Đã lâu rồi không viết gì cho mình. Nhét vô tội vạ những suy nghĩ điên rồ ở đây, như đứa trẻ nào cũng có một góc tối bí mật vậy. Một góc bí mật để lúc vui tạt qua, cười với mình một cái,để lúc buồn ngồi phệt xuống khóc đã đời một trận. Một nơi để ngồi bó gối, lắng nghe tiếng trái tim lặng lẽ trở mình.
Đôi lúc, một vài ý tưởng thú vị cũng xuất hiện, nhưng nó lướt qua với tốc độ nhanh gấp đôi với khi nó xuất hiện. Và thế là trượt. Người ta có một khái niệm “nắm bắt cơ hội” là thế. Rình bắt cơ hội như chú mèo mướp hằng đêm nằm rình chuột bên bếp than hay hờ hững lạnh lùng gạt cơ hội sang một bên? Có lẽ, chẳng đơn giản muốn thế thì là thế.
Thỉnh thoảng gặm nhấm những ngôn từ ngây thơ của tụi trẻ con để được thấy lòng mình dịu xuống mọt chút ít. Đêm chung kết Vietnam's got talent, MC hỏi thí sinh dồn dập “bạn có nghe thấy những tràng pháo tay của khán giả dành cho bạn không? Bạn có nghe thấy không?. ..”, Giang quay sang hỏi mẹ “cô ấy bị điếc hả mẹ?”. Mẹ: bó tay, cười hì.
Mỗi khi đi ngang tiệm áo cưới đầu ngõ, Giang hay hỏi “bác Hạnh không có đám cưới à? Cháu không thấy ảnh bác mặc váy cưới”. Bác Hạnh trả lời: bác không có đám cưới, bác không thích. Giang thỏa mãn với câu trả lời của bác Hạnh. Tại sao lại phải đau đầu nghĩ cách đi vòng trong khi sự thật rất ngắn gọn và đơn giản như thế.
Bé An thì chơi với đoàn tàu hỏa chạy bằng pin, bé xếp các thanh ray thành các hình tròn, hình chữ S, hình dấu hỏi – bé gọi đó là “câu đố”, hình bóng đèn và bé kêu tên hình dạng đó lên khá chính xác. Bé thích màu xanh, nên hình vẽ nào, hình khối nào cần tô, bé cũng sử dụng màu xanh. Mọi tờ giấy sau đó đều có màu xanh, trông thật là buồn chán, tẻ nhạt. Nhưng làm sao mà bé biết đó là tẻ nhạt. Muốn giảng cho con về sự tẻ nhạt, thì có lẽ phải dạy bé biết sự nồng nhiệt và vui vẻ là như thế nào đã. Cả hai đứa trẻ đang thích “Nhật ký của mẹ” và đều muốn được xinh đẹp dễ thương như công chúa ô ri.
Còn mình thì thích gì vào lúc này ?
Làm sao để chia sẻ với con về nỗi lo chuẩn bị cho con vào lớp 1. Cho đến giờ, mình vẫn ghét trường lớp, sự đe nẹt, những buổi trả bài thấp thỏm, những bài tập khó, mình ghét thầy cô giáo. Vậy mà mình lại phải nghĩ đến “đi học”. Cái tên của sự việc là “nợ đồng lần”. Cách để người ta nói về cái vòng tròn xoáy ốc mối lương duyên giữa cha/mẹ và con cái ở trên đời. Mọi thứ đều có nguyên do của nó. Mình không muốn sự sợ hãi và sự căm ghét của mình sẽ đem tới kết cục xấu cho việc học của con. Có những điều mình không muốn mà vẫn phải làm. Mình biết nghĩ gì hơn vào lúc này ?
Mùa Thu sắp tới rồi. Mùa Đông lạnh giá đang chờ sau lưng nó. Đêm càng ngày càng dài thêm ra, vì giấc ngủ dần tuyệt vọng. Trong mơ, đôi khi được mỉm cười, vì có ai đó đang nhìn mình cười mềm mại lắm, yên tâm lắm. Nhưng sau đó, mình quay đi, có đôi khi là chạy đi. Giấc mơ đẹp nhất, có lẽ là giấc mơ tuyệt vọng nhất. Nơi con đường u tối, mình cầm tay 1 đứa trẻ, đứng trơ ra đó, lặng lẽ. Ở phía xa kia, mọi thứ đang có vẻ rất ồn ã, có vẻ rất lung linh và rất tuyệt. Nơi con đường u tối này, chẳng ai muốn đi vào, có 1 người đàn bà cầm tay 1 đứa trẻ, đứng chết lặng, và … thầm quay đi mỗi khi có ai đó đi qua... Đó chính là số phận của mình. Tại sao mình lại bỏ qua giấc mơ đó, để tự huyễn hoặc mình cơ chứ? Cuộc sống rộn ràng đầy màu sắc, cuộc sống có ý nghĩa cao đẹp, cuộc sống no đủ và luôn vui vẻ... nơi ấy xa lắm. Ánh mắt cứ dõi về nơi xa lắm ấy, cho đến lúc bạc đi. Nếu muốn nhìn thấy màu bạc ấy, hãy nhìn vào đôi mắt của những người mẹ ôm trong tay đứa con bệnh nặng, mà trong túi không còn đủ 1 suất cơm trưa. Lúc đó, con người ta mong gì nhất ?
Mình chỉ biết chắp tay lại, cầu nguyện. Cầu cho những đau đớn dằn vặt đừng kéo dài quá sức chịu đựng của con người. Mình quay lưng lại, mình đã thất bại suốt cả 1 cuộc đời mình, nhưng hãy cố dành tặng cho con gái những điều tốt đẹp hơn, bằng cách chỉ cho con con đường sáng để đi. Ít ai có đủ thời gian và sức lực để đi ngược lại quãng đường để thoát ra khỏi ngõ cụt.
Mình nghĩ là đã quá muộn rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét