Cuộc sống thật ồn ào. Tôi đã ở thành phố này 12 ngày. Cũng vẫn những con đường xưa, giờ có vẻ sạch sẽ và có phần rộng rãi hơn. Ít hàng rong hơn ngày xưa. Nhưng tôi vẫn không nhìn rõ gì cả. Không có gì rõ nét. Những cửa hàng cửa hiệu quá nhiều đã che đi dấu ấn riêng của những góc đường nơi đây. Tôi biết nếu ta “tẩy” những thứ tô vẽ lòe loẹt này đi, tắt bớt ánh sáng, ta sẽ lấy được những nét cong quyến rũ đến tê người. Hà nội đẹp. Nơi đây cũng đẹp, thậm chí đẹp “sang trọng” hơn.
Tôi đã từng mơ mộng một ngày được thấy nét đẹp nguyên sơ của Sài Gòn, như đã từng thấy ở Hà nội. Nhưng khoảng thời gian 4 năm và vài lần đi-lại vẫn chưa cho tôi có cơ hội đó.
Điều tôi tiếc nhất của chuyến đi này, có lẽ là vì đã bao năm qua đi mà người Nam vẫn ác cảm với người Bắc, thậm chí còn có phần phẫn nộ và căm ghét hơn trước. Lần đi taxi gặp người đàn ông lái xe chuộng cuộc sống trong chế độ cũ. Ông ta nói rất ghét người Hà nội. Bác xe ôm đầu hẻm chúng tôi hay đi cũng vậy. Có lần, suốt chặng đường chở tôi đi, bác nói suốt về sự phẫn nộ ấy. Tôi cảm thông với họ và hoàn toàn im lặng chấp nhận những cảm xúc ấy ở họ. Có lẽ điều khiến người Nam khó chịu về người Bắc nói chung là vì: tự nhiên quá (cái này thì tôi biết từ lâu lắm rồi khi họ nói “tự nhiên như người Hà nội”), người Bắc chịu khó tích cóp (thậm chí ky bo) nên dễ giàu có, giàu có nhưng ghét vì hay kể lể, khoe khoang ,giờ thì họ rất giàu có ở mảnh đất màu mỡ này, đẩy lùi người Nam vào trong hẻm hóc vùng ven, không biết họ có làm ăn gì được không nhưng khi vào lập nghiệp ở đây ắt sẽ kéo theo cả họ hàng hang hốc vào, bên cạnh đó họ còn nhận xét người Bắc rất láu cá, gian xảo, nham hiểm...
Tôi tin là những thứ chướng mắt đang thấy hiện giờ ở TP.HCM là do người Bắc mang vào. Tôi tin là người Nam thuần lắm, không chải chuốt, không vòng vo, thậm chí thật thà rất dễ thương.
Tôi thường không có điều kiện để nhận ra dấu ấn riêng của nơi đây vì quá nhiều xe cộ và người ta liên tục di chuyển trên đường. Quá nhiều hàng quán và các tiệm kinh doanh, các nhà hàng bên cạnh các tòa nhà văn phòng lớn nhỏ. Quá nhiều lớp phủ trên một tấm toan trắng. Tôi biết là đã từng có 1 tấm toan trắng, chưa hề tô vẽ, đẹp tinh khôi và lộng lẫy ở nơi đây.
Tôi giữ im lặng mỗi khi họ phát biểu không dấu giếm rằng họ ghét người Hà nội. Tôi im lặng lắng nghe và thầm nghĩ “ở đâu cũng có người này kẻ nọ thôi mà”, có lẽ họ chưa có cơ hội để biết đến những điều tốt đẹp thật sự. Chẳng ai lại tin hoàn toàn vào việc người Hà nội thật đáng sợ, đáng ghét, đáng khinh như thế. Mặc dù … mấy thằng cha người bắc có chức quyền khi vào đây đã vơ vét khá nhiều – điều đó là có thật. Tôi mới sinh năm 1975 khi giải phóng, nhưng điều này thì tôi tin: khi giải phóng, những người bắc tràn vào TP, họ thấy la liệt những thứ mà họ chỉ tưởng tượng ra trước đó, những đồ dùng của Mỹ, những thứ đồ văn minh sạch sẽ đỏm dáng ngon lành. Và đương nhiên là họ được dùng những thứ đó, bắt đầu thử – rồi quen. Họ đi giữa những con phố to và dài, những ngôi nhà mặt tiền rộng rãi thoáng mát chỉ có 2 tầng là chủ yếu. Rất nhiều ngôi nhà trong các con phố to đẹp ấy đã trống không. Chủ nhà chạy loạn không kịp mang theo thứ gì. Họ để lại mọi thứ. Và, những người đầu tiên tiếp quản thành phố, đã giống như những chú chuột tự dưng được đặt vào hũ gạo nếp thơm lừng. Chưa ai quản lý, chưa ai biết quản lý ra sao, quá nhiều ngả ngách, quá nhiều sự mất mát, nên tôi tin – đã có nhiều điều đáng tiếc xảy ra – làm hỏng hình ảnh về những người Bắc vào Nam. THẬT TIẾC. Tôi cảm thấy tiếc đứt ruột vì nếu mà không có những ký ức đó (thật rất dở), thì có lẽ hiện giờ người Nam kẻ Bắc đã đùm bọc nhau và trân trọng nỗ lực của nhau, đúng ra là như vậy vì họ chung một dòng giống một đất nước một ước mong. Tự do, dân giàu và nước mạnh.
Tại sao lại có vẻ “chính trị” thế? Vì có chút ít thời gian để suy ngẫm thôi. Và chẳng hề có tí chính trị nào. Những ngày này Hà nội đang chuyển dịch. Tôi e rằng Hà nội sẽ di chuyển thật. Trôi và nhích nhích chút ít trên sông Hồng. Tôi hình dung ra thế vì Hà nội ồn ào quá, đông ních người và đầy những thứ nhân tạo tô vẽ, biển công nhận các loại, và những công trình đầy sự vội vã được công nhận. Hà nội vốn nhẹ nhõm. Từ dáng vẻ thành phố, đến con người, điều gì cũng nhẹ nhõm. Hà nội mỏng nhẹ tựa tơ lụa, thơm tho tựa sen trong đầm buổi sớm mai, tinh khiết, thanh thoát…. Bản thân tôi cũng thấy chẳng xứng khi là “người Hà nội”. Dường như là điều quá sức.
Trong khi Hà nội ồn ào tổ chức sự kiện 1000 năm có một thì ở TP.HCM người ta thờ ơ. Đó là người dân gốc Nam bộ hoặc Bắc di cư. Họ không thấy tự hào, không thấy chộn rộn. Tôi nghĩ, ít ra là cả nhà dồn hết tiền tiết kiệm ra Hà nội một lần cho biết chớ. Họ không cần biết đến Hà nội, không cần biết Hà nội ra sao, người ta sống như thế nào và làm việc ra sao, những điều thân thương thuộc về riêng Hà nội. Không quan tâm. Thế mới ức chứ. Cùng là dân một nước đấy. Nên đau xót nữa.
***
Trở về Hà nội vào một chiều thu trời chưa nhạt nắng. Máy bay Boeing 777, chuyến bay VN222, những con số may mắn đã khiến tôi cất cánh và hạ cánh đúng giờ. Chiều hôm qua tức là chiều thứ Bảy cuối tuần, hai vợ chồng đưa con đi hóng gió cho đỡ ho hen. Và, Hà nội tắc đường đúng là 1000 năm có một.
Tôi bế con và chạy, len lỏi giữa những luồng xe tranh nhau chen nhau đi. Chúng tôi phải chạy xe lòng vòng cố quay trở về nhà sau khi trót để cuốn vào đám hỗn loạn ấy. Vòng 1 vòng tròn Hồ Tây khoảng 17km, chúng tôi mất đứt hơn 2h đồng hồ. Đấy là đã thông thổ đường vòng hồ nên đã thoát nhanh hơn những người khác.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cuộc tán loạn như thế. Và tôi ước chừng những biển hiệu, cờ quạt, cổng chào, màn hình rất to, đèn trang trí và các vật trang trí, hoa lá, vỉa hè lát mới, ngầm hóa đường dây, pháo hoa ... ngốn khoảng bao nhiêu tỷ (có lẽ nên nói là tỷ tỷ) đồng. Và trong khi tôi nóng rực người giữa đám đèn và màn hình to vật ấy, thì có biết bao làng quê đang mất điện. Những đứa trẻ thành phố sẽ nghỉ học (chắc sướng tỉnh tình tinh). Nhưng những đứa trẻ nông thôn vẫn đang học để lên lớp như bình thường. Và thời tiết vẫn chưa chuyển mát, thậm chí nóng bức rất khó chịu bứt rứt. Tôi chẳng thấy cái sự kiện này có gì vui. Có gì tự hào? Bởi vì Hà nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn tệ quan liêu tham nhũng "điên cuồng" nhũng nhiễu. Cái thói vênh vang, sỹ diện của dân Bắc cộng với sự giàu lên nhanh chóng của kẻ có quyền, có tiền được nuôi/chính nó nuôi tệ nạn của quan tham, khiến cho mọi sự kiện đều trở nên dịp để ngốn tiền thêm của dân. Ai có thể ngờ, đã bao nhiêu năm như thế qua đi mà vẫn còn "quan" vẫn còn "dân đen". Tưởng chỉ có trong tiểu thuyết, nào ngờ.
Càng tiếp xúc nhiều. Càng đọc và càng ngẫm, càng thấy bức bối.
Hà nội ơi, mãi yêu và thầm ước ao ngày xưa Hà nội. Nhưng, sau 1000 năm Thăng Long, người ta đang e sợ Hà nội sẽ mất điện "bù". Sau khi tháo rỡ những biển hiệu, bảng biển, pano áp phích kia, người ta vứt hết đi , Hà nội lại đơn sơ mộc mạc trở lại, bạc tỷ ném lên trời ném vào túi ai, hỡi Trời. Người nằm đó sao không quay về nghéo cổ những kẻ bạc bẽo, phụ lòng dân, láo toét quá trời, coi người như rơm rác, coi Trời bằng cái mo nang, nói năng dối trá dơ dáy không thấy bẩn mồm.
Hà nội ơi, tội nghiệp quá!
1000 năm chẳng lẽ chẳng đổi thay?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét