Tôi thường ra đó vào sáng sớm để gội đầu trước khi đi làm. Chẳng ai gội đầu vào lúc đó nên mình có được phục vụ rất VIP. Chỉ có 2 chị em, nên em hay nói chuyện. Câu chuyện thường xoay quanh việc kiếm tiền và tìm người yêu của em. Đó là 1 em gái người Nghệ An gày gò, người mỏng dẹt, nhưng nụ cười có duyên với chất giọng cũng “duyên” chẳng kém.
Sáng nay, em kể tôi nghe về chuyện thằng cha nào đó trong làng, mà chị chủ giới thiệu cho em, đã làm cho 1 cô gái có bầu, chắc sắp cưới. Câu chuyện không có gì giật gân cả. Một đôi nam nữ, có thể yêu có thể không, đi quá giới hạn và cô gái có bầu, rồi họ chạy thật nhanh lo 1 đám cưới để hợp thức cái thai đó. Và cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Em gái gội đầu bảo “thế mà mọi người cứ gán em với thằng ấy, lúc đó nó chắc đang tán tỉnh con kia rồi”.
Rồi, em kể tôi nghe về cuộc sống của những người phụ nữ ở quê em. Từ mẹ, những đêm bị bố đuổi ra ngoài bếp ngủ, em chạy theo ngủ cùng sợ mẹ buồn mặc dù bố dọa đánh. Rồi, chị gái của em lấy chồng khi mới 18 tuổi, thằng chồng rượu vào thì lại cầm dao rượt vợ chạy quanh. Đã không ít lần, em gái đã phải xoa bóp người cô chị cứng ngắc và lạnh ngắt vì uất ức. Rồi còn nhiều cảnh ngộ nữa. Nhưng, họ không dám nghĩ đến 2 chữ ly hôn. Nhắc tới là chỉ có nước mà đi biệt xứ. Xóm giềng xầm xì bàn tán, thiên hạ nhòm ngó. Bản thân em gái gội đầu, khi đi lên Hà nội học nghề và làm việc, cũng bị gánh cái tiếng “chắc là có bầu với thằng nào rồi bỏ đi, không dám về làng”. Thực ra là em nó đã học được rất nhiều thứ văn minh ở xứ tỉnh lị này nên giờ nó ít về nhà, vì cứ về là bố mẹ lại ép lấy chồng.
Em giờ tự chủ hơn trước đây khi tôi gặp em lần đầu. Em nói không về quê lấy chồng, ở quê chỉ còn những thằng con trai không học hành không nghề ngỗng gì, cờ bạc rượu chè bê tha, lấy vợ sớm có con sớm loanh quanh rảnh rỗi rồi sinh ra tật. Em bảo không còn sợ đi lấy chồng xa nữa. Em muốn chồng cũng phải đi làm, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn tích cóp, chứ nếu một mình em đi làm nuôi chồng thì sao cho đủ.
Chuyện xã hội là câu chuyện bạo hành trong gia đình, sao xã hội càng văn minh thì lại càng quay lại những trò như thời nguyên thủy thế không biết nữa. Từ câu chuyện thủ thỉ tâm sự của em, tôi cảm thấy trong mình dâng lên một nỗi cay đắng thấm ngọt vào xương. Ly hôn là cách tốt nhất để họ thoát khỏi cảnh tù tội, mặc dù không ai thấy lao tù. Cô chị gái của em mới có 25 tuổi thôi. Em còn trẻ lắm, đời còn dài lắm. Em phải làm nhiều việc nữa cho con trai mình. Vậy mà em chôn vùi năm tháng còn lại trong cảnh làm vợ, làm dâu đó. Vớ vẩn quá mức. Ai cũng nói là “vì con cái”. Đúng là như vậy, chúng ta vì con cái nhiều lắm. Nhưng tại sao lại ấu trĩ thế, nghĩ rằng mình chịu đựng như vậy là vì con cái? Trong khi, để con cái phải chứng kiến những cảnh tượng phản cảm đó ? Thậm chí, nó có thể bị ám ảnh và tổn thương trong một cơn giận dữ không thể kiềm chế nào đó, ai mà biết được.
Trong những gia đình trí thức, cái cách người đàn ông “đánh” người đàn bà cũng không khác cái thằng ngu dân ở quê lắm. Xét ra thì cũng một duộc cả thôi. Những lời chì chiết suy diễn nông cạn. Những ghen tuông nghi ngờ khoác lên vai người vợ hàng ngày hàng giờ. Thói keo kiệt bủn xỉn với tất cả mọi người nhưng lại đòi hỏi người vợ phải phục dịch cho bản thân gã và hàng tá người của nhà gã phải thật vô tư và vô điều kiện. Cái cách gã chửi mắng bằng những cụm từ hoa mỹ, sách vở vào ban ngày, nhưng ban đêm vẫn vần vò thân xác ngọt nhạt dỗ dành. Không có vết bầm tím ở đâu hết. Không có vết xước và vết khâu vá ở đâu hết. Nhưng, cái đau cứ âm ỉ đến tận cùng xương tủy. Hèn hạ thật.
Tại sao, người đàn ông có thể lựa chọn, nâng lên đặt xuống, chê bai ỏng eo còn hơn gái mới lớn? Mà người phụ nữ lại không thể chọn lựa hoặc chối từ, thậm chí chối bỏ? Không phải chuyện xã hội. Không phải “nghe kể chuyện ngày nay ...”. Đó là câu chuyện của tất cả các thời kỳ. “Tức nước vỡ bờ”. Cái thói tham lam, kẻ cả của người đàn ông, lúc nào cũng thế. Làm sai vô độ, nhưng lại dễ bề che đậy. Ông Trời đã sinh ra người đàn ông cái gì cũng lồ lộ ra ngoài, gia đình hớn hở vênh vang chỉ vì cái lồ lộ ra ngoài đó. Người phụ nữ cái gì cũng lặn vào trong. Cái thói đời, cười ra nước mắt. Khóc cũng không được khóc cho ra hồn. Mấy ai được khóc trong sự xót xa của chồng mình, của người yêu mình? Rốt cuộc, khi cần thì ngọt ngào và gian trá. Còn khi đã không cần nữa thì gian trá và tàn tệ.
dường như tôi đang có một nỗi niềm gì đó trong lòng thì phải ? Chắc là có. Hiện thực hiện ra trong những con chữ của tôi thường không gọt rũa. Nó thế nào, cứ để thế đấy. Đó mới là Hiện thực, lại còn hiện thực phê phán nữa thì càng phải như vậy. Nỗi niềm riêng tư của tôi, ai thực sự quan tâm rồi sẽ biết. Bằng cách dùng trái tim để cảm nhận. Hoặc bằng … một cái nắm tay. Cái này thì hơi lạ, phải không?
Nắm tay chia sẻ, chính là hình ảnh để tôi chọn slogan và mục tiêu hành động cho nhóm. Warm hands Warm hearts. Một bờ vai mạnh mẽ, vòng tay gánh đỡ, một cái nắm tay ấm áp … không còn là khó hình dung với nhiều người. Nhưng, đối với những người phụ nữ như tôi, như em gái gội đầu và nhiều người phụ nữ khác, có khi nào những cái nắm tay ấy là vô tư và vô điều kiện ? Có thứ tình cảm nào vô tư và vô điều kiện như thế còn tồn tại hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét