các bài viết trong năm 2011

mẹ đơn thân


Nhật ký Cả Ngố ngày 7/9/2011
Sáng nay cùng bà ngoại bé Gấu đi xin học cho bé. Hơi run và lo lo. Lo vì đã qua khai giảng và các lớp đã ổn định rồi. Run vì lần đầu tiên, mẹ đi xin học cho con. Chắc mẹ nào cũng vậy. Vậy mà chỉ nói qua với cô giáo hiệu trưởng vài câu, nhắc nhớ cô là năm ngoái gia đình đã đến xin cô cho cháu vào trường (nhưng cháu non quá trường không nhận được), thế là cô viết cho vài chữ xuống Phòng tài vụ để hoàn tất hồ sơ, xếp lớp và đóng tiền cho con vào lớp. Nếu xong xuôi hôm nay, có khi ngay ngày mai con bé đã có thể vào trường cũng nên.
Mấy hôm nay, nghe bà và mẹ bàn bạc rất lung về việc đi học, nên sáng ra bé đòi đi học mẫu giáo chứ không muốn đến lớp trường làng nữa. Nói thì mạnh vậy thôi, cũng chưa biết tâm lý đã sẵn sàng để thay đổi môi trường hay chưa nữa? Dù sao cũng đã 1 năm gắn bó với các bạn. Trong năm đó, cũng đã có lứa lớn hơn “ra trường” đến lớp mẫu giáo. Năm nay, bé lớn nhất lớp ở trường làng rồi. Phải rời xa các bạn nhỏ yêu thương để đến với lớp và trường, có nhiều bạn bè hơn. Có lẽ, bé lại trở thành học trò nhỏ nhất lớp.
Nghe cô hiệu trưởng thông báo là đứa nào đi học cũng khóc mất 1 tuần là ít, lòng mẹ thấp thỏm lo. Nhưng, cũng có phần tin tưởng vào bé Gấu. Con bé trông bé thế nhưng đã khá tự lập. Những trò chơi, không ai phải bày cho bé quá lâu. Từ con quay, xếp hình thời trang, tô màu, ô tô chạy bằng dây cót, đua xe thông minh, nhuộm tóc cho búp bê…, chỉ cần thị phạm vài lần, khi bé giành chơi 1 mình, là lúc bé đã nắm chắc cách chơi rồi. Truyền hình chiếu 2 phim “cô San San” và “Chủ tịch Tỉnh” cùng lúc, vậy mà bé thuộc cả 2 bài hát trong phim. Lúc nào quên lời, bé biết hát đầy đủ bằng cách ngân nga giai điệu. Thật thú vị, khi con bé tập trung cao độ để nhớ được những đoạn nhạc dài đến vậy. Bé biết tự mặc quần áo khá sớm, trong kế hoạch dạy dỗ của mẹ là phải sau 3 tuổi, bé mới làm được. Bé nhạy cảm với sự thay đổi sắc thái trên gương mặt của người thân, bà – mẹ và dì. Giá như, những phản xạ này không bao giờ mất đi sau khi bé lớn lên. Càng tiếp xúc nhiều, cảm xúc của bé sẽ càng được tôi luyện và chai lỳ đi. Khi bé bận rộn hơn, có khi nào bé không còn nhận ra (thật nhanh) rằng mẹ đang lặng lẽ khóc?
Thời gian này bé đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ đầu tiên, cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy nên, tôi lần lữa rất nhiều lần, có nên xóa khái niệm “gia đình”, ngay bây giờ hay không. Cũng không biết nên nghĩ thế nào, khi người đàn ông tự phô trương lộ liễu sự sở hữu, sòng phẳng về tiền bạc, đòi hỏi và ra điều kiện, khi không còn chút xíu tình người nào thì tất cả mọi điều tồi tệ nhất đều có thể xảy ra ... Giữa Có và Không, mong manh lắm. Tinh tế còn chẳng ăn ai, đằng này … cách “bài binh bố trận” đó đầy phản cảm và phá hủy nhanh chóng mọi cảm xúc mà thôi. Người ta thường nói “chỉ còn là vấn đề thời gian”. Nhưng không ! khi tình cảm đã bị triệt tiêu hoàn toàn thì thời gian cũng chỉ là con số O mà thôi.

Làm mẹ đơn thân ...

Ở cơ quan, không ít trường hợp đã ly hôn, sống cảnh người mẹ đơn thân từ khi con còn rất nhỏ.Trường hợp gần nhất, tôi hỏi em “2 em ly thân bao lâu rồi mới ly hôn?”, câu trả lời của em “từ sau khi cưới chị ạ”, khiến tôi ngỡ ngàng. Thân phận người phụ nữ, bèo bọt quá. Bận rộn mưu sinh, ganh đua đấu đá ở xã hội, để mong con cái có 1 cuộc sống sung túc đủ đầy, cũng vì cái thế “mẹ đơn thân” của mình nữa mà phải luôn cố gắng phấn đấu, có ai gánh đỡ cho đâu. Con đường họ đi rất nhàm chán, rời nhà tới cơ quan và rời cơ quan là về nhà. Vòng quay luẩn quẩn của 6 năm đầu đời của con là đi chợ – nấu cơm – đi làm – nấu cơm – tắm giặt – chăm con – ngủ nghỉ – đi chợ … Xen vào giữa là những lần con đau con bệnh, rồi việc đi học nhà trẻ mẫu giáo cũng đau đầu.Có khi mẹ cũng đang hoàn tất việc học buổi tối để lấy văn bằng 2 hoặc cao học. Mọi quan hệ xã hội đột ngột biến mất tiêu, không bạn học, không họp lớp hội trường, không giao du với bạn mới, không du lịch, văn hóa văn nghệ... “Tất cả niềm vui của mẹ là con” - đó là câu trả lời của tất cả những người mẹ đơn thân ấy. Có thể, rất khó hiểu với những người phụ nữ chưa có gia đình, chưa có con. Khó hiểu hơn nữa với một nửa thế giới, mà một trong những câu hỏi ngây ngô nhất đó là “nếu không có đàn ông, làm sao mà họ sống nổi nhỉ?”. Nhưng không còn là khó hiểu, với tôi. Từ những đêm bị tiếng khóc của con quấy nhiễu. Từ “giấc ngủ thẳng tưng đến sáng” biến thành “giấc ngủ vụn vỡ”. Từ stress sau sinh cho đến những lần đứng giữa nhà quát tháo với những tiếng nổ bụm bụp trong đầu. Từ những “ngày cuối tuần chiều chuộng bản thân” biến thành “cuối tuần hành hạ bản thân”. Từ những miếng ăn thừa của con. Từ những cú thót tim khi bé ngã. Từ những lần phấp phỏng con ốm, trông chừng nhiệt độ - tăng dần - đút thuốc - chườm khăn mát - giảm dần - dứt sốt, uống bù nước, ăn bù cháo. Từ những cân nhắc thiệt-hơn khi mua đồ chơi, mua cái quần manh áo, quyển sách quyển truyện. Từ những giờ phút quý giá tranh thủ dành cho hoạt động xã hội … Tất cả, với tôi, vẫn còn rõ mồn một.
Tất cả đều tặng cho người mẹ đơn thân những bài học đáng giá. Để họ, tuy không phải đàn ông, nhưng còn mạnh mẽ hơn cả 1 người đàn ông nữa. Để người đàn ông thấu hiểu hơn giá trị của việc nắm tay họ đi đến cuối cuộc đời là như thế nào. Mỗi quyết định trong đời, không phải là dành cho riêng họ nữa. Gia đình khuyết, thực ra không đơn giản. Là gánh nặng rất nặng lên vai người mẹ đơn thân. Là việc làm tốt vai trò của 2 người, mà không dễ gì hình dung ra nổi vai trò của người còn lại, mà lại không được đóng kịch, không được sống khác với con người mình.
Nhưng, nếu cứ nghĩ rằng mọi cánh cửa đều đã đóng chặt đối với mình, thì các cuốn nhật ký của tôi đã khép chặt tự bao giờ. Vẫn biết tự mỉm cười. Vẫn biết tự động viên. Cuộc đời còn nhiều điều đáng suy ngẫm đang chờ cả 2 mẹ con tôi tìm hiểu, học hỏi, khám phá. Những người chưa quen còn nhiều lắm, mở rộng lòng mình ra với mọi người chứ, đón nhận cả buồn vui. Mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn nếu không sống kiểu “giả chết” hay “sống mòn”. Con đường con cái đi còn dài, mẹ đơn thân cũng là mẹ. Con cái sẽ viết hoa chữ MẸ trong tim chúng khi bạn sống trọn vẹn cho con, cho dù bạn là một người mẹ đơn thân, đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ e ngại vì điều đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét