạp. Dù sao thì ... mẹ đơn thân (haizzz)... cũng là một phụ nữ dũng cảm. Ít ra thì họ đã tự chấm dứt điều phải chấm dứt. Ít ra thì họ đã dám chấp nhận sự thật là họ không thể giữ, không thể có tất cả mọi thứ, không thể chấp nhận được chuỗi ngày dài lê thê ám ảnh. Ít ra thì họ cũng dám tự làm đau mình hoặc dám đối diện với sự đau đớn. Hơn rất nhiều phụ nữ khác, phần nhiều tôi nghĩ là do thói quen, cứ bám giữ mãi một hình ảnh đẹp (ừ thì có đẹp thật) để bao bọc cái sỹ diện hão huyền của mình. Kiểu "em xinh em tươi em quá ổn nên em được yêu, em được hạnh phúc". Nếu ai đó bất hạnh, đó là bởi vì họ thật tệ và không xứng đáng?! ái chà chà. 
...
Chỉ mong sao, mẹ đơn thân khỏe mạnh, may mắn, để có động lực sống, để làm chỗ dựa cho con cái trưởng thành. Mong sao, con cái của mẹ đơn thân biết thương mẹ, sự nhạy cảm khiến cho chúng đối nhân xử thế khá hơn các đứa trẻ khác, biết trân quý tình người, yêu đời tha thiết hơn. 

Và ... hơi nhạy cảm và đanh đá một chút, những kẻ nào xác định lợi dụng mẹ đơn thân (cả về vật chất lẫn tình cảm) thì hãy nhận lời chửi rủa của người đời là "kẻ khốn nạn". Bởi lẽ, có kẻ nào nhẫn tâm hơn thế, khi gạt đổ chỗ bấu víu gần như là duy nhất, nơi mẹ và con đang tựa vào, để leo lên con dốc Đời đầy khó khăn trắc trở. Đó là Niềm Tin. 






























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét