các bài viết trong năm 2012

tản mạn về Hà nội …


1. gánh hàng hoa
đó không phải là một xe hoa (xe đạp chở hoa) như bây giờ. Lại càng không phải là một xe máy chở hoa như chở lúa vừa gặt. Trông vừa thương vừa buồn cười cho mấy nàng hoa điệu đàng, rúm ró dưới 1 cái thắt dây thun thô bạo của gã chở hoa trông không có vẻ gì biết thưởng thức hoa cả.
Ngày xưa, các gánh hàng hoa ngồi ở một góc chợ. Theo tôi nhớ thì ở chợ Hôm, họ ngồi ngay cạnh khu bán các loại lá chữa cảm cúm và bệnh trẻ con. Đi sắp tới nơi đã thấy mùi thơm lạ lắm, như sắp bước tới 1 khu vườn cổ tích. Người ta cúi xuống, dón tay nắm lấy 1 cánh hoa hoặc nâng bông hoa từ dưới đài hoa, thả vào tấm lá dong nhỏ mà người bán hàng đã giở sẵn. Chọn lựa bao nhiêu loại hoa và bao nhiêu hoa là tùy người mua, giá cả cũng theo đó mà khác nhau. Người bán hàng dùng 2 lá dong nho nhỏ đặt vuông góc, gập nhẹ cho gẫy sống lá, gói thật khẽ khàng chỗ hoa đó.G ói hoa cứ phồng tròn lên, he hé đủ để tôi có thể nhìn qua đó ngắm những bông hoa tí xíu. Hai cái lạt nhỏ, 1 cái buộc thành hình chữ thập, 1 cái lồng qua thắt nút để có thể cầm tòng teng. Gói lá dong có đủ thứ hoa, thường là những loại hoa nho nhỏ, hoa cúc chi, cúc đại đóa, hoa hoàng lan, ngọc lan, ngâu … sau đó về nhà gia chủ rón rén tháo lạt, mở ra, lại dón tay đặt từng bông hoa lên 1 cái đĩa nhỏ, để lên ban thờ. Tôi không thể nhớ thêm, mọi thứ cứ nhòa nhòa cả. Chỉ biết là ngày xưa khi tôi còn bé, người Hà nội còn có những gánh hàng hoa ở chợ hay trên phố phục vụ giỗ chạp ngày rằm mồng một lễ Tết như thế ...
2. Hồ Tây
Hồ Tây luôn phủ đầy sương. Đó là một tấm gương đầy bí ẩn. Hồ Tây ngày tôi còn nhớ, đứng ở bên bờ này không nhìn rõ bờ bên kia như bây giờ. Đi từ đường Thanh Niên xuống mép nước không bao xa. Đó chỉ là 1 đám đất lầy lội khi có mưa, thoai thoải. Một số cây to ngả rạp xuống nước như ở Hồ Gươm. Lúc đó người ta còn chưa dựng tượng đài Lý tự Trọng. Tôi được bố đưa đến ngó Hồ Tây lần đầu tiên khi khoảng 10 hay 13 tuổi gì đó,đứng mạn đường Thanh Niên. Sau đó, dễ đến vài năm, ngày lễ tốt nghiệp cấp III, tôi và cô bạn học, mặc áo dài (tôi còn nhớ mang máng là 2 đứa đi thuê 2 cái áo dài màu vàng nhạt mặc cho giống nhau), đạp xe lên Hồ Tây, đi xa hơn, tới ngồi bên mép nước ở chùa Kim Liên. Khi đó, nếu muốn đi từ chùa sang thắp hương lên mộ của các sư trụ trì thì phải lên 1 chiếc thuyền nhỏ bơi sang. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ rằng, tiếng chuông chùa bảng lảng lan xa trên mặt Hồ Tây mỗi chiều là từ chùa Kim Liên chứ không phải là từ Phủ Tây Hồ. Rồi Hồ Tây mờ nhạt dần, đến khi gia đình chuyển nhà lên mạn Hồ Tây như bây giờ . Hy vọng, đang được sống giữa 1 trong những lá phổi của Hà nội.
3. Xe bò
Tôi sinh ra và lớn lên ở một con phố – giờ – thì – ai – cũng – biết, Triệu Việt Vương. Song song với Phố Huế đông đúc người xe, chợ búa. Rất gần công viên Thống Nhất, Hồ Hale, trung tâm quá còn gì. Vậy mà hồi xưa, bảo sống ở phố Triệu Việt Vương, không ai biết là ở đâu. Phố thì đẹp lắm, với rất nhiều cây bàng mùa thì lá xanh lá đỏ, mùa thì quả vàng chĩu chịt, mùa thì sâu róm đến là ghê. Ở phố Tuệ Tĩnh, cách nơi tôi ở có chục nóc nhà thôi, có gia đình nuôi 1 con bò để kéo xe. tôi có thể chỉ chính xác ngôi nhà ấy (giờ đã phá, xây sửa và đổi chủ mấy đời rồi). Bò kéo xe ở phố, thường thì không chở lúa chở rơm đâu. Thoảng hoặc tôi thấy họ chở cỏ, một loại cỏ dài như cỏ lau, xanh mướt và mềm. Còn lại thì tôi thấy con bò cũng rảnh rang lắm, bị buộc ở cái cây trước nhà. Dạo đó, đi ra đường phải cẩn thận kẻo dẫm phải “cái bãi ấy” của con bò đó. Tôi thích nhìn vào mắt nó, ướt sượt, hiền ơi là hiền, cái xỏ mũi khiến nó rất ngộ nghĩnh và cái xỏ mũi rất hợp với con bò. Sau đó, chẳng biết con bò ấy biến mất khi nào, ra sao, cái nhà đó chuyển đi đâu, làm gì … Giờ ngồi viết về con bò ấy lại tiếc rất nhiều điều chưa hỏi bà ngoại, bà là kho chuyện cổ của tôi, như tụi nhỏ bây giờ có “Hang chuyện” trên tổng đài chị thỏ Ngọc ấy.
4. Ông thợ cạo
Góc phố Triệu Việt Vương và Tuệ Tĩnh, giờ là 1 quán cà phê trang trí đầy bánh xe ôtô, ngày xưa có 1 tiệm cắt tóc nam. Trong đó, có mấy ông thợ cạo già. Khi tôi biết chạy ra đó nghịch chơi thì tóc của các ông đã bạc trắng. Trong căn phòng rất nhỏ, mặt tiền thì rộng nhưng bề sâu thì rất nông, có vài chiếc ghế bọc simili màu nâu, đã bóng lên vì quá cũ, trông giống như ghế của bác sỹ chữa răng hay tai mũi họng (hồi xưa ghế của bác sỹ răng ko ngả ngớn như bây giờ). Các ông rất hiền, nhẹ nhàng, tỉ mẩn cắt tóc bằng kéo, những cái kéo to và trông rất thô kệch. Lúc trưa hè vắng khách, các ông ngủ gật trên những cái ghế màu nâu cao nghếch ấy. Khi đông khách, tiếng kéo lách cách vang lên rộn ràng như đang được nghe tiếng bước chân nhảy cracket vậy. Mọi người đều gọi các ông là Ông thợ cạo. Không biết bây giờ người ta gọi các anh thợ trẻ măng đứng cắt tóc ở gốc cây là gì ý nhỉ?
5. Bao giờ cho đến … ngày xưa
Tôi không hẳn là 1 người hoài cổ. Bởi vì tôi không sưu tầm hay không giữ cái gì quá cũ cả. Thú sưu tầm đồ cổ cũng dễ mấy tay chơi được. Ngay cả đồ công nghệ bây giờ, chơi máy ảnh chẳng hạn, mấy tay sắm được đủ lệ bộ từ tủ sấy đến len, kíp, chân, dù, ghế, sạc v.v và v.v thứ linh tinh nhưng giá chẳng linh tinh tẹo nào.
Tôi không phải là người hoài cổ, nhưng cái từ tôi hay dùng nhất và thích nhất là “ngày xưa”. Bắt đầu bằng “ngày xưa” thì háo hức còn hơn là mơ mộng về tương lai. Kết thúc bằng “ngày xưa” thì rưng rưng còn hơn đón đứa con đầu lòng chào đời.
Ngày xưa không hề cũ, thế cũng đủ lạ lùng rồi. Xưa mà không hề cũ đâu nhé. Nếu như cái “ngày xưa” ấy tôi chỉ cho bạn xem được, tôi đong trên tay rồi san sang cho bạn 1 ít được, tôi mời bạn nếm thử được … giá mà thế được, thì bạn mới hiểu vì sao mà xưa không cũ. Hà nội ngày xưa của tôi lung linh lắm. Người Tràng An ư? Không kiêu kỳ và đỏm dáng, không lạnh lùng và khinh bạc … như bây giờ lớp trẻ hình dung và tô vẽ nên đâu. Người ta bảo người Tràng An thanh lịch, vì sao. Ngày xưa, nếp sống ở Hà nội chậm lắm, ai đi đứng nói năng cũng chậm rãi, lời chào cũng chậm rãi, nên thành thanh lịch ngay ý mà. Nên có thể vì thế mà bị coi là khách sáo. Người Hà nội không thấy hò hét gầm gào khi tiêu tiền, nên người ta tưởng người Hà nội ky bo kẹt sỉ (dân Sài Gòn luôn nghĩ thế). Nhưng hãy xem người phía Nam bỏ tiền ra chơi hoa, thưởng hoa và so sánh với người Hà nội. Rời Hà nội vào TP.Hồ Chí Minh sống hơn 4 năm, chưa bao giờ tôi dám cầm vào 1 bông hoa, vì hoa là thứ xa xỉ lắm. Xa xỉ vì không người dân Sài Gòn nào nghĩ đến hoa trừ phi vào dịp Tết âm lịch. Họ chỉ lo làm ăn và những thứ gì phi thực tế đều bị cho là "màu mè". Trong khi đó, ký ức tuổi thơ của tôi lúc nào cũng có hoa, đi chợ hoa, cắm hoa. Hoa chưng hàng ngày trong cái lọ thủy tinh nhỏ. Hoa chưng lên ban thờ. Hoa trồng trong sân nhà, trên các con phố. 
Vì Hà nội nhỏ bé, mong manh, ngày xưa ít người ít xe cộ, nên hoa sữa mới nồng nàn thế được. Thực ra hoa sữa không thơm thường đâu, mà ngào ngạt, quá ngào ngạt, có đêm mùa Hè các nhà phải mở rộng cửa sổ để ngủ kẻo chết ngạt vì mùi thơm hoa sữa.
Rồi còn nhiều, nhiều nữa những kỷ niệm thân thương, quá đỗi thân yêu, như cái xe thùng chở đầy bánh mỳ nóng hổi, tiếng rao “ai … lạc rang, ngô rang, hạt dẻ … nào” và cái rá con con trùm miếng bao tải rách trong chiều mùa Đông, gánh cháo sườn thơm ngậy giờ nhắc tới tôi lại thèm, cái vòi nước công cộng bằng đồng đen xỉn nước chảy ri rỉ suốt ngày đêm, nước lúc nào cũng trong veo, những con phố ngợp lá vàng khô đi trên đó như đi trên mây, những cô chú “gánh thùng” cứ vài tuần 1 lần lại ghé qua để dọn sạch hố xí 2 ngăn của tất cả các nhà ở khu phố khiến nhà nào cũng ầm ĩ như có giặc và bẩn kinh lên được … (giờ, biết tả thế nào về cái hố xí 2 ngăn đây nhỉ ...)
Khi nghĩ lại, có đôi lúc tự cười mình, tự khâm phục mình, vì đã trải qua những thứ đó? Mình ư? Tủi thân không? Có chứ. Nhưng cũng đầy tự hào, vì đâu phải ai cũng được chạm vào những khoảnh khắc ấy. Những khoảnh khắc Hà nội không còn đâu thấy nữa. Những khoảnh khắc Hà nội dù có mô tả tốt đến thế nào, tài ba đến ra sao, lớp trẻ sau này, rồi bé An của tôi nữa, cũng không thể hình dung ra được và vì thế không chạm tới được. Và nếu không chạm tới, thì những sợi dây cảm xúc khó có thể ngân lên được. Rồi lớp trẻ sẽ nói về “ngày xưa” với một giọng ráo hoảnh, khó chịu, sành điệu cành cao hoặc lãnh đạm đến buốt lòng.
có ai trở lại ngày xưa không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét