đời ta đi về đâu ...


thật sự, đánh một dấu hỏi (?) ở cuối câu là vô nghĩa. bây giờ, chẳng còn gì là quá quan trọng, theo nghĩa là phải "đi đến tận cùng", "phải có bằng được câu trả lời, hay lời giải thích". Cứ đi khắc đến, còn có thể làm được gì thì chọn mà làm việc thiện, cùng nhìn về phương ấy, cực lạc hay không phải chốn cực lạc, thì ai cũng sẽ phải dấn thân ... 

một lời trách mắng của mẹ. nước mắt ứ lên rồi chỉ chút ít giây sau thì hai mắt khô khốc. "lại khóc đấy ư. khóc để làm gì?". chẳng để làm gì nữa. quỹ thời gian dành cho mỗi người không nằm trong ngân hàng, không nằm trong tay thằng kẻ cướp hay thậm chí kẻ giết người, mà nằm trong nghìn tay nghìn mắt của đức Phật, của đức Chúa, giây phút ấy đã được đánh dấu đâu đó  rồi, cái hố đen dành cho mỗi người trong vũ trụ luôn đã luôn dọn sẵn đó ...

con gái vào Viện cắt Amidan. tính tôi thì rõ ràng rành mạch, trách nhiệm, đàng hoàng. Dự định lâu rồi, từ Tết Âm lịch. Lên kế hoạch chính thức cách đây 1 tháng, sau khi tiết kiệm đủ chi phí, sau khi dự báo thời tiết sẽ ổn định và khô ráo, bệnh dịch đã lui đi ít nhiều. Biết là xin nghỉ khó khăn, đã phải thông báo miệng trước với cả "bàn dân thiên hạ" ở cơ quan (mà thật lòng thì tôi không bao giờ muốn trình bày việc riêng tư gia đình với nhiều người đến như thế. chắc chỉ có ở Việt Nam mới có cái "lệ" phải báo cáo cho cả bà lao công thế này). Trước khi nghỉ 1 tuần, đơn từ đúng quy định của cơ quan, Sếp đã ký duyệt. Vậy mà khi con gái ở trong phòng mổ, rồi ra hậu phẫu, điện thoại líu ríu, cái đầu ong ong, điên cái lòng cái ruột điên thêm cái đầu. Một mẹ một con ôm nhau đi Viện, đã mệt. Lại còn trực điện thoại cơ quan và khách hàng, chỉ cần để máy bận 1 cú, từ chối cuộc gọi 1 lần thôi, sau này sẽ biết tay nhau ngay ... nước mắt đã đôi lần ứ lên, rồi chỉ chút ít giây sau cũng phải lui. "lại khóc đấy ư. khóc mà làm gì?". 

Đôi lúc muốn buông hết, "sao tôi lại không được khóc?", "sao tôi không được than lấy 1 câu?", "sao người ta cứ đè tôi ra mà "đì" cho tận số, gạt cho hết lợi lộc về họ, sao họ tham vậy Trời?" ... nhưng lòng tôi thật sự không còn nổi sóng nữa. Những câu hỏi ấy, tôi không còn đau đáu đi tìm câu trả lời nữa. Đâu cần phải chính tay tôi tìm lại lẽ công bằng. Rồi sẽ có cái ngày ấy. Luật Nhân-Quả luôn tồn tại ! 

nằm cùng phòng bệnh với con gái, có 1 nhà sư đưa chú tiểu lên chữa bệnh, khi ra Viện, sư thầy tặng lại cho một số người cùng phòng các đĩa ghi lại bài giảng giáo lý nhà Phật, trong đó có mẹ con chúng tôi. Rất vô tình, đĩa dành cho mẹ con chúng tôi có chủ đề là "Đời ta đi về đâu". Trong lúc đang rối như tơ vò, đọc tiêu đề của chiếc đĩa, dù chưa nghe được 1 lời của đại đức, nhưng mọi thứ trở nên bình yên kỳ lạ. 

chắp tay niệm Nam mô a di đà Phật, để bỏ lỗi cho bản thân mình, cầu để không phải thấy tâm địa xấu xa của người, mắt chỉ nhắm hờ và chỉ nhìn về phương có ánh sáng, làm một điều thiện, tích một điều lành, không cần hỏi có nhận được gì không, chỉ biết là làm được hay không, làm được là làm ngay không do dự. 

Tôi thấy, mọi sự khởi nguồn từ những điều rất nhỏ bé. Tôi không run sợ, con gái bớt quấy khóc. Tôi bình tĩnh, bác sỹ nhỏ lời. Tôi nhường chỗ xếp hàng khám cho một người bệnh nặng, giúp người ta cho 1 bệnh nhân trong hậu phẫu uống sữa, gọi giúp hộ lý khi hết nước, rớt thuốc ... tôi hòa mình vào nhóm "những người chăm sóc" và thấy mình tan đi, trôi đi miên man ... không nghĩ gì hết, chỉ làm việc nên làm ... tôi không cần nghe một lời cảm ơn, tôi không cầm được bàn tay chìa ra yếu ớt, tôi không biết người ấy sẽ về nơi nào, tôi còn gặp lại nữa hay không ... vì lẽ ấy, nên tôi không muốn dừng lại, không muốn hoãn lại. Thêm nữa, quỹ thời gian ấy ... Cái khái niệm này, rõ ràng đấy mà cũng mơ hồ đấy. "Quỹ thời gian" ?! 

... Còn bao nhiêu lần được chìa tay ra để sẻ chia? 
Còn bao nhiêu lần được nói lời cảm ơn, xin lỗi?
Còn bao nhiêu lần được tha thứ?
Còn bao nhiêu lần nữa được chối từ?
Còn có khi nào gặp lại nhau trong đời? ... 

Bây giờ, đồng tiền mang về nuôi con, nuôi tương lai cho con, đánh đổi bằng những day dứt, khó thở, đau đớn khi phải cúi mặt, nhìn xuống dưới chân mình. Bảo không nghĩ gì thì không đúng. Bảo chưa từng cúi mặt xuống bàn làm việc để ngăn nước mắt lăn ra là không đúng. Không dám so sánh, nhưng đôi lúc tôi nghĩ đến những thống khổ của Jesu, Người đã nghĩ gì khi sẵn sàng chia sẻ ? có khi chỉ là Người muốn đi đến tận cùng, muốn đi tìm câu trả lời cho tất cả chăng ? có khi nào, Người đi tìm niềm hoan hỷ trong nỗi đau tận cùng ấy ? 

nhìn sâu vào gương mặt đức Phật, nhìn sâu vào gương mặt Jesu trên cây thập tự, tôi thấy nước mắt và thấy cả nụ cười. Nụ cười vẹn nguyên nhất trong tất cả những nụ cười ... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét