câc bài viết trong năm 2012

sáng tác

Thạch Huế,


Yêu anh em biết “dạ”, “thưa”
Biết yêu vành nón trăng tròn nên duyên ...

“chua choa, mạ ơi, lâu quá không thấy bổn cô nương ghé quắng. Thạch ơi, dẹp bằng số 7 trên gác nghe con. Bổn cô nương đia lâu không thía ghé? Hôm nào cô nương mừ ghé, y chang hôm nớ tui bán hết veo”
“chưa thấy người đã thấy tiếng” - cô nương 1 lên tiếng - “tụi con thi tốt nghiệp mạ ơi”
“Bổn cô nương định đi lèm chưa?”
cô nương 2: con đi du học
cô nương 3: con mở tiệm quần áo ở nhà
cô nương 1: con phụ bố mẹ con ở công ty
“còn cô nương kia?”
cô nương 1, 2, 3 cùng lên tiếng: nó định lấy chồng, mạ ơi …. (tiếng cười rộn, tiếng guốc cạch cạch trên bậc thang hòa cùng với tiếng chí chóe của các cô nương)

Họ đang ngồi ở quán Mụ Lệ, chuyên bán đồ ăn Huế. Cả tháng rạp người vì đồ án tốt nghiệp, cả 4 cô đều gầy rộc. Cuộc hội họp đầu tiên sau khi bảo vệ đồ án là ở quán mụ Lệ, địa chỉ đã quen thuộc với cả 4 cô trong suốt 4 năm học đại học cùng nhau. Cu Tiễn, thằng bé đen nhẻm chạy ra đon đả dắt xe cho các cô. Mụ Lệ luôn dành sẵn cái bàn ở góc trong cùng trên gác cho họ. Cũng chẳng cần phải gọi món, vì mụ Lệ biết các cô sẽ dùng tất cả 9 món bánh của nhà hàng. Lần nào cũng vậy, mụ Lệ “chu choa” mỗi khi ghé bàn tính tiền. Một chồng đĩa nhôm và nhựa chồng lên nhau. Đĩa nào đĩa nấy sạch bách.

Hôm nay, tâm trạng của họ rất tốt. 4 nàng tươi như hoa. Kết quả tốt nghiệp của họ không hề tồi. Cô nương 2 còn ôm theo 1 bó sen hồng, hít hà hít hà suốt. “Tao đi du học mấy năm, chẳng có hoa sen mà ngắm mà ngửi như tụi bay”. Cô nương 1 thả giọng: “nó đi rồi, nhóm mình thiếu 1 chân tá lả, thiếu 1 tay máy ảnh cừ khôi để tụi mình tạo dáng, thiếu 1 đả nữ bánh Huế ..., mụ Lệ nhớ nó phải biết, hỷ”. Không khí bỗng trầm xuống, chẳng được bao lâu, 4 gương mặt dãn ra ngay khi ngửi thấy mùi bánh nóng. Nhưng, không phải cu Tiễn mang đồ ăn tới cho họ như mọi khi mà là 1 anh chàng nhỏ con, mặc bộ quần áo khaki màu xi măng cũ nhưng sạch sẽ. Mụ Lệ gọi anh ta là gì ý nhỉ. À, Thạch. Chắc là nhân viên mới. Quán mụ Lệ nằm trong 1 con ngõ nhỏ, nhưng lúc nào cũng đông khách. Mà mụ cũng kiêu lắm cơ. Chỉ mở cửa quán từ 9 giờ sáng đến khoảng 6 giờ chiều đã dọn dẹp, chuẩn bị đi tập thể dục cùng mấy bà trong khu rồi.

“dạ, mời các cô xơi” - tiếng nói của anh ta chìm lỉm giữa tiếng ồn của các bàn xung quanh.
“anh nói gì cơ?” - cô nương 4 hỏi
“dạ, mời các cô xơi bánh” - anh chàng đưa mắt nhìn thẳng vào cô và kiên nhẫn lặp lại
“cảm ơn anh. Mang thêm cho tụi tôi 1 bát nước chấm cay, 1 rổ rau sống và vài quả quất nữa nhé”
“dạ”

“con trai gì mà ẻo lả vậy nhỉ” - cô nương 1 nguýt 1 cái sau khi anh chàng nhỏ con kia quay đi
“người Huế mà” - cô nương 2 xuề xòa - “thôi ăn đi cho nóng”

Khác với 3 cô nương kia, cô chưa biết sẽ trả lời thế nào khi bạn bè hỏi “ra trường đã tính làm gì chưa?”. Cô đã nộp hồ sơ một vài nơi, nhưng chưa nơi nào liên lạc. Cầm tấm bằng loại giỏi, bí thư đoàn trường 3 năm liền, cô chưa thoát khỏi không khí học tập náo nức thi đua với 3 cô bạn cũng giỏi không kém. Giờ đây, họ đã đến ngã 3 đường, mỗi người một hướng, thậm chí xa xôi cách trở. Nhìn các bạn, trong cô rộn lên 1 cảm xúc thân thương khó tả. Biết bao kỷ niệm ùa về ...

Lần này, người đến bàn tính tiền không phải mụ Lệ mà là Thạch. Anh chàng cầm theo 1 tập giấy vuông vức nhỏ xíu và 1 cây bút. Chỉ trong chưa đến 1 phút, anh chàng báo cho các cô tổng số tiền sau khi đọc lại cho các cô nghe một list dài các món. “Này, cộng lại lần nữa cho chắc, nhầm thì mụ Lệ không để yên đâu”. “dạ”. Lại “dạ”. Cái thứ tiếng này nghe lạ tai quá chừng. Nó nhẹ như là mực in vào giấy thấm ý.

Hôm nay tâm trạng họ thật là bình yên. Cuộc chạy đua nước rút đã ở phía sau, và con đường rộng mở ra trước mắt. Cô nhìn xung quanh quán. Những cái bàn inox sạch bóng, mặt bàn không còn vết lồi lõm như dạo xưa. Trên tường dán những con số từ 1 đến 7 màu xanh. Thạch xoay qua bàn số 6 kế bên, nhanh tay xóc lại ống đũa cho thẳng, rút nhanh chiếc khăn đang cài túi quần ra lau mặt bàn rồi lại nhanh chóng cài chiếc khăn trở lại. Tác phong nhanh nhẹn, thoăn thoắt, dứt khoát và cách bày trí khoa học hơn của quán mụ Lệ khiến cô thích thú. Ánh mắt cương nghị, gương mặt xương xương, màu da rắn rỏi. Sao anh ta lại là nhân viên phục vụ ở đây được chứ. Hay đây là con trai mụ Lệ ?

“Không phải, không phải. Nó là cháu họ tui. Ra trường gần năm nay, chẳng có việc làm. Quán đông, nó lại chưa biết Hà nội ở mô nên tui bẩu ra đây phụ giúp. Tui trả chẳng kém lương thử việc của mấy công ty quanh đây đâu, mừ nó chưa ưng. Nộp hồ sơ vài nơi rồi mà chưa có trả lời răng. Quán nó sửa lại cho tui, sắp đặt cho khoa học như rứa, bổn cô thấy sao ta?”.
….....
Sau khi chia tay cô nương 2 đi du học, 3 cô vẫn giữ lịch hẹn hò ở quán mụ Lệ. Mỗi lần đến lại ôn nghèo nhớ khổ chuyện học xưa cũ, bạn bè xưa cũ và những lo toan tính toán mới. Cô đã xin được vào làm ở 1 công ty nhỏ, quy mô có gần chục người, lương chẳng là bao nhưng còn đỡ hơn là ở nhà ăn bám bố mẹ. Thạch vẫn làm ở đó, bây giờ đã chủ động hơn. Thỉnh thoảng, khi trờ xe vào hè, cô thoáng thấy anh đang cầm trên tay 1 cuốn sách chăm chú đọc. Nhưng khi có khách, anh nhanh nhẹn dọn ghế đúng số người bước vào, nhớ món họ gọi rất nhanh và chuẩn xác, tính nhẩm thì không ai bằng. Ai cũng tấm tắc khen. Mỗi khi nhìn anh chạy qua chạy lại, cô lại thở dài, nhớ thời sinh viên làm bí thư đoàn trường năng nổ, cô cũng đã linh lợi hoạt bát như thế. Anh chàng đã vài lần bắt gặp ánh mắt của cô. Anh thường nở một nụ cười mỗi khi ấy, khiến cô không khỏi cảm thấy thẹn thùng. Không biết tự bao giờ, cô nhớ quán mụ Lệ và tiếng “dạ” ngọt như mực in vào giấy thấm của Thạch.

Một chiều, cùng giám đốc đi ký hợp đồng xong cô được về sớm. Ghé quán mụ Lệ một mình, dự định mua vài món bánh về biếu mẹ. Trời đổ mưa sau cơn dông bất chợt khiến đám xe máy ướt nhẹp. Khi dắt xe ra, đạp mỏi cả chân mà không nổ. Thạch lặng lẽ mang ra 1 thùng đồ nghề bằng sắt hoen gỉ, dựng thẳng chân chống xe, “để tui xem thế nào”. Cô chưa thấy một người con trai nào lặng lẽ vậy. Tập trung làm chẳng nói năng chi. Cho đến khi chiếc xe chịu nổ, tiếng nổ bùm bụp gượng gạo rồi sau mấy hồi ga, nó trở nên ròn rã hơn. “cảm ơn anh nhé”. “dạ, không có chi”. Kể từ sau lần đó. Cô nương 1 cũng có cái nhìn khác hơn với Thạch, mặc dù trước đó, cô là cô gái hay chành chọe anh nhất mỗi khi đến quán. Còn cô, cô nương 4, cô dành cho anh một thiện cảm tốt đẹp.

Hà nội đã sang Thu. Anh ra Hà nội phụ mụ Lệ được gần nửa năm mà vẫn không có một cơ may nào cho những hồ sơ tìm việc. Một lần, sau khi gói ghém cho các cô mỗi người 1 bịch thạch dừa mang về, Thạch dắt chiếc xe của cô ra khỏi bãi cuối cùng, rồi tần ngần: “tui định nhờ cô 1 việc”. “có việc gì, anh cứ nói”. “tui học ngoại ngữ không được tốt cho lắm. Tôi định đi học thêm 1 khóa tiếng Anh chuyên ngành khi còn ở Hà nội, nhưng toàn bộ tiền làm được tôi đã gửi về quê cho mạ tôi hết rồi. O Lệ nói tôi có thể nhờ các cô, à ờ nhờ cô, vì cô giỏi tiếng Anh. Muốn đi làm phải có vốn tiếng Anh kha khá mới mong xin được việc”. “được thôi, không có gì khó khăn cả. Tôi có thể giúp anh học buổi tối, sau khi anh xong việc ở quán”. “dạ, cảm ơn cô”.

Kể từ đó, tuần 2 buổi, cô phụ đạo cho Thạch. Quả là phát âm của anh có vấn đề. Nhưng Thạch là một người chuyên tâm học tập. Nhiều lần, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên gương mặt xương xương của anh mỗi khi gặp một từ khó, dài đến 4 – 5 âm tiết, phải nhấn trọng âm. Tiền thuê phụ đạo được trả bằng kiến thức, chứ không phải bằng tiền. Thạch học kế toán, tài chính ngân hàng, vì vậy, anh bổ túc cho tôi kiến thức kế toán căn bản. Trong công việc, thỉnh thoảng cô phải liên hệ với Ngân hàng chuẩn bị nguồn tiền cho hợp đồng mới, những kiến thức anh trang bị cho cô đã giúp cô trở thành cánh tay phải của Sếp. Mỗi buổi học là 1 thử thách thú vị. Dạy một đứa trẻ khác hẳn dạy một người trưởng thành. Tranh luận và đào sâu bằng những câu hỏi là chuyện thường thấy. Thạch nhẹ nhàng. Cô hơi nóng nảy. Thạch ít nói. Cô chành chọe. Mụ Lệ mỗi lần nghe chúng tôi tranh luận, lại cười và bảo “cô nương ơi, về xứ Huế mà coi, con gái Huế dịu dàng chứ đâu cứ như mô”.

Khi mùa Thu đã vàng khắp các con phố Hà nội thì Thạch báo tin đã tìm được việc. Cô nhảy cẫng lên vui mừng “đấy, anh thấy chưa, cố công chờ đợi rồi cũng có ngày hái quả ngọt”. Thạch cười vì sự ví von của cô. Thạch cười, nụ cười nhẹ nhõm lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi biết nhau. “Tui tìm được 1 công việc ở Huế. Rất mừng vì có thể ở bên cha mẹ, không tốn kém tiền thuê nhà, chi phí ở Huế không đắt đỏ như ở đây. Được làm việc ở ngay quê mình thì tốt hơn là phải đi làm xa quê”. “Anh có nhớ Hà nội không?”. “có chứ. Hà nội đẹp, đông, vui. Quen mấy cô, tui biết nhiều thứ ở Hà nội. Sau này có điều kiện, sẽ đưa mạ tui ra Hà nội chơi. Khi nào cô vào Huế, nhất định ghé nhà tui chơi nha”. “dạ”. “Nghe cô dạ, tui tưởng đâu cô người Huế chớ” - Thạch cười, nụ cười cũng hiền và ngọt như là mực in vào giấy thấm.

Thạch về lại Huế rồi, chỉ còn cu Tiễn phụ giúp mụ Lệ. Mỗi lần họ tụ họp ăn bánh Huế, cô nhớ dáng người nhỏ bé của Thạch chạy giữa các dãy bàn, nhớ tiếng “dạ” của anh và sự quyết liệt mỗi buổi học tiếng Anh. Một giai đoạn ngọt ngào và thanh thanh, như món bánh bột lọc Huế mà các cô đã nghiện hơn cả món Bắc.

Cô xin phép mẹ “mẹ ơi, Tết này con ở nhà với bố mẹ đến mùng 2, con xin phép đi du lịch Huế đến mùng 8 con ra”. Mẹ hỏi “con vào Huế, nhớ đến thăm gia đình Thạch. Thằng bé là đứa có trí, thế nào cũng làm nên chuyện”. Mẹ biết Thạch qua vài lần cô mời anh ghé thăm nhà. Cô cho anh mượn sách. Mẹ đưa anh vài món quần áo còn khá mới của em trai cô, nó đi du học nên để lại 1 tủ quần áo đủ loại. Thạch không từ chối những món quà nhỏ đó, anh cảm ơn mẹ cô chân thành và nói rằng anh sẽ tiết kiệm được 1 khoản tiền để mua quần áo mới. Mỗi lần anh đến thăm, cô lại có dịp được nghe kể về mảnh đất miền Trung chưa một lần đặt chân tới. Những câu chuyện về những ông vua, bà hoàng hậu, mà không phải bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa ...”. Hậu duệ của họ vẫn đang sinh sống ở Huế, cứ nghe cái tên cũng biết, dài, kiêu kỳ và đầy ẩn ý. Bố mẹ thường nháy nhau cười cười khi nhìn ánh mắt cô tò mò chăm chú lắng nghe Thạch kể … Bây giờ đã là cuối mùa Thu rồi.
…..........

Nếu chàng trai Huế có hỏi “em về làm dâu xứ Huế không em?” thì … nếu là một cô gái Huế, cô ấy sẽ “dạ”, phải không anh ...
…..........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét