Viết trong ngày Hạnh phúc 20-3 ...


Đây là một bài viết được chọn để kỷ niệm ngày Hạnh phúc 20/3/2014, năm đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức kỷ niệm cùng thế giới 

" Đã có hai vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện xảy ra. Ngoài cái lo lắng lớn nhất của các bà mẹ là con mình có thể bị bắt mất bất cứ lúc nào dù đang nằm viện thì còn một nỗi buồn tội nghiệp hơn vậy nữa, khi những “tay bắt cóc” này khai ra nguyên nhân của họ: là để có một đứa con cho chồng/gia đình chồng hài lòng.
Có thấy hai người phụ nữ ấy phải liều mình, nghĩ ra đủ chiêu trò, đổi xe ôm, lân la bắt bé... cuối cùng chỉ để hiện ra một mục đích là... bắt một em bé làm con mình vì bị xảy thai/không có thai, sợ người đàn ông mình yêu bỏ.
Chuyện cứ như đùa này khoảng 10 năm về trước ai cũng nghe quen thuộc. Trong xóm có ông chồng này bỏ bà kia vì bà không sinh được con. Ngoài phố có cô con dâu này bị mẹ chồng ép ly dị vì mãi không đẻ cháu trai cho bà bế mà toàn đẻ cháu gái.
Có chuyện ở làng nghe như tiểu thuyết, hai anh chị lấy nhau không đẻ được con, bố mẹ chồng ép chia tay để anh kiếm vợ mới có cháu nối dõi tông đường, chia tay xong hai người hai ngả, ai lấy chồng lấy vợ cũng đẻ ra con, chỉ tiếc một mối duyên không thành. Cộng thêm cả chuyện “hình sự” kiểu vào bệnh viện cướp con này nữa mới thấy sau 10 năm giàu có hiện đại bình đẳng qua rồi, thân phận đàn bà vẫn nhọc nhằn khủng khiếp.
Chuyện hiếm muộn, vô sinh xuất hiện nhan nhản khắp các bệnh viện. Và bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng không có con, mang thai xảy thai chưa chắc là tại mẹ mà có khi tại cả cha, tại gien, tại bệnh... tại biết bao nguyên do từ môi trường, cuộc sống, stress. Ấy vậy mà, dòm đi ngó lại, ở biết bao ngóc ngách cuộc sống, áp lực phải đẻ hoặc ly hôn (hoặc hậu quả gì nữa)... vẫn đè nặng lên vai người phụ nữ.
Đến ngày 8.3, người ta ca ngợi những người đàn ông quỳ xuống dâng hoa tặng vợ. Phụ nữ khắp nơi nói rằng đi du lịch, sống tự do... mới là bình quyền. Vậy mà ai cũng quên mất rằng, ngay cả với nỗi buồn hiếm muộn, chưa có con, xã hội cũng cần phải bình đẳng hơn với người muốn làm mẹ mà chưa may mắn.
Xã hội (hay gần nhất là mẹ chồng) thay vì tìm cách ném đứa con dâu “không biết đẻ” ra ngoài đường bằng những lời thóa mạ hoặc đồn thổi, lẽ ra là người mẹ nên chia sẻ nỗi buồn hay thậm chí là nhiệt tình cổ động con trai mình cùng vợ đến bệnh viện tìm hiểu xem sự hiếm muộn là do ai? Làm sao để cặp đôi con mình có thể có em bé sớm? 
Trong trường hợp buồn nhất là họ không có con hẳn đi nữa, thì sự yêu thương và gắn bó của một cặp vợ chồng không con hạnh phúc chắc cũng tốt chứ không cần phải đến mức xua đuổi con dâu “kém cỏi” đi bằng một cuộc ly hôn ép buộc.
Người đàn ông không sinh ra với thân phận mang bầu thì cũng nên hiểu rằng chưa có con được hoặc không có con không phải là điều vợ mình thích thú gì. Nó là một nỗi buồn như trăm ngàn nỗi buồn khác mà một đời vợ chồng, khi đeo nhẫn kết hôn vào tay, người ta thề là sẽ chia sẻ và nâng đỡ nhau để vượt qua khổ nhọc. Vậy tại sao vẫn còn những người đàn ông buông lời đe dọa kiểu: “Tôi sẽ bỏ cô nếu cô vô sinh!” hay “Không đẻ được thì cô làm vợ để làm gì?” Chưa kể đến trường hợp “tê tái” nhất là có khi đi khám bệnh đã đời thì lòi ra nguyên nhân hiếm muộn lại là do... anh chồng hùng hồn ấy chứ không phải vợ.
Cuộc sống hiện đại thêm trăm bề cũng là thêm nhiều nỗi khổ. Có em bé bây giờ đâu có dễ như ông bà ngày xưa, môi trường trong sạch, ít áp lực, ít nỗi lo lắng bời bời.
Cái chuyện buồn của một cặp đôi yêu thương nhau là chưa có con được, bây giờ, có lẽ cũng xin đàn ông mở rộng vòng tay mà chia sẻ với phụ nữ. Đừng để những phụ nữ đã khổ sở vì chưa có được em bé, nay lại phải thêm cái áp lực đối phó với dư luận đồn thổi là “đồ không con”, phải đối phó với mẹ chồng soi mói từng ngày từng tháng, rồi bi kịch nhất là đối phó với cả người chồng đầu gối tay ấp với mình từng đêm. Cứ thế thì những người đàn bà phạm tội bắt trộm con người khác để giữ được chồng và gia đình cứ thế sẽ tăng lên mất thôi.
Có những chuyện buồn chẳng ai muốn cả - nhưng để bớt buồn hơn thì người ta cần phải độ lượng với nhau hơn là đe dọa nhau...
Khải Đơn*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là nhà báo, blogger đang sống và làm việc tại TP.HCM"

Cách đây đúng 10 năm, một bà mẹ chồng đã đề nghị con trai mình đuổi vợ ra khỏi nhà, vì sau 3 năm sống với con trai bà, vẫn không đẻ được cho con trai bà một đứa con (mong mỏi sâu sắc của bà là có một đứa cháu trai vì gia đình chồng bà đã 3 đời độc đinh). Người đàn ông ấy đã vâng lời mẹ, đuổi vợ ra khỏi nhà. Trong một ngày mưa gió, người vợ ấy đã tự mình thu dọn mọi thứ, rời khỏi căn nhà ấy, trong lòng đầy những nỗi đau đớn và lo lắng.
Sau khi chia tay,điều may mắn là người đàn ông ấy đã có con với người vợ mới, người đàn bà cũng đã có con với người chồng mới. 
Nhân ngày Hạnh phúc 20/3, tôi muốn dở lại 1 trang nhật ký đời mình, một trang đẫm đầy nước mắt cay đắng và đau đớn. 
Lặng lẽ nhìn lại ngày mưa gió ấy, tôi cảm ơn Ơn trên đã ban cho mình nghị lực để vượt qua những điều chớ trêu và không quẫn trí hành động sai lầm như những người phụ nữ trong bài báo nêu trên. Thoáng chút chạnh lòng khi đọc bài viết này, nên tôi mang về để trong blog. Để nhắc nhở mình rằng 10 năm đã trôi qua, xã hội đã văn minh hơn và rồi thì mọi thứ sẽ được đặt để đúng vị trí của chúng...

Để hôm nay, tôi tự nhìn nhận một Tôi - hạnh phúc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét