dành riêng cho phụ nữ
Trước
hết chỉ nên coi bài viết trên báo mạng là một cái tin thay vì một
bài viết chỉn chu. Tin bị giới
hạn chữ. Chủ đề này không thể chỉ dừng lại ở vài trăm chữ toen hoẻn như vậy
được. Nói không hết ý, dẫn chứng nghèo nàn, cái nhìn phiến diện và tư duy cụt lủn. Người đọc cần có cảm xúc mạnh mẽ hơn. Để thay đổi, con người ta cần sự thúc đẩy đủ để vượt qua một cái ngưỡng nào đó.
Tôi viết xoay quanh chủ đề này. Nhưng trước hết, phải khẳng định: tôi không định lên
mặt dạy ai, cũng không viết để ủng hộ việc “nên” hay “không nên” phạt tù ai.
Mỗi khi
đọc được những câu chuyện như thế này, biết rỉ ra những giọt nước mắt
cay đắng xót thương, trước hết cho trẻ con sau là cho người lớn, thì cũng phải biết nghĩ thêm một chút nữa. Câu hỏi đơn giản là “làm sao hết cảnh này?”. Tôi
không muốn đã mang tiếng đòi hỏi mà chỉ đòi “bớt”, sao không đòi “hết” đi. Cái tính
tôi tham thế.
Nhan
nhản Trung tâm này kia, nhận hỗ trợ bảo trợ và giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ.
Bên cạnh đó còn có các bác sỹ tâm lý nữa. Tôi tự hỏi, ngoài những lời khuyên (của
chuyên gia hay nhà tư vấn thường xuất hiện ở cuối mỗi bài viết), họ có thể giúp
gì cụ thể và thiết thực hơn cho các trường hợp này không?.
Nhà
báo giúp bằng cách tiếp cận vấn đề và nói ra cho mọi người cùng biết - “gióng
lên hồi chuông báo động” - như cách nói hoa mỹ. Chuyên gia tư vấn.
Bác sỹ chữa trị những vết thương thể chất cũng như tinh thần. Vậy, tôi và các bạn có thể
làm gì để giúp những người phụ nữ ấy? Những đứa trẻ hóa ra lại có một thân phận rõ ràng hơn so với mẹ chúng. Trước hết, trẻ được đưa vào bệnh viện hay trung tâm y tế để
chăm sóc tích cực, cùng lúc họ sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thân nhân đến nhận lại. Khi sức khỏe ổn định mà cha mẹ không nhận lại, thì trẻ được lập hồ sơ cho làm con nuôi. Trẻ được chuyển về các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc
tỉnh thành phố, hay có thể được nuôi dưỡng ở các chùa chiền nhà thờ hay các
nhà mở mái ấm … chờ cha mẹ nuôi tìm đến nhận và đem đi sau khi đã hoàn tất
thủ tục nhận con nuôi.
Tôi
đã từng đến với những đứa trẻ ấy. Với chúng, thôi thì tạm chấp nhận việc được cứu sống, có một nơi ở chung, ăn và mặc tàm tạm, được theo dõi sức khỏe. Tôi thực sự dành sự ái ngại hơn với những người mẹ đã bỏ con. Để không còn trường hợp trẻ bị bỏ rơi nào, thì nên chăng đi tìm nguyên nhân và loại trừ từ gốc rễ ấy.
Viết
tới đây, tôi thấy lòng mình trào lên nỗi ân hận. Với con gái tôi. 9 tháng mang
thai, hầu như đêm nào tôi cũng khóc. Tôi được mẹ chăm sóc vụ ăn uống khá kỹ lưỡng
trong suốt thai kỳ nhưng bản thân không bao giờ chủ động. Tâm trạng xáo trộn.
Tâm lý bất an. Công việc bận tối mắt... Nỗi ân hận đầu tiên tôi có thể “đong”
được, đó là khi bác sỹ báo cân nặng của con bé: hai cân tám lạng. Rồi ân hận tiếp theo là không có sữa cho con bú. Mọi người chạy đôn đáo tìm mọi cách để tạo sữa.
Tôi vẫn hờ hững với việc ăn uống. không vượt lên chính mình chút nào khi vẫn nhất quyết không ăn
cháo chân chó đen (vì tôi không ăn thịt chó). Tôi nhăn nhó và bỏ đi thay vì ăn tất cả mọi thứ mà mọi người chuẩn bị cho như các bà mẹ khác ... Đương nhiên, sau
4 năm là nhiều lần ân hận nữa .... Nhưng tôi thấy mình vẫn là 1 người mẹ may mắn
khi được cùng con trải nghiệm. Cho
dù bạn là 1 bà mẹ đoảng hay nghèo khó hay kém cỏi thế nào, tôi vẫn không muốn bạn phải ân hận khôn nguôi suốt cuộc đời vì không biết con
mình sống hay chết, nếu sống thì như thế nào, trường thành ra sao, vui hay buồn ...
Vì
thế ...
Tôi
lại có ý tưởng dành cho phụ nữ trẻ nói chung hoặc cho những ai thực sự quan tâm. Tổ chức những chuyến đi, thực hiện những chương
trình nhỏ thôi nhằm tiếp cận với các bạn nữ (có nguy cơ tiềm ẩn đối
diện với việc có thai ngoài ý muốn và rồi bỏ con). Chúng tôi ư, chỉ là những phụ nữ
bình dị thôi. Kể chuyện mình. Những va vấp dại khờ. Cách vượt
qua những vấn đề cụ thể hàng ngày. Các chị các mẹ dạy cách chi tiêu, tiết kiệm,
cách chăm sóc bản thân và em bé. Cùng tìm câu trả lời cho những băn khoăn (không bao giờ nghĩ là thừa thãi và ngây ngô). Điều quan trọng nhất, họ phải biết mình
chính là “đối tượng nhắm tới” của đàn ông con trai. Họ phải biết họ không có sự
bảo vệ chắc chắn như đàn ông con trai. Họ phải biết họ được hay không được bảo
vệ, bởi luật pháp, bởi các trung tâm, bởi xã hội. Họ phải được biết và nắm vững
cách thức tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bệnh tật, mang thai, sảy thai, sinh non,
sinh con rồi bỏ con v.v và v.v. Nói chung là kiến thức và kỹ năng cần thiết để tồn tại.
Tôi
nghĩ, giáo cụ trực quan là không thể thiếu. Bởi lẽ, chắc hẳn ai cũng đồng tình
với tôi rằng, khi yêu, con người ta như bước vào giữa "điểm mù”. Non gan hơn một chút. Mềm yếu và cả
tin hơn một chút. Sẵn sàng giúp đỡ người mình yêu cho dù người đó còn chưa mở lời,
giúp đỡ (thậm chí chu cấp) từ thứ nhỏ nhất đến việc từ bỏ cả gia đình vì người ấy.
Trao thân hóa ra vẫn là 1 việc nhỏ (dại). Người ta có thể phạm pháp và gây ra
những tội tày đình hơn nữa kia.
Bỏ
con ư, bạn có biết điều gì xảy ra sau khi bạn quay lưng đi không?
(một
đoạn video clip hoặc những hình ảnh sẽ được trình chiếu: Cửa
trung tâm bảo trợ một sáng sớm mùa đông. Bác bảo vệ nghe tiếng khóc hoặc tiếng
gạch đá gì đó ném cái rầm vào cửa sắt (vốn dĩ các bác đã biết là có ai đó muốn đánh động để bác lưu ý rồi). Cái làn nhựa với một manh áo của người mẹ che lấp hết cả đứa nhỏ bới mãi
mới thấy. tiếng khóc nghèn nghẹt, thân hình tím tái. Mảnh giấy ghi vội tên con
thường không có họ. Rồi sau đó là ủ ấm, quần quần áo áo, khám sơ. Cho ăn. Có
khi phải mang trẻ vào ngay trung tâm y tế để cấp cứu... ) - Cắt – tạm thế đã nhé
Có
bạn sẽ mạnh dạn giơ tay chất vấn “thế nếu tôi không bỏ con, tôi và con tôi sẽ sống
ra sao đây?”
(tôi sẽ dẫn chứng bằng các đoạn clip ghi lại sinh hoạt thường nhật
của vài gia đình trẻ. Vợ chồng sinh viên vừa học vừa chăm con. Những đôi vợ chồng
trẻ còn mải chơi, học hành chẳng đến đâu, đã ẵm con và phải lo làm lụng để nuôi
con, những cơ hội cho đứa trẻ và ngần ấy những cơ hội cha mẹ chúng sẽ mất đi
...) – họ sẽ thử áp dụng vào điều kiện cụ
thể của bản thân. Nếu cần phải điều chỉnh cho phù hợp, họ sẽ đặt câu hỏi. Mọi
người cùng tìm cách giải quyết vấn đề.
Còn
với câu hỏi: nếu tôi bỏ thai thì sao?
(cũng
sẽ có video clip cho họ. Điều này nhan nhản trên tivi và các trang mạng xã hội rồi, chẳng phải nói nhiều nữa.
Nhưng với các địa phương vùng sâu vùng xa lạc hậu đâu thể có sẵn những phương tiện
thông tin để tiếp cận)
Tôi
muốn tất cả phải thật cụ thể. Như là họ đang đau đớn. Như thể họ đang đứng trước
quyết định ấy. Có thể họ sợ đến ngất xỉu. Không sao. Điều đó là may mắn nếu vì thế mà họ thay đổi suy nghĩ và quan điểm sống. Thật tốt nếu điều đó sẽ dựng thêm một
barier trong con người họ. Hy vọng tôi sẽ dựng thêm được một tường lửa để giúp họ tránh được
tai ương.
Tôi
muốn tất cả phải thiết thực. Tức là sau những sự chia sẻ, khi họ gặp chuyện và thực sự cần giúp đỡ, sẽ có một tập hợp các chuyên gia bác sỹ
sẵn sàng giúp đỡ tận tình, trách nhiệm, và quan trọng là kịp thời. Đôi khi, chỉ là được nói ra, có người lắng nghe tôn trọng suy
nghĩ đầy lo lắng của mình, đã kéo họ ra khỏi “xứ mù” được nửa đoạn đường rồi. Ví
dụ các biện pháp phòng tránh thai. Nếu có thai và quyết định bỏ, thì phải đến đâu để được tư
vấn hỗ trợ. Nếu giữ thai thì tổ chức cuộc sống thế nào, sinh con ở đâu, chế độ
và sự hỗ trợ nếu cần. Ai dám chắc các bà mẹ ở phố thị đã biết mở lời với con gái của chính mình về chủ đề tế nhị này. Ai dám chắc chỉ có ở nông thôn vùng sâu vùng xa mới có sự e dè và thiếu hiểu biết. Còn đầy ra đấy những cô gái đã đi làm mà còn ngây ngô về những vấn đề thuộc chính cơ thể mình, né tránh e thẹn việc tìm hiểu và coi đó là chuyện tự nhiên sau khi có gia đình khắc biết.
Tôi
muốn quan tâm đặc biệt tới những phụ nữ trẻ, từ nông thôn ra thành thị để học
tập và làm việc. Họ mang tư tưởng khá tiến bộ và linh hoạt, muốn thoát khỏi lũy tre làng cổ hủ lạc hậu ấu trĩ để
được học tập rồi thành đạt rồi kiếm nhiều tiền hơn, để thoát nghèo … phải biết cái giá phải trả.
Phụ nữ vốn không được bảo vệ. Tự nhiên đã là thế. Có ai đời, thiên hạ lại nghĩ
hay lo lắng cho đàn ông cơ chứ? Thật nực cười. Đàn ông không phải lo giữ một thứ
để đánh đổi lấy hạnh phúc khi trưởng thành. Đàn ông không phải lo lắng “nhỡ …
thì ...”. Đàn ông lao đi (gần như) không có gì để phanh lại. Đàn ông hiếu thắng,
ganh đua, giành giật, chiếm đoạt (cái đoạn cuối cùng này thì chắc chắn chỉ thuộc
về đàn ông mà thôi).
Tôi
nghĩ, biết rõ bài toán đời mình thì tốt hơn. chắc mỗi người tự biết nó là dễ
hay khó. ai cũng có một bài toán, nếu không nói là khá nhiều bài toán. Có người giải suốt đời
không xong, đến chết vẫn chưa xong. nhưng không vì thế mà không đối mặt, chẳng tránh được.
Vô
ích khi khóc lóc chạy theo đòi hỏi một người đàn ông hãy động lòng trắc ẩn đi,
hãy nhìn tôi và đứa trẻ này, hãy làm gì đi chứ...Họ sẽ im lặng (cái thứ im lặng
mà bao đời nay, cả cái xã hội cổ hủ Á Đông này cổ xúy bằng sự im lặng ăn theo,
và bao đời rồi vẫn tội vạ đâu đổ đầu đàn bà con gái, không vì họ nhẹ dạ thì cũng vì họ lẳng lơ). Và rồi các bà mẹ trẻ,
không một ngày nào từ khi biết mình mang thai, tự dằn vặt “vì sao, tại
sao, rồi ra thế nào đây”, “mình đã gây nên tội gì mà lại khổ thế này”, chạy ra
chạy vô như gà mắc tóc với những ý nghĩ dại dột.
Vô nghĩa thôi. vô nghĩa không
phải vì đã không nghĩ ra thứ gì hay ho hơn là bỏ thai hay bỏ con sau khi sanh.
Mà vô nghĩa bởi không nhìn ra xa mà xem, có ai thương xót các bạn không. Nếu nhìn thấy trước điều đó, thì hãy thương lấy chính bản thân mình nhé.
Tôi ước ao mỗi người, không cứ gì là phụ nữ, khi gặp chuyện bế tắc, cũng có những bàn tay sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ. Đôi khi chỉ là một lời khuyên, một giải pháp tình thế để bạn tham khảo mà thực hiện. Đôi khi là một lời động viên khích lệ. Đôi khi là manh áo cho con, một cơ hội học tập cho mẹ.Có thể là một hội đoàn nho nhỏ cùng làm kinh tế. Thực tế - kịp thời - hiệu quả.
Nếu có một câu hỏi khó dành cho tôi, rằng bạn đang day dứt tiếc nuối cộng với đau khổ vì bị bỏ rơi, bạn phải lựa chọn giữa giữ con và cơ hội học tập phấn đấu còn dang dở, thì tôi sẽ trả lời thế này: bạn nên bỏ thai. Đương nhiên, bạn phải ghi nhận tất cả các nguy cơ có thể xảy ra về thể chất và tâm lý. Bạn biết và hiểu sâu sắc rồi thì nên làm theo cách đó.
Vì sao ư? Khi có con rồi, bạn sẽ phải suy nghĩ cho hai người, lo cho tương lai của hai người. Bạn sẽ phải bỏ đi phần lớn các cơ hội học tập phấn đấu hoặc chấp nhận bị bỏ lại phía sau khá xa. Nếu bạn không đảm bảo được rằng - với tình yêu thương vô bờ và nỗ lực không ngừng nghỉ - bạn và con sẽ sống tốt và được phát triển tốt nhất, thì hãy đừng sinh con.
Giả sử bạn không thể có con sau này thì đó cũng là điều bạn đã biết trước. Tự làm tự chịu, bạn đau khổ, chỉ một mình bạn thôi, không ai nữa. bạn có tưởng tượng được một lúc nào đó bạn ân hận vì đã đem con tới cuộc đời này để rồi bày ra trước nó đầy thử thách ngay khi còn bé tí xíu không. Bạn chưa thể hình dung ra, thì chúng tôi sẽ kể bạn nghe ...