Con - Vì Tình Yêu mà được sinh ra
Điều tưởng như bình dị ấy, với một số người, lại là điều bất bình thường. Tuy không bỏ thai, nhưng họ lại quyết định bỏ con. Đời sống sau này của trẻ (nếu sống sót) là rất nan giải.
Bạn và tôi, người có gia đình - người chưa, người có con cái - người chưa. Nhưng, tình yêu thương nặng lòng.
Cho bé bú 1 bình sữa.
Cho bé nắm 1 ngón tay.
Cho bé được nhìn vào gương mặt đang cười của bạn.
Cho bé được nghe tiếng à ơi, ầu ơ lạ lẫm.
Cho bé được cảm nhận có điều gì đó khác ngày thường, trong vẻ mặt của người đang ghé xuống vành nôi.
Cho bé sự xoa dịu trên đôi bàn tay đầy dấu vết của kim tiêm và truyền dịch.
Cho bé được cảm nhận sự mặn mòi của những giọt nước mắt, cho dù chỉ một lần, rơi vì bé.
Cho bé được cảm nhận sự yêu thương.
Đừng nghĩ rằng bé còn quá nhỏ để mà hiểu và nhớ. Một rung cảm rất nhẹ hôm nay có thể là “tâm chấn” của tình yêu thương lớn lao sau này, mà đôi khi ta không hề hay biết. Quan trọng là bạn có sẵn sàng tạo nên rung cảm đó nơi bé hay không?
Tôi biết, nếu chia sẻ điều này với mẹ, mẹ sẽ thở dài. Điều khiến mẹ thở dài không phải việc nghĩ cho tụi trẻ. Trước hết, mẹ buồn vì tôi cứ hay nghĩ, cứ hay thích làm những việc bao đồng. Thứ nữa, tôi còn đầy vất vả, khó khăn, thì tôi còn lo cho ai được. Nhưng, thế cũng là quá tốt đối với tôi. Cảm ơn mẹ vì mẹ chỉ thở dài.
Có nhiều lúc, đau xót nghĩ, các con bị bỏ rơi từ sơ sinh, sinh ra không hẳn từ tình yêu,hạnh phúc, mà vì một điều tầm thường hơn rất nhiều - tình dục. Cho dù, nam giới luôn cho rằng "phải có cảm xúc mới làm được điều đó chứ không phải bạ ai cũng làm được", thì điều họ đang làm đó, thật sự vì "cảm xúc" được bao nhiêu ?
Nếu coi đó là Tình yêu thì còn vô vàn cái "na ná tình yêu", phải vậy không? Và những thứ "na ná tình yêu"ấy sẽ đem tới cho đời những thứ "na ná con người", phải vậy ư?
Giống như một hạt mầm, đứa trẻ bị bỏ rơi thường là một hạt mầm dẻo dai khác thường,đến khó hiểu. Như chú bé lính chì Thiện Nhân, như chú bé Tae-Ho đang gây cơn sốt trên mạng mấy ngày nay. Như biết bao đứa trẻ khác đang nỗ lực tồn tại ở những trại trẻ buồn tẻ, đói khát và cằn cỗi.
Tôi cũng đã xem và nghe khá nhiều chương trình truyền thông sức khỏe. Họ giáo dục giới tính say sưa nghiêm túc ở trên bục, khi các cô bé cậu bé đỏ mặt ngượng nghịu hoặc cười cợt nhả ở phía dưới. Họ phát những đoạn phim hoạt hình ngắn mang tính giáo dục, trong đó có 1 đoạn phim có anh Siêu nhân xuất hiện ngay khi chàng trai bắt đầu màn tán tỉnh ve vãn cô gái lên giường. Siêu nhân đó lên lớp chàng trai 1 trận vì đã không chủ động phòng tránh cho bản thân, rồi sau đó vứt toẹt vào giữa cô gái và chàng trai 1 cái bao cao su. Rồi ... phù ...biến mất, để họ ... tự nhiên....
Thưa các bác sỹ và các nhà tâm lý, nói chưa bao giờ dễ như thế. Giáo dục là một chuyện (mà chưa thấy cải thiện tình hình nhiều). Chúng ta không phải người sẽ hiện ra như Bụt hay Siêu nhân khi các chàng trai và các cô gái đang say sưa ôm eo kéo nụ hôn đến và rồi mọi nơ ron thần kinh chỉ họ về với thời tiền sử, thời của Adam và Eva không biết đỏ mặt, không phải đỏ mặt. Và cần biết bao nhiêu Bụt và Siêu nhân để "giáo dục và phát bao cao su" đúng lúc đúng chỗ như thế?
Hình như, có vấn đề ngay từ việc các bác nhà ta mở toang cánh cửa, đón chào các nước hàng xóm láng giềng anh em vào nhà, dạo ấy khẩu hiệu là WTO. Có những bác hàng xóm văn minh, ăn mặc đỏm dáng bảnh chọe, nước hoa xịt không tiếc tay, ngồi ghế chứ không ngồi phệt được, làm thật ăn thật. Thì cũng có bác hàng xóm mang theo lắm bệnh, lắm tật, còn vừa nói vừa nhổ nước bọt đánh toẹt xuống sàn nhà bóng lộn, vừa kéo quần lên tận bẹn , ngó nghiêng gái nhà hàng xóm hoặc mắt la mày lém ăn cắp ăn trộm, nhiều hơn là chia sẻ tình thân hay lợi lộc, làm giả ăn thật. Rồi, các bác nhà ta lãnh đủ cái gọi là hậu WTO.
Lại quay lại chuyện vì tình yêu mà được sinh ra. Đây là Slogan của tạp chí Mẹ Yêu Bé ,khiến tôi khóc ngay khi bắt gặp nó. Phải rồi, vì tình yêu mà con được sinh ra, nhưng niềm hạnh phúc ấy kéo dài bao lâu. Sao chẳng tày gang. Ừ, vì tình yêu, vì hạnh phúc mà được tạo nên, và sinh ra. Nhưng, sao mà cha mẹ bé dễ quên thế nhỉ? Phải chăng, vì không có thiên chức làm mẹ, mà người đàn ông cứ nhông nhông suốt ngày, lúc nào cũng như kẻ thừa năng lượng không biết để đi đâu, gặp đàn bà là phải tán, và thời buổi này, họ tán tỉnh hầu như để thỏa mãn cái thứ mang đầy chất THÚ trong Con người. Chẳng nghĩ gì nhiều. Họ không nghĩ gì nhiều, đúng thôi, vì họ cũng chỉ biết nghĩ đến thế thôi.
Tại sao mà tỷ lệ sinh hoạt tình dục ở giới trẻ nông thôn lại cao hơn khá nhiều giới trẻ thành thị? Vì ít học, vì ít chương trình thiết thực, bổ ích, hấp dẫn để họ tham gia. Chẳng biết làm gì, rảnh quá, quay ra ... làm chuyện đó. Có khác thời chị Dậu là mấy đâu. Có khác gì cái thời tắt đèn, sống mòn ... Chẳng phải khi càng hiện đại, con người lại có nguy cơ trở lại với thời hỗn mang, tàn khốc chăng?
Tiếc cho những số phận hẩm hiu, cho những đứa trẻ non như một hạt mầm, gieo vào đâu để nảy nở lên cây to cây cao cây khỏe đây? hay rồi lại sa vào mảnh đất dữ? Người phụ nữ vốn mềm yếu, mềm yếu đến hèn nhát tội nghiệp, đáng giận mà cũng đáng thương. Mềm lòng để chiều 1 người đàn ông chưa xứng đáng, mềm lòng không nỡ bỏ thai đi và rồi cuộc sống mưu sinh lại khiến 1 lần nữa cô mềm lòng, bỏ con, ngay khi cả 1 cái tên còn chưa nghĩ đến để đặt cho nó nữa chứ ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét