các bài viết trong năm 2011

Xảy cha ăn cơm với cá, xảy mẹ liếm lá gặm xương (Nhật ký ngày 21/09/2011)


Có thể vì tôi đã đi gần hết đường hầm tối đen trong hoảng loạn, bối rối và mất phương hướng. Rồi ánh sáng le lói ở phía xa và tôi định hình được nơi tôi phải cố mà chạm tới, nơi tôi sẽ lại nhìn thấy ánh sáng, cảnh vật xung quanh và biết sẽ tiếp tục đi về hướng nào.
Có ai đó sẽ cho rằng việc tôi kể ra, phân tích, mổ xẻ câu chuyện của riêng mình gần giống như sự phơi bày gan ruột. Có người cho rằng vô ích, có người cho là vô duyên, có người sẽ thấy rất khó chịu.
Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng khi tôi đối mặt với nỗi sợ hãi, sự giận dữ, lo lắng, mất phương hướng … tôi sẽ có khả năng vượt qua chúng cao gấp nhiều lần người không dám đối mặt.

Trước khi viết ra mọi thứ trong đầu mình lúc này, tôi đã tự hỏi: tại sao những người mất người thân trong chiến tranh ngồi lại với nhau ?Tại sao những người mẹ mất con trong ngày 11/9 ở New York, Mỹ lại tập hợp lại thành 1 nhóm, giúp đỡ nhau đi qua nỗi đau? Tại sao, rất nhiều bậc cha mẹ sau khi gặp 1 biến cố lớn trong đời, đặc biệt xảy ra với đứa con thân yêu của họ, lại có đủ nghị lực để thành lập nhóm/tạo lập website/câu lạc bộ/tổ chức phi chính phủ … để cùng chia sẻ nỗi đau với những bậc cha mẹ khác, ít ra là giúp họ đối mặt với hoàn cảnh mà họ cùng nhau gặp phải. Họ, làm vậy để nguôi ngoai, do quá yếu đuối ? Hay họ làm vậy, vì họ dũng cảm, dám đối mặt với nỗi đau và vấn đề của mình? Mọi người tự tìm cho mình câu trả lời nhé.

Còn tôi. Giờ tôi không còn nỗi đau nào nữa, khi tôi đã cố gắng và đã vượt qua. Giờ tôi sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị ly hôn của chồng, tôi đã sẵn sàng cho cuộc chia tay này.

Ban đầu khi chạm vào nó, sẽ giống như tiếp xúc giữa da thịt và chiếc kim tiêm lần đầu. Cho dù chiếc kim tiêm rất nhỏ (loại dành cho trẻ sơ sinh), khi chạm vào da thịt cũng sẽ khiến ta cảm thấy nhói 1 cái. Ai cũng vậy cả. Đối diện với việc ly hôn cũng vậy thôi. Hoang mang cực độ. Rồi bối rối. Sẽ tự hỏi vô số điều. Sẽ day dứt, khóc lóc vô lối bất kỳ lúc nào. Khó có ai đến gần được và giống như một kẻ lập dị. so sánh, tủi thân và tụt dốc không phanh. Sẽ lo sợ không biết ngày đó, cái ngày hòa giải/ ra Tòa/ những câu hỏi và trả lời không bao giờ ngừng nghỉ … sẽ như thế nào. Sẽ rơi vào trạng thái lâng lâng do sức khỏe giảm sút đáng kể. Sẽ không còn bạn bè, người thân. Sẽ bỏ bê công việc. Dường như mọi thứ không còn quan trọng nữa, ngay cả bản thân.

Và rồi, khi đã bị đẩy vào một đường hầm đen lầm lụi, hoàn toàn không thấy đường ra. Thì, con người, với bản năng sinh tồn, sẽ tìm đường thoát. Ngày hôm nay, khi ngồi viết những dòng chữ này thì tôi đã trải qua 1 ngày (không phải, có lẽ hơn 1 ngày mà tôi không để ý), trải nghiệm từ cuộc sống. Trước hết, khi đau, thay vì nhắm mắt lại để cảm nhận nỗi đau một mình, tôi mở mắt ra, nhìn xung quanh. Tôi thấy nhiều người còn đau hơn tôi nữa. Và tôi tìm hiểu xem họ đang làm gì để chống chọi với nỗi đau ấy.

* * *
Câu chuyện của tôi là về một người mẹ. Khi nằm trên giường bệnh, biết mình sẽ ra đi mãi mãi, thời gian chỉ còn tính bằng ngày. Nếu là một người mẹ, hãy thử hình dung ra bạn sẽ nghĩ gì. Bạn sẽ nghĩ về ngôi nhà to đẹp mà bạn đã kiếm tiền, tự thiết kế và xây dựng? Bạn nghĩ về luống rau xanh trong vườn và cây hoàng lan đã nở hoa? Bạn sẽ nghĩ về cuộc hẹn họp lớp đã hứa sẽ tổ chức tuần sau, sau 15 năm xa cách? Bạn nghĩ về chiếc xe ôtô dự định mua để đi du lịch mùa hè tới? Bạn nghĩ về mùi ẩm mốc của chiếc giường bạn đang nằm? Bạn nghĩ về người chồng đang lui cui dọn dẹp gì đó ở dưới nhà? Bạn nghĩ về những câu cằn nhằn và bóng gió của người giúp việc mà chồng thuê chăm sóc bạn? … Hay nghĩ về tương lai đứa con của bạn ?
Khi bạn đã lựa chọn xong rồi, thì hãy đọc tiếp. Tôi cũng đã có lựa chọn của mình. Bởi tôi là một người mẹ. Thật may mắn, vì tôi không phải suy nghĩ lâu quá. Bởi tôi đã làm mẹ.
Nếu là người mẹ đó, tôi sẽ lo sợ, sẽ suốt ngày lo sợ, nỗi lo sợ sẽ gặm nhấm và lấy đi thời gian ngắn ngủi còn lại trên đời của tôi, nhưng tôi không thể ngừng lo. Tôi nghĩ (khi tôi còn có thể nghĩ) rằng ai sẽ chăm sóc con tôi, ai sẽ nói những điều tôi ấp ủ với con tôi, và có nói theo cách của tôi định nói không? Tôi không dám chắc là chồng tôi không đi bước nữa, điều đó tôi không dám chắc, chẳng có gì khiến cho tôi có thể chắc chắn điều đó. Vậy thì, tôi bắt đầu làm 1 điều điên rồ là nằm hình dung người phụ nữ ấy sẽ như thế nào. Và chắc chắn, sau những nàng công chúa, những nàng tiên, những người tốt bụng trong những câu chuyện tôi đã đọc, những người tôi đã biết… sẽ đến những mụ phù thủy. Bạn sẽ thấy hơi bối rối khi đọc đoạn này tôi viết. Nhưng, bạn hãy luôn giữ cảm giác của 1 người mẹ đang bệnh nặng thì sẽ hiểu thôi. Nếu muốn, bạn có thể cười.
Tôi sẽ hàng ngày muốn giữ con ở bên cạnh. Vừa không muốn con nhìn thấy mình ngày càng tiều tụy, nhưng cũng  không ngừng tham vọng ghi vào trí nhớ non nớt của nó hình ảnh của mình nhiều nhất có thể. Mà chắc chắn sau này, hình ảnh về mẹ càng ngày càng mờ mịt thôi. Và thay thế vào đó là hình ảnh của một người phụ nữ khác (biết đâu đấy). Người đó có yêu thương con như mình hằng yêu thương? Nếu là tôi, thì tôi còn đầy giận dữ, vì ngay cả khi nói ra một suy nghĩ giống hệt nhau, tôi cũng có cách diễn đạt của riêng tôi, rất riêng. Tôi muốn con tôi nhận ra mẹ mình chỉ qua một cái khoát tay nóng vội, những biểu cảm trên gương mặt đôi lúc trẻ con và hoàn toàn không hợp với độ tuổi. Tôi muốn câu trả lời của con cho mọi câu hỏi so sánh phải là “mẹ xinh nhất, mẹ tốt nhất” giống như mụ phù thủy khi hỏi chiếc gương thần. 

* * *

Tại sao tôi phải dài dòng về câu chuyện của một bà mẹ ốm bệnh? Bởi bây giờ tôi sẽ soi nó vào câu chuyện của tôi. Về 2 cô con gái đáng tự hào của 1 đôi vợ chồng, trong đó, người chồng là chồng tôi hiện giờ, còn người mẹ đã ở trên trời xanh kia cách đây gần 4 năm. Tôi hoàn toàn không còn một mảy may băn khoăn, lo lắng, bối rối, sợ hãi, day dứt hay nghĩ suy gì trước quyết định ly hôn mà chồng tôi đặt tôi vào. Tôi nhìn nó với sự thanh thản. Thật lạ lùng. Vì tôi vừa có những trải nghiệm quý giá trong đời mình.
Tôi đã chạm vào suy nghĩ của một người mẹ bệnh nặng. Tôi đã nhìn thấy 2 cô con gái chăm sóc và thương yêu mẹ, lo lắng cho mẹ như thế nào khi cầm trong tay 1 kết luận bệnh hiểm nghèo. Tôi đã biết những bậc làm cha làm mẹ, thứ quý giá nhất họ nghĩ đến khi ly hôn là con cái và quyền nuôi dưỡng chăm sóc chúng. Một điều nữa, một người bạn chia sẻ một câu tục ngữ lần đầu tiên tôi được biết đến “xảy cha ăn cơm với cá, xảy mẹ liếm lá gặm xương”.
Tôi nghĩ cho con tôi ư? Hoàn toàn đúng. Tôi ích kỷ ư. Hoàn toàn đúng. Nhưng, may mà con tôi còn mẹ. Tôi sẽ giữ gìn TÔI – MẸ CỦA CON TÔI như một thứ quý giá, cố gắng nằm trong hành trang của con đi khắp nơi con đặt chân tới, luôn luôn sáng và ấm áp để soi đường cho con và giúp con không lạnh lẽo. May mà con tôi vẫn còn mẹ. Còn 2 đứa trẻ của chồng tôi, tôi sẽ tặng cho chúng sự bình an, sự vô lo về một người mẹ kế. Để một người mẹ, từ trên cao kia, có đang nhìn xuống, dõi theo, có thể mỉm cười. Cho dù, nỗi lo ấy có thể không đúng đâu, còn biết bao người tốt trên đời này (tôi vẫn luôn tin thế). Thì tôi vẫn muốn cảm nhận người mẹ ấy mỉm cười. Tôi, bị số phận đẩy đưa đến vai trò một bà mẹ kế, nhưng tôi sẽ lùi lại, bằng ý chí và sức lực còn sót lại trong con người mình.

Tại sao tôi cứ vật vã, buồn chán, kêu than, trong những ngày qua. Tại sao tôi lại tự làm khổ mình, làm khổ chồng tôi, làm khổ con tôi, vì một đề xuất ly thân. Cho dù biết, sau ly thân, mấy khi là tái hồi trong viên mãn. Tại sao tôi lại làm những điều ấy? Chỉ cần mở rộng lòng mình ra. Chỉ cần đối mặt với nỗi đau, hiểu thấu nó. Hiểu thấu. nó. Biết là đau, nếu đau hãy cứ hét lên. Nếu khóc, hãy cứ khóc và quệt nước mắt đừng ngại có ai nhìn thấy. Tự nhiên trải lòng mình ra không khiên cưỡng. Tự nhiên cũng sẽ chạm vào những sợi tơ óng ánh cảm xúc đang rung động trong lòng mỗi người, cho dù là xa lạ. Được sẻ chia, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Được sẻ chia, tôi biết mình cần gì. Sẻ chia, tôi tìm ra phương hướng cho những điều tưởng chừng bế tắc. Thấy lòng mình thanh thản.

Phía cuối đường hầm vẫn còn tranh tối tranh sáng. Nhưng đã là cuối đường hầm rồi. Cho dù điều gì đợi tôi sau khi thoát khỏi đường hầm này, thì điều quan trọng vẫn là tôi đã không ngồi thụp xuống và khóc ròng trong sợ hãi. Lời đề nghị ly hôn của chồng tôi, tựa như hành động dẫn tôi đến và bỏ tôi lại trong đường hầm sâu tối này. Cho dù có thế nào, có ra sao, thì cũng cần phải đứng lên đi tìm nơi có ánh sáng. Tôi sẽ bước ra khỏi cuộc hôn nhân này. Tôi sẽ chối từ một danh hiệu mẹ bất đắc dĩ, mà không người mẹ nào thích cả, mẹ kế. Tôi cảm nhận được nụ cười của 1 người mẹ đã đi xa. Tôi cảm nhận được sự an tâm trong lòng những đứa trẻ.
Có những điều, lạ lắm, khi thời gian trôi đi, rốt cuộc mọi người sẽ hiểu, sẽ cảm nhận được. Tôi tin, vào một ngày nào đó, những đứa trẻ cũng sẽ làm mẹ, thật tự nhiên, chúng sẽ hiểu ra  mọi chuyện. Và lúc đó, chỉ cần mỉm một nụ cười, là đủ cho tất cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét