Sáng gọi điện tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng Hà nội. Cuộc gọi suôn sẻ. Tôi đã có được những thông tin cần thiết. Địa chỉ, đường đi tới đó xa gần thế nào, đường nhựa hay đường đất. Họ có bao nhiêu em bé, độ tuổi, tình trạng sức khỏe. Sau khi tìm hiểu như thường khi, tôi chào tạm biệt cô giám đốc Trung tâm và có nài nỉ cô tạo điều kiện cho tới thăm Trung tâm vào thứ Bảy hay Chủ nhật thì tốt hơn nhưng cô không đồng ý vì ở đây có vài trường hợp là đối tượng của vụ án mua bán trẻ em.
Sau cuộc gọi, tôi không xây dựng được một kế hoạch nào ở Trung tâm cả, vì ở đây trẻ không thiếu thốn gì về vật chất. Nhà hảo tâm cũng đã trang bị cho Trung tâm từ máy giặt, máy sấy cho tới giường chiếu rất đầy đủ. Trẻ dưới 1 tuổi được ăn sữa Lactogen. Tuy cô Giám đốc nói trẻ không thể tăng cân khi ăn Lactogen, mà phải ăn Nan 1, Nan 2 cơ. Nhưng, vì đã tham khảo các loại sữa thông dụng rồi nên tôi biết, Lactogen cũng chẳng phải là loại thường. Tưởng họ cho trẻ ăn sữa đóng bao không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thôi, như thế là cũng tạm ổn rồi.
Những đứa trẻ ở các Trung tâm này thiếu gì, tôi biết. Chúng thiếu nhất là hơi ấm của mẹ. Chân thì muốn đến với tụi trẻ lắm. Nhưng trong lòng thì e sợ.
Như ngày xưa …..
Mẹ chuẩn bị máy thu và quần áo vào chiếc túi to, đưa tiền cho tôi đi chợ và dặn dò trông em, là biết sắp phải xa mẹ, có khi cả tháng. Cứ chiều thứ Bảy xuống cổng ngóng bố từ đơn vị về, tim như vỡ òa khi thấy chiếc U-oát ở góc phố. Thì cũng ngần ấy cảm xúc khi bố vừa nói vừa cười hiền từ “bố đi nhé” vào chiều Chủ nhật.
Những bậc cầu thang gỗ trở lên “chuồng chim cu” 12m2 của gia đình tôi luôn bềnh bồng, vì nước mắt.
Cảm giác chờ đợi mong ngóng đã có trong tôi từ lâu lắm, không nhớ nổi nữa.
Thèm thuồng những buổi cơm chiều vui vui, ấm áp của gia đình hàng xóm.
Hình như tôi sợ thay cho lũ trẻ ở trại. Khi nhóm chúng tôi chia tay chúng ra về. Lúc chúng tôi tới, đôi mắt chúng sáng lên lạ lắm, háo hức nhìn vào những cánh tay ôm chúng vào lòng, chứ không phải là kẹo bánh. Tôi thường hát ru và nhìn thật sâu vào mắt trẻ. Tôi tìm chính mình trong đôi mắt trong veo ấy. Tuổi thơ của tôi nơi đâu. Lặn thật sâu vào đôi mắt ấy, tôi thấy tôi. dài ngoẳng, nhút nhát, có đôi mắt u buồn. Đứa bé u ơ, đôi bàn tay huơ lên gại gại vào má tôi nhột nhột. Trẻ có biết buồn không. Chỉ biết, khi mọi người lục tục chào hỏi các mẹ nuôi ra về, đứa nào ghê gớm thì mới khóc òa lên. Hầu hết lại không khóc, chỉ lặng lẽ nhìn theo, nhìn miết. “Thế là mọi người lại đi rồi”. Tôi rất sợ cái cảm giác đó. Bị bỏ lại. một lần nữa. bỏ rơi. Sau lưng tôi, có điều gì đó đang níu giữ. Trong tim tôi, có những nhịp rất trầm.
Hà nội đã vào Thu. Trời đổi gió và tôi thường xuyên gai lạnh, nên bắt đầu soạn sửa quần áo mùa Thu-Đông cho tụi trẻ trong nhà. Và mong một ngày sáng trời, có thể chạy xe lên Tây Đằng, chuyển ít quần áo cho các con. Vẫn cứ lặng đi khi nhớ bữa cơm 6.000 đồng đong trong những bát nhôm móp méo. Giá như có thể ôm lấy chúng mỗi ngày. Có trường hợp cả 2 chị em ruột bị gia đình bỏ rơi từ mới sinh. Khi người mẹ bỏ con lại ở cổng Trung tâm, chị ấy nghĩ gì nhỉ. Tôi không thể hình dung mọi thứ lúc ấy chỉ đơn giản là quấn con thật chặt để nó nằm yên, cho nó bú sữa mẹ 1 bữa no cuối cùng, rồi đặt nó vào giỏ, để đó, và quay đi. Có khi nào đã quay đi rồi đi thật xa, xa lắm, muôn trùng cách trở. Mà lòng thì đã neo lại mãi, nơi đứa trẻ đã được đặt xuống.
Tôi chỉ mong ông Trời đừng gieo oan trái nữa. Mong sao những người mẹ ấy cố gắng chăm chỉ làm lụng để có chút tiền, lúc nào cũng nghĩ đến con, tìm đến đón con về.
Trẻ có biết buồn không. Phải khi nào trẻ lớn lên, trưởng thành, mới biết được vết sẹo trong lòng trẻ sâu đến cỡ nào. Vết sẹo trong tim, tôi tin, không bao giờ lành được. Người ta che chắn để bảo vệ nó bằng cách nào mà thôi. Trái tim trẻ bị bỏ rơi, chắc là xù xì thô nhám và cứng cáp lắm. Nhưng mà nóng bỏng bởi khát khao tình người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét