dạo này mẹ chẳng hay cười. Mẹ vốn cũng ít cười. Đơn giản vì mẹ chẳng có dịp được cười. Chúng tôi đã khiến mẹ vất vả nhiều. Nếu không có chúng tôi, chắc mẹ đỡ nhọc nhằn hơn.
Mẹ tôi đảm đang, tháo vát, quyết đoán và đã làm thay việc của bố trong công cuộc dạy dỗ chúng tôi. Tôi luôn mong mình được thừa hưởng tí tẹo tèo teo của mẹ. Nấu ăn tinh tế một chút, có con mắt nhìn người sắc xảo hơn một chút, tháo vát hơn một chút để mọi việc đến tay đều được giải quyết trơn tru. Nhưng giá như chỉ là giá như thôi. Nếu tôi được vậy, mẹ đã đỡ nhọc công đến thế.
Làm mẹ rồi, tôi chi ly lo lắng những điều rất vớ vẩn. Nào ngượng khi thấy con mình còi cọc hơn con nhà người ta. Tự dưng có một nỗi sợ chết mơ hồ. Với mỗi sự cố trên đường đi, là một lần không còn dám nhơn nhơn cái mặt mà tự dưng lo “nếu mình có làm sao …”. Làm mẹ rồi, hiểu mẹ hơn. Đám đàn ông con trai không có thiên chức làm mẹ, nên chúng ít khi hiểu mẹ, cho dù chúng rất yêu mẹ – có thể đến mức mù quáng.
Dạo này trong nhà xảy ra lắm chuyện rối lung tung beng. Tôi ngồi ngẫm nghĩ mãi. Phiền lòng vô cùng. Người ta bảo “sống chậm lại để lắng nghe”. Tôi thì thấy tôi sống rất chậm, quá chậm là đằng khác. Người ta còn phải nhủ nhau “sống chậm lại để mà suy tư, để mà tự vấn, để cảm nhận”. Tôi thì thấy mình đã sống quá chậm. Thế nên, nỗi buồn nào cũng có cơ hội để đọng lại. Nỗi đau nào cũng thật thấm thía. Và sự suy tư day dứt đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Tôi không có đám cưới. Người ta nói, sao mà hiện đại thế. Có chồng, có con, không có đám cưới. Người ta cũng nói, chắc là có chuyện. Ừ, quả thật, đối với tôi, cái đám cưới hay cái đăng ký kết hôn, nó vô vị lắm, nó chẳng nói lên được điều chi cả. Quan trọng là người ta sống với nhau thế nào, cảm giác có hạnh phúc hay không. Trong nhà còn hai đứa em họ đến tuổi lập gia đình. Đứa em gái cưới rồi, một gia đình thừa tiền và có duy nhất 1 mụn con trai. Phong bao ăn hỏi – chẳng biết phải đưa thế nào cho phải lẽ – cô chú ấy nhét vào đó 20 triệu đồng. Không – không phải làm le đâu. Không – không phải khoe của đâu. Sau này cũng biết là cô chú ấy không biết phải làm sao cho phải lẽ mà cũng chẳng hỏi người già. Đơn vị tính của mình là “trăm đồng” thì người ta là “triệu đồng”, người khác có thể “nghìn đồng”, vậy thôi. Đứa em trai sắp cưới lại sinh ra trong gia đình không có điều kiện. Tiền lương 2 đứa cộng vào chỉ đủ tiền ăn. Mà rồi lời khuyên “nên tiết kiệm” của mình cũng trở nên vô duyên. Rồi con người ta vẫn quyết nợ nần chỉ vì cái sự sỹ diện. Mình thấm thía lắm cái sự vô duyên của “người không có đám cưới”. Mỗi khi ngồi trong 1 đám hỏi, đám cưới, lại thấy mình lẻ loi. Có buồn hay không là chuyện của nhiều yếu tố khác cộng lại. Nhưng cảm giác lẻ loi là có.... “nhận thêm một thiệp cưới/thấy mình lẻ loi hơn/thêm một đêm trăng tròn/lại thấy mình đang khuyết”...
Việc sống gấp cũng thể hiện ở việc người ta sợ bị đánh giá. Ngày hôm nay cưới tôi, tôi phải cho người ta biết luôn là tôi giàu sang thế nào, xa xỉ ra sao, tôi mặc váy cưới đẹp đến thế nào. Khi tôi cưới, tôi khoảng 23 tuổi. Và khi tôi 33 tuổi, tôi có thể phải dấu giếm tôi đã từng hạnh phúc vui tươi hỷ hả ra sao trong ngày cưới. Câu chuyện đó không phải chưa từng xảy ra. Tôi chỉ lặng lẽ ngoảnh đi, khi nào người ta thấy ý kiến của mình quan trọng, tôn trọng lắng nghe, thì mình phát biểu. Có lẽ đã chẳng để làm gì nữa. Mọi chuyện đã qua rồi.
Ừm, tôi đã làm cho mẹ buồn biết bao. Chắc mẹ cũng đã từng như tôi bây giờ, ao ước 1 ngày được sắm sanh cùng con gái, sửa cho nó cái áo, chọn cho nó những thứ đẹp đẽ nhất và lặng lẽ ngồi lại một mình trong ngôi nhà vắng lặng khi con về nhà chồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét