các bài viết trong năm 2012

Ngại thương sinh viên Ngoại thương


Chỉ là một comment trong vạn vạn comment đang lũ lượt tập trung ở chủ đề Sinh viên ngoại thương “chảnh”. Để đỡ chen lấn xô đẩy, tôi để comment ở blog của mình cho nó lành. Mà để ở blog của mình, cũng chưa chắc đã lành vì bây giờ có khái niệm nhà báo công dân, ai ai cũng có thể làm báo - ai ai cũng có thể nói láo  (mọt gông có ngày)
Vì sao tôi comment? Vì tôi là cựu sinh viên Ngoại thương 5 năm tròn vì học cơ sở II, thành phố Hồ chí Minh. Mẹ hỗ trợ vài trăm ngàn mỗi tháng. Bạn bè thân của mẹ và họ hàng xa xôi giúp chỗ ở. Nay đây mai đó. Tôi xin 1 chỗ làm part-time từ đầu năm thứ hai với mức lương đâu đó 300 ngàn đồng. Nhận dịch bài cho báo ngành để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Thời gian đầu mới vào TP.HCM, đi học bằng 1 chiếc xe đạp phanh chân mượn của người quen, xe hỏng thì đi bộ. Trong lúc đó, có khá nhiều bạn học cùng lớp đã đi học bằng xe máy riêng, loại đắt tiền nhất lúc bấy giờ. Tôi chẳng có gì để nói về bản thân, chỉ là 1 con số O tròn trĩnh. Nhưng, sau 2 năm đi làm thêm, so với các bạn trong lớp, tôi có gì hơn? Có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh, qua giao tiếp (với khách hàng công ty nơi tôi làm thêm), qua dịch bài vở thư từ. Khi công ty này nhập vài chiếc máy vi tính màu trắng to đùng về, tôi cũng được mày mò tự học và sử dụng thành thạo trước khi các bạn biết đến nó. Trước đó, tôi đăng ký học đánh máy chữ ở 1 trung tâm văn thư, vì phải sử dụng máy đánh máy chữ trong công việc hàng ngày. Thành thạo đánh máy chữ 10 ngón, vì thế việc type trên máy vi tính sau này không khó khăn gì. Tôi được tiếp cận với lề thói làm việc, cách làm việc của người trưởng thành, cách họ trao đổi, tranh luận và thậm chí tranh cãi về 1 vấn đề. Tôi học được sự điềm tĩnh. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói thường ngày của Sếp “người bận rộn là người hạnh phúc” (hì, tôi cũng đang bận rộn viết thư cho các bạn đây). Sáng đi học chiều đi làm, hoặc ngược lại. Tôi chạy như con thoi giữa thành phố đầy nắng. Vì không có điều kiện chăm chút bản thân, tôi cắt tóc tém như con trai, cơm hàng cháo chợ, học cách quản lý quỹ thời gian eo hẹp. Và vài kỹ năng khác nữa. Đó là về tôi. đúng là chẳng có gì đáng nói cả. Bây giờ ta nói về các bạn nhé.
Rất nhiều comment viết rằng “trường ngoại thương tiêu chuẩn đầu vào cao”, điều này đúng!Nhưng các bạn nên nhớ rằng, đó là điểm thi viết 3 môn khối A hoặc D, cũng như rất nhiều trường khác thôi mà, có gì đặc biệt hơn đâu. Điểm chuẩn cao, tuyển sinh ít, số sinh viên lọt được vào so với số đăng ký thi là rất ít ỏi, nên người ta truyền nhau “vào được ngoại thương khó dã man”, rồi tự động hiểu “ai vào được, chắc là phải giỏi lắm”. Ừ, cũng phải học tử tế. Các bạn có điểm thi cao như các bạn, nhưng không vào Ngoại thương, cũng đầy ra đấy thôi. Nhưng lọt vào được rồi thì sao đây?
Trước hết, phải vượt qua được sự tự ti. Tại sao? Vì ở trong trường, thầy cô khác lắm (họ nghĩ Tây lắm, ăn mặc Tây lắm, làm việc Tây lắm). Các anh chị khóa trên thì thôi rồi là tuyệt vời. Một số đang giảng dạy ở trường. Ngay khóa trên thôi, chưa nói đâu xa, gặp ở hành lang toàn thấy nói với nhau tiếng Anh, thứ tiếng Anh vui tươi, thoăn thoắt, nghe pờ rồ ghê lắm cơ, sởn cả gai ốc vì phục í. Khi tôi đi dép lê mặc quần sờn gấu đi học, thì các chị các khóa trên mặc váy, có người đi xe máy đi học, vai đeo ba lô (thời đó, tôi chưa biết đến cái ba lô, chỉ mang sách vở trong cái cặp gấp cũ từ thời cấp III). Chỉ khác bây giờ là họ không trang điểm lòe loẹt, suốt ngày ở trường, học trên giảng đường, học ở thư viện, học thêm ở các Trung tâm, tham gia các công tác nghiên cứu, hội đoàn này nọ sôi nổi lắm. Vậy, nếu bạn không thể dẹp sự tự ti sang 1 bên, bạn không thể nào ngồi học ở đó được, lúc nào cũng “sốt sình sịch” và tự đào thải thôi.
Thời tôi là sinh viên, quả thật sinh viên ngoại thương luôn được đánh giá là năng động, hoạt bát, chủ động trong học tập và công việc, tham gia các hoạt động tập thể, hội này nhóm nọ hơn sinh viên các trường khác. Chẳng so sánh đâu xa, so sánh với sinh viên kinh tế, ngoại giao (ở ngay sát cạnh), Luật ở gần đó, Ngân hàng … Bây giờ thì khác nhiều rồi, sinh viên các trường khác cũng rất năng động, linh lợi, cơ hội … kể cả sinh viên các trường kỹ thuật (hichic)
Ấy nhưng, hãy thử hỏi bất kỳ ai học ngoại thương ra, sau khi đã đi làm, rằng “nếu được ghi nhận 1 điều về quá trình học ngoại thương, bạn sẽ nói gì?”, bạn sẽ ngỡ ngàng khi nghe họ nói rằng “học ngoại thương ra, cái gì cũng biết, nhưng rồi cũng chẳng biết cái gì cho thật giỏi”. Nội dung học cực nặng, đặc biệt là ngoại ngữ. Học đến độ, tôi nghĩ luôn bằng tiếng Anh trong đầu khi cần nghĩ về bất kỳ điều gì. Trong quá trình học, trường cũng yêu cầu chúng tôi phải hoạt động xã hội và tham gia các hoạt động của nhà trường một cách năng nổ, nhiệt tình. Từ một con bé nhút nhát, tự ti, tôi đã đổi khác, khác nhiều đến nỗi người thân và bạn bè cũng ngỡ ngàng. Sống trong môi trường lúc nào cũng sôi lên ào ào ấy, bạn không thể không khác. Và các sự khác biệt ấy thiên về hướng tốt đẹp. Bạn mạnh dạn, tự tin, biết cách chăm chút hình ảnh bản thân, biết cách giao tiếp và mở rộng mối quan hệ, năng động trong công việc được giao, dám nhận lãnh trách nhiệm, được trang bị khả năng nói chuyện mạch lạc, có nhiều người hùng biện rất giỏi (tham khảo các cuộc thi Dynamic dành cho sinh viên kinh tế hàng năm sẽ rõ nhé).
“Biết rồi, thế sinh viên ngoại thương ra làm việc thế nào?”
Và đây, sinh viên ngoại thương, câu chuyện có thật, sinh động hàng ngày ở chính nơi tôi làm việc, thậm chí được tuyển dụng bởi chính tôi. Ngược hẳn lại với cái công ty gì treo biển không nhận sinh viên ngoại thương, tôi lại chăm chăm đi tuyển sinh viên ngoại thương (đáng đời, híc).
Tiêu chuẩn của phòng ban tôi đưa ra thì bằng tốt nghiệp loại Khá là được rồi. Nhưng, khổ cái, em nào cũng bằng giỏi và xuất sắc, khiến cho tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng câu trả lời về lương để nếu các em có hỏi “thế chị trả em được bao nhiêu?” còn biết đường trả lời. Ngoại ngữ, nếu không phải là biết 2 thứ tiếng, thì cũng Toefl khoảng600, IELTS hơn 8, TOEIC 800, 900 là thường tình. Ngoài ra, còn một loạt các hoạt động ngoại khóa, khiến tôi hoa mày chóng mặt, các em lấy đâu ra lắm thời gian thế. Sở thích của các em cũng khác người, độc đáo, khiến tôi phải cày nát Google lên để tìm hiểu. Em nào cũng có vẻ ngoài hết sức linh lợi, hoạt bát, biết cách ăn mặc, đi đứng nói năng. Nói chung là “chuẩn không cần chỉnh”. Tôi hý hửng “thế này thì không nhọc công đào tạo nhiều, nói qua là hiểu liền”. Nhưng tôi đã sai.
3 cô sinh viên ngoại thương tôi tuyển vào trong năm rồi để lại một ấn tượng cực kỳ tệ. Các bạn thích một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đồng phục, đi lại nhẹ nhàng, lương không quá bèo bọt (đó là chia sẻ thực của các bạn). Thật ra thì ai cũng mong được như thế. Nhưng, thực tế cũng có lúc mất điện, đèn đóm lom rom, chỉ ưu tiên cho máy tính làm việc, dự trù quạt tích điện, 5 người chung 1 cái quạt bé xíu để dưới chân, áo dài buộc tóm sang 1 bên hông và đi chân đất, Vừa làm vừa kêu đứa bên cạnh “mày thở nhẹ thôi, kẻo lấy hết không khí của tao”, và lương không phải là mức cạnh tranh trên thị trường. Nói đến lương, điều này dành cho tất cả các bạn sinh viên, không chỉ sinh viên ngoại thương: các bạn ra trường vào thời điểm nào? Suy thoái kinh tế, doanh nghiệp thua lỗ và đóng cửa hàng loạt, chính sách thắt chặt đến nghẹt thở, càng làm càng lỗ. Vậy, phải biết mình đang đứng ở đâu, sinh ra vào thời loạn hay thời bình, rồi hẵng đòi hỏi, đặt ra tiêu chí quá cao thì khó với lắm, hãy đặt tiêu chí đó trong trung dài hạn thay vì ngắn hạn … Các bạn hay kêu ca. Các bạn chỉ có thể làm việc khi có các điều kiện hỗ trợ thật tốt. Còn chúng tôi, chúng tôi làm việc trong những điều kiện tối thiếu. Chưa chỉ ra được hiệu quả công việc, các bạn đã chăm chắm đòi tăng lương và không cần tham khảo bất kỳ ai đang làm việc xung quanh mình. Nếu không được, các bạn bỏ.
Về công việc, các bạn hợp với công ty nước ngoài hơn. Vì sao, đến chỗ nào mà chưa có quy trình quy phạm chuẩn là các bạn lười, e dè, rồi tìm đường dịch chuyển cho nhanh. Đọc văn bản – lười. Soạn thảo văn bản – lười. Nói cho nhanh là các bạn hợp với sự chuẩn mực có sẵn. Nói năng thì giỏi lắm. Hình ảnh của các bạn ở văn phòng thì có vẻ chuyên nghiệp, nhưng cho thử sức trong công việc thì chưa chắc. Càng xây dựng hình ảnh (các bạn copy hình ảnh chuyên nghiệp của người khác thì đúng hơn), các bạn càng sợ “quê”, càng không dám học hỏi, ngại bị chê trách, so sánh.
Các bạn bị những hình ảnh thành công của các anh chị đi trước lòe hết cả. Họ làm đẹp mặt trường ngoại thương, họ làm đẹp cho cái mác “sinh viên ngoại thương”, điều đó hoàn toàn đúng!.Thế hệ đi sau được hưởng lợi ích đó, các bạn đang hưởng lợi và tưởng rằng mình có tố chất, rồi mình cũng thành công như họ thôi. Nhưng không phải đâu, với tất cả thì không phải đâu. Với tôi, những hình ảnh đó chỉ là tấm gương để khuyến khích tôi lao vào học, học trong không khí náo nức thi đua, không gì hơn. Họ đã thành công, đó là thành công của họ, không phải của tôi. Để mong có được thành công như họ, phải khổ luyện như họ đã làm, may ra.
Tôi nghĩ, các doanh nghiệp đang tẩy chay sinh viên ngoại thương là do mệt mỏi. Họ duy trì doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn này cũng đủ mệt rồi. Họ mệt mỏi hơn vì sự đòi hỏi của các bạn. Chiều các bạn mệt quá, nên họ buông. Thà rằng, tuyển 1 bạn trung bình ở trường khác, biết mình biết ta, rồi đào tạo họ, họ chuyên tâm làm việc, cầu tiến, biết làm việc nhóm, hiểu mục tiêu của doanh nghiệp và cùng đi qua khó khăn cùng doanh nghiệp. Thế mà lại bền. Người ta sẽ khá hơn nhờ học hỏi tiếp thu, chứ mấy ai khá hơn nhờ chăm chắm xây dựng hình ảnh bên ngoài. Cái vỏ bọc ấy rồi cũng tuột đi, trơ lại 1 cái ruột rỗng tuếch. Tôi từ bỏ sự tin tưởng hão huyền của mình vào sinh viên ngoại thương rồi.
Điều cuối cùng này, dành cho các bạn sinh viên, không cứ gì sinh viên ngoại thương: khi các bạn nhảy việc, các bạn không đếm xỉa gì đến người đã tuyển dụng các bạn vào làm là không nên, sáng thông báo chiều nghỉ. Các bạn nên nhớ rằng, không tôn trọng người khác là không tôn trọng chính mình. Các bạn có nghĩ trái đất tròn không vậy? Nếu có, thì hãy nghĩ thật kỹ nhé. Nếu các bạn chưa biết làm thế nào, hãy hỏi ba mẹ các bạn, hoặc hỏi người đi trước để có cách hành xử hợp lý. Các bạn đi học trong trường lớp, gọi người cho bạn chữ nghĩa kiến thức là thầy cô. Vậy, các đồng nghiệp đi trước, đã đào tạo các bạn 3 đến 6 tháng, cầm tay chỉ việc, giúp các bạn làm việc độc lập được, các bạn coi họ là gì? Cuộc sống còn dài, có nhiều cách để thể hiện mình mà. Tôi có nhớ 1 câu danh ngôn, đại loại là “vì đời là 1 câu chuyện, nên điều cần thiết không phải là nó ngắn hay dài mà là hay hoặc dở mà thôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét