Đó không phải là một cái ôm bình thường. Nó chứa đựng những
điều chia sẻ không thể nói ra bằng lời.
Trong buổi tiệc nhẹ Tân Niên của Ngân hàng, tôi và Vân rủ nhau đến
đó chỉ để được nhìn thấy dáng vẻ quen thuộc của người anh Cả, người đã dẫn dắt
chúng tôi đi những bước chập chững đầu tiên khi còn là cô sinh viên non nớt mới
ra trường, cho tới bây giờ, tuổi không còn trẻ nữa.
Buổi tiệc tàn cũng như mọi năm, ăn xong thì đám trẻ ra về mà không biết
bao nỗi niềm còn đau đáu phía sau. Năm nay, đương nhiên là tâm trạng còn nhiều hơn.
Tôi và Vân quyết định đến gặp anh
để ít ra cũng bắt tay anh một lần. Vân hơi e ngại, “em không biết phải nói gì với
anh ấy cả. Chị nói nhé...”. Tôi hơi hoang mang, nhưng vẫn trấn an Vân.Bản thân tôi cũng không biết phải nói gì đây vào giây phút này, chỉ là rất muốn được lại gần, nhìn anh và nếu được nói 1 điều gì đó, điều đó ắt là 1 lời cảm ơn tự đáy lòng.
Ấy vậy mà khi đứng trước anh, chị em chúng tôi không khỏi
xúc động. Tôi chưa kịp nói gì thì anh đã kéo chúng tôi vào lòng, ôm chúng tôi thật chặt. Chắc chắn anh
nhận ra tôi, đứa con gái bướng bỉnh của mẹ tôi, và cũng là cô nhân viên khó dạy
bảo nhất trong số những đứa khó bảo mà anh đã từng cầm tay chỉ việc cách đây 15
năm. Cảm xúc chỉ có 3 người chúng tôi trong giây phút đó mới cảm nhận được. Tôi
chỉ biết nói với anh rằng “em mong mọi việc sớm qua, để chúng em lại được tiếp
tục học thêm nữa từ anh. Chúng em đã chia sẻ những long đong lận đận trong cuộc
sống của chúng em với anh khi có chuyện, và thấy là rồi mọi chuyện sẽ qua cả…Em
không biết nói gì hơn. Mong anh giữ gìn sức khỏe”. Nếu đứng thêm chút nữa, Vân sẽ khóc òa lên mất
và tôi chắc không giữ được bình tĩnh nữa.
Mà lúc này, nước mắt là không nên. Chúng tôi cáo từ ra về, trong lòng còn ngổn
ngang hơn cả trước khi tiến tới bắt tay anh. Đúng như những gì anh chia sẻ,
cũng chưa biết “thời gian sắp tới” là vài tháng hay là bao lâu nữa anh mới gặp
lại chúng tôi, lại cùng làm việc với chúng tôi …
Kỷ niệm vốn dĩ có đời sống riêng của nó … Kỷ niệm giúp chúng
ta hiểu rõ giá trị của thứ mình đang nắm giữ, đã mất hoặc sẽ đạt được…
. . .
Còn nhớ, khi tôi nhất quyết vượt qua sự cấm cản của hai bên
gia đình để đến với người chồng đầu tiên kém tuổi, gia đình tôi phản đối dữ lắm.
Khi nói hết cách mà tôi không suy chuyển, mẹ dọa sẽ lên trao đổi với cơ quan nhờ can thiệp. Tôi hơi hoảng, nghĩ: chỉ
có thời xa xưa mới có chuyện công đoàn cơ quan, các cấp chính quyền can thiệp
vào chuyện trai gái yêu nhau thôi chứ. E ngại mẹ làm phiền nơi người ta kinh
doanh buôn bán, tôi bạo gan gõ cửa phòng Giám đốc để xin anh 5 phút. Tôi kể lại
việc mẹ tôi phản đối chuyện yêu đương của chúng tôi nên có thể lên gặp anh để
thưa chuyện, nhờ anh dạy bảo tôi, nên tôi xin lỗi trước nếu điều đó làm phiền
anh làm phiền cơ quan. Tôi quả quyết với anh là tôi đã quyết định rồi, không
thay đổi quyết định đó cho dù mẹ tôi có đuổi tôi ra khỏi nhà, từ tôi đi chăng nữa.
Anh đã từ tốn trấn an tôi và thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng
xã hội bây giờ đã cởi mở hơn, các cô có công việc, sống tự lập, tự lo kinh tế
cho mình và lo được cho 1 đứa trẻ nữa, các cô có thể làm mẹ đơn thân không nhất
thiết phải lấy chồng mới được. Và anh kể tôi nghe một vài câu chuyện có thật của
những người bạn. Cách đây hơn chục năm, cụm từ “đơn thân” chưa phải là mốt như
bây giờ, vậy mà anh đã khuyên tôi lựa chọn. Tôi hiểu rằng, trong con mắt của
anh, anh tự tin tôi có thể làm được điều đó. Tôi tin tưởng rằng anh sẽ giúp đỡ hết lòng khi chúng tôi đã quyết tâm lựa chọn một điều gì. Giúp ở đây được hiểu
là 1 công việc ổn định, những lời khuyên chí lý thân tình những điều hơn thiệt,
để cuộc sống của chúng tôi đi đúng hướng và ít thiệt thòi nhất.
Thời gian ấy, có 1 chị nhân viên giao dịch lấy chồng bộ đội,
sanh đôi tự nhiên 2 bé gái. Gia cảnh anh chị khó khăn, nên khi chị sanh xong,
anh – khi ấy là giám đốc chi nhánh, nhận hỗ trợ cho 1 đứa, anh B – khi ấy là
phó giám đốc chi nhánh, nhận hỗ trợ 1 đứa. Chúng tôi thực sự là một gia đình.
. . .
Anh đã nói với chúng tôi (và chúng tôi luôn ghi nhớ) chúng
tôi làm việc ở một nơi đầy rẫy rủi ro. Ban đầu mới vào Ngân hàng, rủi ro với
chúng tôi chính là mớ kiến thức tạp pí lù không biết dùng để làm gì, sắp xếp
vào đâu. Là lóng ngóng với đánh máy mười ngón, nắn nót cả ngày không xong vài
trang tờ trình, nói nhăng nói cuội, viết tờ trình hay như viết văn. Rủi ro là một
ngày bị khách hàng trách mắng, quát to ồn ào giữa sàn giao dịch, trước mắt mọi
người … Nghĩ lại vẫn thấy nực cười chính mình.
Giờ thì rủi ro là như vầy, tên anh có trên mặt báo, sau cái
tên là các chức danh đã kiêm nhiệm, và những cáo buộc.
Đối với tôi, anh Huỳnh Quang Tuấn luôn mãi chỉ là một người
anh Cả, mà chúng tôi yên tâm lắm, hồn nhiên lắm, khi chia sẻ chuyện đời, chuyện
người, hỏi kiến thức chuyên môn, xin “chỉ giáo” những chuyện nhí nhố ngố ngẩn
trẻ con mà không có chi phải ngại ngùng … Tất cả những điều ấy, những kỷ niệm đậm nhạt, giờ chỉ thu gọn vào một
cái ôm vội vã khi tiệc tàn …
Giờ với tôi, rủi ro khác nhiều rồi. Có thể là khi trên đường
đua dài dằng dặc, đột nhiên thấy cô độc một mình, vẫn mệt nhoài đổ mồ hôi sôi
nước mắt đó thôi, mà rồi không biết mình đang chạy trước đoàn đua hay vô tình chạy sau lưng họ mất rồi. Một vòng đời cũng tròn như trái đất, cũng luân hồi
Nhân-Quả, dù xa cỡ nào, dù tròn cỡ nào, dù trúc trắc cỡ nào, thì rồi gieo Nhân
nào vẫn sẽ gặt Quả nấy. Con người mệt nhất là chạy đua với chính mình, với những
giằng xé nội tâm có và mất, giữ và buông,bỏ đi hay duy trì, chiếm hữu hay chia
sẻ, yêu và ghét … Với tôi, con người quả là ở tình thế rủi ro khi chẳng biết
mình đang ở đâu, cô độc giữa một biển người không hiểu, nhất quyết không hiểu
mình.
Rủi ro là khi chẳng còn biết nói với ai những suy nghĩ thật
trong lòng mình. Rủi ro là không còn biết tin vào đâu, chỗ nào là thật chỗ nào
là giả...
. . .
Tôi chạy xe miên man giữa gió Đông cuối mùa quất thẳng vào mặt.
Chợt đâu đó những cánh hoa đào tơi tả táp vào má tôi. Có chiếc xe chở 1 gốc đào
khá lớn trước mặt, chạy về hướng Nhật Tân chắc mang cây trả về vườn. Ừ, thế đấy,
lúc này đào đã tàn, sắc đã phai, tôi thì đang khóc, lòng trống trải mông lung.
Nhưng một năm nữa, đào lại ra hoa, tôi có một năm để chờ đợi điều đó.
Xuân, Hạ,
Thu, Đông, mỗi mùa 1 vẻ, mỗi mùa 1 khắc nghiệt, mỗi mùa 1 thử thách dành cho những
cành cây khô kia. Nóng, lạnh, mưa dầm, sương giá, gió bụi, đào lên
đặt xuống.
Nhận lấy tất cả mà cây đào ấy vẫn sẽ ra hoa vào mùa tới. Nó
cằn cỗi và trơ trụi như thế đấy, để giúp con người biết hy vọng. Có phải vậy
chăng?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét