các bài viết trong năm 2012

nhật ký ngày 24/07/2012


Đêm qua chờ mãi mà không có sấm chớp, để nằm thấp thỏm nghe. Đêm qua mưa nhưng không dữ như trận trước cách đây vài hôm, để thưởng thức cảm giác lạnh lẽo len vào từ sau lưng, cô đơn nghĩ ngợi và khóc. Khóc đã là một cách thư giãn của mình từ bao giờ thế nhỉ – nghiêng phải nghiêng trái, cuộn tròn, mũi chạm đầu gối, có một cơn đau xuất phát đâu đó từ phía trong. Thế rồi khóc. Khóc là một thứ gì đó xa xỉ mà chỉ có thể nhận được vào những đêm mưa gió, và giông bão, và lạnh, và cô độc. Khi xung quanh là một màu đen tuyền, mịn màng. Khi xung quanh không có âm thanh nào khác ngoài tiếng gầm rú của gió, của mưa hắt vào ban công. Khi xung quanh không có bất cứ ai. Thảnh thơi, không lo sợ, không ướt át, không lạnh. Một cảm giác bình yên giúp cho dòng nước mắt thoát ra. Từ bóng tối u ám của một tâm hồn tẻ nhạt. Một cái bóng hàng ngày chạy xe, cười nói, làm việc. Và khi đêm xuống, bóng và người hòa làm một, ôm lấy nhau và khóc, nghẹn ngào.

Khóc là một cách thư giãn xa xỉ. Không phải lúc nào cũng được làm một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường. Không một bờ vai. Mà đâu cần một bờ vai nhỉ. Không có niềm tin, nước mắt cũng cần nơi giấu kỹ. Trốn thật kỹ nhé, giấu thật kỹ vào, kẻo nhận được những lời mỉa mai xót xa.

Sáng nay, hồ Tây lặng lẽ hơn thường ngày. Mặt hồ phẳng, sóng gợn khe khẽ. Đó! Sự im lặng trước mỗi một cơn bão. Bão sắp đổ bộ vào Bắc bộ rồi. Cũng có nghĩa là nó sắp đi qua. Sau đó là những ngày rớt bão, là mưa to, là úng ngập. Gió mát lạnh lùa vào tóc. Kia là liễu. Kia là si già. Kia là cổng chùa buồn buồn, nghiêm nghiêm. Cái bóng mỉm cười. Trong lòng, người quỳ sụp xuống bậc thềm chắp tay cầu nguyện. Mọi cánh cửa đều đã đóng chặt. Người chẳng đủ sức (hay không muốn?) gõ vào những cánh cửa ấy. Nếu một cánh cửa bỗng mở ra, thì biết làm gì bây giờ. Nếu như Phật hỏi “con muốn gì?”, con người biết trả lời sao bây giờ. Thế nên, cứ quỳ đó và sám hối. Chờ đến khi đêm xuống, lại thu vén ngồi lại với bóng. Nếu có điều kiện thì khóc. Chỉ còn có mỗi điều đó là không ai có thể ăn trộm, cướp giật hay giết chết.

Giá như được giữ nguyên tâm trạng này, và giờ này, đang tản bộ trên con đường đồi quanh co của vùng núi Ba Vì. Giờ này, trên đó, sương vẫn đang ướt đẫm cây lá. Đám cỏ tranh thủ giũ nước khi gió xun xoe chạy qua chạy lại. Không khí hơi loãng. Tai hơi ù. Mũi ửng đỏ. Hơi thở gấp gáp. Giày vải cao cổ. Quần sóc rằn ri. Áo thun đen. Khăn trùm đầu. Ba lô. Không internet. Không sóng điện thoại. Không MP3. Cai nghiện ư? Không. Chỉ là để “một ai đó” không thể liên lạc được   Nếu muốn gặp- ừ nếu muốn gặp. Nếu lo lắng - thật sự. Nếu tò mò về những bước chân lang thang. Thì tự mà tìm đến   Đâu đó từ trên cao, sẽ vẳng nghe tiếng gọi, vừa yêu thương vừa giận dỗi của “một ai đó”. Chẳng vội chẳng gấp. Cứ ngồi phệt xuống, mà chờ. Rồi “một ai đó” cũng sẽ nhễ nhại đứng ở trước mặt thôi mà. Cảm giác lúc đó thế nào nhỉ. Nhàu nhĩ và lần đầu tiên không thể gọi là phong độ. Sẽ không còn thói ba hoa. Sẽ chẳng còn sức mà chém gió. Cáu. Giận dỗi. Tự hào vì vượt qua chính mình. Vui vì mọi thứ dường như ở phía sau. Thở phào một cái. Cùng lắm thì chun mũi vào lườm nhau vài phút    Rồi ngồi xuống bên cạnh. cái mặt thấy vẫn còn giận nhiều.  chắc mẩm đã tự hỏi “mình có hâm không mà bỏ mọi thứ lao vội lao vàng lên đây”, và câu trả lời vẫn là “hâm tỉ độ”. Bờ vai thì xa. Mà cũng chẳng ai buồn khóc .... Cứ đi thong dong cạnh nhau thế cả vài cây số (cảm nhận nhé), rồi thấy cả năm ôm nhau chẳng ra cái vị gì.

Một buổi sáng như thế có nên đánh đổi không nhỉ. Một tháng buồn tẻ ở thành phố cũng không thể so sánh với một buổi sáng tản bộ lên núi như thế. Bỏ lại. Tạm quên. Rũ bỏ. Mặc kệ. Hờ hững. Nhạt nhòa. Tự điển tiếng Việt từng có những từ này sao. Đem ra dùng đi thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét