Nhặt được một mảnh báo và muốn lưu lại ở đây:
“Bẵng một thời gian, tôi gặp lại người bạn cũ, một doanh nhân trẻ khá thành đạt. Vẫn với tính mau mắn, sôi nổi, anh cho biết trong vài năm gần đây anh đã chuyển một phần tiền trong tài khoản của mình sang đầu tư ở “bên kia”. Tưởng bạn tung vốn ra làm ăn ở nước ngoài, tôi vô cùng thán phục, tự hào.
Nhưng không phải, bạn giải thích cái từ “bên kia” mà anh gọi chỉ là một khái niệm để chỉ những việc thiện anh đang làm ngoài công việc kinh doanh, để lo tu tâm dưỡng đức, chứ không phải theo nghĩa làm ăn ở nước ngoài. Anh tâm sự “Cái giàu, cái muốn của con người không biết mấy cho vừa. Mình từ khó khổ mà khá lên, giờ tuy không hơn ai nhưng nhìn lại vẫn hơn nhiều người xung quanh. Với lại, suy cho cùng, cái mình được chính là món nợ mình mắc ở cuộc đời, bỏ một phần công của ra lo việc thiện thì một mai khi về “bên kia” mình sẽ bớt được khoản nợ nần bây giờ ...”.
Có lẽ nhiều người cũng nghĩ như bạn tôi nên ngày càng có thêm nhiều người nghèo, nhiều số phận bất hạnh được cứu giúp. Không chỉ dành ra một phần, có người đã dâng hiến hết tài sản và cả cuộc đời mình để nuôi dưỡng một số đông trẻ khuyết tật, người già neo đơn như nuôi chính con cái, cha mẹ mình. “Chuyển tài khoản” vào những việc thiện hạnh, vô vụ vô cầu, nhiều người còn phải vượt qua những điều thị phi nghiệt ngã. Những người làm việc thiện, bên cạnh cái tâm nhiều khi còn phải có chí, phải bền lòng. Tuy không nói ra nhưng có lẽ khi chọn dốc công của cho cái “bên kia”, họ cảm nhận được niềm an ủi lớn lao, không chỉ cho người mà cả cho mình. Anh bạn tôi còn nghĩ làm những điều thiện hạnh sẽ đưa ta đến một chung cuộc tốt lành.
Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ đến chuyện một doanh nhân lớn là người cùng quê. Từ quê nghèo ra đi với tay nghề thợ máy, ông đã sớm làm giàu ngay trên đất Sài Gòn và trở thành một trong só những doanh nhân có tiếng tăm. Cứ tưởng ở độ tuổi ngũ tuần, việc sở hữu một đại công ty có thể giúp ông được sung sướng cả quãng đời còn lại, nào ngờ ông bị chứng bệnh ung thư máu quật ngã chẳng bao lâu sau ngày phát bệnh. Tin ông mất dội về quê nghèo làm nhiều người bàng hoàng, tiếc nuối cho người giàu cũng không bước qua được căn bệnh mà y học vẫn bất lực, tiếc cho các sự giàu ông chưa tận hưởng hết, cũng như chưa kịp san sẻ cho bà con nghèo ở quê nhà sau nhiều lần hẹn lần hẹn lữa …
Tôi thầm cảm ơn những giờ phút trò chuyện với người bạn về chuyện chuyển tài khoản sang “bên kia”. Tấm lòng đáng quý của bạn đã giúp tôi vơi đi những khắc khoải trước nhịp sống ầm ào. Bạn đã cho tôi một ý niệm mới giữa cái thời mà những cụm từ như chuyển tài khoản, ngân hàng bên kia, bên này, tiền ở trong nước, ngoài nước … đang được dùng với tần suất cao trong ngôn ngữ giao lưu.”
Trước hết, khi đọc mảnh báo này, cảm thấy những điều mình đang nghĩ và làm không quá xa lạ. Cảm thấy như được nghe một lời khích lệ động viên vậy. Hơi buồn vì lời động viên khích lệ đó là từ một mảnh báo, thay vì là một người bạn hay người thân. Nhưng không nên đòi hỏi nhiều, thế cũng là tốt lắm rồi.
Giàu có bao nhiêu là đủ? Trong những lần buôn chuyện về chủ đề giàu, không ai không nhắc tới Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, thằng cha trông nông dân đần đần ăn mặc một mình một tông không thèm mắc cỡ cho dù đã có nhiều người chủ động chê. Ở cơ quan thì không ai không nhắc tới Bầu Kiên, gần đây nhất là những đồn đoán về giá chuyển nhượng Công Vinh (một cầu thủ trọ trẹ ba trợn, hiện đang nổi tiếng nhất trong dàn cầu thủ ba trợn ba trạo của Việt Nam), lên tới hơn chục tỷ đồng. Tôi cũng chợt nhớ lại bài điếu khóc mẹ của anh Sếp cũ, có một chi tiết rằng tụi con giờ đều đã thành đạt, khi phát hiện mẹ bệnh nặng đã đưa ngay mẹ sang Singapore để nằm viện chữa trị, tụi con đã có tiền, muốn điều kiện chữa trị hơn thế cũng sẽ làm được, mà vẫn không giữ được mẹ, mẹ vẫn ra đi .... Sao mà thấy con người nhỏ bé đến vậy cơ chứ.
Nói vậy, để biết là họ giàu, đủ để được thỏa chí tang bồng – bay như Bầu Đức, chơi bóng đá như Bầu Kiên, nghĩ họ có thể thay đổi “số Giời đã định” khi bị bệnh … Nhưng, không ai “deal” cái gì với THỜI GIAN được cả (nếu tạm bỏ khái niệm số phận vốn dĩ rất mông mênh sang 1 bên). Có nhiều lúc, quan trọng không phải là bạn giàu có bao nhiêu, mà là bạn đã làm được những gì với sự giàu có đó.
Được làm những gì mình thích, với tôi, đó là một sự giàu có, sự thỏa mãn tột đỉnh. Khi tôi run sợ, tôi lao vào vòng tay mẹ. Khi tôi căm giận trước những kẻ xấu, tôi muốn ngay lúc đó trong tay tôi là một khẩu súng và tôi sẽ xả súng không thương tiếc. Khi tôi yêu thương, tôi bày tỏ. Khi tôi nghĩ mình sẽ làm một điều thiện cho ai đó cần đến, tôi làm. Khi tôi muốn chạy trốn một điều gì đó hay một ai đó, tôi chạy. Khi tôi không còn tình yêu nữa, tôi ra đi ....
“Được làm những gì mình thích” có nhiều người cho rằng “bản năng” quá đi. Họ muốn chín chắn, tính toán được-thua, lời-lỗ, từng bước đi có kế hoạch rõ ràng cầm chắc cái thắng trong tay cơ …Họ không biết rằng, yêu thương xuất phát từ bản năng. Tình yêu thương của người Mẹ là bản năng. Có người không sẵn sàng làm mẹ. Có người cả đời không nghĩ đến chuyện làm mẹ (không tính đến những người phụ nữ thiệt thòi bị mất đi thiên chức này). Tình yêu trai gái dẫn tới hôn nhân, tình yêu 100% là bản năng (không ai giải thích nổi), còn hôn nhân có thể là 1 con tính, tình yêu hôn nhân có thể là 2 trong 1 hoặc cũng có thể là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Làm việc thiện - bản năng.
Khi tôi cho con gái xem Clip Uddam hát bài Mother in the dream – bé đã quay lại nhìn vào mặt mẹ,cảm thán “thương không”, xem Clip về con chó trung thành (của nhật bản) cũng thế, bé yêu cầu được xem đi xem lại vài lần, tuy không khóc nhưng gương mặt bé lặng lẽ buồn, đôi mắt mở to không chớp. không hề phải dẫn dắt, lời bài hát không cần phải dịch, qua những thước phim ngắn đứt đoạn mô tả sơ sài, tôi biết tất cả đã chạm vào cảm xúc rất mong manh mơ hồ của trẻ, bản năng trỗi dậy sự thương cảm.
Bản năng của con người là yêu thương, né tránh xung đột, tìm chỗ náu nương yên bình. Chứ không phải là tìm đến những nơi xôn xao, đấu đá, bắn giết. Nhưng rồi, miếng cơm manh áo, quyền lợi kinh tế-chính trị, khiến dân một nước đánh nhau, dân các nước giết nhau. Nói xa xôi đâu, người trong một nhà còn tranh nhau tài sản của cha mẹ ông bà nữa là.
Thôi, buồn làm chi, khóc làm chi, ngoài kia còn nhiều người ngồi giữa trời mưa lạnh, thiếu sót của tạo hóa khiến cuộc sống mưu sinh vất vả hơn bình thường, tai nạn rồi thiên tai vẫn lấy đi của CON NGƯỜI cái tự hào là kẻ thống trị trên trái đất này … lúc ấy con người bé nhỏ lắm, tội nghiệp lắm. Làm thiện nguyện, tựa như khi muốn co cụm lại, nương tựa vào nhau, để vợi bớt cảm giác bé nhỏ đơn côi đi nhiều lắm. Cho dù giàu có đến mấy, có dám chắc bạn không bao giờ đơn côi ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét