Tôi lập gia đình muộn, khi đã 28 tuổi. Cho đến giờ tôi vẫn ghi nhận lỗi ở bản thân mình cho sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên. Những yếu tố về chênh lệch tuổi tác, thời điểm kết hôn, sự không đồng thuận của gia đình, có nhưng chưa bao giờ là một yếu tố nặng nề khiến cho ai đó nghĩ đến 2 chữ Ly Hôn … Tôi cũng không đem gửi gắm ở đây những dòng nước mắt về chuyện mẹ chồng nàng dâu. Mối quan hệ này phổ biến trong 01 xã hội khỏe mạnh, khi hôn nhân-gia đình vẫn luôn được coi trọng, đề cao và được cổ xúy. Mấy hôm nay, trên vnexpress.net, người ta đang bàn luận và đăng rất nhiều comment xoay quanh chủ đề “mẹ chồng-nàng dâu”. Tôi không quá ngạc nhiên khi hầu hết đều là những tâm sự buồn đau của những nàng dâu, với kết cục cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ. Tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi vẫn nghĩ rằng việc 2 vợ chồng tôi phải “buông tay nhau ra” là do những “cú đánh dã man” không tiếc tay từ phía gia đình nhà chồng. Chủ yếu là giáng lên lưng tôi. Tôi sẽ không kể nhiều về chuỗi ngày mệt mỏi đó vì các bạn rất khó hình dung. Vì các comment trái chiều cũng sẽ không ít. Đó là những câu hỏi về tư cách của nàng dâu, tính cách và cái nết của nàng dâu. Gạt bỏ khỏi đầu những điều đó đi, chúng ta nên cùng nhau ngồi lại để phân tích những điểm mấu chốt khi các nàng dâu phải quyết tâm rời bỏ khỏi gia đình đó.
Trước hết, nói về gia đình nhà chồng. Cho dù với người này người kia có khác nhau nhưng tựu trung có những điểm chung như: có quan niệm “trọng nam khinh nữ”, không quý người và luôn giữ thái độ thù địch với người mới nhập gia. Mẹ chồng thuộc tuýp người cố chấp, đã từng bị đối xử tệ hại bởi mẹ chồng và/hoặc bố chồng của họ trước đây. Mẹ chồng và/hoặc bố chồng quan niệm “bỏ con này lại có con khác” (con = con vợ). Họ bị ấn tượng bởi 1 lỗi lầm nào đó của nàng dâu mà không thể hóa giải được. Họ thuộc tuýp người dễ bị lung lay quan điểm bởi người khác, a dua a tòng, bệnh hoạn, yếu tố tâm lý ....
Thứ hai là về người chồng. Tôi muốn nhấn mạnh từ “người chồng” vì tôi không muốn nhắc tới ở đây “thằng chồng”. Đã là thằng chồng là mất dạy (với cha mẹ đẻ trước hết, và đương nhiên chẳng còn ai hắn tôn trọng). Đã là thằng chồng là không làm gì cho ra hồn nhưng kênh kiệu, gia trưởng, vũ phu, áp đặt. Đã là thằng chồng là có tật xấu như rượu chè be bét, đề đóm cờ bạc, gái gú, trộm cướp....
Vai trò của người chồng rất quan trọng. Vì anh ta là người đứng giữa. Có muốn hay không, anh ta cũng phải đứng giữa. Anh ta đẩy người này ra xa, kéo người kia lại gần. Anh ta phải dung hòa mối quan hệ luôn luôn “nóng” giữa mẹ mình và vợ. Nếu ai đó nói họ không làm được vì điều đó là 1 nghệ thuật, tôi sẽ cho họ 1 câu trả lời “anh sẽ làm tốt, nếu anh thực sự yêu vợ và gia đình nhỏ của mình. Anh sẽ làm tốt nếu anh là người hiểu biết, biết chia sẻ, biết cảm thông, biết xét đoán và sẵn sàng làm mọi việc để giữ gìn hạnh phúc của mình”. Dù gì, anh ta là người phải hiểu mẹ mình. Mẹ thì “chỉ 1 trên đời”, ai cũng hiểu điều đó. Nhưng cũng không vì thế mà vợ là thú vui nhất thời, lấy đâu cũng được và lấy ai cũng được, phải không ạ? (nghĩ thế thì lại là “thằng chồng” rồi).
Thứ ba là về chính nàng dâu. Tiếc quá, tiếc cho những mẹ chồng và các ông chồng tệ hại, nàng dâu của thời nay rất mạnh mẽ. Nếu bảo người đàn ông thời nay như đàn bà và người phụ nữ mạnh mẽ ngang tầm đàn ông, quả không ngoa. Có lẽ như vậy mà phụ nữ trẻ không muốn lập gia đình, trễ lập gia đình và sống vì mình nhiều hơn. Có lẽ vậy mà quan điểm chung của phụ nữ ngày nay là khó tìm ra một mối quan hệ tốt (chân thành, gắn kết chặt chẽ, yêu thương tôn trọng nhau, vì con cái …). Họ khó có thể tìm một người đàn ông thực sự “trên cơ” mình về mọi mặt. Nhưng, ừm, phụ nữ Á đông phần đông vẫn bước vào 1 cuộc hôn nhân thực sự (đám cưới, đăng ký kết hôn, sinh con đẻ cái, làm dâu …). Có ai đang đọc blog này, lấy chồng chỉ để có con không?. Nếu thế, bạn nên dừng ở đây. Vì những người thực sự “đau khổ” là những người phụ nữ “biết yêu” gia đình mình cơ. Họ biết vì sao họ yêu và bước vào cuộc sống gia đình.
Bên một người chồng có phần nhu nhược hoặc vì sỹ diện mà không trao đổi với vợ tìm ra hướng giải quyết thích hợp, người phụ nữ sẽ rất vất vả nếu không nói là quá khổ sở. Ngoài công việc (chẳng phải bao giờ cũng suôn sẻ), còn con cái (chẳng phải lúc nào cũng khỏe mạnh), họ còn cả 2 đại gia đình bên mình bên chồng, còn có vài cái giỗ một năm, còn có đám khóc đám cười của cả 2 họ … ngoài ra, còn sự cố sức khỏe của bản thân.
Bản thân tôi, đã có lúc hốt hoảng tự hỏi “Hạnh đâu rồi Hạnh ơi?”. Cái miệng hay cười, cái tính hay giúp người, cái sự phóng khoáng trong chi tiêu, tích cực sinh hoạt xã hội và hoạt động thiện nguyện cùng các bạn … đâu mất rồi ấy. Thay vào đó là tính gắt gỏng, cái bản mặt rầu rầu lo lo, cái thân xác gầy rộc nhanh chóng sụt cân (cao 1,62m mà chỉ nặng có 44kgs). Ai mà yêu cho được. Bản thân mình còn chẳng yêu nổi mình thì ai yêu.
Bản thân tôi đã tự hỏi, mình sống để làm gì nữa nếu chỉ để chạy theo làm hài lòng (mà không bao giờ đạt được sự hài lòng) của gia đình chồng – những người chăm chắm tìm ra lỗi để gây áp lực với con trai họ “mày bỏ nó đi!”. Vẫn là luận điệu của rất nhiều mẹ chồng khác, “mày bỏ nó đi tao cưới cho mày con khác”, “con ma già đó không đẻ được đâu, mày lấy ngay con khác cho tao còn có cháu bế”, “cái bản mặt thấy ghét, nó cậy đi làm kiếm được nhiều tiền, nó về nó khinh nhà này” …
Cộng với những đêm nằm thuyết phục chồng cùng mình đi xét nghiệm, nhận lại là câu trả lời đầy vô tâm “cô đi mà xét nghiệm 1 mình” (chuyện con cái là do một mình tôi chắc). Cộng với sự ấu trĩ, ít học của gia đình nhà chồng. Cộng với nhiều nhiều lắm những nước mắt nhục nhằn nhẫn nhịn. Cộng với dấu hỏi lớn hằng đêm “mình sống để làm gì?ý nghĩa cuộc sống của mình ở đâu?” - mà không có câu trả lời thích hợp.
Để rồi, Tôi – một phụ nữ không thuộc tuýp quá hiện đại – đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình bằng lá đơn ly hôn. Ngay cả thời điểm đó, tôi vẫn bị khoác cái tội “bỏ chồng”, trong khi gia đình họ đã âm thầm chọn cho chồng tôi 1 người con gái khác rồi. Hỏi tôi có mướt mồ hôi hay không ? Hỏi tôi có sợ không ? Hỏi tôi có đau đến tê tái cả người không ? Hỏi tôi có căm giận mình, căm giận đời không? Hỏi tôi có vật vã ám ảnh không ? Câu trả lời là Có !
Có ai dám đánh đổi hạnh phúc của mình? Còn là cơ hội làm lại của mình nữa? Mấy ai không gặp khó khăn khi đứng dậy từ đống lộn xộn này, làm lại từ đầu, mấy ai được hạnh phúc lần nữa …?
Thế nhưng, quan điểm của tôi vẫn là “mạnh dạn dũng cảm chấm dứt”. Bởi, chỉ có thể sống tích cực khi mình hạnh phúc. Hạnh phúc đó có thể là yêu, có thể là được yêu, cùng yêu thương nhau, hoặc mình biết yêu chính bản thân mình. Không thể coi chuỗi ngày đó là Hạnh phúc được – nếu coi “có gia đình” là Hạnh phúc. Đó là “địa ngục trần gian”. Đó là nỗi niềm ám ảnh cho đến trọn đời. Đó là bài học lớn tôi không bao giờ tha thứ cho mình. Đó là sự sỉ nhục lớn lao tôi không bao giờ hết hận.
Giờ tôi đã có con gái. Không cần gặp lại người đã từng rủa tôi là “thứ không biết đẻ” để kể về hôm nay của tôi. Tôi tin vào luật nhân-quả, tôi tin “ở hiền gặp lành”. Của để dành của tôi đó. Và chắc chắn con gái tôi là một cô gái của thời đại mới. Xin cho phép tôi không nhắc đến chồng mình vì thú thực tôi không còn niềm tin vào hôn nhân-gia đình nữa. Cú sốc của cuộc hôn nhân đầu tiên sẽ mãi in dấu, mãi mãi lấy đi của tôi niềm tin vào sự yên ổn của một tổ ấm. Chỉ tin vào tình yêu thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét