các bài viết trong năm 2010

Nhân đọc “ĂN, CẦU NGUYỆN, YÊU” mà Quyên tặng,

Hiện giờ tôi không muốn nhắc đến ĂN vì chán chường đã rủ rê thèm ăn đi đâu đó mà tôi chẳng mảy may nghĩ sẽ đi tìm nó, kéo lại.
Đối với tôi, CẦU NGUYỆN là một điều gì đó xa vời. Chẳng phải vì tôi là một người theo chủ nghĩa duy vật, ham sống sợ chết, không thể xa rời thế giới trần tục với biết bao hỷ nộ ái ố đôi khi bị đẩy lên mức kịch tính. Đơn giản bởi vì khi tôi cầu nguyện tôi thấy mình bị phụ thuộc quá thể. Tôi phụ thuộc vào một đấng linh thiêng nào đó. Tôi phụ thuộc vào cảm giác “trong vắt” mà tâm trí mình phải có. Tôi bị dằng kéo mạnh hơn khi tôi ngồi thiền. Giữa cái thúc ép phải chạy đi tìm kiếm những giá trị mới mẻ hơn cho mình và cuộc sống, với cái thúc ép phải tĩnh tại và tìm quên. Tôi rất hay trầm cảm. Quá quen nhau rồi nên khi Trầm cảm ghé qua, tôi chẳng buồn ngọ ngoạy chân tay xua nó đi (Cái hành động xua tay ấy có khi lại trông giống vẫy tay gọi lại thì đúng hơn). Có lẽ người bạn thân nhất của tôi là Cô đơn. Còn chủ nợ của tôi là Trầm cảm.
Tôi thực sự cảm thấy áp lực mỗi khi nghĩ đến chuyện phải chia tay một ai đó, thậm chí một kỷ vật nhỏ xíu nhỏ xiu thôi cũng khó khăn. Tôi đã đọc được một đoạn thế này trong phần đầu của cuốn sách “toàn bộ bắt đầu khi đối tượng ta tôn thờ ban cho ta một liều thứ gì đó gây ảo giác nặng mà thậm chí ta chưa từng dám thú nhận là mình muốn – có lẽ thế, một liều cocain lẫn heroin cảm xúc của tình yêu sấm động và phấn khích trào dâng. Chẳng mấy chốc ta sẽ bắt đầu thèm khát sự quan tâm chăm sóc nồng nàn đó, với cái ám ảnh đói khát của một kẻ nghiện. Khi không được cấp thuốc nữa, ta sẽ nhanh chóng ngã bệnh, điên khùng và suy yếu (chưa kể phẫn uất kẻ bán thuốc là người đã khuyến khích chứng nghiện này đầu tiên nhưng giờ lại từ chối không cho ta thứ này nữa – bất chấp sự thật là ta biết hắn có giấu nó đâu đó, chết tiệt, vì hắn thường đưa nó cho ta miễn phí). Giai đoạn kế tiếp ta sẽ da bọc xương và run cầm cập trong một xó, chỉ biết chắc một điều là ta sẽ bán linh hồn mình hay trộm cướp nhà hàng xóm chỉ để có thứ đó dù chỉ một lần nữa. Trong khi đó, đối tượng ta tôn thờ giờ đã ghê tởm ta. Hắn nhìn ta như thể ta là ai đó hắn chưa từng gặp trước kia, chứ đừng nói là người hắn từng yêu say đắm. Trớ trêu thay, ta khó lòng trách hắn. Ý tôi là, ta biến đi thôi. Ta là một mớ hỗn độn đáng khinh, đến chính mình cũng không tự nhận ra nữa.”
Thật thích thú khi đọc đoạn này, khi tác giả viết về giai đoạn vật vã của mình sau hôn nhân, đặc biệt sau vụ li dị kéo dài gây mệt mỏi và phiền toái. Tôi thấy mình trong đó. Sau thích thú là sự cáu giận. Bản thân tôi biết mình rất mau chóng thích nghi, nhưng thậm chí điều đó cũng không thể giúp tôi, mỗi lần muốn thay đổi là một cuộc vật lộn với mớ bòng bong Quá khứ, cố thoát ra. Sự thích nghi của con người thật là kỳ tích. Nhưng trong hôn nhân, sự thích nghi có hai mặt tốt-xấu rõ ràng.
Một cái gì đó quá quen thuộc, nó “bình thường” hay thậm chí “rất mơ hồ cần phải nâng niu”, như mỗi đêm nằm cạnh nhau, mỗi sớm thức giấc thấy nhau, mỗi lần đi ăn hay xuất hiện trong một sự kiện nào đó lại đi cùngnhau, quen với câu “chúng mình”/”chúng ta”/”anh và em” … và ngại lắm nếu như bị đẩy vào chỗ đông người mà đimột mình. Ta quen đi và ru mình trong nỗi ám ảnh “cô độc”.
Tôi chưa đọc hết nửa cuốn sách, nhưng vì tựa cuốn sách có chữ YÊU, nên tôi hiểu, người phụ nữ Mỹ xinh đẹp ấy rồi đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống – không phải là tháo chạy khỏi cái nghiện này để lại lao vào một thứ để nghiện khác.
Chẳng cầu nguyện, bản thân phải tự tìm thấy đức tin, điều đó thật khó khi là một con người. Chúng ta không phải côn trùng hay thú ăn thịt (?). Con người có cảm xúc. Nên đã từng “ngã bệnh, điên khùng và suy yếu” khi phải rời bỏ một thói quen. Rốt cuộc thì chúng ta sẽ nhìn nhận nó chẳng là cái gì ghê gớm cả, chỉ là một thói quen thôi. 
Tác giả cuốn sách là một người tài năng, khiến cho người ta trả tiền mua cuốn sách mà cô ấy “chưa viết một chữ nào” về cuộc sống trong 1 năm không làm việc – chỉ đi du lịch và trải nghiệm. Cô ấy có tiền và cô ấy đã đi đến Ý, Ấn độ và Indonesia để ĂN, CẦU NGUYỆN VÀ YÊU. Tôi nghĩ ở cả 3 nước đó, ai cũng sẽ có trải nghiệm đẹp và ấn tượng về ĂN, CẦU NGUYỆN VÀ YÊU. Tôi cảm thấy vui vì cô ấy vui và tìm được nguồn năng lượng sống dồi dào. Tôi chỉ là một người bình thường nhưng (có vẻ) dị thường trong tính cách. Ừm, tôi thì ở Việt Nam, đang mướt mồ hôi để bám trụ trên mảnh đất này, duy trì cuộc sống, cố gắng để đứng vững đến độ như thể tôi có 4 chân thay vì có 2. Tôi chẳng có cơ hội nào trong cuộc đời ngắn ngủi để đến Ý, Ấn độ và Indonesia. Thực ra, nếu tôi bỏ tiền tiết kiệm của cả 1 năm làm việc, tôi có thể bay đến Indonesia và trải nghiệm trong 1 tháng. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa tôi và cô ấy – tác giả cuốn sách. Cô ấy giàu có. Chưa có con. Mối quan hệ nhiều vô thiên lủng. Kỹ năng sống được trang bị khá tốt. Xinh đẹp, khoáng đạt. Tôi ở thái cực ngược lại.
Có điều gì đó không ổn ở đây khi tôi viết về 2 thái cực. Biết đâu, ở thái cực của tôi, con người lại có động lực khám phá, trải nghiệm nhiều hơn thì sao(?!). Phản biện luôn là cách để đưa vấn đề tiến lên. Chỉ có một lý do duy nhất đúng: tôi muốn một trải nghiệm giản dị hơn rất nhiều. Tôi không cần một năm trải nghiệm với môi trường mới, không gian xa xôi, ngôn ngữ bất đồng và văn hóa khác biệt. Tôi đã tự dung hòa được khá tốt khi thậm chí không hề di chuyển (cách thích nghi của những kẻ ít tiền, hừm).
Tôi chỉ muốn một căn hộ của riêng mình. Chỗ treo chìa khóa ngay cửa ra vào. Chiếc thảm chùi chân nhỏ ở cửa toilet. Một chiếc giường đơn giản thanh mảnh. Một chiếc bàn và 2 chiếc ghế gỗ. Bếp nhỏ xinh với những chai lọ gọn ghẽ. Màu xanh dịu của nước sơn, rèm cửa và các vật dụng khác. Một chiếc bàn làm việc ghép chặt vào tường dài hết một khoảng tường, chất đầy những vật dụng để tự tạo thiệp, thiết kế và tự tạo họa tiết bằng 1 máy may mini. Một ma nơ canh bọc nhung đen. Những kệ sách trên tường....
Tôi đang mơ (!?). Nhưng, đó chính là những gì đang hiện lên trong đầu tôi lúc này. Cũng như biết bao câu chuyện đời, chia sẻ/post – hay không bao giờ chia sẻ/post – lên một thứ gì đó như Internet, nhật ký, tâm sự bạn trai/bạn gái .... Trái tim nói và Lý trí cười nhạo. Bản thân tôi cũng không rõ là người ta đã bắt đầu đánh thuế những điều tôi mơ hay chưa? Vì giấc mơ, giờ đây, cũng xa xỉ quá chừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét