sáng tác (6)

BẬT

- Chi muốn đứng hay ngồi? ... thôi chúng ta đứng đây đi. xung quanh chật kín rồi, không di chuyển lên cao hơn được nữa. mọi người đang tập trung về đây mà 
- đường Mỹ Đình bên mé tay phải chúng mình đã đặc nghịt người rồi đấy. May thật, Minh đã tìm được một chỗ khá tốt. Nào đưa tay cho mình ... thế ... thế
- Chắc chắn hôm nay sẽ quay được pháo hoa chứ Minh - cô gái lúc này mới lên tiếng hỏi
- Chắc chắn. Phía trước mình có bị chắn gì đâu. mọi người ở nhà tha hồ mà ganh tị 
... mà kìa họ bắt đầu bắn rồi đấy 
... chùm pháo trắng đầu tiên. nở bung như hoa cẩm tú cầu ấy. màu trắng thôi nhé
... rồi bây giờ đến chùm màu tím, đỏ, hồng, trắng xen kẽ này. bắn thấp quá. lên 1 đoạn là rơi chúc đầu xuống rồi chán ghê ... rồi đến pháo sáng như là trong phim chiến tranh ấy, nhìn thấy cả chiếc dù đang rơi kìa ...

- Này thằng kia, ai mà không nhìn thấy người ta đang bắn pháo hoa kiểu gì mà mày cứ phải "tường thuật trực tiếp" thế hả. Đồ điên

Đôi bạn trẻ giật mình. Cô gái hướng khuôn mặt trái xoan về hướng phát ra tiếng nói gắt gỏng vừa rồi, lí nhí "tụi em xin lỗi ạ". 
- Minh ơi, mình đi về đi Minh. 
- Ừ ... Chi đưa tay đây cho Minh

Từng đợt pháo hoa rực rỡ được bắn lên bầu trời quang mây. Tất thảy đều ngước lên nhìn. Những tia sáng lấp lánh tận sâu trong đáy mắt. Không ai để ý đôi bạn trẻ đang lui cui rời đi, trong tay cô gái có thứ gì đó giống như cây gậy, một đầu phát ra ánh sáng xanh cùng tiếng kêu ri ri. Cô gái đặt hai tay lên vai chàng trai, chàng trai chầm chậm dẫn cô gái theo sau ...

"Để Minh tả cho Chi nghe họ đang bắn pháo gì nhé ... "


TẮT

tôi muốn trò chuyện với Nguyễn Quang Lập

bởi lẽ tôi chưa biết gì về người đàn ông này
bởi lẽ tôi mới đọc được nửa cuốn truyện ngắn (có lẽ là mới nhất) của ông Lập
lần đầu tiên đọc văn của ông Lập, thấy hơi mệt
mệt vì phải luận cách nói của "quê Choa". Ông Lập cũng là 1 blogger có tiếng, hình như blog Quê Choa. Nghe kháo nhau vậy, chứ tôi chưa tìm đọc. Cũng không tìm đọc. 
Như mọi người bình phẩm thì ông Lập viết rất chi là duyên, rất chi là hóm hỉnh, hài hước và cũng vô cùng sắc sảo. 
Cuốn truyện ngắn tôi đang đọc, hầu hết có đoạn tả hay nhắc tới chuyện xxx. Mọi người chấp nhận điều ấy trong văn của ông Lập là bình thường. Không có gì, mới là bất bình thường. 
Đúng là "khẩu văn". Ông ấy đưa những "hè", "u choa", "chầu chầu", "đới", thậm chí những từ rất bậy (không tiện nhắc tới ở đây) ... vào câu văn, khiến câu văn lạ vì cứ trúc trắc trục trặc. Tôi thấy văn ông Lập khá bậy (không biết khẩu ngữ có bậy không). Tôi hình dung ra một ông to béo đậm đà, nói giọng Nghệ đặc sệt và sin sít, nói tằng tằng không cần lấy hơi và không cho mọi người có một giây tỉnh táo để chất vấn. Kiểu ông Việt giám đốc Trung tâm Tâm Việt. 

Tôi khó có câu hỏi nào dành cho Nguyễn Quang Lập. Đọc văn rồi tò mò về người viết văn ấy là lẽ đương nhiên. Câu chữ của ông Lập không sắc sảo như tôi hình dung. Nội dung câu chuyện cũng không mới. Với thế hệ sinh sau chiến tranh như chúng tôi, những gì được mang về từ CHIẾN TRƯỜNG, sống dậy từ CHIẾN TRƯỜNG là điều đặc biệt lắm rồi. Không biết khi là 1 người lính, ông Lập là một người lính thế nào?. 

Đọc cuốn truyện này của ông Lập, dù biết là hư cấu, không phải chuyện của mình ổng. Nhưng hình như họ -  những người lính viết văn hay người viết văn đi lính ấy - đã đi qua (và sống sót) sau cuộc chiến ấy bằng cách uống thần dược. mà thần dược ấy không gì khác chính là yêu và không ngừng yêu. 

Cuộc chiến khốc liệt. Cuộc sống thời chiến khắc nghiệt. Không ai nghĩ quá xa. Biết đâu ngày mai mình không còn được sống nữa. Vì thế mà họ yêu. Giữa mịt mùng khói lửa, cái chết hối thúc sau lưng, trước mặt. Tôi xúc động khi đọc những dòng ngắn ngủi tả về chuyến vượt rừng mười mấy cây số của người con trai đến gặp người con gái. Vụng về, vội vã, vun vén. Họ tan vào nhau, tan  giữa đất trời cây cỏ. Tan hết lo sợ hãi hùng. Bởi, ngày mai vẫn là chiến tranh. Là tên bay đạn lạc. Mỗi lần im tiếng súng, thấy còn tồn tại là lại tìm đến nhau. Cho đến khi ... 

... Mà thôi, mỗi câu truyện dù ngắn hay dài đều muốn gửi gắm một điều gì đó. Đôi khi chỉ là san sẻ bớt gánh nặng trong lòng người viết sang cho độc giả. Để sau cùng là thanh thản về trời. Nhiều điều người ta ai cũng thấy, nhưng không nghĩ là sẽ giữ lại. Nhiều điều người ta cũng nghĩ, nhưng không nghĩ là sẽ viết ra. Mỗi một câu văn hay đoạn văn xoáy sâu vào tâm tư con người là mỗi một lần tạo động lực cho người đọc. Động lực sống. Mà cũng có thể ngược lại, động lực để buông bỏ. 

Không tìm đâu ra một cuốn truyện đáng để đọc thời gian này. Làm sao phải ngắn gọn để trám vào khoảng thời gian nghỉ trưa ở công sở. không quá buồn, kẻo lại kéo tâm trạng tuột dốc không phanh. Có nhiều chi tiết để chiêm nghiệm hoặc nhiều kỹ năng viết để học hỏi. Đòi hỏi nhiều quá, biết là thế. Nhưng thà không có gì để đọc còn hơn đọc những cuốn hời hợt và nhạt nhẽo. Giống như kết bạn ấy, thà không có ai bên cạnh còn hơn là phải chịu đựng một kẻ hời hợt và nhạt nhẽo. 
Vì thế tự dưng tôi muốn trò chuyện với Nguyễn Quang Lập. 
Mà muốn là muốn vậy, có khi chỉ nhìn thấy ông ấy như thế như thế, nghe ổng nói vài câu, rồi nhận ra như thế như thế là như thế. Tự hiểu. Rồi đường ai nấy đi. Đôi lúc sự tò mò hối thúc muốn biết ai đã tạo ra những câu văn này, những điều khiến mình day dứt này. thế rồi thôi. thế mà thôi. 


sáng tác (5)

BẬT

Vũ giận. Bởi quá tam ba bận, cô gái đã đến trước, chiếm giữ chiếc bàn số 6. Đó là vị trí đẹp nhất trong quán này. Vũ đến sau. Ngồi bàn số 7. Vũ chỉ thấy mái tóc dài ngang lưng mềm mượt, đen óng ả. Một bên vai nhỏ. Trên tay là cuốn sách hay truyện gì đó. Trên mặt bàn là cặp kính cận không gọng và tách trà hoa cúc cỡ đại đang tỏa khói. Đoán chừng cô gái là khách quen. Ban đầu, Vũ "e hèm", ho khan và phả khói thuốc sang bàn ấy, khiến cô gái hắt xì hơi mới thôi. 

Vài ba bận như vậy nữa, Vũ hài lòng với việc ngồi ở bàn số 7, không làm phiền cô gái nữa. Những hôm trời làm mưa ẩm, ghé quán không thấy cô gái bàn số 6, Vũ còn thấy lòng hơi hụt hẫng, chờ mong.

Đến kỳ làm bài luận tốt nghiệp, Vũ nghĩ "chọn cô gái kia làm mẫu cho bài ký họa. Đỡ tốn tiền thuê mẫu". Chưa bao giờ Vũ thấy cô gái đi cùng ai tới quán. Cũng chưa thấy cô hàn huyên tán dóc với chủ quán bao giờ, mặc dù chủ quán vốn là một người mê sách. Vũ cũng lừng khừng chưa tới làm quen. Vũ đoán "chắc là kiêu lắm đây"

Chiều hôm nay, Vũ tới sớm hơn dễ đến gần tiếng. Vũ chọn bàn chếch bên tay trái, nhìn vào bàn số 6, nơi cô gái hay ngồi. Chuẩn bị bút mực giấy xong thì cũng là lúc cô bước vào với ánh nhìn hơi bối rối, nhưng trái với vẻ bối rối ấy, cô nhanh nhẹn sải những bước dài tới chỗ ngồi thân quen. Đôi bàn tay nhỏ và xương lần lượt lôi từ trong túi ra 1 cuốn truyện bìa cứng, cuốn sổ khá dày, chiếc bút bi xanh. Vũ ngạc nhiên vì vẻ mong manh của cô gái. Còn mong manh hơn cả khi Vũ nhìn cô từ phía sau. "Bắt tay vào việc thôi" - Vũ nghĩ và chăm chú chọn góc độ, ánh sáng một lần nữa trước khi đặt nét bút đầu tiên. 

Cô gái có bạn sau đó vài phút. Đó là 1 chàng thanh niên cao to trầm tĩnh. Anh ta cũng mang trên tay 1 cuốn sổ tay nhỏ xíu có gài bút ở gáy. Chàng thanh niên ấy ngồi ngay lưng về phía Vũ nên không thấy mặt. Suốt nửa giờ sau đó, không rõ chàng thanh niên nói gì, Vũ chỉ thấy những sắc thái tuyệt vời chuyển động trên gương mặt người con gái. Cô cười, nghiêng đầu, cánh mũi phập phồng. Cô giơ tay lên gại gại mũi, chun lại như đang giận dỗi. Cô xoay lọn tóc trên ngón tay trỏ như đang suy nghĩ ... Vũ dâng lên một chút ghen tị và bồn chồn.

Nhưng Vũ muốn tận dụng nốt ánh sáng tự nhiên còn đang ưu ái soi rọi từ ô cửa sổ mở rộng vào đúng chỗ cô gái ngồi. Nơi cô ấy ngồi tỏa sáng. Nụ cười của cô ấy có điều gì đó rất thú vị, gợi sự tò mò.  Vũ cắm cúi làm nốt công việc dở dang, không để ý là người thanh niên đã rời đi tự bao giờ.

Chiều chấp chới ngoài cửa. Quán đông dần. Vũ thu dọn đồ nghề, tiến tới đứng trước mặt cô gái. Hình như Vũ khiến cô ấy giật mình.
"Chào em. Anh tên Vũ"

Cô gái ngẩng đầu lên nhìn anh lạ lẫm

"có lẽ hơi đường đột, nhưng ... anh ngồi bàn bên kia từ đầu giờ chiều tới giờ và ..."

Cô gái khẽ nhíu mày

"Anh xin lỗi vì đã chọn vẽ em mà không xin phép trước. Anh sẽ đưa em xem tất cả các bức tranh đó bây giờ. Mong em thông cảm nhé"

Cô gái chăm chú nhìn Vũ, rất chăm chú, đặc biệt chăm chú 

"Anh có món quà tặng em. Cảm ơn em rất nhiều đấy". Vũ chìa hộp quà với đoạn dây ru băng to bản thắt nơ cầu kỳ về phía cô gái. 

Cô gái lắc đầu nhè nhẹ

"Cô ấy ngại hay kiêu kỳ nhỉ. Không thèm nói một lời nào" - Vũ thầm nghĩ. Rồi Vũ dở hết tập ký họa bày ra bàn và một lần nữa chìa hộp quà về phía cô. 

Lúc này, cô gái xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết và chìa nó về phía Vũ: 
"Em không nghe được. Anh vẽ rất đẹp. Rất vui được giúp anh. Cảm ơn vì món quà. Anh không phải cầu kỳ như vậy đâu"

TẮT





sáng tác (4)


BẬT

Vỉa hè. Ông lão nghiêng người sang trái. Cây ba toong đi bước đầu tiên. Rồi đến chân phải. Sau rốt là chân trái. Đến đoạn, ông ngoảnh lại, bà lão túm khuỷu tay đồi mồi của ông, nhích theo từng cm. Khi hai đôi chân đã líu ríu bên nhau, bà lão ngước lên nhìn ông lão “ông đỡ tôi. Sau này tôi đỡ ông, ông nhỉ”. Ông lão móm cười  tủm tỉm “đừng coi thường nhé, tôi còn khỏe chán”.

Cây ba toong túc tắc túc tắc đi bên cạnh, lầm bầm “hai người đùa tôi sao. Hai người đang dựa cả vào tôi đấy”

TẮT

Sáng tác (3)


BẬT

“nào nhìn vào, nhìn vào. Chữ gì đây?”. Thằng cu tái mét, dí sát mũi vào cạnh bàn, lí nhí “con không biết”. “đi học ngồi làm gì mà bây giờ nói không biết hả”. Nàng ngồi phịch xuống giường, dát giường nảy lên, túm tóc trên đỉnh đầu nảy lên. Con bé khóc ré, chạy bổ về phía mẹ, hai tay dơ lên “u oa u oa”. Đến gần nàng, con bé vấp ngã, té oạch xuống nền. Bổ đến xốc nách con lên, nàng dí tay vào trán thằng cu “đọc lại một lần nữa bảng chữ cái, lát trả bài”.

* * *

Nàng đẹp. Quả đúng. Nàng phủ một lớp khăn voan hoa mỏng quanh chiếc đèn ngủ hắt sáng vàng ấm, càng quyến rũ. Anh đưa tay kéo nàng lại. Ngực trần nóng hổi áp vào lưng, hơi thở nhẹ phả vào tai. Bữa chiều sớm đã khiến cho anh đói đến thế này sao...

* * *

“à á à ời, à á à … ơi, con ơi con ngủ cho ngoan, mẹ còn đi cấy đồng xa chửa í à về...”
mắt nàng díp lại. Tiếng hát à uôm ngắt quãng xen giữa là tiếng ngáp cố ngăn. Thằng bé lênh chênh trên chiếc ghế nhựa, tự đánh răng. Nó len lén nhìn mẹ rồi trèo tọt lên giường. Lăn qua lăn lại một lúc, nó quay qua hỏi mẹ “mẹ ơi, hôm nay ai đọc truyện ru ngủ mẹ nhỉ?”. Nàng bực dọc “đợi bố về”

* * *

Một quầng sáng tròn xoe từ chiếc đèn ngủ chiếu lên trần nhà. Họ nằm sát cạnh nhau. Nàng vẫn như một chú mèo con ngái ngủ, chốc chốc cựa mình, một phần của đường cong nào đó lại chạm vào anh. Anh đưa bàn tay nghịch ngợm lọn tóc dài lòa xòa của nàng. Nũng nịu nàng hỏi “hôm nay, anh có truyện gì kể em nghe đi”

* * *

Tiếng tivi đã vặn nhỏ hết cỡ. Hình ảnh chớp giật chớp giật in lên bức tường đối diện như hàng đoàn ngáo ộp đột nhập vào nhà nhảy múa tưng bừng. Nàng, chân co chân duỗi trên di văng, chăn chiên vắt hờ ngang bụng. Khuôn miệng nhỏ hơi hé mở. Hơi thở khò khè. Mái tóc vẫn cột trễ xuống một bên vai. Trên giường, thằng cu nằm nghiêng, quắp em nó vào lòng. Con bé nằm ngửa giơ hai tay lên trời, miệng còn đang cười. Hai đứa như từ trong tranh bước ra. Chắc đã khuya lắm.

* * *

Gió luồn hơi lạnh vào giữa hai người. Nàng rùng mình. Anh kéo chăn phủ lên tận vai nàng. “Quay lại đây anh ủ ấm cho nào”. Này là đôi chân nhỏ. Này là bàn tay mềm luồn vào mái tóc. Bờ vai tròn cuộn lại. Một chút hơi ấm. Rồi tất cả các khe hở được trám đầy. Những ngón tay lồng vào nhau. Chắc đã khuya lắm.

Bất chợt, có tiếng mèo kêu dưới khung cửa. "Nghe như tiếng trẻ con khóc ấy"

TẮT

Sáng tác (2)


BẬT

        Tĩnh bê chậu nước ra sân. Mười quả bồ kết đen gói trong miếng giấy báo đang tỏa khói đặc quánh. Tĩnh chậm rãi tách đôi từng quả. Những hạt vàng màu cánh gián lách tách bay ra rơi tõm xuống chậu. Hết mười quả, nước đã ngả sang màu vàng nhạt, Tĩnh lấy tay vò nhè nhẹ, nước đen dần lại. Tĩnh quay qua hé mở nắp xoong. Mùi tinh dầu của bồ kết, hương nhu, lá sả và vỏ bưởi khô len ra nhè nhẹ quấn quanh cổ chân. Nửa quả chanh mới cắt trong vườn xoay xoay trên nắp vung. Tất cả đang nóng ấm trong tiết trời sáng mùa Xuân thanh mát.
        Tĩnh gỡ chầm chậm nút thắt chiếc khăn quấn đầu. Những sợi tóc rơi xuống sân. Hình như đã ít hơn hôm qua. 
         Nước bồ kết trong chậu đã sánh đen lặng phắc nên thành một chiếc gương soi. Tĩnh cúi nhìn. trong chiếc gương ấy có đôi mắt trũng sâu đượm buồn. Tĩnh đưa bàn tay run rẩy vuốt những sợi tóc còn lại. Một sợi rơi xuống giữa chậu nước, tạo nên một vòng tròn đồng tâm. Run rẩy.

TẮT


Sáng tác (1)

bản gốc (trước khi sửa)
Bật

Ngày thứ nhất

"em nhớ anh"
Ngày thứ hai
tin đã gửi "em nhớ anh"
Ngày thứ ba
hộp thư đi "em rất nhớ anh"
Ngày thứ tư
"em nhớ anh.không cần anh nghĩ gì và không cần nhắn lại đâu.em chỉ cần nói ra cho nhẹ lòng thôi.chắc anh đã quên hai mẹ con em rồi"

Ngày thứ năm

...
Ngày thứ sáu
...

Gã tần ngần đọc đi đọc lại những mẩu tin. Rồi gã tỉ mỉ bấm ... bíp bíp bíp

Ngày thứ bảy - lúc 10 giờ 30 phút sáng
tin nhắn đến "Anh muốn gặp em. Cà phê Góc phố,số ... phố ...,đúng 12h"

Tim nàng đập loạn. Một văn bản ngắn hôm nay gõ rồi xóa gõ rồi xóa. Nàng sắp xếp lộn xộn slide vì bụng nàng cứ sôi réo suốt. 


Đúng 12 giờ, nàng bước vào cà phê Góc Phố. Nàng và anh chưa bao giờ tới đây. Cái quán này cũng chưa từng là gu của anh. Một quán cà phê không có gì đặc biệt, không nhạc nhẽo, từng đám muỗi mắt bay lòng vòng xung quanh cái đèn xanh lam và tím uốn éo cái tên quán trên một cái mẹt tre rất to. 


Con bé phục vụ chạy ào ra khi thấy nàng. Mắt nó chớp lia lịa trong khi hai tay lau chùi vội vã chiếc ghế tươm tất nhất mời nàng ngồi. Nàng bảo "cô đợi bạn, gọi đồ uống sau". Chưa dứt lời, điện thoại đổ hồi chuông đầu tiên. Nàng không cần chờ đến hồi thứ hai vội cầm máy "a lô, em nghe".  Tút ... tút... tút

Thoảng trong gió mùi cá tanh lợm xộc lên mũi. Một người đàn ông khắc khổ lom khom đến ngồi vào chiếc ghế đối diện nàng. 
Nàng nhìn chăm chú vào thứ mà người đàn ông đó đặt lên bàn, một chiếc điện thoại samsung gập màu đỏ đã khá cũ. Giọng nàng run run "ông đã làm gì anh ấy. Anh ấy đâu. Ông cần gì ở tôi". 

"đừng nhắn tin cho ... cái máy này nữa"

"?..."
"cách đây khoảng 1 tháng, cũng ở quán này, một người đàn ông ngồi uống bia ở quầy bar kia kìa đã vứt cho tôi chiếc điện thoại này"
"anh ấy ... anh ấy có khỏe không?" - giọng nàng đã bớt run nhưng nhỏ hẳn lại
"anh ta vứt chiếc điện thoại cho tôi bảo "cho chú cái alô để tiện chạy việc", rồi đi luôn, có chút bia nên tôi thấy anh ta hồng hào nhẹ nhõm vui vẻ ..."
"vậy sao ... "
"tôi không rảnh đọc tin nhắn. nếu cô muốn có thể lấy cái điện thoại, cho xin 300 nghìn đi mua chiếc khác dùng"
nàng im lặng với tay chạm vào chiếc điện thoại, úp bàn tay lên đó, nhắm mắt lại trong giây lát. Rồi nàng chợt bừng tỉnh vì nhớ ra người ngồi trước mặt là một người lạ ...
giọng nàng lại vững và ổn định như mọi khi - "ông cứ giữ mà dùng. thế nhé. tôi sẽ không nhắn nữa đâu"

Người đàn ông đi đã lâu mà mùi cá vẫn còn. Con bé phục vụ mở tất cả quạt trong quán để xộc ra cửa. Nó đổ cả Vim ra cọ sàn. Nàng là vị khách duy nhất trong giờ trưa ngái ngủ này. Nàng uống cà phê đen nóng, thứ nước uống vừa đắng vừa chua vừa khét, mà nàng chưa bao giờ gọi. Ánh mắt xa xăm, nàng nhìn mãi vào nơi người đàn ông đã đặt chiếc điện thoại màu đỏ cũ kỹ. 


Một tiếng sau nàng đứng dậy lấy xe chạy về hướng trung tâm thành phố. Mùi cá đã ở phía sau. Cà phê Góc phố đã lẫn vào góc phố. 



Tắt 



bản đã sửa chữa

BẬT

Ngày thứ nhất

"em nhớ anh"
Ngày thứ hai
tin đã gửi "em nhớ anh"
Ngày thứ ba
hộp thư đi "em rất nhớ anh"
Ngày thứ tư
"em nhớ anh.không cần anh nghĩ gì và không cần nhắn lại đâu.em chỉ cần nói ra cho nhẹ lòng thôi.chắc anh đã quên hai mẹ con em rồi"


Ngày thứ năm

...
Ngày thứ sáu
...

Ngày thứ bảy - lúc 10 giờ 30 phút sáng
tin nhắn đến "Anh muốn gặp em. Cà phê Góc phố,số ... phố ...,đúng 12h"


Tim nàng đập loạn. Một văn bản ngắn hôm nay gõ rồi xóa gõ rồi xóa. Nàng sắp xếp lộn xộn slide vì bụng nàng cứ sôi réo suốt. 



Đúng 12 giờ, nàng bước vào cà phê Góc Phố. Nàng và anh chưa bao giờ tới đây. Cái quán này cũng chưa từng là gu của anh. Một quán cà phê không có gì đặc biệt, không nhạc nhẽo, từng đám muỗi mắt bay lòng vòng xung quanh cái đèn xanh lam và tím uốn éo cái tên quán trên một cái mẹt tre rất to. 



Con bé phục vụ chạy ào ra khi thấy nàng. Mắt nó chớp lia lịa trong khi hai tay lau chùi vội vã chiếc ghế tươm tất nhất mời nàng ngồi. Nàng bảo "cô đợi bạn, gọi đồ uống sau". Chưa dứt lời, điện thoại đổ hồi chuông đầu tiên. Nàng không cần chờ đến hồi thứ hai vội cầm máy "a lô, em nghe".  Tút ... tút... tút

Thoảng trong gió mùi cá tanh lợm xộc lên mũi. Một người đàn ông khắc khổ lom khom đến ngồi vào chiếc ghế đối diện nàng. 
Nàng nhìn chăm chú vào thứ mà người đàn ông đó đặt lên bàn, một chiếc điện thoại samsung gập màu đỏ đã khá cũ. Giọng nàng run run "ông đã làm gì anh ấy. Anh ấy đâu. Ông cần gì ở tôi". 


"đừng nhắn tin cho ... cái máy này nữa"

"?..."
"cách đây khoảng 1 tháng, cũng ở quán này, một người đàn ông ngồi uống bia ở quầy bar kia kìa đã vứt cho tôi chiếc điện thoại này"
"anh ấy ... anh ấy có khỏe không?" - giọng nàng đã bớt run nhưng nhỏ hẳn lại
"anh ta vứt chiếc điện thoại cho tôi bảo "cho chú cái alô để tiện chạy việc", rồi đi luôn, có chút bia nên tôi thấy anh ta hồng hào nhẹ nhõm vui vẻ ..."
"vậy sao ... "
"tôi không rảnh đọc tin nhắn. nếu cô muốn có thể lấy cái điện thoại, cho xin 300 nghìn đi mua chiếc khác dùng"
nàng im lặng với tay chạm vào chiếc điện thoại, úp bàn tay lên đó, nhắm mắt lại trong giây lát. Rồi nàng chợt bừng tỉnh vì nhớ ra người ngồi trước mặt là một người lạ ...
giọng nàng lại vững và ổn định như mọi khi - "ông cứ giữ mà dùng. thế nhé. tôi sẽ không nhắn nữa đâu"


Người đàn ông đi đã lâu mà mùi cá vẫn còn. Con bé phục vụ mở tất cả quạt trong quán để xộc ra cửa. Nó đổ cả Vim ra cọ sàn. Nàng là vị khách duy nhất trong giờ trưa ngái ngủ này. Nàng uống cà phê đen nóng, thứ nước uống vừa đắng vừa chua vừa khét, mà nàng chưa bao giờ gọi. Ánh mắt xa xăm, nàng nhìn mãi vào nơi người đàn ông đã đặt chiếc điện thoại màu đỏ cũ kỹ. 



Một tiếng sau nàng đứng dậy lấy xe chạy về hướng trung tâm thành phố. Mùi cá đã ở phía sau. Cà phê Góc phố đã lẫn vào góc phố. 


TẮT


chữ An

Đi xin chữ.
Mọi người xin chữ Khang (mong cho con hay ăn chóng lớn mập mạp), Đỗ (đỗ đạt), Trí, Nghĩa, Nhẫn ... phần lớn xin cho con cái học hành thi cử đỗ đạt.
Ấn tượng nhất đối với tôi là 1 cụ ông đã hơi lãng tai, đi lại khá chậm chạp vất vả, khoảng chừng hơn 80 tuổi, có lẽ là người duy nhất tôi thấy xin chữ Nhẫn trong buổi chiều hôm qua. Một người đã sắp đi hết quãng đường xa xôi ở Cõi tạm này, mà vẫn thấy chữ Nhẫn là cần, và phải trọng, thì một người như tôi chọn giữ Nhẫn trong mọi việc mình làm mọi điều mình nghĩ, hy vọng là không sai. Cho tới bây giờ chữ Nhẫn vẫn luôn là điểm tựa cho tôi mỗi khi sóng gió, trong chính bản thân mình hay xung quanh mình.

Tôi xin cho con gái chữ An. Thật ra muốn nhìn xem chữ An mặt mũi ra sao, ý nghĩa "sâu xa" thế nào. Vì tôi đặt tên An cho con gái theo cách hiểu của mình. Tự đặt lấy, chẳng hỏi ý kiến ai (kể cả bố con bé), không hỏi xin người lớn trong nhà, đặc biệt không nhờ thầy tướng thầy số nào cả.
Chắc vì chữ An hiếm người xin, nên ông cụ tỏ ra hào hứng, cụ lẩm bẩm "chữ này viết dễ đẹp lắm đây". Thật may mắn được nghe cụ vừa viết vừa giải thích cho nghe chữ An mà cụ chọn cho hai mẹ con tôi. Trong chữ có hình, đó là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trong nhà. Cụ hóm hỉnh bảo "người phụ nữ mà ngồi trong nhà thì an tâm nhất rồi còn gì". Hơi bất ngờ vì ... tôi không nghĩ con gái mình sẽ là người phụ nữ chỉ ngồi ru rú trong nhà, tôi hỏi cụ "cụ ơi, người phụ nữ mà ra đường thì không an tâm được ạ?". Cụ cười "ra ngoài đường nhỡ có ai lừa bắt mất thì sao" ...

Ừm, phụ nữ "nhẹ dạ, cả tin" vậy ... ?! Mà hình như phụ nữ cũng dễ thương nhất, đến phát điên lên được, chính lúc họ nhẹ dạ, cả tin ấy ... ;-)) (cho dù là giả đò ...)

Ừm, người phụ nữ ngồi trong nhà, giữ cho bếp ấm, giữ cho lòng ấm, giữ cho chồng con ấm ... là chữ An. Nữ tính cũng là chữ An. Người phụ nữ được yên tâm, lặng lẽ lo cho gia đình của mình, giữ lửa cho gia đình mình, thì mọi sự Bình An. Mọi tai ương, sóng gió, chỉ có thể vần vũ ngoài vuông cửa nhỏ ấy được thôi. Phải rồi. Chẳng thế mà khi người phụ nữ bước ra khỏi vuông cửa ấy, dễ  ... có chuyện. Cho dù có giỏi giang đến đâu, giàu có sang trọng quyền quý cao sang thế nào, thì xin hãy cứ dành một nơi trong nhà cho người phụ nữ, xin hãy dành quyền được là một người phụ nữ cho phụ nữ, xin hãy để người phụ nữ là bến, là neo, là dây diều, là điều ước... Để được dạ-thưa, yếu mềm, nũng nịu, để được chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, để được ước ao những điều bé xíu tẻo teo giản đơn, để được tựa cửa trông chờ và đón về trong vòng tay những người đàn ông của gia đình ...
Như thế này ...


Con gái với chữ An - người phụ nữ ngồi trong nhà! Được thế cũng nên mừng, không đòi hỏi.



Tôi cũng thật sự vui mừng khi xin được "just a smile" từ chú bé này, bởi khi nhìn thấy chú, tôi nhớ ngay bài thơ "Sao cậu lại gọi tớ là dân da màu?". Phong cách colour block của chú thật ngộ nghĩnh và dễ thương



Đấy là vài mảnh vụn tươi sáng trong một chiều u ám buồn mùng mấy (quên) của Tết con rắn. Những người đàn ông không vui, những người phụ nữ chậm buồn, thậm chí tụi trẻ con cũng đỡ nghịch hơn tôi tưởng. Nếu chăm chỉ và chú ý quan sát, ta vẫn có thể tìm thấy đâu đó những mảnh vụn hạnh phúc, mảnh vụn của niềm vui và thậm chí chỉ là tàn lửa chợt rực lên ở đâu đó. Gom lại, ta có thể được một bức tranh rực rỡ hay một đống lửa reo vui cũng không chừng (thực ra trước khi là các mảnh vụn, chúng từng là một phần của bức tranh rực rỡ hay một đống lửa reo vui đó mà).

Sắp tới, tôi sẽ lắp một chiếc gương nhỏ xíu ở bàn làm việc, ở một chỗ bí mật để mỗi khi giao tiếp với ai đó tôi có thể nhìn thấy mặt mình, và cố gắng nở thật nhiều nụ cười-xem điều đó mang lại hiệu ứng gì từ phía bên kia bàn làm việc ... lúc nào cũng phải có ý tưởng -ốm mất nếu không được nghịch ngợm gì đó. không, chết mất ... Nào, hãy nhìn vào chữ An!

blue valentine

I wanna feel what love is. I know you can show me ...
I know you can show me ... but it's too late !



the Valentine never come ...

mùng Hai hết Tết

Đã từ năm nảo năm nào, đối với tôi, mùng Hai đã là hết Tết. 

Đối với một kẻ điên rồ như tôi thì ngày nào cũng có thể là "Tết" :-) chẳng cứ ...
Một ngày nào đó trong lòng có thể rung lên vì những xúc cảm đẹp, tạo động lực để qua những ngày hiện tại và nếu dư dả thì tính chút kế hoạch cho tương lai, thì cũng có thể coi là "Tết"
Ấm áp, rung động, mở lòng, mong trở về, mong đoàn viên, tình thương mến thương, tương thân tương ái, hy vọng và ước mơ - đó chính là "Tết". Và Tết chỉ có tròn các ý nghĩa ấy khi đang đặt chân trên mảnh đất quê hương. 

Tối nay qua sáng ngày mai đã hết 3 ngày Tết trong quan niệm của cá nhân tôi.
Có thể coi là khác biệt giữa Tết năm nay và nhiều Tết xưa đó là tôi không khóc vào đêm giao thừa. Như thể năm nay sẽ là năm ít nước mắt. Tự lừa dối mình à, Cả ngố ?! Đã 2 ngày rồi tôi không bước chân ra đường, nhưng vẫn online đọc báo mạng và nghe VOV giao thông, để biết lúc nào mưa lúc nào tạnh, chỗ nào đông chỗ nào vắng. Ngủ nướng, "chín như 1 chiếc xúc xích" (đó là theo cách ví von của con gái). Bữa trưa chưa xong đã nghe mẹ hỏi "chiều nay ăn gì?". Tết, hình như chẳng có gì hay ho hơn là ăn và ngủ. 

Chiều mùng hai Tết, có rất nhiều nhóm phượt đã xuất hành đầu năm, mở đầu cho một năm nữa, đi và đi. 
Tôi thì ngồi và ngồi nữa. Nhưng không phải thiền. 
Nếu có ai lỳ lợm như 1 con ếch ở đáy giếng cổ đến nỗi da nó từ xanh mịn màng đã chuyển thành màu đất cóc cáy, thì đó chính là tôi. 

Càng gặp nhiều những người quan trọng, quan trọng nhất và hơi quan trọng, tỏ ra quan trọng và thấy mình luôn quan trọng, tôi lại càng thấy mình cứ chúi mãi cái mũi to xuống đất. Ở đó có gì thế nhỉ? thưa, chẳng có gì, chỉ có đất. Thế sao cứ chúi mũi xuống không ngẩng cái mặt lên được thế? thưa, đôi lúc cũng nhặt được thứ hay ho vì rốt cuộc thì mọi thứ cũng rơi tuột xuống đất chứ có bay lên giời như bóng bay đâu (bóng bay nổ thì xác nó cũng rơi xuống đất thôi mà). 
Tôi đang giả dối. Chính thế. Ở đâu có cái thứ "giả dối nguyên chất" thì đó là giữa cộng đồng người. Người ta giả dối, sao tôi không thể giả dối. Rốt cuộc thì họ hiểu gì về tôi. Tôi luôn nhút nhát, sợ chốn đông người, sợ người ta hỏi đến mình và rúm lại vì những câu hỏi. Rốt cuộc thì họ hiểu gì về tôi. Khi tôi nhận ra mọi thứ chỉ là ráo hoảnh nói cười giả lả, hỏi chỉ mà để hỏi, để tạo nên các sóng từ thu hút người khác ... tôi cũng cười, cũng nói, cũng có thể hỏi chỉ để mà hỏi. Nhưng tôi không tạo nên bất kỳ thứ sóng nào. Tôi không có nhu cầu thu hút người khác. Đặc biệt là không muốn hút thứ "giả dối nguyên chất" ấy về mình để làm gì. 

Mọi thứ chỉ còn là những trò chơi kỹ năng trong một lớp học toàn trẻ con. Tôi không nhiệt tình chơi. Tôi - đứa trẻ tự kỷ - miệt mài xoa những đầu ngón tay trên những con chữ, những con chữ đen hiện dần lên trên nền trắng khiến tôi an tâm. Những con chữ như đàn kiến đen hiền lành bu lại quanh cục đường trắng. Tôi cảm thấy an tâm với sự câm lặng của chúng. 

Tôi sẽ ra sao nếu không có những con chữ nhảy múa trên nền trắng? tôi không biết nữa. thêm 3 ngày nữa không ra đường, tôi biết mình sẽ rất khó khăn thích nghi lại với tiếng còi xe, tiếng ồn ào ngoài phố xá. Tôi không chịu nổi chúng thêm nữa. Và đặc biệt, thứ "giả dối nguyên chất" dây đầy lên con người ngoài đó. Bốc mùi khó chịu. Tôi thường bối rối khi phải tìm cách nói với ai đó "bạn đã bị vấy bẩn" hay "bạn có mùi khó chịu" ... thường thì tôi im lặng và đôi khi (ngu ngốc) chịu đựng. Và bây giờ, tôi - điếc. Mọi giác quan phản đối sự thỏa hiệp của tôi. Chúng quay lưng lại với tôi và thế là tôi điếc đặc. 

Đó cũng chính là lý do giúp tôi có thể chúi mãi cái mũi to xuống đất, để rồi không còn thấy người ta nhìn mình bằng ánh mắt ái ngại. "Trong cái rủi có cái may", là thế ... 
tôi với tôi với những con chữ trên nền toan trắng ... sao phải gọi tên nỗi cô đơn

30 rửa bát quét nhà ... từ bếp nhìn ra

Không biết vì sao lại có thể ghét Tết đến thế
Phòng tắm ngày nào cũng cọ sạch sẽ sau khi tắm, nhưng ngày cuối năm phải sạch và sạch hơn nữa. sao thế nhỉ, còn có vuông gạch nào mình quên chưa cọ chăng?
Căn bếp bé xíu thì không còn 1cm2 nào trống, bởi chồng bát chồng đĩa chồng nồi niêu xoong chảo, rồi túi to làn nhỏ rau thịt dưa hành ... Một "chợ quê" thu nhỏ được chưng giữa nhà và mở bán suốt 5 ngày Tết không lo đói
Phòng ngủ được thoải mái bài trí theo ý thích, nên ... tránh được 10m2 không phải "sạch và sạch hơn nữa"...

Sáng 30 đi trong lây phây mưa của ngày Hà nội quay ra trở mặt ... lạnh. Hai mẹ con đi giữa phố phường vắng, lòng cũng vắng. Bếp nhà ngoại vẫn thế mà năm nay đã là năm thứ hai vắng ngoại. Nếu còn ngồi làm "tổng đạo diễn" mâm cơm tất niên năm nay, ngoại sẽ chịu trách nhiệm món gì đây? Mình vote 10 sao cho món xu hào xào mực khô thái chỉ. Cái tên đó đã bao hàm hết tất cả vị của món ăn này rồi. Chỉ có ngoại mới tỷ mỉ ngồi lạng mỏng con mực khô, rồi lại tỷ mỉ thái chỉ (thái chỉ là thái nguyên liệu nấu nướng đó thành sợi nhỏ như sợi chỉ là đạt chuẩn). Mẹ nhận 2 món miến và nộm. Dì ba nhận nồi măng chân giò. Dì tư nhận các món khô. Cậu lo gà qué. Không biết Tết năm nao, các ông các bà chỉ có thể ngồi thở cũng đã mệt và giao lại cho mình chức "tổng đạo diễn"? Nghĩ thôi cũng đủ mệt rồi. Mình thì làm được gì, khi món mình làm khá nhất chỉ là salad trộn ?!

Hôm trước ra chợ cùng mẹ, nước mắt chực trào ra khi thấy 1 bà cụ giống ngoại lắm. Có những điều chẳng thể "gạn" lại được. Thậm chí cái trí nhớ chiết tiệt của mình cũng đã bắt đầu dở chứng, bắt xóa rồi mới cho lưu cái mới. 

Căn nhà của ngoại huyên náo hẳn lên khi lần lượt các gia đình đem tụi trẻ đến. đứa nhỏ nhất đã lẫm chẫm biết đi và "dạ, vâng" được rồi. Mỗi năm tụi trẻ lớn lên lanh lợi là mỗi năm thấy mình chậm chạp đi trông thấy. 

Bếp nổi lửa. Những kỷ niệm không đợi cũng ùa về. Các ông các bà cố gắng truyền lại cho thế hệ kế tiếp những nét riêng của gia đình, cũng như những nét chung của mọi gia đình miền Bắc. Mình không dám chắc là đến lúc mình cầm trịch cái đám em út này, nếp nhà còn giữ được. Cái không khí nghiêm nghiêm tôn ti trên dưới rõ ràng, những lầm rầm như cầu nguyện câu chuyện cuộc sống năm cũ và mong ước trong năm mới bên mâm cơm tất niên trong làn khói hương trầm mặc, ai cũng nâng niu "ngày cuối năm" để nó trở nên đặc biệt hơn 300 ngày kia của năm. 

Sau khi nấu nướng và ăn uống no say xong đến màn rửa bát. Là chị cả trong nhà, thật chẳng nên mở lời với tụi em út láu cá ranh ma  "cứ để đấy chị rửa cho". Chẳng đủ thời gian để chớp mắt một cái, loắng đã không thấy bóng dáng đứa nào quanh quẩn xung quanh. Chị cả ôm chằm bặp lấy bồn rửa bát cả tiếng đồng hồ. Cho đến khi bếp núc sạch như li như lau, thì cũng là khi gió lạnh trở lại, trời tối âm u. Lạnh thấm vào người qua hai bàn tay. Hơi tủi thân một tí xíu. 

uống chén trà làm nóng người, co ro, ước gì ...

Lúc này đang ở trong căn hộ bé nhỏ của riêng mình. Dọn dẹp xong vợ bị cảm lạnh (hầu như năm nào cũng thế). Chồng xuýt xoa đỡ vợ vào sofa nằm, đắp chặn cho cái chăn bông to sụ, rồi hai bố con họ lăn vào bếp. Gương mặt chồng căng thẳng đến tội. Con gái lăng xăng ... phá bĩnh. Vợ nằm đó nhìn hai bố con họ mà lòng chợt dâng lên niềm thương yêu ấm áp. Cớ gì phải sợ. Hạnh phúc là được nhìn thấy nhau đây, ở bên nhau đây. Còn gì phải lo, hãy duỗi thẳng chân mà cảm nhận hơi ấm tỏa ra từ trái tim này. Thỉnh thoảng, chồng nhìn ra nơi vợ nằm hỏi han "mình đã đỡ chưa?", con gái cười híp mắt trêu "mẹ làm nũng bố, lêu lêu". 

giờ khắc giao thừa, con gái chẳng thức nổi đã lăn ra ngủ từ lâu. còn hai vợ chồng lo thắp hương, bày biện lọ hoa, cái bàn nước chuẩn bị đón khách ngày mùng 1 trong tiếng bắn pháo hoa bụp bụp đâu đó ngoài kia. rồi lăn vào nhau ngủ một giấc say nồng, vội vã bình yên, điềm tĩnh hưởng thụ, chậm rãi nếm hương vị Tết đầm ấm bên nhau...Một giấc ngủ không cần mơ đâu...

Thật là ... Có một kẻ mơ ngủ như thế đấy ... trong chiều cuối năm. lơ mơ cả năm rồi nên ngày cuối năm cũng chẳng chấp nê kẻ dở hơi này. Chẳng biết ai đã ngán ai nữa, haizzz. Hai mẹ con lại chở nhau về nhà. Ngáp chảy nước mắt vì mệt, vừa chạy xe vừa gà gật. Không có gì tệ xảy ra, thật may. Bởi lẽ, gã nào chạy xe máy tạt qua cũng để lại thứ mùi chua chua khăm khẳm của bia rượu lẫn thịt dưa hành. Một cơ số gã ngồi trong xế hộp thì không thể ngửi được nên càng rủi ro hơn. 

Trên đường về, mình hỏi con gái "con có biết người làm nghề gì vất vả nhất trong dịp Tết không". Con gái trả lời không cần nghĩ "người quét rác ạ". Mình chưa kịp khen thì có "giáo cụ trực quan" là 1 túi rác to bự bay từ một nhà ven đường ra, rơi đúng cái cống bắn nước tung tóe. Con gái cười. Mình cũng cười. 

Mình thấy thích câu lệnh "rock lên đi!" của một người bạn mỗi khi mình vừa giống 1 con rùa lại cũng giống 1 con đà điểu và cũng loay hoay rối rít giống như 1 con tắc kè hoa. Đại loại là: rụt cổ vào càng sâu càng tối, rúi cái mặt càng sâu càng dơ (vì quên mất thân hình to tổ chảng còn lù lù ra đấy) và khi bối rối không gì tệ hơn 1 con tắc kè (ngố) hoa. hi hi

Mỗi lần rơi vào cảm giác tồi tệ ấy mình thấy còn tồi tệ hơn khi hình dung ra cảm giác ngồi trước anh Quách (diễn giả Quách Tuấn Khanh)... "trước khi khuyên các bạn ấy lập mục tiêu đời mình, tôi luôn hỏi bạn ấy một câu "bạn lập ra mục tiêu đó để làm gì?". bạn phải biết mình làm điều đó để làm gì chứ. không quá quan trọng là bạn có đạt được mục đích đó hay không, mà quan trọng là quá trình bạn thay đổi để có được nó ...sau quá trình đó, dù có đạt được mục đích hay không thì những điều bạn vừa học được đã trở thành vốn sống của bạn rồi" đại loại thế. Nói giỏi ! Nghe rất hay. Nhưng sao mà mình luôn thấy "chuối", chuối cả nải và xanh đến là chát. 

Mình cần. Mình cần một cú huých thích đáng. Mình cần 1 cái tát thật đau của một người rất tin mình và ... cũng chính người đó chìa vai ra cho mình chùi nước mắt (và hỷ mũi) vì thương mình. Haizzzz Người đó đang ở đâu giữa hàng tỷ người trên trái đất này? Không phải ở sao Hỏa chứ (ở đó không thể sống một người như thế). Không phải chưa sanh ra chứ (mình không thể chờ lâu thế, hix). Không phải cũng đang chờ mình ở đâu đó chứ (mình hết tuổi chơi ú tim trốn tìm rồi, ra đi)... 

Thôi, thế này cũng hay, bạn hãy đến - dù chỉ vài phút thôi - ghé qua nhé - vài phút thôi cho dù bạn rất bận và ái ngại. Khi mình chỉ còn có thể nhìn bạn trong vài phút đó, kịp nhận ra nhưng chẳng thể nói một câu cảm ơn. Hãy bước đến và đừng ngần ngại nắm tay mình thật chặt, cho dù bàn tay ấy gầy guộc thõng thẹo và đầy đồi mồi. Hãy mỉm cười và nói "tớ ở đây rồi nhé". Thế là mọi người yên tâm, mình sẽ đi ngay, đi ngay, không ngoảnh lại. A lê hấp, mình biến mất. Bạn sẽ không phải chịu đựng mình suốt cả một quãng đời dài. Mình khó chịu lắm đấy! 

Và rất giàu trí tưởng tượng nữa ;-))



Gửi con gái lá thư chia tay năm cũ




Xuân đang về gần lắm rồi, con gái ơi. Con hãy cùng mẹ ra mở cửa đón mùa Xuân vào nhà nhé. 
Trong đất trời có bốn mùa: Xuân – Hạ - Thu – Đông, con ạ. Lúc này con chưa phân biệt được bốn mùa, có nghĩa là con chưa biết sẽ yêu mùa nào nhất. Nhưng con sẽ học được điều đó vào năm nay, khi con bước sang tuổi thứ năm. Hẳn rồi, sớm thôi. Con sẽ còn học thêm được nhiều điều nữa, khi một năm mới gõ cửa. Trước khi đón mùa Xuân năm mới vào nhà, mẹ con mình “gói” năm cũ cất đi nhé.

Này nhé …

Thú thật là mẹ không thích học tẹo nào. Mẹ thật xấu hổ khi nói ra điều đó. Mẹ không thích bị gò bó, ép buộc phải  làm một điều gì đó, phải học gì đó, phải trả bài và phải thi cử. Mẹ không thích các cuộc tranh đua (“Ai đó muốn đua tranh ư, cứ việc giật giải, đó không phải việc của tôi”).  Khi con sinh ra, ông ngoại đã không còn, nên con khó hình dung điều mẹ sắp chia sẻ với con đây. Mẹ thừa hưởng của ông ngoại tính cam chịu đến nhu nhược, hiền lành cục tính. Mẹ thừa hưởng của bà ngoại tính hay hờn lẫy tiểu thư đỏng đảnh đôi lúc xa cách lạnh lùng. Một chân chất thật thà, một phiêu lưu lãng mạn. Hai nét tính cách đối nghịch, hai nửa gần như biệt lập, trong cùng một con người. Con biết không, chúng đánh nhau suốt. Con nên làm quen dần với chính mình. Con thú vị với người này và có thể vô vị với người khác. Con có thể thất vọng về bản thân khi không giàu có, nhưng con quên mất sự ganh tị của những kẻ không thể sống đúng với những gì mình có khi con làm được điều ấy ư…

Mẹ ghét học nên cái sự học không yêu mẹ, hiển nhiên rồi. Kết quả thường phản ánh đúng sự nỗ lực của mình, mẹ luôn lẹt đẹt xếp hàng sau các bạn. vì thế mà …

Mẹ thực sự muốn con được đặt chân tới những đất nước xa xôi. Muốn con biết và học giỏi 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Tiếng Việt. Trong đó tiếng Việt là quan trọng nhất. Bởi lẽ, đó là thứ tiếng thuộc về con, dành cho con, không thể vứt bỏ, không thể lãng quên. Như anh chàng Tarzan ấy, con biết mẹ vượn đã nhặt được cậu ấy khi cậu còn bé xíu, còn đóng bỉm, con nhớ không, và chưa biết nói. Lớn lên, Tarzan nói với mẹ khỉ hầu như bằng ánh mắt và những biểu hiện đơn sơ của ngôn ngữ cơ thể. Nhưng rồi khi gặp lại con người cùng dân tộc, cậu ấy vẫn cất lên tiếng nói và hiểu được tiếng nói của họ. Tiếng Việt cũng vậy, đã nằm trong máu của con rồi đó. Chớ quên. Dù có nói thứ tiếng khác “hay” như thế nào, con vẫn sẽ bị cười nhạo bởi những người Việt Nam khi dùng tiếng mẹ đẻ như tiếng nước ngoài vậy.

Cho đến giờ mẹ vẫn không thích học. đặc biệt những thứ quá giáo điều, khô khan và không biết ứng dụng vào chỗ nào, lúc nào. Khác với dì, đổ tiền cho Coin đi học ngoại ngữ, mẹ sẽ dành tiền cho con học kỹ năng sống. Theo cách của mẹ, chứ không phải là chạy theo mode bây giờ. Con cần phải tới các trại trẻ, cùng xếp hàng vào nhà ăn, ăn xong cùng nhau dọn dẹp. Con cần phải biết so sánh bữa cơm mẹ nấu ngon hơn bữa cơm của các bạn ở trại ra sao, chứ không phải để mọi người phải thuyết phục mỏi miệng “ăn đi, ngon lắm đó con” mà không ăn thua. Con phải biết một chuyến du lịch dù ngắn ngủi của mẹ con mình, sẽ buồn cười lắm nếu so sánh với ước mơ bước chân qua bức tường vây quanh trại trẻ. Một cái nắm tay thật chặt, một cái ôm, một bờ vai đưa ra cho ai đó dựa vào và cùng cất cao tiếng hát … tại sao lại giá trị. Con cần phải đi thật nhiều, để thực sự hiểu.

Con cần phải đi nhiều hơn mẹ, để cảm nhận sự khác biệt, sự đặc biệt của con và sự đặc biệt của những người khác. Con không là duy nhất. Chính xác, con chỉ là duy nhất với riêng mẹ mà thôi. Mẹ cũng chỉ là một người phụ nữ rất rất bình thường, thậm chí kém cỏi, hơn nhiều MẸ mà con sẽ gặp.  Mẹ rất mong con sớm gặp được họ.

Năm qua, con biết tới Luala Concert rồi nhỉ. Mùa Thu năm nay, mẹ con ta sẽ tiếp tục tham gia chứ?

Mẹ đã cho con thử đến gần với nhạc thính phòng, với những cây đàn vĩ cầm, piano, dàn kèn đồng và trống phách … mẹ chưa lý giải được vì sao con thích kèn. Bởi vì chúng to khỏe ư? Bởi vì tiếng của chúng rất to phải không? Này, cô bé, những thứ bóng bẩy thường làm ta lóa mắt. Những thứ trông to xác cũng có thể rỗng tuếch rỗng toác, không chừng. Con có nhìn bức ảnh mẹ chụp lại những vết xước trên cây đàn cello không. Còn một đoạn băng dính to đùng ở hộp đàn nữa cơ. Cây vĩ thì xơ tướp ra. Nhìn trên tivi, quả khó mà thấy những điều đó.

Mẹ muốn con cố gắng tới thật gần sự thật, gần nhất có thể, nếu con muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi bất kỳ. Trong một buổi chiếu phóng sự chiến trường, người phóng viên mà mẹ tiếp xúc hôm đó đã khiến mẹ tức tưởi và cáu giận “sao lại có một vẻ bàng quan vô cảm thế kia được chứ, khi ông ta đã chứng kiến người ta giết hại nhau. Tại sao không phải là tìm cách cứu sống mà lại là đứng đó chứng kiến và ghi hình?”. Chạm vào nỗi đau gần đến thế, nếu không phải họ cứ khăng khăng giữ sứ mệnh vạch trần sự đen tối nhơ nhớp tồi tệ kia, thì chắc họ đã quỳ mọp xuống và khóc rống lên, và rồi cũng sẽ bị những kẻ điên rồ kia bắn chết. Mẹ chắc là con và thế hệ các con sẽ có dịp được xem “Việt Nam thiên sử truyền hình” của một nhà báo Mỹ. Mẹ hy vọng là khi ấy mẹ vẫn còn đủ sức khỏe để ngồi bên con, giải thích những điều con bỡ ngỡ.

Điều mẹ muốn nói với con không phải là xúi “con hãy liều lĩnh”. Đôi khi để đến gần với sự thật, con người phải đánh đổi nhiều thứ (đắt giá nhất là niềm tin) ... Dù sao con hãy cứ bước đi, mẹ luôn ủng hộ con. Với sự thấp thỏm, đương nhiên rồi, con yêu.

Con thấy không, mẹ cũng chẳng mạnh mẽ lắm đâu, rất hay khóc, khiến con lo lắng. Mẹ đã từng là một đứa trẻ như con trước khi là một người lớn mà. Trong mỗi người lớn đều có “một đứa trẻ chưa kịp lớn”. Mẹ nghĩ thế. Mẹ luôn cố gắng không nói dối. Như thế là mẹ nhận lỗi rồi nhé: mẹ có nói dối. Mẹ vẫn sẽ tiếp tục nói dối, nếu mẹ cho rằng điều đó là tốt cho con gái của mẹ. Mẹ sai ư, chắc khó thuyết phục mẹ lắm, vì mẹ cứ tin là mẹ đúng cơ. Con còn quá nhỏ để hiểu được một câu nói thật quá thô thiển và khó hiểu, ví dụ như “bố và mẹ đã chia tay”. Với một đứa trẻ 4 tuổi hơi nhạy cảm, có lẽ nên tìm một câu nói thật nào đỡ trừu tượng hơn thế chăng, lấy ví dụ về con chó và con mèo chẳng hạn, cứ hay cắn nhau, chẳng có vẻ thân thiết gì cả và không thể sống cùng nhà. Thế là, mẹ bật đèn xanh cho cô bé của mẹ nói dối mất rồi. Bố con sẽ không đồng ý với mẹ, mẹ biết chắc thế. Nhưng … tại sao lại không được nói dối chứ. Ừ, nếu con hỏi mẹ như thế, mẹ cũng chưa biết trả lời ra sao. Cho mẹ khất nhé. Nếu biết nói thật khiến cho người khác đau lòng, thì phản ứng tự nhiên  của con người là … nói dối.

Hành trang năm cũ cũng đã hòm hòm rồi đấy, con đếm cho mẹ xem được bao nhiêu kỷ niệm rồi nhé. Năm cũ mẹ con mình ít đi chơi nhỉ, cũng vì thiếu bố đấy. Mẹ nhìn thấy câu hỏi bé xíu trong mắt con rồi. Nó sẽ ngày một lớn hơn. Vì thế, một năm nào đó cũng thời khắc này, mẹ sẽ ngồi kể con nghe về tình yêu của cha và mẹ. Con hãy tin, con được sinh ra từ tình yêu của cha và mẹ. Bất kỳ em bé nào trên thế giới này, đều được tạo ra trong 1 khoảnh khắc kỳ diệu của tình yêu con ạ. Mẹ không nhận con từ một chú cò trắng như người ta vẫn nói đâu. Từ từ rồi mẹ sẽ kể cho con nghe. Đó là một câu chuyện rất thú vị, mẹ hứa đấy.

Nhắc tới những câu chuyện ...
Mẹ thấy vui mỗi khi thấy con chăm chú lắng nghe mẹ kể chuyện. Nể sợ nữa nhé, khi con cầm trên tay một cuốn truyện và say sưa … đọc. thực ra, câu chuyện con kể khi ấy sẽ là 1 câu chuyện sáng tác nóng hôi hổi và biến hóa nhanh như chảo chớp.

Mẹ thấy mẹ ở trong con. Mẹ lớn lên với những câu ru à ơi Bắc bộ và những câu chuyện cổ nhân nghĩa trên đời do cụ ngoại (của con) kể hàng đêm. Hãy luôn giữ tình yêu với việc đọc sách con nhé. Sách chính là cuộc sống. Truyện có tính hư cấu coi như cuộc sống được tô vẽ chút ít màu sắc, nhưng bản chất vẫn là những vấn đề của con người trên thế gian này mà thôi. Mẹ dành hơi ít thời gian để đọc sách cho con nghe, vì mẹ con mình chỉ có vài tiếng ít ỏi mỗi tối. Sau này vào lớp một rồi học lên nữa, con sẽ còn thấy ít thời gian cho sách truyện hơn nữa. Mẹ sẽ dành cho con một góc (góc phòng), để con chìm đắm vào một thế giới nào đó khác, rời bỏ thế giới hiện tại trong chốc lát. Để rồi trở về (landed) đầy nội lực và sự sáng tạo.

Có tiếng gõ cửa mạnh hơn rồi kìa, Xuân đã tới, để gửi lời chúc hay ăn chóng lớn ngoan ngoãn học giỏi tới con, rồi mùa Xuân đến với những bạn nhỏ khác nữa. Hãy ra mở cửa cho mùa Xuân đi con. 


những hình ảnh mới nhất

từ party Tất niên của ACB khu vực Hà nội - tối 1 Feb 2013
Tân Chủ tịch hội đồng quản trị ACB với các fan nữ của bàn mình. Ai bảo mình nhận chụp ảnh cơ, nên rốt cuộc thiếu mỗi mình mình. Hu hu ức quá





hotboy, người nổi tiếng, gọi thế nào cũng đúng với Huy trong tối nay khi Huy phải chạy khắp các bàn tiệc, chụp ảnh cùng mọi người. Bù đắp lại lỗi lầm làm cho mọi người đói lả khi phải đợi chờ. Vì chuyến bay trễ và vì tắc đường nên bữa tiệc đến 7h mới bắt đầu thay vì 6h như thông báo.
hey da, hai em đứng sát anh Huy đêm nay về mất ngủ mất. Tụi nó hét ầm lên khi Huy chạy ào vào khán phòng. Các bức ảnh được đưa lên facebook ngay sau đó có vài giây với những status nóng hổi. Thậm chí, B.Hà còn bon chen được 1 kiểu cực kỳ thân mật với Huy, up lên rồi phẩy tay "vào xem hàng đi các em" - điêu ghê cơ. Gái có chồng rồi còn thế đấy. Gái chưa chồng còn đổ kềnh càng nữa. 34 tuổi đúng là quá trẻ cho vị trí mà Huy đang nắm giữ. Mình thấy Huy bình thường, không đẹp trai lắm. Nếu gọi là boy thì không chắc. thôi thì, ông Trời chẳng cho ai tất cả ...
Chẳng hiểu sao mà dịp này, cả Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ đến các Phó Tổng đều góp mặt. Đoán chừng họ ra chúc Tết các vị chức sắc ở Ngân hàng Nhà nước rồi nhân dịp đến "chiêu hiền đãi sỹ" lên dây cót tinh thần cho anh em tí chút.
Đi và cười. Hò hét và trêu chọc nhau. Thời tiết đẹp. Tụi trẻ con chạy tung t ăng.
thực ra, cũng không biết phải buồn như thế nào bây giờ. Lương giảm tới 30%, thưởng cắt. Tiền ăn cắt - làm cho kế hoạch tăng cân bị hoãn vô thời hạn rồi - hix. Sa thải nhân viên hàng loạt.
Nhưng, trong mắt các thế hệ kế tiếp thì mình vẫn luôn rất lạc quan, đến nỗi có em phỏng vấn "chị ơi, mười mấy năm chị ở đây, trải qua bao cuộc bể dâu, chị cho em bí quyết làm sao chị vẫn vui tươi thế ạ?"
thật khó để trả lời cho 1 cô bé mới ra trường về điều này. nếu nói 1 câu hơi triết lý thì khó "thấm" lắm. Tốt hơn hết là dùng chính nụ cười và tinh thần lạc quan để thuyết phục các em.
(gửi người phương xa tấm ảnh mới nhất trong tiệc Tất niên tối nay nhé. Vừa già vừa xấu mà ku te hơn cả đám 9X, ngại nhờ ;-))