Đi giảng và đi làm, không được xem tivi phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, thấy hơi tiếc. Mình có thể học được rất nhiều, ở góc độ của một giảng viên. Ví dụ như, kỹ năng né tránh một câu hỏi “móc” của học viên chẳng hạn. Cái này thì các bộ trưởng đầy kinh nghiệm. Hay kỹ năng “đi vòng”. Kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, đàm phán, thương lượng …
Ở góc độ một giảng viên của người lớn, mình không đứng cao hơn họ giống như các thầy cô giáo dạy cấp I, II, III. Họ là những người tinh ranh, nhanh nhẹn đã được tuyển dụng qua những vòng xoắn khắt khe nhất. Sau khóa học vừa rồi, mình nhìn nhận mọi thứ khác đi nhiều. Không phải mình đang “dạy” nữa mà là mình đang “học” mới đúng. Không phải nói nhiều rồi kêu mệt. Nếu họ quan tâm thì mình chia sẻ. Nếu họ không quan tâm thì mình nói đúng bài, hết nội dung thì nghỉ. Nếu họ nghe thì mình nói. Nếu họ không nghe thì mình im lặng. Giao tiếp, vốn dĩ cũng là một nghệ thuật mà.
Ngẫm nghĩ, thấy mình học được nhiều thứ từ những điều tưởng chừng rất giản đơn. Miễn là mình đừng dừng việc học lại vì mệt mỏi, chứ bài học thì lúc nào cũng sẵn có để chờ tìm ra lời giải.
Vấn đề kinh tế xã hội quan tâm nhất bây giờ, có lẽ là sát nhập ngân hàng. Sát sườn quá mà. Rồi việc dân nhập cư nữa, vấn nạn đường sá ở Hà nội giờ đáng báo động rồi.
Nhưng, đôi lúc tự hỏi một ông bộ trưởng mạnh mồm hay một người dân dũng cảm xả thân cứu người cứu của, có thay đổi được một thực tại? THỰC TẠI tiếc lại là hiện tại mà ai có lý trí cũng lựa chọn để sống hết mình. Đâu có ai lựa chọn sống hết mình trong quá khứ, tương lai?
Con đi học, con vui con nói cười. Mẹ ghi vào lịch những ngày phải chuẩn bị phong bì. Đưa phong bì bên cạnh một lời cảm ơn, bản thân không xấu. Có đôi lúc, đó chính là hiện thực hóa, chân thực hóa một lời cảm ơn chân thành. Phần nhiều là đối phó, a dua. Nếu mẹ mà không có tiền, mẹ không khéo ăn nói, con của mẹ có thể bị “đì” khi đi học, sau này ra trường đời cũng thế. Thương con xót con, nhưng chẳng lẽ giữ rịt con ở nhà để con mù chữ? Cho dù những thứ mà con học được ở trường cũng chẳng phải là hay ho xuất chúng gì. Ngoài kiến thức giáo điều, còn là chửi bậy, đánh nhau, đàn đúm, hiền lành có thể bị bắt nạt dọa dẫm, mà lanh lẹ một chút có thể mẹ sẽ mất con – có ngày …
Đi ngoài đường bây giờ cũng phải giữ khẩu hiệu “đi nhẹ, nói khẽ”. Bản thân mình không phải là 1 người thờ ơ hoặc có thể giữ được vẻ thờ ơ, khi người khác gặp chuyện. Nhưng, nếu khí khái “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, cũng không dám khẳng định mình sẽ làm gì, làm rồi sẽ ra sao? Lục Vân Tiên là chuyện cổ. Những anh hùng SBC thời nay, có lẽ là họ mồ côi không cha không mẹ không anh em không họ hàng vợ con … như nhiều người nói là họ “hâm” … thế nên chẳng còn gì để mất nên mới không sợ hãi gì, nên mới sả thân thế. “Tốt thường thua thiệt” - 4T này không biết có trong cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” không nhỉ ? Đó là nguyên tắc sống của rất nhiều người trong thực tại đấy. Họ thường buộc mình hay là cố thuyết phục mình sống làm sao để không thua thiệt. Thấy chỗ trống trên đường là lách xe vào. Từ chối xếp hàng vì ai cũng thấy mình quan trọng (đặc biệt là khi mình có tiền). Giới kinh doanh, nghệ sỹ tự dưng trở nên bóng loáng, láng cóong , kiếm tiền rất dễ dàng, sắm xế hộp biệt thự dễ như hát 1 bài hát (mà lắm khi dở tệ). Chuyện “chân dài đại gia”, gạt sang 1 bên. Hai thành phần đó cặp với nhau là phải. Ai ngu hơn hay cả 2 ngu, tùy mọi người nghĩ. Mình chưa hề nghĩ đến 1 ngày, họ – tức là những người làm nghề văn nghệ đó – lại có thể sống sung túc bằng làm nghề. Mặc dù trong gia đình mình cũng không ít người làm nghề, nhưng mình vẫn nghĩ thế. Ở thời hiện tại này, con người ta chấp nhận mọi thứ ở mức độ cao vừa phải, nếu không nói là hơi thấp.
Dạo này, mình cạn ý tưởng. Ngồi lặng cả ngày cũng không thấy một ý tưởng nào bén mảng tới đầu óc. Tự nhạo mình. Tuổi tác? khó tính quá? Hay là không khí nhộn nhạo của Noel và Tết đã khiến cho mình sao nhãng? Hay là quá mệt mỏi sau khi tháng nào cũng có lớp ?
Cạn ý tưởng. Nhưng mà không muốn đi đâu cả, thế mới tệ. Thường thì đi đâu đó, cho dù là nằm ườn ở một nơi nào đó, cũng khiến cho mình có ý tưởng. Một năm sắp trôi qua, đã làm được nhiều việc, nhưng sao không tự thưởng cho mình những lời khen ngợi nhỉ? Tim vẫn đập những nhịp thấp thỏm. Vẫn không cười được. Vẫn thấy mệt mỏi kinh khủng. Làm gì cũng không thấy vui. Ngại gặp mọi người, cả quen cả không quen. Không ngại hỏi thăm mọi người, nhưng, ngại mọi người hỏi thăm mình.
1/1/2012, kỷ niệm đúng 1 năm cùng nhóm bạn trẻ trên HAT đến Trung tâm bảo trợ xã hội 4. Mới đó mà đã 1 năm rồi. Tụi trẻ sơ sinh đã phân tán về các trung tâm, đã được nhận nuôi đâu đó. Những đứa trẻ vẫn ăn 3 bữa 1 ngày với giá 16.000 đồng. Ở Hà nội, trung bình, mình phải trả 25.000 đồng/bữa. Chưa kể những bữa ăn ngoài tiệm, sinh nhật, tụ tập cải thiện … Một buổi uống cà phê “chém gió” cũng đủ để có thêm chút thịt trong bữa ăn của tụi trẻ. Cuộc sống ở nơi đây, không thể sống mà không có giao tiếp xã hội, người ta không ngồi yên được gọi là 1 chút. Viết 1 điều nào đó vào nhật ký có thể bị coi là hâm, đọc một cuốn sách nào đó có thể bị tra tấn, nghe hết 1 bản nhạc Giáng sinh có thể là xa xỉ, gọi điện hỏi thăm nhau có thể gặp phải sự nhạt nhẽo .... Moving đáng lẽ ra là 1 điều cần thiết trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là người trẻ. Nhưng chủ yếu chúng ta “moving” là để kiếm sống, không phải để thu nhặt những điều thú vị nhân văn của những nền văn hóa khác.
Noel đến thật gần rồi. Bỗng thấy mình trẻ con, khi cứ ngồi ước ao, những điều tự biết là viển vông quá đỗi. Mình có những suy nghĩ thật là trẻ con. À, có đứa bảo là “chị H lúc nào cũng bồng bềnh” :))) nhớ lại thấy buồn cười. Buồn cười nó, buồn cười mình. Nó trẻ thế mà lúc nào cũng thấy mình trẻ – trẻ con. Thế là tự nhận mình già à … ;))))
Tết này, tiền thưởng Tết sẽ dành để mua gì nhỉ? Làm gì nhỉ? Một chiếc máy may mini . Chuẩn bị cho 1 công việc tay trái. Chuẩn bị cho một đoạn đường phía trước. Mỗi ngày sắp tới đều phải được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, vì cuộc sống của mình còn lắm chông chênh. Bảo là mình bồng bềnh thì quá đúng, đã bao giờ hết chông chênh bồng bềnh đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét