Một ngày dài đã qua, chán nản ...


nên nghĩ phiếm, nói chuyện phiếm ...

Quay đi quay lại, thấy mình vẫn quan tâm đến Đơn thân. Thấy cái cảnh đơn thương độc mã, làm gì cũng một mình, vừa ngán ngẩm vừa thương xót vừa thấy cay đắng. Chưa có giai đoạn nào, phụ nữ lại sẵn sàng "đơn thân" như bây giờ. Do xã hội cởi mở hơn? Do thế giới mỏng dẹt và phẳng lỳ nên gia tăng sự giao thoa các nền văn hóa? Hay do xã hội đã thu hẹp lại và lấy đi các cơ hội để phụ nữ có được một mái ấm gia đình đúng nghĩa ? Hay có quá nhiều sự lựa chọn, quá văn minh và dân chủ? Hay đó là do quyền con người được đề cao ?  ... 

Tôi cho là nhiều người sẽ đồng tình với tôi: Xu hướng làm mẹ đơn thân thời nay, rốt cuộc chỉ là mong muốn được trải nghiệm của một bộ phận cá thể. Sanh đẻ, nuôi dưỡng 1 đứa trẻ, nhìn ngắm nó lớn lên - thực sự là một trong nhiều trải nghiệm mà họ muốn trải qua trong đời. Giống như họ muốn có trải nghiệm nụ hôn đầu đời năm 14 tuổi hay quan hệ tình dục lần đầu khi 20 chẳng hạn. Càng là một thanh niên nhanh nhẹn, ra đời sớm, học cao học rộng, du học này kia, suy nghĩ khoáng đạt, công việc tốt thu nhập cao bao nhiêu, thì khả năng người phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân càng lớn. 

Tôi không còn quá ngỡ ngàng khi tiếp xúc với các mẹ đơn thân. Nhiều người vẫn hay gọi phụ nữ đã ly hôn như chúng tôi là đơn thân, nhưng tôi thấy không thật sự như vậy. Phụ nữ một mình nuôi con sau ly hôn có sự chủ động nhất định, khác hoàn toàn với phụ nữ làm mẹ đơn thân chứ. (Thật thú vị, khi dừng viết và search google cụm từ "khái niệm bà mẹ đơn thân". Trong một số bài nghiên cứu, họ cho rằng, bà mẹ đơn thân là người phụ nữ không lấy chồng và người phụ nữ chủ động ly hôn. Nếu vậy thì chắc chắn tôi cũng là một bà mẹ đơn thân rồi). 

Bài viết này chỉ là một suy nghĩ vu vơ trong đầu một người phụ nữ đa đoan, không phải là một công trình nghiên cứu. Thế nên, chẳng thể có bố cục chặt chẽ như một bài nghiên cứu. Khi nhìn nhận đây là một mong muốn trải nghiệm của một nhóm người trong xã hội, thì chúng ta sẽ nhận ra họ như thế nào đây ? 
- Có học - hoặc ngược lại - ít học
- Có kinh nghiệm sống - hoặc ngược lại - ít va chạm cuộc sống
- Có đời sống phong phú về mọi mặt - hoặc ngược lại - bó hẹp phạm vi giao tiếp
- Có công việc ổn định, tốt/thú vị, kinh tế vững vàng - hoặc ngược lại 
... 
Mô tuýp thứ nhất sẽ là người phụ nữ biết rõ mình cần gì, biết rõ mình đang làm gì, lên kế hoạch rõ ràng cho việc sinh con và vui thích với trải nghiệm ấy. Mô tuýp ngược lại, hoàn toàn bị động, mà chúng ta hay gọi là lỡ dở, buộc phải trở thành mẹ đơn thân bất đắc dĩ, nhiều phần là do bị lừa phỉnh. 

Tôi có một cô bạn học cấp III thuộc mô tuýp thứ nhất. Cô ấy sống độc lập từ chục năm nay, có nhà riêng, có ôtô riêng từ khi chúng tôi còn đi làm bằng xe máy của cha mẹ, trưởng phòng trong một doanh nghiệp nhà nước, lương "đủ ăn đủ tiêu" theo cách cô ấy nói. Năm ngoái, suy nghĩ thế nào cô ấy quyết định làm mẹ đơn thân. Cu con giờ đã sang tháng thứ 8, đẹp giai, sáng láng, bụ bẫm kháu khỉnh, nết ăn nết ngủ rất ngoan. Cô ấy chủ động trong mọi việc, từ lựa chọn người đàn ông, đến thu xếp kế hoạch công việc, cuộc sống, cho ca sinh nở chỉ có một mình, may mà có mẹ đẻ phụ giúp ... Sự đồng thuận của bố mẹ anh chị em cô ấy trước quyết định này, là một điều đáng để nói tới. Dù có đủ đầy kinh tế đến thế nào, thì cũng như tất cả những phụ nữ khác, họ cũng mang thai - sinh nở - chăm sóc em bé, cũng nghén ngẩm, cũng khám định kỳ, cũng thấp thỏm khi cảm cúm, cũng đi sinh, cũng nghỉ hộ sản, cũng trầm uất sau sinh, căng thẳng khi thiếu sữa, cũng đi làm lại sau 4 tháng ... Duy chỉ có điều, người phụ nữ có gia đình thì có điểm tựa, nhận được sự giúp đỡ không nhiều thì ít của chồng và gia đình chồng (ngoài gia đình mình). Còn người phụ nữ đơn thân, phải xác định trong tình huống xấu nhất, chỉ có một mình, tuyệt đối sẽ không có ai bên cạnh. 

Tôi không hình dung ra được một người phụ nữ đơn thân thuộc mô tuýp thứ hai sẽ vật lộn với cuộc sống ấy như thế nào. Tôi chỉ biết là nếu hỏi, họ thường cười buồn và nói rất giản đơn "rồi thì cũng phải vượt qua thôi". 

Không, tôi không nghĩ vậy đâu. Ừ, thì đúng, "làm mẹ" làm một trải nghiệm thực sự thú vị trong đời một người phụ nữ. Nhưng, hãy nghĩ thật kỹ, nó đâu phải là nụ hôn đầu ngọt ngào, mà nếu chẳng may mang theo cả vị "man trá", bạn có thể quên nó đi ngay tắp lự. Hãy nghĩ mà xem, đó không phải là trải nghiệm dịch chuyển và sống thử đâu đó giữa những người khác lạ. Không phải là trải nghiệm việc này việc nọ, mà nếu thất bại bạn có thể tiếp tục làm lại đến bao giờ thành công thì thôi....

Bạn có hình dung được không, có những lúc bạn giá như mình được làm lại. Có ai chưa từng vậy chứ ?! 

Bạn sẽ làm gì khi nhìn đứa bé trước mắt ? Bạn chẳng thể làm gì ngoài việc nhìn về phía trước, chắm chúi đi, cẩn thận bước, bởi báu vật đó phải nâng niu chăm sóc kỹ lưỡng mới được. Bạn biết là bạn không thể đùa, không thể đi lùi lại, không thể giá như mọi thứ chưa từng xảy ra, uhm, có thể sau trải nghiệm này không còn bất kỳ một trải nghiệm nào bạn có thể thực hiện được nữa cũng nên ...

Rồi bạn sẽ thấy rằng, đây không phải là một trải nghiệm mà bạn nhất thiết phải trải qua mới được. Hãy nghĩ mà xem, đó là trải nghiệm của riêng bạn, và chỉ của riêng bạn mà thôi. Em bé sẽ không như con búp bê nín khóc khi bạn đặt nằm xuống. Em bé không như con búp bê không ốm bao giờ. Em bé không lựa chọn làm con của một bà mẹ đơn thân (nếu giả sử nó được lựa chọn). Em bé không lựa chọn là đứa trẻ lớn lên thiếu vắng tình cha và đối mặt với nguy cơ lệch lạc trong quan điểm sống. (Bản thân tôi là một ví dụ. Mà tôi không phải là con của mẹ đơn thân, chỉ là của một phụ nữ đơn độc thôi).

Tôi cũng cùng quan điểm với rất nhiều người rằng làm mẹ đơn thân có khả năng đem lại rủi ro lớn cho xã hội mai sau khi hôn nhân cận huyết xảy ra. Người đàn ông có thể không biết mình có một đứa con, hoặc thậm chí ngay cả khi anh ta biết rõ anh ta đã trao tặng khi người phụ nữ xin đi chăng nữa, thì khả năng những đứa trẻ gặp nhau là điều không phải là không thể xảy ra. 

Vẫn biết rằng, nhu cầu làm mẹ là tự nhiên. Mà thời gian đi qua rất nhanh, thời điểm phù hợp với việc làm mẹ không quá dài, mà cơ hội gây dựng một gia đình là điều không thể, thì người ta buộc phải lựa chọn "việc gì dễ làm trước" như mọi người thường vẫn đùa nhau. Vẫn biết rằng, đó là nhân văn sâu sắc và tốt hơn là lựa chọn sống độc thân không sinh nở như ở một số nước phương Tây. Nhưng nếu kinh tế vững chắc là điều kiện cần để bạn thực sự được trải nghiệm, thì điều kiện đủ, ắt phải là một môi trường giáo dục ưu việt tiên tiến, để đứa trẻ lớn lên trong gia đình khuyết thiếu kia, đảm bảo không phát triển lệch lạc. Đứa trẻ không được lựa chọn. Vì thế mà khi nhìn vào, tôi chỉ thấy duy nhất một điều: đó là một trải nghiệm đơn thuần, thậm chí ích kỷ. Một sự đầu tư mạo hiểm, một sự lựa chọn đầy rủi ro, thách thức, một hình ảnh mạnh mẽ đó nhưng cũng đầy ngông cuồng đấy. 

Và, cuối cùng của những suy nghĩ phiếm hôm nay, tôi thật sự chưa bao giờ sẵn sàng làm mẹ đơn thân. Chủ động ly hôn là một quyết định liên quan đến sự mất-còn của Danh dự. Được thứ này, sẽ lại mất thứ khác. Có nỗ lực đến thế nào, sự bù đắp không bao giờ đủ cả. Không có công bằng. Chỉ có nỗ lực đạt đến điểm cân bằng mà thôi. Vì thế, xét về tất cả mọi phương diện, đơn thân không có ưu điểm tuyệt đối gì, chỉ là một giải pháp tình thế. Nếu nghĩ xa hơn, có thể mãi mãi bạn sẽ không chọn đâu. 

......





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét