các bài viết trong năm 2012

ngày 20/11/2012


Sáng nào mẹ đưa con tới lớp mà hôm đó con và Gia Hưng vào lớp cùng 1 lượt thì chỉ có bố Gia Hưng đưa tới. Chưa bao giờ mẹ gặp mẹ Gia Hưng cả. Họp phụ huynh cũng bố đi họp. Bố bạn ấy còn ở trong Ban phụ huynh của lớp nữa chứ. Thỉnh thoảng, cũng có bạn được bố đưa đi học. Những ông bố lễ mễ, tay trái xách chiếc balo nhỏ áo khoác mũ tất, tay phải mải sốc lại chiếc cặp đeo chéo, mũ bảo hiểm sùm sụp. Và thế nào cũng vấp ở bậc tam cấp không hiểu sao lại lù lù ở giữa khoảng sân tối om om (không quen địa hình, nó thế ). Nhìn thấy vậy, thường thì phụ nữ hay ái ngại và thương và cứ hay nghĩ đến cảnh “gà trống nuôi con”. Ông Trời sinh ra phụ nữ cứ hay đa đoan thế. Vớ vẩn hết chỗ nói. Con yên tâm, Gia Hưng có đủ bố và mẹ và 1 cô chị gái lớn lắm rồi. Bao năm sau khi sanh chị gái, bố mẹ sanh Gia Hưng là con trai nên bố bạn ấy chiều thế đấy, mẹ bạn ấy chẳng phải làm gì cả. Thế nên, chẳng nên nhìn các ông bố đưa con đi học mà đã vội … chẳng qua là vợ "sai" đưa con đi học thì đưa thôi 

Mẹ nhìn các ông bố đưa con đi học  thì có chút chạnh lòng nữa. Phấp phỏng, ngại. Nhỡ lúc nào đó con hỏi “mẹ ơi, sao Gia Hưng được bố đưa đi học mà bố không đưa con đi học?”. Thì chẳng có lúc con đã hỏi mẹ “mẹ ơi, sao bố không đón con ở trường?” đó thôi.
Mẹ sẽ … một: lại nói câu cũ rích (mà mẹ cũng chán nói cái câu cũ rích đó lắm rồi), hai là cáu nhặng lên. Mẹ của con thế đấy, buộc phải nói dối là cáu nhặng lên và rốt cuộc thì cũng … lòi cái đuôi ra. Ba: mẹ khóc. Mẹ khóc thì con không hỏi nữa. Mẹ sẽ cố gắng không “làm khó” con kiểu như thế. Như thế là không fair, con nhỉ. Lúc con khóc, mẹ gặng hỏi “vì sao mà khóc? Ai làm gì con mà con khóc?” đấy thôi. Con hỏi thì mẹ lại im lặng, không trả lời. Chẳng fair tí nào 

Sáng nay, 20/11, mẹ thay mặt Ban phụ huynh lớp đến cảm ơn Ban giám hiệu, cô hiệu trưởng hỏi khó khăn của các mẹ trong việc nuôi con, mẹ bảo “cháu ăn chán lắm cô ạ. giờ ăn của cháu, mẹ cháu hay mất bình tĩnh lắm, quát tháo con ầm ĩ cả lên”. Cô hiệu trưởng bảo “nhìn mẹ thì ra con. Chị thấy em thế này chắc cũng khảnh khót lắm, nên con em chắc chắn không thể ăn uống sam sưa như con của mẹ này được”. Rồi cô chỉ sang mẹ bạn Quang Huy (mẹ bạn ấy tròn xoe như hạt mít ấy). Đợt này, mẹ cũng thấy chán mẹ thật. Gầy như 1 con cá chuối, lại còn đuối  Mẹ thấy buồn cười. Và cũng chẳng tin lắm.  Vì sao, con biết không, bé con. Con là cô bé thông minh. Lúc đầu, mẹ tưởng các cô khen con để mẹ phổng mũi thôi. Nhưng không phải. Lớp con là lớp chọn của trường. Thỉnh thoảng lại có dự giờ, thao giảng và gì gì nữa ấy. Những lúc ấy, cô giáo hay hỏi mẹ “mấy hôm nay, bé An về nhà có kêu mệt không mẹ? Mấy hôm nay cô và trò rèn suốt đấy”. Cô dặn bà và mẹ “sáng mai, bà và mẹ cho cháu đi học sớm, cho cháu ăn uống đầy đủ và tối cho cháu đi ngủ sớm”, là biết hôm ấy lớp con lại có dự giờ nữa rồi. Con là “con át chủ bài” của các cô. Con giống mẹ sự nhạy cảm. Con giống bố sự thông minh. Mẹ thì chậm như con rùa. Con thì nhanh nhẹn. Thế thì, không phải “nhìn mẹ ra con” rồi 

Sáng nay, 20/11, mẹ cũng có niềm vui nho nhỏ khoe con này. Mẹ có tên trong danh sách giảng viên được tuyên dương, được nhận bằng khen. Chút bồi dưỡng nhỏ, đủ để mẹ tặng con một quyển album nhân dịp sinh nhật 4 tuổi rồi. Mẹ muốn con cùng mẹ cảm ơn. Cảm ơn những nỗi buồn đã đẩy mẹ lao vào công việc. Khi mình bận rộn, mình sẽ ít nghĩ ngợi (tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều). Khi mình cố gắng hết sức, chắc chắn sẽ nhận được thành quả tốt đẹp. Con đừng chăm chắm nhìn vào phần thưởng bằng vật chất  Khi con cố gắng nỗ lực hết sức mình  để thực hiện điều gì đó, thú vị nhất là không bao giờ vừa đi con vừa phải ngoái lại và tiếc nuối. Đừng bao giờ phải tiếc nuối vì mình đã không nói điều mình muốn nói khi có thể nói được. Đừng bao giờ phải tiếc nuối vì mình đã không làm điều mình muốn làm khi có cơ hội để làm. Cố gắng, bé con nhé ! Đáng để cố lắm đấy ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét