voice up


Mấy năm trở lại đây, đi đâu mọi người cũng nhắc tới "the Voice". Nói chung, đây được đánh giá là cuộc thi thú vị và thu hút khá đông người xem. Phải chăng vì thế mà có chương trình Voice Up của cơ quan mình. Tạm dịch là "Hãy cất lên tiếng nói của bạn !"

Câu chuyện bắt đầu từ đầu tuần này, khi mình nhận được những lời thở than của đồng nghiệp gần-xa (đương nhiên phải rất thân), rằng Sếp của em đang nằm trong tầm ngắm, rằng em không được tăng lương đợt này, rằng em bị thi trượt một đợt thi e-learning, rằng em không biết số phận sẽ ra sao ... Mà mình thì bận quá chừng trong suốt 3 tuần nay vì hồ sơ "khoai". Không phải "khoai lang" mà là "khoai sọ", "khoai ngứa". Rồi quy trình mới dồn dập ban hành, mà lại áp dụng luôn kể từ ngày ban hành mới khổ chứ. Rồi vì những mối quan hệ mới, cuộc sống xáo trộn tùm lum cả lên ...

Đến thứ Sáu này mọi thứ mới tạm lắng dịu. Tìm hiểu được chút ít về "Voice Up", một chương trình được khá nhiều đồng nghiệp của mình quan tâm. Vì đánh vào tâm lý của mọi người, rằng mình biết kêu ai đây, biết kêu như thế nào, mình muốn biết có ai nghe mình không, chứ cứ kêu ca hoài với nhau có giải quyết được gì chứ ...

Tuy nhiên, mình bức xúc ngay khi đọc bức thư truyền tải thông điệp của chương trình. Có cái đoạn không nhớ chính xác từng chữ, nhưng đại khái là: 10 người nói thì không gây sự chú ý, 100 người nói có thể chưa được quan tâm .... 10.000 người nói thì sẽ thay đổi ... 

Một kẻ "ngã ngựa" khiến cho ACB điêu đứng. Đồng ý, không phải là 1 kẻ vô danh tiểu tốt ngã ngựa, mà hẳn một tên khổng lồ ngã ngựa cơ mà. Bảo đó là một kẻ lấy Ngân hàng ra làm sân sau cho một loạt các hoạt động mafia, như nhiều người bàn ra tán vào, cũng chẳng lấy làm lạ. Nhưng cả dây đi theo tên khổng lồ ngã ngựa ấy, thì vấn đề lại là vấn đề lỗi hệ thống, lỗ hổng trong quản lý con người. Thôi khỏi nói ở đâu xa xôi, chỉ nói trong nội bộ ACB thôi. Đã có ai tự đứng ra nhìn nhận yếu kém và sai lầm về mình và xin lỗi 10.000 nhân viên đã mất toàn bộ công sức làm việc vài năm trở lại đây, chỉ sau một đêm. 

Đó, 1 kẻ "ngã ngựa" khiến cho ACB lay chuyển từ gốc. Vậy mà phải cần tới 10.000 con người, hàng ngày hàng giờ "làm thật ăn thật", lên tiếng, mới khiến cho người ta ngoái nhìn sao ? Sao không nghĩ ngay khi 10 con người lên tiếng ? Có phải là chủ quan quá không? 

Đương nhiên, vì phép lịch sự, mình vẫn sẽ lên tiếng. Nhưng, mình nghĩ, nếu được, thì hãy lay chuyển ACB bằng cách 10.000 con người cùng im lặng. Một sự im lặng tuyệt đối. Xem như thế nào. 

Mình thì đang viết quan điểm của mình trong nhật ký. Nhiều người lên facebook "bán than". Và rất nhiều người khác, không viết nhật ký, không chơi facebook, thì trầm ngâm bên ly trà mạn mỗi sáng chiều. Nhiều lãnh đạo thừa biết nhân viên mình nói gì, oán thán gì. Mình nghĩ một cú click chuột Like cho một comment nào đó trên facebook, chỉ như một cái nhìn ái ngại cảm thông từ xa thôi. Thật mỉa mai làm sao. Và bao lâu nay rồi, mọi người đã quen với kiểu "voice up" như thế. 

Mình biết, chương trình này sẽ được nhiều bạn trẻ tham gia với tâm trạng háo hức hừng hực đầy hoài bão và ước ao, nhiều bức xúc muốn được dãi bày và xoa dịu. Cũng y như mình khi mới bước chân vào đây. Đã có nhiều hoài bão bị dập tắt. Đã có nhiều lời nói thẳng bị biên tập cho cong và còng. Đã có những nỗ lực đổi bằng nước mắt. Đã có những giọt mồ hôi đổ xuống để nâng tầm người khác...

Vậy mà những người cũ như chúng tôi, vẫn đang "làm thật", vẫn đang ngồi lại. Vì chúng tôi hiểu giá trị của mình khi bỏ đi là mất, mất đứt ? Phải chăng chúng tôi chờ đợi hão huyền một ngày nào đó được cất lên tiếng nói ? Phải chăng vì chúng tôi tiếc rẻ những thứ đã bỏ lại phía sau ? 

Mình nghĩ, nên "voice up" bằng cách im lặng. Đâu phải cứ cất lời lên nói mới là nói. Im lặng cũng là cách trình bày quan điểm vậy mà. 

Khi biết mình trượt chân, bắt đầu rơi, người ta còn tìm mọi cách thoát khỏi hố sâu, người ta còn hét lên kêu cứu. Chứ khi đã chạm đáy rồi, thì hỏi phỏng ai còn lên tiếng nữa. Còn ai sống sót hoặc còn sức để mà kêu cứu nữa. Chúng tôi cũng vậy, ngồi phệt thở dốc, với những áp lực hàng ngày. Dọa dẫm đó. Rồi lại "voice up" đi. Đùa chắc?!

Riêng cá nhân mình thì nghĩ, có lẽ đây là một trong nhiều thủ thuật của ngành Nhân sự. Hoặc giả, đây là ân huệ cuối cùng, trước khi thắt chặt dây thòng lọng vào cổ người ta, đuổi ra ngoài đường, thì cho người ta nói cho thỏa cho đã đời cho hả lòng hả dạ đi. Như đã hả hết cơn say,sau khi Chí phèo ăn xong bát cháo hành của Thị Nở. Như đã dốc sức đá trái banh vào lưới. Như chạy 100m... Còn gì để mất. Còn gì cho mình. Còn gì cho người. 

Khi đã bày ra hết các chiêu trò và thủ thuật. Khi đã dọa dẫm nhau. Khi đã ép uổng nhau. Giờ lại bảo nói đi. Thì biết nói gì đây. Có bao giờ, bạn thấy không ... người tử tế sẽ từ từ đứng dậy, phủi đít, thong dong bước đi. Hết các chiêu trò rồi, thì chỉ còn tấm lòng chân thành đơn thuần và cam kết cùng chung vai gánh vác đến phút chót. Nhưng mình nghĩ, chẳng có gì nhiều ở phía bên kia. Để mà đàm phán. Sự thật là cho dù mọi người có voice up, thì khả năng lớn vẫn phải ra đi. Rốt cuộc, mình thấy một tấn trò đời, rất chi buồn cười. Một công cụ đã được đem ra sử dụng không đúng lúc một chút nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét