các bài viết trong năm 2012

vấn nạn "giật tít"


"Câu chuyện cuộc sống" của VTV1 mới tạo chủ đề thảo luận này ngày hôm qua. Nhưng thời lượng khoảng 10 phút để nói về một vấn đề, chưa nói đến vấn nạn, là quá ít ỏi. Giống như bạn dùng tay phủi đít quần đứng dậy sau khi ngã phệt xuống đất, vậy đó.

nói đến kỹ thuật đặt tít (title) cho một bài báo, có dễ phải học và làm suốt trong hơn 4 năm học báo, chứ đâu chỉ sau 1 trình học. Công việc đó vẫn dường như là "quá sức" với những nhà báo Việt thời nay. Nói là "quá sức", bởi, sau khi giật tít xong thì họ lại (dường như là kiếm cớ) xoay xỏa viết bài đính chính hay giải thích hay mô tả chân thực hơn cho cái tít mình vừa giật 

những từ/cụm từ mà cách nay khoảng 15 năm trước người ta tránh nhắc tới bất cứ đâu, đặc biệt trên báo hay trong sách truyện, thì nay xuất hiện nhan nhản hàng ngày, như "hiếp dâm", "dâm đãng", "loạn luân", "cuồng sát", "sát thủ", "kẻ máu lạnh",  "quả bom sex", ... phải chăng khoảng 15 năm trở lại đây, mới có những câu chuyện đó xảy ra trong đời hay mới có những thành phần bất hảo đó trong đời sống của chúng ta? Không, lúc nào cũng có đầy đủ các thành phần đó trong đời sống. Có chăng là người ta nói ra hay không mà thôi.

để sống, nhà báo phải có tin, báo phải có tin. thời buổi mà ở xó xỉnh đâu đâu, có gì hay hay, buôn nát ở quán nước đầu làng thì gọi báo cho mấy báo, lấy thù lao cộng tác viên. từ một nguồn tin "thô" với vài ba chi tiết nhỏ xíu, qua tay nhà báo, nó có thể trở thành một bài viết choán nửa trang A3, thậm chí có thể kéo dài nhiều kỳ.  đừng nghĩ, tôi đang nói xấu cánh nhà báo. bởi, cũng có nhà báo ngồi nhà sáng tác thêm, cũng có nhà báo đã bỏ công đi thực tế, tìm hiểu và phân tích thêm, hầu mong có câu trả lời cho mình và cho người đọc.

Người dân mở mắt ra đã nghe tiếng rao bán báo, cái giọng the thé không người lớn chẳng trẻ con, hồn nhiên (không hề có tiếng thổn thức) gào lên những cái tít và những câu chuyện chỉ nghe qua người dân không dám thò chân từ giường xuống đất, chứ đừng nói dắt xe đi đâu khỏi nhà. Cuộc sống ngoài kia bất an thế sao? Cuộc sống ngoài kia toàn lừa lọc, phạm tội, xâm hại ... thế ư? Cuộc sống ngoài kia còn gì đáng để SỐNG hay chăng ? Có dễ đến 2/3 tin bài trên 1 báo mạng có tiếng ở Việt Nam mà tôi chọn đọc hàng ngày, là những vấn đề tiêu cực trong doanh nghiệp công, lạm phát, tăng giá các loại và tái cơ cấu này nọ (mà bàn luận suốt năm), những vụ án có thể nói là tày trời (vì hầu hết là có người chết) ... Chao ôi, thế thì chẳng đáng sống nữa (bi quan quá). đất nước này không đáng để mình sống nữa (đỡ bi quan hơn rồi). chẳng lẽ, ở nơi đây, quê hương tôi, thành phố đáng yêu của tôi, không còn những người tốt, những người dũng cảm, những câu chuyện đẹp, không còn những tâm hồn biết ước ao nữa hay sao ...

Vẫn biết, giờ người ta sống nhanh, sống gấp, học kỹ năng "trèo lên và đạp lên", thời nhan nhản những cuốn sách với những lời tuyên bố xanh rờn kiểu "người giỏi - mình có kém cạnh ai", thời mà sự tráo trở ngày càng nhăn nhở vì con người phụ thuộc quá nhiều vào đồng tiền, thời mà những giá trị đạo đức và lối sống người ta lười bàn cãi đến nhất.

Cái này thì người đọc/nghe/nhìn là nạn nhân 100%, vì chẳng ai tạo ra nhu cầu giật tít đó cả, chẳng ai có nhu cầu được ném vào mặt những ngôn từ đó cả. Chỉ có một phía có lỗi, là phía đã "gieo xạ" thứ vấn nạn này ra hàng ngày hàng giờ và khiến nó phát triển như vũ bão bằng công nghệ. Giống như bệnh dịch, phải có thuốc đặc trị, trị trên diện rộng và liên tục, quyết liệt. Nạn "giật tít" cũng vậy. Chỉ e rằng, thời mà "chém gió, chặt bão" soán ngôi thế này, thời mà "trảm phong" ăn tiền như ở Việt Nam ta bây giờ, thì lại chữa bằng biệt dược "giơ cao đánh khẽ" mà thôi.

* * *
Dẫu biết rằng như thế, mà lòng vẫn quặn lên, một cơn nhớ nhung cháy bỏng. Bao giờ cho đến ngày xưa có phải là một câu hỏi của kẻ hâm dở? những câu chữ tha thiết, những từ ngữ vụng dại nhưng không thô kệch, những tâm hồn giản dị, những ước ao bé nhỏ nhưng da diết theo đuổi đến tận cùng, những sự giúp đỡ hồn hậu vô tư, những người dũng cảm không phải chỉ khi đang cầm súng, những thanh âm bình dị, những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng chớp sáng, những con người tốt không vì tiền treo thưởng, những người đẹp không dựa vào lời nịnh hão, tình người tình đời dẫu có xa xôi ...... Mà thôi, bao giờ cho tới ngày xưa?

Trách gì ai, tôi, giờ này vẫn còn ngồi đây type những con chữ như con bọ robot đây thôi.  Một thời tôi viết những lá thư tay cho bạn bè, cho mẹ, cho em, cho người yêu. Một thời tôi tiết kiệm tiền để mua những con tem, suýt xoa chọn lựa hình in, phải thật đẹp và thật nét, phết dính bằng hồ lên phong bì, sau này thì chỉ cần liếm chút nước bọt lên thứ keo trong ở mặt sau con tem là được    Thèm được viết thư tay gửi ai đó và được nhận những dòng chữ viết tay, như một thời. Nhưng, có lẽ người ta cho tôi là dở người mất.

thật thú vị khi trải nghiệm cảm giác do dự trước lúc nhét lá thư vào thùng thư, và khi lá thư trôi tuột vào trong đó.  rồi chờ đợi, có biết hôm nào người ta nhận được thư đâu, có biết hôm nào mình nhận được thư đâu. có hôm thùng thư đã chật cứng nên lá thư của tôi thòi ra ngoài, sợ ai đó lấy, đọc được tâm sự của mình, tôi lại rút ra mang về, không gửi nữa. Vậy mà, bây giờ, người ta nói/viết/chia sẻ tâm tư của mình thật dễ dàng, ở đây, thế giới phẳng lỳ này.

Ông già viết thư thuê ở bưu điện thành phố HCM còn ai thuê viết nữa hông? Ở bưu điện đó, tôi đã thấy những gương mặt, nhiều cảm xúc, những bước chân rón rén có, vội vã có, những chờ đợi và thất vọng khi nhìn vào hộp thư rỗng, những háo hức khi đón từ tay bác đưa thư lá thư đề tên mình ...

Trong những lá thư đó, không ai "giật tít" bao giờ, chỉ là "gửi .... thương yêu!" thôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét