nhật ký lang thang


Ngay tại thời điểm này thì hai bắp chân vẫn đang khá đau. Trời oi chứ không nắng gắt khiến cho hai hốc mắt nóng ran. Không nghĩ rằng chuyến đi lại tốn nhiều nước uống đến thế ;-P

Cảm giác... thong dong, thanh bình, êm ả, tĩnh tại, tạm quên một số thứ nên quên. 
Cũng bởi dịp lễ, người ngoại tỉnh về quê nhiều, người nước ngoài chưa ra phố lang thang hoặc cũng không ở Hà nội dịp này, nên phố xá rất vắng vẻ. Xin gửi ở đây những tấm ảnh chụp vội. Không giống như một tấm postcard, có thể bạn sẽ thấy mọi thứ nghiêng nghiêng. Những mái nhà xưa cũ, mái ngói võng xuống, những lối ngõ hẹp đến ngỡ ngàng, nhưng hơn bao giờ hết tôi tự hào về màu xanh cây cối ở Hà nội. Không một khuôn hình nào tôi chụp trên phố cổ mà thiếu bóng dáng cây và lá xanh. Rất mong những hình ảnh này sẽ giúp bạn đến gần hơn với Hà nội. 

Buổi sớm Tạ Hiện





Kiến trúc cổ 1


Kiến trúc cổ 2

 Kiến trúc cổ 3


Một nét mái nhà thường gặp trong tranh Phái


Một kiến trúc Pháp


Rất giống kiến trúc ngôi nhà ngày xưa của ông bà ngoại tôi


Tre nứa lá ...

Bình yên ...


Không phải cửa hàng của Hạnh :-))  chỉ là căn gác bỏ hoang thôi mà


Một căn nhà nhỏ xíu có 3 cửa hàng và có thể là > 3 hộ ở trong đó ...


Rất cũ ...


Dễ thương ...


cười lên nào !



Kiến trúc cổ 4


Vươn lên ...


 Phục chế quạt cổ


Phở xếp hàng Bát Đàn. Lần đầu tiên trong gần 40 năm sống trên đời tôi chứng kiến. Không bao giờ vào đây ăn, cho dù người ta nói thế là "không sành điệu", hí


Điệu ...


Phường Bát Âm, nhạc cụ dân tộc


mọi thứ trong căn nhà này đều cũ


chè chén


những bậc thang này dẫn lên một căn hộ


vespa cổ, hoa gỗ và ... em (điệu) hi hi


Tô Tịch


 Kiến trúc cổ 5


Cà phê Lâm


Những ngôi nhà nhỏ trên phố xinh


Lò Rèn và người thợ rèn duy nhất (tôi không nghĩ là cuối cùng). Rất tiếc không thể truyền tải được mùi của phố phường. Khi đứng ở đây, tôi cảm nhận được hơi nóng của bễ và mùi hàn xì ...


Chuyển động ...


Em và Ô Quan Chưởng (trông như sắp tung chưởng) ...


Giấc mơ trưa


Hãy đoán xem trong hình dưới đây có bao nhiêu hộ gia đình?


Cửa hàng này có diện tích khoảng 1,5 m2


Của các bà các mẹ (và cả tôi nữa) một thời. Giờ vẫn còn trên phố. Tụi trẻ chắc bụm miệng cười ngất mất thôi ...


 Bốt Hàng Đậu


Hàng Mã là phố mà tôi rất hay lui tới để mua những thứ xanh xanh đo đỏ long lanh lung linh linh linh ... cuốn hút trẻ thơ và những người già rồi mà như con nít (haizzz)


Còn khá nhiều ảnh nhưng đau đầu quá phải nằm thôi. Người như tôi người ta hay gọi đùa là "như đồ Hàng Mã" ấy. Hix

Tự dưng hôm nay lại nhớ ra 1 bài hát rất phù hợp với quang cảnh phố cổ Hà nội của tôi.
"Nhớ những lúc ta trôi vào nhau như là mưa gió..." :-P



DU LỊCH BỤI - VÒNG VO PHỐ CỔ



Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, cùng chung nỗi buồn với đại gia đình ACBer, tôi xác định nằm nhà. 
Không có xu tiền thưởng nào, nhưng trớ trêu thay, có tới tận 5 ngày nghỉ, nên không thể không thiết kế một kế hoạch nào để giết cái thằng cha thời gian. 
Chủ trương: tiết kiệm, không đi xa, không ngủ qua đêm, tăng nghe nhìn giảm mua sắm, khỏe để xây dựng tổ ... ấm. hi hi ... 
Vào một ngày đẹp trời, lang thang khắp phố phường dưới những hàng cây xanh, lá sấu và lá xà cừ rụng đầy, mùi thơm của hoa xà cừ ngọt ngào say ngây ngất, shopping window là chủ yếu mua sắm là phụ, uống cà phê (tốt nhất nên tự mang theo Lavie), xem tranh, tham quan một số địa điểm lịch sử và mua sách ...Chúng ta cũng sẽ được ngắm những chiếc xe đạp chở nhiều loại hoa khoe sắc, đặc biệt là hoa loa kèn cuối mùa. 

 BB rủ rê những người yêu Hà nội tham gia: Tour đi bộ tham quan Phố Cổ - Chủ nhật ngày 28/4

Thời tiết có thể nói là ổn, gió nhẹ, nắng đẹp, chưa nóng gay gắt.
Chúng ta nên bắt đầu chuyến đi từ sáng sớm, để thấy khoảnh khắc phố cổ ngái ngủ. Chặng đường di chuyển dự kiến 7 km => cả một thử thách to lớn, đâu phải leo Fan mới ghê gớm chứ. Thời gian di chuyển khoảng 6-7 tiếng. 11h30-12h ăn trưa, nghỉ ngơi tránh nắng gắt, rồi đi tiếp. 


Dưới đây là bản đồ phố cổ hà nội và dự trù tuyến đường dịch chuyển: 



Nhìn vào bản đồ có thể chọn trục Hàng Đào làm trung tâm, sau đó nên đi về phía bên tay trái trước (vì có nhiều tuyến phố hơn nên đi buổi sáng sẽ đỡ mệt). 
Khởi hành từ tòa nhà Hàm Cá Mập, ta sẽ đi vào Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, ra bốt Hàng Đậu thì ngoặt lại Hàng Lược, từ đây đi vào trục Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Cá, Lò Rèn, Hàng Vải, Bát Sứ, Hàng Phèn, Nhà Hỏa, Bát Đàn, Thuốc Bắc, Hàng Bút (?), Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Quạt,  Hàng Mành, Ngõ Hàng Chỉ (?), Tô Tịch, Hàng Gai. 
(Phần bên tay trái này chúng ta sẽ bỏ qua Đường Thành, Phùng Hưng, Cửa Đông, Hà Trung, Hàng Bông)

Buổi chiều chúng ta khám phá hướng bên phải trên bản đồ: 
Hàng Bạc, Hàng buồm, Hàng muối, Hàng tre, Hàng Mành, hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Bè, Gia Ngư, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn siêu, Hàng giầy, Hàng Chiếu, Ô quan Chưởng, Tạ Hiện, Cầu gỗ. 


Đây chỉ là các tuyến phố chính, trên mỗi con phố sẽ còn vô khối những con ngõ nhỏ nữa cũng khá thú vị. 

Vì chủ đích của chuyến đi là ngắm phố cổ Hà nội kết hợp thử sức bền. Nên trang phục và đồ khuyên dùng là áo thun quần short giầy vải hoặc giầy thể thao, khăn cotton dùng để che trán (chặn mồ hôi), mũ lưỡi trai, kem chống nắng, ba lô hoặc túi chéo, giấy ăn, khăn ướt, bình nước (nếu không chuẩn bị, có thể mua trên đường đi cũng được), nhớ mang theo máy ảnh để ghi lại những hình ảnh ít khi bạn thấy khi phóng xe máy ngang qua. 
Và ... tiền, hì. In ít tiền thôi. Nếu chủ đích chỉ là đi bộ ngắm cảnh và chụp ảnh không mua sắm, một bữa sáng nhẹ, 1 bữa trưa giản dị, vài chai nước uống, 10K-20K tiền gửi xe. Bạn chỉ cần chuẩn bị khoảng 100K. Thật thú vị khi tham gia 1 tour ý nghĩa vậy, mà chỉ mất có 100K :-)) 

Rất mong những ai đọc được chương trình tour này, đang ở Hà nội hoặc sẽ tới Hà nội vào dịp lễ, hãy tham gia cùng BB cho vui nhé ! Có thêm một người bạn bên cạnh, đường xa sẽ hóa thật gần. Vui lòng comment ở đây để BB liên lạc ngay với bạn ! 


đi chơi

Mẹ và con gái đi chơi dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Trời không có nắng nhưng hơi oi bức. Có thể nói, thời tiết ủng hộ chúng ta. Mỗi khi yên vị trên yên xe, con đã biết nói "Ready?" rồi sau đó mới là "Let's go".

Thứ Sáu, hai mẹ con vào Bách Thảo để con được chạy nhảy và đi chân trần trên cỏ. Mẹ phải nói với con rằng thực ra chúng ta không được đi lên cỏ đâu. Cái biển nho nhỏ kia nhắc nhở thế. Nhưng, bản thân mẹ cũng thèm được đi chân trần trên cỏ cơ. Thế nên ... Con nhặt lá và tung lên trời. Tạo dáng để chụp ảnh bay trên nền cỏ và hồ. Mẹ nhặt được 1 quả xà cừ và ngồi chơi chuyền. Mẹ không nhớ được nhiều thứ nữa. Trên báo mạng thỉnh thoảng cũng có những bài viết làm sao để trẻ thông minh, một trong các cách đó là để trẻ được chơi đùa ngoài trời. Mẹ không biết điều đó có ích cho con ra sao. Nhưng mẹ biết điều đó có ích với mẹ thế nào. Mẹ thấy buổi chiều hôm qua có ý nghĩa hẳn khi mẹ được đi 1 vòng quanh công viên và tập gần hết bài Aerobic cùng mọi người. 

Hôm nay thứ Bảy, mẹ con ta xuống khu tượng đài Lý thái Tổ. Đường xá vắng hơn hôm qua. Con đòi mua trò chơi thổi bong bóng. Mẹ chiều theo con vì con chẳng có gì để chơi ngoài trò đó. Điều đáng ngạc nhiên là một số bà mẹ không thích ... những quả bong bóng ấy chạm vào người con của họ (?!) Họ nhăn nhó khi các con chơi. Cố gắng che đậy và kéo con họ ra xa các con. Thậm chí, có người còn nói thẳng với mẹ "chị cho cháu ra đằng kia chơi đi, đừng để cháu thổi vào người mấy đứa trẻ ngứa ngáy hết cả người". Mẹ cun cút dắt con đi ra giữa sân nắng chẳng có chỗ ngồi. Con vô tư. Mẹ thì không. Mẹ tủi thân. Mẹ chẳng nói được câu gì. Mấy mẹ ấy ghê gớm quá, mẹ rất sợ những ai ghê gớm nanh nọc. Nhưng mẹ cũng quên mau khi thấy con cười thật tươi, chu môi thổi bóng và có biết bao nhiêu bạn chơi trò chơi đó cùng con. Thậm chí cô chú người nước ngoài cũng cho em bé chơi trò ấy cơ mà. Dần dần mẹ tự tin hơn, mẹ quên đi nỗi khó chịu lúc ban đầu, mẹ thổi bóng cho các con đuổi bắt. Những gương mặt cau có khó chịu của các mẹ kia biến mất ... khi tiếng cười của con cất lên. 

Rồi con đòi ăn kem. Xuống bờ Hồ mà không ăn kem thì cũng hơi phí thật. thế là hai mẹ con dắt nhau vào Ciao. nhưng nào đã hết trò để chơi. góc Tràng Tiền đang có triển lãm tranh 3D rất thú vị. Hai mẹ con tranh nhau lăn lộn trên sàn, lăng xăng góc này góc kia để tạo dáng chụp ảnh. Lại xả được thêm một chút xì trét. Thật vui. Lần đầu tiên mẹ tiếp xúc với tranh 3D và thỏa sức tưởng tượng đấy. Chỉ có điều, giá vé hơi đắt, í ẹ. Giá như các họa sỹ được vẽ tranh 3D trên phố, bằng phấn màu thôi cũng được, để mọi người được sử dụng tối đa khả năng tưởng tượng của mình, chắc chắn sẽ rất có ích, đặc biệt với trẻ nhỏ. 

Đi chơi với con vui ghê. Con gái là một người bạn thực thụ rồi. Hãy xem con chụp bức ảnh này cho mẹ có ngầu không 


đây mới là bức ảnh mà con gái "tâm đắc" nhất



Một ngày sắp trôi qua. Con sẽ nhớ gì? Bong bóng. Tranh 3D. Các bạn Việt nam, nước ngoài. Không khí. Lá sấu vàng, hoa sấu chua. Hay là con nhớ về mẹ ...
Mẹ không cần con nhớ mẹ. Thực sự là vậy. Con là con và mẹ là mẹ. Mẹ không thể cảm nhận thay cho con và con cũng vậy. Con càng "nét" lên trong mắt mọi người, hình thành tính cách riêng cho con,  hình ảnh mẹ càng mờ đi nhòe đi rồi mất hẳn... 
Mẹ chỉ muốn đi bên con trên cùng một con đường. Mẹ chỉ muốn cùng con chứng kiến các sự kiện. Mẹ chỉ ước sao mỗi khi trong con có một câu hỏi, thì người đầu tiên con chia sẻ là mẹ. Mẹ không thể giải đáp mọi câu hỏi của con, nhưng chắc chắn, mẹ sẽ là người nỗ lực nhất tìm kiếm câu trả lời.  Mẹ đã giải thích cho con một lần và tin con đã hiểu... "mẹ không xinh đẹp nhất, mẹ không phải là người tốt đẹp như cô tiên trong truyện, mẹ hay đánh mắng An. Nhưng An vẫn yêu mẹ phải không nào. Bé An cũng vậy, dù bé An có hơi kém xinh một tí, hơi nghịch một tí và dạo này không nghe lời mẹ đâu nha ... mẹ vẫn yêu bé An nhất".

Ngày mai, mẹ con mình tiếp tục lên đường, tham gia hội chợ Handmade ở Hanoi Rock City. Mỗi nơi chúng ta đến có một màu sắc, âm thanh, tiếng động, mùi vị, sắc thái rất riêng. Hy vọng điều đó sẽ giúp con định hình được niềm yêu thích của mình trong tương lai. 
Ready? 
Let's go 



ru lòng hãy ngủ đi


Em không khép cửa lòng mình. Bởi điều ấy vô nghĩa thôi. Cánh cửa ấy lập là, mở ra hai hướng, rất linh hoạt. Nhưng không dễ thế đâu! Đừng đùa. Dù gì, đó vẫn là một cái cửa. Cẩn thận kẻo kẹp tay!

Em vẫn cảm nhận được và không chối từ, mùi hương hoa hồng, hoa loa kèn, mùi nước hoa Poppy Flower của Coach thật đáng yêu. Em vẫn thèm ăn bánh ngọt, uống cà phê sữa nóng, trà gừng hoa cúc mật ong và ... bim bim. Em vẫn sưu tầm những bộ trang phục theo phong cách sport ưa thích. Em vẫn nghe những ca khúc mới mặc dù phải chun mũi nhăn mặt. Em vẫn nghe Quick and Snow show rồi sụt sịt cảm động. Em vẫn né đọc Trang Hạ và Dili, Vili ... vì cái chất "đàn bà" quá đậm đặc trong văn của họ. Em vẫn yêu cái anh chàng Pie béo bự trong Chiến tranh và Hòa Bình. Em vẫn nhảy dây đi bộ lúc hăng hái hoặc nằm dài cả 3 ngày nghỉ không hề biết chán...

Em đột nhiên thấy em vẫn được là em. Vui
Em chẳng thấy lạ lẫm gì khi biết em không thuộc về nơi ấy. Gia đình
Em thản nhiên khi không có. Anh
Em cần. Tự do
Em yêu. Bản thân
Hãy cứ lên án. Em
Hãy cứ nói xấu. Mọi thứ thuộc về em

Đôi khi hãy ru lòng ngủ đi. Cho khỏe. Cho ấm. Cho những giấc mơ hồi sinh. Nếu con người không có những giấc ngủ bình yên, không còn ước mơ, thì đời sẽ lao đao lắm đây. Giấc mơ của em đôi khi là được chết. Vẫn đẹp và hoàn hảo, chẳng có sao. 

Em đang rất thản nhiên. Em trống rỗng. Nhẹ nhõm. Cảm thấy một cơn gió nhẹ thôi, cũng khiến em bay lên. Em chẳng còn gì để nói. Chẳng còn ai để nói với, để nói tới. Không xây gì. Không phá bỏ điều gì. Một mặt phẳng trải dài trước mắt em. Bình nguyên. Một bình nguyên đang buổi bình minh. Rồi mưa xuống. 

Ru lòng hãy ngủ đi! 
Xin anh đừng thức tỉnh em. Hãy để em ra đi. Em đi vào giấc mơ. Đừng lo. Nơi ấy chỉ toàn những giấc mơ tuyệt đẹp. Hãy để em ra đi. 
 



Lại ước những điều vô nghĩa, vớ vẩn, lặt vặt, linh tinh..




Ước sáng nay không phải đi làm. Ước không phải đi làm sáng thứ bảy nữa.
Mình sẽ đi chợ. Đôi khi ra chợ chỉ để nhìn ngắm những người phụ nữ bán – mua – lựa lựa chọn chọn – mặc cả – đôi khi tranh nhau một con cá hay mớ rau (vì nghĩ nó tươi hơn, thế thôi).
Ước chiều nay được ngồi yên ả một chỗ, không có ai làm phiền. Chẳng làm gì cả, chỉ ngồi đờ ra nhìn vào khoảng trống trước mặt. Đến lúc nào chán thì đứng dậy. Con gái gọi những lúc ấy là “mẹ bị đơ”, hi hi. Thèm “bị đơ” thế điên lên được.
Ước có người rủ hoặc có người để mình rủ, đi xem phim The Croods. 2D thôi, mắt cận không xem 3D được.
Ước được đến lớp Zumba uốn éo 2 tiếng đồng hồ để kiếm chút mồ hôi. Lớp không đông và nhạc thì tuyệt vời.
Ước dịp nghỉ lễ sắp tới được đi chơi ở một khu du lịch sinh thái ven Hà nội, đạp xe lòng vòng, hát toáng lên chẳng bị ai lườm nguýt.
Ước gì không bị mất ngủ nữa
Ước rinh ngay một em xe đạp về, không phải đợi tới tháng sau.
Ước “người bạn trong tưởng tượng” không bao giờ rời xa. Mỗi khi mình khóc, mình vẫn hay nhìn vào bức tường trước mặt và tưởng ra bạn đang ở đó. Một người bạn rất chịu khó lắng nghe mình than vãn, khóc lóc ỉ ôi. Bạn là một niềm an ủi lớn.
Ước một lần đến trước cửa nhà người ấy, để biết rằng người ấy đang hạnh phúc. Đã quá muộn để làm một điều gì nhiều hơn thế. Nhưng tôi cứ đến. Dù chẳng có gì đợi tôi ở đó.
Ước có một người bạn thân
Ước có một em bé nữa (hix). Vĩnh viễn chỉ là một “điều ước”, không hơn không kém, nhưng cứ ước, kệ.
Ước biết nhảy tango
Ước biết bơi
Ước răng không lung lay nữa và da tay không bong tróc nữa (ui,nghe ghê quá)
Ước về già không mập ú
Ước được vác con gái ra ở riêng dù chỉ là một căn hộ bé tí xíu thôi. Hay là rủ mẹ con Ốc Mít thuê chung 1 cái nhà,  rau cháo đỡ đần nhau. Tha hồ nói xấu Sếp và đàn ông. Tha hồ diện đồ. Tha hồ ăn (hoặc không ăn gì, hì). Tha hồ buồn. Tha hồ vui ...
Ước nhảy việc 
Ước không phải nhảy việc
Ước lập được nhóm mẹ đơn thân Hà nội
Ước bây giờ được nằm xuống ngủ. Buồn ngủ díp cả mắt...rồi lại mơ tiếp


Buổi sáng thứ Bảy uể oải

cuối tuần buồn

mấy hôm bận rộn với công việc, chẳng hỏi thăm nhau. Đến khi hỏi ra thì em đã gút lại "em sẽ thuê nhà ra ở riêng với con bé". Mình nói thế nào cũng không được. Hay mình đã bị mài mỏng tang ra như một cánh chuồn chuồn sau mọi chuyện vừa rồi, nên điều mình nói cũng mỏng nhẹ như là gió thoảng. 
Ốc Mít vừa tròn 1 tuổi cách đây chưa lâu mà ...
Nhà em cũng giống nhà mình, hai chị em gái, mẹ gia trưởng áp đặt. 
Công việc thì ngập đầu, cả tuần em không ra khỏi cơ quan trước 6h. Lại thấy bảo đang chuẩn bị bảo vệ luận văn. Trong những câu chuyện hai chị em trao đổi với nhau, chẳng bao giờ có hình bóng đức ông chồng. 

Mình lấy chính chuyện mình ra làm gương, biết đâu can ngăn em lại được. Nhưng nghe giọng em cương quyết lắm.

Rồi ra, hai mẹ con em ra riêng ...
Ở đâu? Với ai? Sẽ có xung đột mạnh mẽ từ hai bên gia đình chăng? Với mức lương như bây giờ, em sẽ nuôi con gái thế nào đây? Con bé còn quá nhỏ để đem gửi trẻ. Thuê người giúp việc thì không an tâm. Nếu đem về gửi ông bà ngoại, được bao lâu và mọi người có thông cảm cho quyết định của em không? 

Vài dòng tin ngắn ngủn của em khiến mình buồn ngất ngư. Buồn phận mình và buồn cho chuyện của em. Em còn quá trẻ. Con gái em còn quá bé. Đây không còn là chuyện có yêu thương nhau được hay không. Mà là chuyện phải vực dậy sau chuyện này thế nào.  

Sáng nay, chị khách hàng quen cũng nán lại tâm sự ít câu về chuyện của chị. Chẳng nhờ vả chồng được gì, sống cùng gia đình chồng thì vẫn phải gom góp xây dựng, nhưng bỏ đi là hai bàn tay trắng. Viết đơn vài lần rồi lại cất đi khi nhìn con (cũng con gái). Giờ chị bảo "trông chị có ra hồn người nữa đâu em. Tóc tai không thèm chải chuốt. Quần áo chẳng còn phẳng phiu. Dồn hết cho con, đi làm rồi về nhà ốp con học là hết ngày không dám bỏ bê vì con bé đang tuổi dậy thì. Mệt mỏi lắm em ạ. Cũng nên giải phóng cho mình thôi em nhỉ". Chị nói thế thôi, mình biết chị chưa làm được.

Cùng chung một cảm giác với mình và em, và nhiều bạn gái  nữa, đó là sự mệt mỏi. Thời gian "chịu đựng" nhau càng dài, thì sự mệt mỏi càng lớn. Hay là mình và em, và những bạn gái kia, là một phần nhỏ nhoi yếu ớt kém cỏi xấu xa nên bất hạnh, so với phần đông phụ nữ trong xã hội này đang được hưởng hạnh phúc, ấm no. 

Nhiều lúc mình nghĩ, đừng để đến lúc người ta chết rồi mới bày tỏ tấm lòng. Oán hờn thì thôi, lúc sống hay lúc chết cũng đều nên vứt bỏ đi, sớm chừng nào hay chừng ấy. Còn sự yêu thương thì hãy bày tỏ khi còn có nơi để nhận. Chết là hết. Hãy cho mọi thứ được bay đi nhẹ nhàng, đừng níu kéo, gọi về. 

Quay trở lại chuyện của em, mình chỉ định rủ em đi ăn rồi vào quán trà nào đó ấm cúng hàn huyên. Mình chỉ định im lặng nghe em nói. Em nói hết bức xúc trong tâm tư bao lâu nay, biết đâu đấy em nghĩ lại, thấy mọi chuyện chưa phải là đã chấm hết. Nhiều người quan niệm rằng: ly thân là để có cơ hội quay lại với nhau. Với mình, điều đó hoàn toàn sai lầm. Ly thân là không sống chung một mái nhà, không ăn cùng bữa cơm ấm cúng, không ân ái, không còn chia sẻ những ngày ngắn đêm dài cũng như những chuyện lớn lao hơn, xao lãng chăm lo cho con cái ... vậy là họ đang muốn làm đòn quyết định giết hẳn cuộc hôn nhân đang thoi thóp chứ đâu phải đang cứu nó. Muốn cứu, trong một thời gian nhất định, cả hai phía phải nỗ lực hết sức, tập trung mọi tâm trí và tình cảm để xây để vun để tìm lại cảm xúc đã mất. Có thể gọi là thời gian chăm sóc tích cực đó chứ. Cố mà chưa chắc đã được. Chứ đừng nói tới ly thân mà lại được.

Tiếc cho em và cũng tiếc cho mình. Vì mình đã nhìn ra điều này từ khi em tâm sự về tình cảm dành cho chồng em bây giờ và mình đã dũng cảm đánh đổi tình bạn với em để đưa ra lời can gián em đừng  đám cưới. Có một phần vì những thông tin em tâm sự, có một phần linh cảm đặc biệt. Nhưng bây giờ, sự thôi thúc trong mình lại là "hãy cố giữ lấy gia đình nhỏ này cho em". Biết làm sao bây giờ đây? Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương và lo lắng cho mẹ con em. Trước can ngăn và giờ thì thuyết phục. 

Thời gian này, mình chẳng còn chút sức lực nào. Mọi thứ tan tành cả. Vỡ vụn hết. Những mảnh vụn hạnh phúc mà mình đã gom lại trong hành trang bớt lấp lánh đi nhiều lắm. Mình muốn tung hê hết đi, vì thấy chúng không còn cứu rỗi linh hồn mình được nữa. Mọi người an ủi, hãy cố gắng lên rồi H sẽ lại vui tươi nhiệt tình trẻ trung như dạo xưa ... Tiếc là giờ đây, mình không muốn "vịn" vào những điều đó để mà đứng dậy đi tiếp. Trống rỗng. Mọi thứ đã tan tành cả rồi. Mọi thứ đều đang rất tệ. 

Mình sống lay lắt dựa vào những mảnh vụn hạnh phúc gom góp từ cuộc sống. Đã lâu lắm rồi, mình không nhặt nhạnh được chút gì như vậy nữa. Mình như kẻ chết dở cần ôxy mà người ta đã rút ống thở ra mất rồi. 

Có đôi khi câu chuyện kết thúc buồn chỉ vì ... quá muộn rồi. 








tiếp tục chủ đề đơn thân

Tòa hẹn vài ngày nữa đến nhận quyết định ly hôn. Chỉ biết ôm con gái vào lòng, hôn lên tóc con lâu hơn mọi khi. Nhưng tuyệt đối không được khóc. Thậm chí không được thở dài. Bởi lẽ, con gái sẽ thắc mắc. Bởi lẽ, con rất nhạy cảm. Có lẽ con chẳng hỏi đâu. Từ lâu rồi, con gái đã nhìn vẻ mặt của mẹ, đoán tâm trạng, để khôn khéo né tránh lúc mẹ cáu giận, để sà vào lòng mẹ hỏi han lúc mẹ ỉu xìu, thậm chí khóc toáng lên chẳng vì lý do gì để gây sự chú ý. 

Đôi khi thấy thời gian hình như đông cứng. Mọi thứ trong người mình cũng đông cứng lại. Máu không chảy. Mắt mù lòa. Chân tay liệt cả rồi. Và không nghĩ là sẽ đi tiếp nữa. Có "đôi khi" là vậy. 

Nhưng. Cuộc sống không thuộc về mình nữa mà thuộc về con gái mình rồi. Thời gian đang trôi nhanh và mạnh mẽ là đằng khác. Con gái cao lên mỗi tuần, mới mẻ lên mỗi ngày. Con gái đang kéo mình đi về phía trước. Một bà mẹ chậm chạp và cũ kỹ. Đến một ngày nào đó, hình ảnh ấy mới thật buồn cười làm sao. 

Mình đã nói về cha/mẹ đơn thân ở bài viết trước rồi ...
Giờ thì dò dẫm tìm lối đi... trong ngõ hẹp đơn lẻ dành cho mình. Hy vọng ở cuối con ngõ ấy là một khu vườn xanh um cây lá, thanh bình, yên tĩnh, thảnh thơi ... 
có thể bây giờ xung quanh là những tràng cười. Những kẻ sẵn sàng lừa phỉnh. Những gã đàn ông chai sạn tà lưa một cách sống sượng ... khiến cảm xúc trở lại con số O tròn trĩnh. Hình như của đứa trẻ mới chào đời, loắng ngoắng, khóc lóc ầm ĩ, sợ hãi và đau đớn....

Bất cứ khi làm một việc gì, mình cũng tự đặt ra deadline. Nhưng buồn chán thì biết khi nào chấm dứt đây. Cứ lẽo đẽo chạy theo. U ơ ngã chỏng chơ như bị lôi đi xềnh xệch khi không hề muốn. Quệt ngang quệt dọc nước mắt mũi dãi, trở nên già nua quạu cọ xấu xí đến phát sợ. Đến cơ quan thì công việc và Sếp thúc ép mình. Về nhà thì con gái và Mẹ thức tỉnh mình. Thực ra ... còn có blog và nhật ký thân yêu nữa. Đó là thế kiềng ba chân vững chãi đang giúp mình tựa vào cho khỏi ngã. 

 . . .




Rồi đến một ngày nào đó, mình sẽ tự tin viết vào nhật ký và đặt tít "Me and my daughter fine without you". Chủ đề đơn thân sẽ còn dài trong thời gian này, nhưng dài hơn ở đây, có nghĩa là  nó đã ngắn lại trong thực tế. Không quá bi quan khi nói rằng, mọi chuyện không hề dễ dàng. 

Nhớ lại cách đây vài năm, khi mình lập nhóm thiện nguyện trên một trang mạng xã hội, chuyên đến với đối tượng là trẻ em. Có một nick tự giới thiệu là nữ giới, 8X, có công việc ổn định, đặt vấn đề nhờ mình tìm và hỏi giúp việc xin con nuôi từ những Trung tâm bảo trợ xã hội mà mình tới thăm. Mình nhớ là đã dội nhiều nước lạnh vào sự háo hức hy vọng mong chờ của cô ấy. Bằng nhiều câu hỏi. 
- bố mẹ anh chị em ruột của bạn có biết dự định này của bạn không? nếu bạn đã chia sẻ thì ý kiến của họ thế nào?
- vì sao bạn lại muốn xin con nuôi thay vì lập gia đình và sinh con?
- bạn đã tìm hiểu về thủ tục xin con nuôi của Việt Nam chưa? bạn tự đánh giá có đủ điều kiện không?
- bạn đang thất vọng nhiều trong chuyện tình cảm. vậy bạn có nghĩ rằng, giả dụ bạn xin được trẻ về nuôi rồi, bạn sẽ tính thế nào nếu sau này bạn thay đổi ý định, lại muốn lập gia đình và có con riêng ?
...
đương nhiên,  phần lớn các câu hỏi chỉ nhận được sự phản hồi yếu ớt và mờ mịt. Với mình, điều đó là không thể chấp nhận. Dù rằng mong ước của bạn ấy rất nhân văn, đầy thành ý tốt đẹp, nhưng bạn ấy chưa sẵn sàng. Trong thực tế, cha/mẹ đơn thân đối mặt với nhiều vấn đề hơn thế rất nhiều. 

Nếu bạn giàu có, bạn có thể thuê người phụ giúp, bạn có thể chẳng cần đi làm để ở nhà chăm con. Nhưng, khi con ốm, bạn là người phải trực tiếp bế ẵm, thức suốt đêm theo dõi nhiệt độ, rồi chính bạn phải bế con vào Viện khi khẩn cấp chứ chẳng phải người giúp việc nào hết. Bạn giàu có, điều đó tốt thôi. Nhưng bạn càng đặc biệt bao nhiêu, bạn càng muốn con mình được cuộc sống bình thường như bao trẻ khác bấy nhiêu, có nghĩa bạn cũng sẽ đối mặt với câu hỏi về người cha của con mình như bao bà mẹ đơn thân khác ... Và còn nhiều những vấn đề khác nữa mà cuộc sống công nghiệp này đặt ra cho hai người, bạn và con bạn. 

Không biết bây giờ người con gái ấy đang sống ra sao. Đã tìm được hạnh phúc hay chưa. Đã biết cảm giác làm mẹ chưa. Có khi nào nhớ tới những trao đổi ngày xưa về việc xin con nuôi với một nick có tên như thế như thế. Mình hy vọng cô ấy hạnh phúc. Và không phải là một single mom. 





Đơn thân



Đọc trên báo điện tử Dân Trí
Rằng: 

1. Con của những ông bố/ bà mẹ đơn thân không cần phải chơi thể thao mới học được tinh thần đồng đội. Vì trong nhà chỉ có một người lớn, đứa trẻ buộc phải học cách giúp bố/mẹ để cuộc sống gia đình vận hành trơn tru hơn, nó học được cách chung vai gánh vác trong mọi việc.
2. Chúng ta trân trọng những bà mẹ đơn thân khi đưa con đi chơi nơi công cộng phải dắt con vào nhà vệ sinh nữ vì không muốn đứa trẻ phải một mình trong nhà vệ sinh nam. Những ông bố đơn thân cũng xử sự tương tự với cô con gái nhỏ của mình. 
3. Chúng ta yêu mến những ông bố đơn thân ngồi sơn móng chân hay buộc tóc cho con gái. Họ tận hưởng mọi trải nghiệm kết nối yêu thương mang mình đến gần hơn với cô con gái nhỏ.
4. Những bà mẹ đơn thân giỏi hơn các bà mẹ bình thường khác ở chỗ có thể chơi bóng với con trai, luyện cho nó các kỹ năng vận động.
5. Những ông bố bà mẹ đơn thân không tốn mồ hôi vào những chuyện cỏn con. Họ biết khi nào cần và nên chiến đấu, khi nào phải đưa ra những quy tắc cứng rắn, và khi nào có thể gật đầu cho qua.
6. Bạn đã nghe những bà mẹ đơn thân dạy con trai phải biết đối xử trân trọng với phụ nữ. Và bạn cũng nghe những ông bố/bà mẹ dạy con gái nên biết đòi hỏi được trân trọng.
7. Có những bà mẹ đơn thân đã cho con mình thấy rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được những công việc như thay bóng đèn, sửa đường ống nước, đóng đồ gỗ... thậm chí còn làm được ở mức độ hoàn hảo!
8. Có những ông bố đơn thân đã cho con cái của mình thấy rằng nấu ăn, dọn nhà, giặt quần áo hoàn toàn không phải “việc đàn bà”.
9. Cha mẹ đơn thân là những người đáng trọng bởi họ dạy cho con cái biết trở nên tháo vát, có thể tự xoay xở giải quyết vấn đề của riêng mình, bởi trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có người khác ở bên để nâng đỡ, giải quyết cho mọi việc.
10. Cha mẹ đơn thân không bao giờ quá mệt/quá bận để đọc truyện trước giờ đi ngủ cho con, giúp con hoàn thành dự án khoa học ở lớp hay lắng nghe con trút bầu tâm sự - cho dù họ có thực sự mệt mỏi hay bận rộn đi chăng nữa.
11. Cha mẹ đơn thân sẵn sàng làm thêm giờ hay nhận việc làm bán thời gian để có thêm kinh phí cho con tham gia lớp năng khiếu âm nhạc, đi trại hè hay đi tham quan cùng thầy cô và các bạn.
12. Cha mẹ đơn thân dạy cho con của họ biết rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn, phẩm chất đạo đức luôn quan trọng hơn vẻ bề ngoài - cho dù đó là một bài học khó.
13. Trân trọng những ông bố bà mẹ đơn thân sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con nếu cần, chúng ta cũng cảm kích những ông bố/bà mẹ biết dạy con từ những tấm gương, cho con thấy rằng ai cũng nên có ước mơ để theo đuổi và gắng hết sức đạt được những mục tiêu trong đời.
14. Cha mẹ đơn thân là những người đủ tỉnh táo để dạy con họ rằng, bí mật của cuộc sống hạnh phúc nằm ở chỗ biết duy trì sự cân bằng giữa gia đình, sự nghiệp, tình bạn và những thú vui khác.
15. Sau cùng, cha mẹ đơn thân đáng được ngưỡng mộ bởi họ là những người có khả năng khiến con thấy mình đặc biệt, được yêu thương sâu sắc cho dù bé còn có anh/chị/em và vẫn luôn phải đấu tranh để giành sự chú ý của bố/mẹ về phía mình.

Đọc lên nghe to tát quá đi mất
Thực ra thì ...
Đơn thân chỉ mong muốn được yên thân thôi. Không cần phải tung hô vì ai cũng lắm lỗi lầm, đủ cả. Tung hô thế, không thiếu người sẽ mỉa mai "phải thế nào mới không có hạnh phúc chứ". Ừ thế nên chỉ muốn yên thân ... đơn thân. Cuộc sống thì lắm việc phải làm. Giữa xã hội còn lắm chuyện trớ trêu vì xung đột "thời xưa" và "thời nay". Rồi giai đoạn "mờ chồng" này sẽ đi qua. Khoảng 10 năm nữa thôi, tụi trẻ con bây giờ sẽ dễ thở hơn thời của bố mẹ chúng. 
Bọn cửa quyền lộng hành gian manh, biến. Bọn khôn lỏi bò lổm ngổm đi bằng đầu gối tay rải tiền, biến. Đó là nói cao cao xa xa. Còn trong nhà ngoài xóm, đỡ những nức nở than thở của các nàng dâu vì mẹ chồng/bố chồng hành hạ, "trọng nam khinh nữ", coi trọng việc có cháu trai hơn cháu gái và can thiệp trắng trợn vô duyên thô tục vào sự tự chủ riêng tư của con cái ... Bớt cảnh đàn ông thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con, rượu chè cờ bạc tật xấu đầy mình vẫn vênh váo giữa đời không biết ngượng ... 
Nói chung, chẳng ai muốn lâm vào cảnh đơn thân. Có người nói rằng, khái niệm "mẹ đơn thân" bây giờ cũng phải hiểu rộng ra, rằng đó là 1 người tuy có gia đình đàng hoàng nhưng mọi việc phải gánh vác hết, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của chồng. Cảnh đó còn khổ hơn. Rồi mọi người lại có cớ để tranh cãi nhau, một bên là "thà không có còn hơn" còn bên kia thì cứ khăng khăng "thà có còn hơn không". Nghĩ cứ buồn cười. 
Thà gì thì thà, làm gì thì làm, cứ hỏi lòng có vui có thoải mái không? Cứ không là nhọc lòng rồi. 
Làm gì thì làm, thà gì thì thà, cứ hỏi lòng có giận hờn, thù oán gì không? Cứ có là khổ tâm rồi.
Họ không nói tới những nỗi vất vả chìm lấp đơn điệu cảm xúc tù túng đè nén của cha/mẹ đơn thân. Ngoài ánh nhìn không thiện cảm của thiên hạ. Họ còn phải đối mặt với chính mình, mỗi khi phải tự trả lời câu hỏi của con về bố/mẹ của chúng. Tôi tin, đó là vấn đề khó khăn nhất đối với bất kỳ cha/mẹ đơn thân nào. 
Tôi không hoàn hảo. Tôi đơn thân. Nếu người ta hận tôi vì đã đâm 1 nhát dao chí mạng vào trái tim của họ, thì tôi hoàn toàn có thể hận họ vì đã "tỉa" từng đường dao lam ngọt sắc vào trái tim tôi. Nhưng tôi không làm điều đó. Buông bỏ và vị tha. Cho ai? cho người và cũng là cho mình. Ôm mãi một nỗi đau, giờ chẳng ai san sẻ, có nặng không. Nặng lắm. Giữ mãi một nỗi buồn, giờ chẳng ai quan tâm, có đáng không. Không đáng. Mọi thứ vô nghĩa cả rồi, tan tành như mây như khói cả rồi, thì còn chạy theo níu giữ làm chi, mệt mỏi mãi ngửa tay ra vẫn trống trơn.
Ừ, đơn thì đơn. Tôi chẳng hèn nhát và không hề thấy khó nói với con về lỗi lầm của mình. Chỉ là con còn quá bé. Chỉ là người ta quá nôn nóng xem tôi có dám nói với con những điều đó không. Họ nôn nóng muốn con biết rằng mẹ nó/bố nó chẳng ra gì, nên mới "bị" thế. Tại sao lại không nói với con chứ? Người ta cẩn thận hơn, trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã. Nếu không vấp có khi không cảnh giác. Không vấp có khi chẳng bao giờ băn khoăn gì hết. Thế là đảm bảo an toàn ư. Tôi nôn nóng chỉ cho con biết và hiểu rằng, mọi người quanh con, mọi thứ xung quanh con đều không hoàn hảo. Chỉ có sự hoàn hảo trong 1 thời điểm nhất định nào đó, mà còn tùy vào sự nhìn nhận của mỗi người. Sẽ chẳng ai huyễn hoặc được con, trừ phi chính con muốn thế. Sẽ chẳng bao giờ con đòi hỏi quá đáng ở người khác, và dễ dàng chấp nhận sự không hoàn hảo của mình, chẳng bao giờ trói mình trong những khuôn mẫu và ảo vọng. 
Đọc bài viết trên báo mạng, bản thân tôi thấy mình chỉ làm được một nửa những điều đó. Nửa còn lại, cuộc sống đặt ra bài toán rồi cuộc sống cũng giải đáp hộ cha/mẹ đơn thân rồi. Nương theo mà sống thôi. Tương lai các con ra sao, là một ẩn số vô cùng lớn với cha/mẹ đơn thân. Họ bị áp lực gấp chục lần (không thể gấp đôi được) các gia đình đủ cha mẹ, rằng con cái phải hoàn thiện. Con cái như là phép thử cha/mẹ đơn thân vậy. Họ phải phấn đấu, cố gắng, nỗ lực và phải hoàn hảo, để con hoàn thiện. 
Vì thế mà họ chỉ muốn yên thân. 
Như bây giờ chẳng hạn, con gái gần 5 tuổi dài ngoằng đang mè nheo "mẹ ơi, con buồn ngủ lắm rồi, mẹ phải bế con mẹ phải ru con thì con mới ngủ được". Bản thân mẹ còn chưa xuôi cơm, mới bật máy lên định copy paste bài viết lên blog, đống đồ chơi chưa dọn, và (trong thâm tâm) ước ao "giá như ru con ngủ xong, có ai đó đấm cho mình vài cái vào lưng". Lúc nào trong thâm tâm của cha/mẹ đơn thân cũng lắm ước ao hơn những cha mẹ bình thường khác.