Trích nguyên văn trong tản văn “Đàn bà ba mươi” của Trang Hạ
Tôi rất ấn tượng với câu nói của ngài Pascal đáng kính, ngài ấy dặn dò hậu thế:”Có vợ ngoại tình mà còn chung sống là tự đào huyệt chôn mình!”.
Thế vợ ngoại tình thì bỏ cô ấy đi à? Giết cô ấy đi?
Thế mình ngoại tình thì sao? Đàn ông có được ngoại lệ, tức là được tha thứ không?
Có lẽ khi nào sống quá bốn mươi, ngoảnh lại, nhà bác học – triết học – văn sĩ Pascal mới tự xét mình, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, giới khác, hoặc có lẽ vì thế ông đã không bao giờ sống được tới tuổi bốn mươi. Cũng có thể những ảnh hưởng từ tôn giáo và xã hội của năm thế kỷ trước, sự ngoặt chuyển về thái độ với tôn giáo của gia đình Pascal đã không cho Pascal cơ hội ngoái lại. Khi phán xét số phận mình thì phải đứng ở một điểm lùi xa hơn. Để không chỉ thấy đời mình mà còn thấy cả những con người khác, số phận khác.
Tôi có một người bạn gái vật vã khi bắt đầu ngoại tình và cũng vật vã ghê gớm hơn khi phải dứt ra khỏi mối quan hệ “ít có lý” đó khi bắt đầu một trong hai bên trở nên “ít có tình”. Bạn tôi lên án người đàn ông kia lúc đầu dụ dỗ quyến rũ mà rồi sau cùng lại rũ bỏ lạnh lùng, một người đã lợi dụng cô ấy suốt mấy năm tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của cô, để cuối cùng, quay về với vợ, phủi tay sạch bong không lỗi lầm gì.
Tôi rất khó khăn để giải thích với bạn tôi rằng, đừng chửi bới anh ta nữa, hãy nói cảm ơn anh.
Nói một cách lịch sự thì: cám ơn anh vì những giờ phút hạnh phúc đã qua, những kỷ niệm đã có, những ngày tháng đáng lẽ cô đơn thì lại ấm áp. Cám ơn anh vì đã dành một phần thời gian trong những năm tháng ấy để gắn bó. Cám ơn vì những lúc chia sẻ niềm vui, chăm sóc khi đau ốm, cám ơn những lúc đưa xe qua đón, những bữa cơm ăn cùng nhau.
Nói một cách tàn nhẫn thì: không phải cả hai cùng vui vẻ sao, cùng tận hưởng niềm vui sướng được hòa quyện sẻ chia cả thể xác lẫn tâm hồn? Không phải khi anh ta lợi dụng bạn thì bạn cũng chiếm dụng anh ta sao, thậm chí từ một người phụ nữ khác?
Còn nói theo cách của tôi thì: Bạn chửi họ hay bạn cảm ơn họ, có khác gì nhau đâu, có hơn gì nhau đâu? Có thay đổi được gì theo ý bạn đâu? Vậy đừng chửi bới nữa để cho cuộc đời mình nhẹ nhõm, để những hằn thù đừng chất ngất lên trong tâm hồn, sự tuyệt vọng đầu độc chính tâm hồn mình. Hãy đứng lùi xa một chút để nhìn vào cuộc đời mình và nói cảm ơn những giờ đã sống, sau đó đi tới tương lai.
Nếu bạn không muốn thì đáng lẽ ngay từ đầu đừng ngoại tình, đừng đổ lỗi cho tình yêu. Nếu đã không lý trí được ngay từ giây phút đầu tiên cùng nhau thì đừng dể những giây phút cuối cùng hủy hoại cả những ngày – sau – ngoại – tình.
Có một cô bạn khác lại luôn dằn vặt vì sao họ không bỏ vợ cưới mình? Vì mình xấu hơn vợ họ ư, mình kém tài kém danh hơn vợ họ ư? Hay vì mình không được yêu như vợ họ? Hay họ không muốn biến đổi, cho mình thoát khỏi cây thập giá “ngoại tình” nặng nề? Hay họ thực sự đúng là người đàn ông vừa ích kỷ vừa tham lam?
Tôi lại nghĩ tình yêu ấy chỉ trắc trở ở hai chữ “ngoài hôn nhân” mà thôi, đúng hơn là ngoài đạo lý. Nhưng đạo lý lớn nhất của con người lại không phải là tình yêu sao? Không phải tình yêu luôn luôn tốt hơn sự hận thù sao? Không phải vì tình yêu mà người này có thể yêu người khác, một người xấu hơn, kém tài hơn, thiếu danh phận hơn người khác sao? Không phải trên cán cân sắc đẹp công danh và đạo đức thì tình yêu đã chiến thắng sao?
Hai quan điểm và lời an ủi trái ngược trên của tôi trước hai chuyện ngoại tình khác nhau có mâu thuẫn chăng, và nếu vậy thì ngoại tình là xấu xa hay lẽ thường?
Tôi nghĩ giờ đây trong cuộc sống, trong cuộc tình, chẳng còn tồn tại khái niệm đúng-sai, phải-trái, mà vấn đề chỉ là: bạn có chấp nhận được không, hay là không chấp nhận? Không chấp nhận thì đừng đến, đừng yêu, đừng chia tay. Còn đã chấp nhận thì đừng dằn vặt mình và dằn vặt người.
Giống như trong câu chuyện cổ, khi giành giật nhau, người mẹ đã buông tay con cho kẻ thù. Không thể nói đó là tốt hay xấu, bởi có thể buông tay thì sẽ mất đứa con, những cũng có thể giữ nó lại nó sẽ đứt. Và kẻ thù sẵn sàng làm cho bạn đứt.
Vậy đừng đẩy vợ/chồng họ thành kẻ thù. Hoặc đẩy tình nhân của vợ/chồng thành kẻ thù. Hãy nhìn họ như nhìn một số phận. Và tìm cách bao dung họ lẫn bao dung lấy bản thân mình. Đó là cách duy nhất để tự bảo vệ mình và tâm hồn mình trước chuyện ngoại tình, cho dù ta là người đứng ở ngã ba đường, không biết đi về đâu trong tình yêu này.
Và ít nhất như thế, bạn cũng không bị biến thành thủ phạm, nạn nhân trong những tin pháp luật trên vnexpress.net có dính tới chữ “ngoại tình” (như: đầu độc chồng bằng rượu, tẩm xăng dọa giết vợ, vợ sát hại chồng, dùng búa sát hại nhân tình, đầu độc chồng vì nghi ngoại tình, giết trẻ sơ sinh, dùng xăng tự thiêu …).
Hết yêu, hoặc hết được yêu, thì cũng buông tay cho người ta đi. Dù mình là vợ, là tình nhân, là chồng. Kịch của Shakespeare chả từng có nàng bị chồng nghi ngoại tình nên cầu xin:”nếu không yêu em nữa, hãy để em đi. Đừng giết em tội nghiệp!”.
Thế kỷ mới, chắc người ngoại tình phải học sẵn câu nói ấy, nhưng là tự cầu xin mình: ”nếu họ không yêu ta nữa, thôi xin ta hãy để cho họ ra đi!”.
Tôi có quen một anh chàng Đài loan xấu xí nhưng rất tốt tính, yêu tha thiết một cô nhưng rồi không lấy nhau. Sau này lấy vợ Việt Nam, đẻ đứa con đầu lòng, anh đặt tên cho nó là Khánh Ly.
Tôi rất ngạc nhiên và hỏi anh, vì sao lại đặt một cái tên tuy đẹp với người Việt nhưng đối với người Đài thì không hề đẹp một tí gì, thậm chí ngay cả khi chưa biết đứa con đó sẽ là trai hay gái. Anh nói:
- Khánh là chúc tụng, mừng vui, Ly là ly biệt, tan rã. Tôi chúc mừng tôi đã đau đớn, chia ly, tan rã, mất mát.
Tôi càng ngạc nhiên hơn và hỏi vì sao. Anh kể chuyện trong quá khứ và giải thích:
- Khi chia tay nhau, nên chúc mừng nhau. Bởi đã mất cô ấy nên tôi mới có được vợ tôi ngày nay, vì đã đau khổ nên tôi mới có con tôi ngày nay, nếu chia tay mà tôi cứ ôm ấp đau đớn, hận thù vì bị phản bội, thì bây giờ số phận tôi ra sao? Vì thế nên vui mừng vì chia tay nhau mới đúng. Tất nhiên tôi vẫn đau đớn cho đến bây giờ nhưng tôi vui mừng với sự chia ly của số phận. Và chúc mừng vì chúng tôi đã chia tay ngay, không kéo dài dằn vặt tới ngày hôm nay.
Những cuộc sống nào đang kéo dài dằn vặt trong và ngoài hôn nhân?
Bạn đã nghĩ ra lối thoát cho mình chưa?
Nhưng nếu ai nói họ cả đời chẳng ngoại tình kể cả trong tâm tưởng, tôi nghĩ chắc đó là người tẻ nhạt lắm, chẳng làm cho ai yêu nổi mình hoặc cũng không biết xúc động trước cuộc sống trăm nghìn điều đẹp đẽ. Và trước người như thế, tôi nghĩ thà tôi tự đào huyệt chôn mình còn hạnh phúc hơn sống đời với một người vợ/chồng không cảm xúc.
Thú thực là tôi đã không đọc văn của Trang Hạ, Phong Điệp, Phương Mai, Dương Thụy (đặc biệt là Dương Thụy) …. kể từ cái ngày ấy. Cái ngày mà lứa chúng tôi mới vào cấp III. Cái ngày ấy, Hạ tóc dài kẹp trễ sau lưng, khuôn mặt tròn vạnh, da trắng, mắt to đẹp nhưng hay nhìn xuống. Cái ngày ấy, Hạ chẳng có vẻ gì là sẽ giống như Trang Hạ ngày hôm nay cả Nếu gặp Hạ ngày ấy, mọi người sẽ đồng ý với tôi là tên Hạ nên là Trăng Hạ thì đúng hơn là Trang Hạ.
Các bạn theo nghiệp văn chương sách vở, vậy mà cuộc sống đâu ra đấy. Hạ có 3 đứa trẻ. Điệp có 2 con gái. Phương Mai rong ruổi khắp thế giới. Thụy thì không biết ra sao … Tôi muốn mình biến mất vì đã sớm nhận ra mình sẽ chỉ là một cây bút cùn quèn trong nhóm. Bây giờ mà bới trong ký ức của các bạn ra cái H sinh hoạt cùng nhóm bút Hương đầu mùa năm đó, chắc cũng khó …. H hèn nên không dám viết. Thỉnh thoảng sáng tác xong lại dấp dúi đâu đó, cả thẹn chẳng chia sẻ với ai. H như một quả bóng nẩy vậy, cứ chạm là bắn đi, cứ chạm là bắn đi, không bao giờ dừng lại...
Giờ thì H ngược lại hẳn với H, cái ngày ấy. Và ngược hẳn lại với Hạ. Mặc dù trong suy nghĩ, 2 đứa có khá nhiều điểm chung. Hạ không còn mái tóc dài ơi là dài ngày xưa, mà để tóc tém ơi là tém. Mái tóc tém ngày xưa của H thì dài rồi, lúc nào cũng buộc chun xệ xệ đằng sau trông “quê” ơi là quê. Hạ tự do rong ruổi trên xe máy phân khối lớn. H đã từng ấp ủ việc mua 1 con xe còn ngổ ngáo hơn Hạ nhiều, , nhưng rồi H kết thân với 1 em Honda Dream cũ và quyết định gắn chặt hình ảnh mình với “em nó” cho đến khi cả 2 đều rã rời rụng rơi gỉ sét . Hạ đã có 3 con. H chỉ có mỗi 1 đứa, mặc dù thích có 3 đứa như Hạ. Hạ càng ngày càng trẻ và trông rất phơi phới. H già đi mỗi ngày và trông rất chậm chạp. Cùng thích nước hoa và thích vỏ chai hơn là thứ nước đỏng đảnh mau bốc hơi ấy (đọc Đàn bà ba mươi thấy có mấy loại mình cũng thích) … Quá vãng đã là quá vãng. Mọi thứ đã nhòa và chúng ta đã từng trải hơn. Như Hạ đã viết trong “Đàn bà ba mươi” đó, giờ mà chúng ta mặc áo sơ mi trắng lụng thụng, nhảy nhót nhí nhảnh như chim sáo thì … ai mà chịu cho nổi, ha.
Sắp 40 rồi, Hạ đã viết gì cho tuổi 40 chưa ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét