các bài viết trong năm 2011

bài viết trên vnexpress.net lại "chạm" đúng nỗi đau trong lòng tôi

trích nguyên văn bài viết này trên vnexpress.net. Phần chữ màu xanh là câu chuyện của riêng tôi.

"Lấy nhau hơn một năm, quê chồng cũng chỉ cách Hà Nội chưa đầy 70km nhưng số ngày mà Xoan - kế toán một công ty may mặc tại Hà Nội - tiếp xúc với bố mẹ, anh chị em chồng chỉ vài lần. "Ở đó hai ngày sau cưới mà em đã thấy ngột ngạt vô cùng. Mẹ chồng lúc nào cũng xét nét, bố chồng thì khó đăm đăm, cô em chồng lười chảy thây, cứ ăn xong là tót đi chơi. Mà mình không hợp với cách nấu nướng, ăn uống ở đó. Nhà tắm, nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, tềnh toành, nhìn đã thấy ghê", Xoan kể.
Vì những lý do này mà sau những ngày "vỡ mật" ở nhà chồng, Xoan luôn tìm cớ để càng ít phải về quê càng tốt. "May quá, em cưới được 4 tháng thì có bầu, nên lấy luôn lý do cần hạn chế đi lại để khỏi giáp mặt với 'họ", Xoan thổ lộ.
Theo tính toán của chồng và bố mẹ chồng, sau khi sinh, cô sẽ về quê ở cho thoáng mát, lại thuận tiện để mẹ chồng chăm sóc. Thế nhưng, Xoan quyết tâm ở lại căn phòng trọ chật chội ngoài Hà Nội để "quản chồng" và thuận tiện đưa con đi khám khi bé lỡ bị bệnh. "Nếu bắt em ở nhà chồng 4 tháng, chắc em chết luôn", Xoan nói.
Vì điều này mà ngày vợ sinh gần kề nhưng hai vợ chồng cô lại chiến tranh lạnh. Anh xã cho là vợ quá ích kỷ, coi thường nhà chồng, không biết phép tắc, bổn phận làm dâu... Xoan thì ấm ức, tủi thân nói chồng lúc nào cũng hùa vê phía bố mẹ, không thương vợ.
Nhà có giỗ vợ viện cớ bận công tác, cuối tuần vợ kêu mệt... để không về. Người nhà ở quê ra thì vợ chẳng hào hứng đón tiếp, chồng nhắc mua quà biếu người thân thì vợ ậm ừ... khiến anh Tùng (Ba Vì, Hà Nội) thấy bất mãn. "Cô ấy là một người vợ rất tốt, thu vén mọi việc trong gia đình đâu ra đấy, chiều chồng, chăm con khéo, nhưng với nhà chồng thì lại đối xử như người dưng. Mình cũng không hiểu tại sao vợ lại như vậy, vì gia đình mình đâu có đối xử tệ với con dâu. Mỗi lần nghe bố mẹ ca thán về vợ, mình cũng nẫu lòng lắm mà không biết giải thích sao", anh chia sẻ. Anh cho biết, dù quê chỉ cách Hà Nội hơn 40km, đi lại rất thuận tiện, nhưng có khi hằng tháng vợ anh cũng không về. Lúc con còn nhỏ thì chị nói không muốn đi lại nhiều, sợ con ốm, lo nề nếp sinh hoạt, ăn uống của con đảo lộn. Khi con đã lớn, chị lại có lý do bận việc cơ quan, đi trực, nhức đầu... mỗi lần chồng rủ về nên nhiều khi chỉ hai bố con anh dắt nhau ra xe. Mỗi lần ở nhà chồng, chị tỏ ra khó chịu, miễn cưỡng và rất ít trò chuyện với mọi người trong gia đình.
"Mỗi lần mình muốn bàn với vợ mua biếu bố mẹ cái này, anh chị cái kia thì cô ấy cứ bơ đi, có khi lạnh lùng bảo 'anh thích gì cứ mua, em không có ý kiến, đừng để con chết đói là được', khiến mình ức chế vô cùng", anh nói.
Nhà tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực tế cho thấy, khúc mắc trong cách đối xử với gia đình bên nội, ngoại của vợ, chồng là một trong những lý do dễ gây mâu thuẫn, sứt mẻ tình cảm giữa các đôi.
Theo bà Hà, đa số phụ nữ đều hành động dựa theo cảm tính, làm việc gì cũng cũng thường xuất phát từ tình cảm. Vì thế, khi mối quan hệ với gia đình chồng không được tốt đẹp, họ ngại tiếp xúc, gần gũi với những thành viên này cũng là điều bình thường, dễ hiểu.
Thực tế, khi kết hôn, người phụ nữ mới chỉ yêu, muốn gắn kết, chung sống với người đàn ông của mình, chứ họ chưa thể có ngay tình cảm với những người thân của anh ta được. Mối quan hệ nàng dâu - nhà chồng cần sự gây dựng, vun đắp dần dần và từ hai phía. Tuy nhiên, nhiều nam giới không hiểu điều này, họ kỳ vọng người vợ sẽ yêu, cảm thông với gia đình mình như chính họ, nên khi không được như vậy, họ có thể thất vọng, khó chịu.
Nhà tâm lý khẳng định, vai trò của người chồng rất quan trọng trong việc kết nối giữa vợ và người thân của mình. "Hãy tỏ thái độ thông cảm, không nên phó mặc hay bắt buộc vợ phải đương nhiên phục tùng hay có nghĩa vụ với gia đình chồng. Nếu người chồng biết cảm thông, chia sẻ với vợ, đồng thời giúp 'nửa kia' dần dần thích nghi với cách sống, cách nghĩ của gia đình mình thì chắc chắn, ít người vợ nào lại có thể đối xử lạnh nhạt với nhà chồng", nhà tâm lý chia sẻ.
Bà cho biết, tất nhiên, cũng có những phụ nữ thành kiến với cụm từ "nhà chồng" nên không muốn "dính líu" nhiều, nhưng nhiều khi, thái độ lạnh nhạt của người vợ lại xuất phát từ chính cách cư xử của người chồng với vợ và bên ngoại.
Như trường hợp vợ chồng chị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) là một điển hình. Chị Thoa cho biết, nhà chồng chỉ cách chỗ vợ chồng chị ở gần 20 km. Trước đây, cứ cuối tuần vợ chồng chị lại đưa nhau về nhà nội. "Ngày đó, mình chỉ nghĩ, đi xe máy chưa đầy tiếng là về đến nhà rồi, bố mẹ vui, chồng cũng thích, mà mình lại có nhiều cơ hội hiểu, xây dựng tình cảm với mọi người, dù hơi mệt vì phải đi chợ, nấu nướng suốt ngày", chị kể.
Thế nhưng, dần dần, chị bỗng ngại về, khi mỗi lần dù chị có việc bận thật, hay người đang ốm, mệt không muốn đi lại thì bị chồng vùng vằng, quy kết là "không biết điều", "không tôn trọng chồng", "đối xử với nhà chồng không tốt"... "Mình cảm thấy rất ấm ức khi bị áp đặt như thế, lại càng mệt hơn khi lần sau về bị nhà chồng chê trách. Buồn nhất là, ông chồng lúc nào cũng bắt mình phải thế này, thế kia với bố mẹ anh ấy, nhưng lại chẳng bao giờ quan tâm đến ông bà ngoại", chị Thoa thổ lộ.
Theo nhà tâm lý Hồng Hà, ngay từ khi chuẩn bị kết hôn, các đôi nên trao đổi và thỏa thuận với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên gia đình. Trong quá trình chung sống, khi xảy ra bất đồng, hai người nên tế nhị, thẳng thắn nói chuyện với nhau, chớ để dồn tụ và sinh hiểu lầm.
Người chồng khi thấy vợ lơ là với gia đình mình cũng không nên vội kết tội bạn đời mà cần tìm hiểu nguyên nhân, để người vợ được giãi bày, đồng thời cần ứng xử làm sao để "nửa kia" tìm được sự đồng cảm, có cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ với người thân của chồng. "Các chị em cũng nên hiểu rằng, người đàn ông của mình sẽ không thể tách khỏi những người ruột thịt, và anh ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi vợ hòa hợp với gia đình lớn của mình. Bởi vậy, nếu vì lý do nào đó, phụ nữ không thể xây dựng sự gắn bó, tình cảm với gia đình chồng, thì cũng nên làm đúng trách nhiệm của mình", bà Hà chia sẻ.

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng tôi rất yêu chồng và yêu gia đình bé nhỏ của tôi, nơi sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con gái tôi, cho con gái tôi những ký ức đẹp đẽ làm hành trang trong cuộc sống bộn bề khi cháu trưởng thành.
Tôi không là 1 nàng dâu theo đúng nghĩa, cái khái niệm này  luôn mơ hồ trong cả hai cuộc hôn nhân. Hiện tôi không sống ở nhà chồng, với chồng. Tôi không có một tình yêu bình thường như từng mong muốn. Từ khi còn là 1 cô gái trẻ bắt đầu biết mơ mộng, tôi vẫn nghĩ tình yêu của mình sẽ bắt đầu bằng 1 tình bạn thân thiết (có khi từ tấm bé), rồi yêu nhau 2-3 năm, rồi đám cưới, rồi có 2 đứa con (như mẹ tôi có 2 chị em tôi)

Giờ thấy mình ngố vô cùng.
Đọc bài viết trên vnexpress.net hôm nay, thấy tự dưng sống mũi cay cay. Cái vết thương cứ hở hoác ra, nếu có lên vảy thì lại bị cào ra, chẳng có vẻ gì là sẽ lành lặn. Cào ra có thể bằng nhiều cách, một bài viết như hôm nay, một buổi đưa bé Gấu đi chơi nhìn những đứa trẻ trong tay cha-mẹ, những câu nói trách hờn yêu thương của những đôi trai gái lúc dừng đèn xanh đèn đỏ, những buổi cơm chiều buồn lặng lẽ ...
Chồng tôi thật khổ và khó khăn. Một bên: Mẹ già đau yếu, 2 cô con gái. Một bên là tôi và bé Gấu. Chỉ thế thôi cũng đủ mệt rồi, chẳng kể ra tiếp vô vàn những mối quan hệ khác nữa. Tôi vẫn đang cố gắng gồng mình lên, giữa những nhu cầu rất con người rất muốn có 1 gia đình bé nhỏ "của riêng mình - một lần trong đời" và một sự nỗ lực giữ cho ổn định mọi mối quan hệ. Bên cạnh đó, vẫn phải sống thật tích cực, không bao giờ được đánh mất mình, bi lụy mà sụp đổ tinh thần.
Mẹ chồng tôi thì đã lẫn. 2 cô con gái của chồng tôi thì đã lớn (1 đã đi làm 1 đang là sinh viên năm thứ hai), tự lo cho bản thân được rồi. Nhà cửa thì cũng chẳng phải khó khăn chật hẹp gì. Tôi không quá khó khăn để xoay xở trong một hoàn cảnh như thế. Nhưng, sau khi thực hiện "dân chủ" trong gia đình, hỏi ý kiến của 2 cô con gái của anh về việc đón tôi và bé Gấu về sống chung thì nhận được sự từ chối. Tôi nhận ra rằng, nếu tôi "căng" thì tình hình sẽ "căng", và chỉ chồng mình là khổ nhất. Có thể, thỉnh thoảng gặp nhau thì còn vui vẻ đấy, chứ ngày ngày ráp mặt không tránh được va chạm. Tôi hy sinh niềm khao khát làm vợ, bé Gấu hy sinh niềm vui gặp cha. Nhưng anh đánh giá tôi là thờ ơ với nhà chồng, không toàn tâm toàn ý, thành kiến ... Bản thân tôi chẳng nghĩ gì trong đầu ngoài mối lo ngại làm hỏng mối quan hệ, làm chồng mình bận lòng thêm. Chẳng dám chắc là mình sẽ khiến mọi người yêu quý được.
Tôi luôn suy nghĩ rằng, sức mình không làm được nhiều việc cùng 1 lúc và không thể làm tốt mọi việc. Nên cố gắng làm cho tốt , làm cho tròn 1 việc cũng đã tốt lắm rồi. Ôm đồm, có khi mọi việc lại hỏng bét cả, hoặc giả là hời hợt chẳng đâu vào đâu. Chia sẻ ở đây, cũng tựa như rất nhiều phụ nữ đã và đang tìm đến các Trung tâm tư vấn, bác sỹ tâm lý để tìm 1 chỗ dựa tâm lý - cũng hầu mong có thêm nghị lực để sống tiếp mà nuôi con.
Câu chuyện đời tôi chỉ loanh quanh những điều nhỏ nhặt thế, nhiều lúc nghĩ, có lẽ ông Trời thấy mình rảnh rỗi quá nên sinh ra chuyện để mình bận tâm chăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét