các bài viết trong năm 2011

Mẹ làm mẹ


Mẹ như một tấm gương lớn, nhưng nhìn vào đó con không thấy mình mà chỉ thấy mẹ. Con ngàn lần tự hỏi, tại sao mình lại xuất hiện giữa đời mẹ, để khiến mẹ vất vả và bận rộn. Chưa khi nào con nhìn thấy mẹ mà mẹ lại đang không làm gì đó. Chưa bao giờ con thấy mẹ ngồi thẫn thờ – như con đã từng ngồi hàng giờ liền không ăn không uống chỉ nằm vật vờ. Chưa bao giờ con thấy mẹ sao nhãng trước một phép tính, đáp án là luôn luôn phải có, phải không mẹ. Chưa bao giờ con thấy mẹ rơi vào trạng thái thấy mình vì lơ đãng nên trở nên ngớ ngẩn, như con đã từng. Chưa bao giờ con thấy mẹ rời xa cái bếp, vì vậy nên chắc chắn ngôi nhà của 3 mẹ con mình, và giờ đây là ngôi nhà của của mẹ-con-bà-cháu, được coi là tổ ấm của mọi thành viên. Chưa bao giờ con thấy mẹ đồng ý hoàn toàn với con trong bất kỳ quyết định nào, vì vậy con sẽ không bao giờ tự vỗ ngực xưng là Biết Tuốt, phải không mẹ. Chưa bao giờ con thấy mẹ khóc (thực ra là mẹ có khóc), cho dù đó là ngày bố mẹ bàn về việc ly hôn (con đã đọc được lá đơn chưa bao giờ được gửi đi đó), cho dù đó là những ngày mẹ đau ốm, cho dù đó là khi ông bà ngoại mất … đơn giản vì lúc nào mẹ cũng đang phải chạy đôn đáo vì một việc gì đó.

Mẹ như một tấm gương lớn, mà soi vào đó, con không thể thấy mình. Thật kỳ lạ, nếu ai đó hỏi độp một câu rằng ngày con ra đời con như thế nào?, có lẽ mẹ không trả lời được. Nếu ai hỏi con như vậy về bé An, con cũng sẽ trả lời thật ậm ừ. Kỳ lạ nhỉ. Thật ra, chẳng có người mẹ nào quên. Nhưng, vì mỗi giây mỗi phút con đều lớn lên trong mẹ. Nhưng rồi cũng chợt bé lại khi đã là một người lớn khôn. Đặc biệt, khi con người có lớn đó ngồi lặng lẽ sau những thất bại.
Người ta nói, làm mẹ đi thì sẽ hiểu mẹ. Vậy mà biển học vô bờ. Cho đến giờ, cái sự hiểu đó chưa biết ra sao. Rời Hà nội vào thành phố Hồ chí Minh, lên chùa học, mới biết đến một lễ Vu Lan dành riêng cho MẸ của người Việt. Năm nay, ngày rằm tháng 7, mẹ và cậu, dì sẽ cài bông hồng trắng lên ngực. Tôi và con gái sẽ hân hoan cài lên ngực bông hồng đỏ. “thì xin anh, thì xin em, hãy cùng tôi vui sướng đi, hãy cùng tôi vui sướng đi”, vì ta còn có mẹ. Mẹ ngồi đó, hay nằm đó, mệt nhọc, thì đó vẫn là CÒN. Mẹ có bao tuổi vẫn là mẹ của ngày xưa, hàng ngày gọi tôi về ăn cơm, phải quát mắng, phải lo lắng, phải mang đầy nhớ nhung khi tôi đi xa, phải mang đầy mặc cảm khi tôi vấp váp … Mẹ có bao tuổi vẫn là điểm tựa.

Rồi sẽ có ngày, chỉ còn mình tôi – làm mẹ. Ước ao chi có sức khỏe và nghị lực để sánh bước cùng con gái. Ông Trời ơi, khoảng 20 năm nữa thôi. Để biết rằng con gái đã có thể rời mẹ, tự bước đi trên đôi chân của mình. Để biết rằng, con sẽ không phải bước thấp bước cao lo cho đời sống. Để tin rằng con sẽ tự tin bước đi, khi không còn mẹ. Con cái là niềm tự hào của mẹ. Không phải tự hào đã đẻ được ra con, mà là dạy được con thành Nhân. Rủi cho ai khi ngoái trông về quê quán, về tổ ấm, không còn thấy hình bóng yêu thương của mẹ. Ở nơi xa xôi, có ai đó vẫn cầm ống nghe lên nhấn số máy thân quen gia đình, chỉ để nghe tiếng mẹ khàn đục. Và chỉ thế thôi, mà đã đủ, cho nỗi nhớ. Thường thì, ta chẳng nói với mẹ nhiều. Và mất cả đời, để đến phút mẹ chẳng còn nghe, mới gọi được tiếng Mẹ ơi, nhớ mẹ!.

Tôi đã làm mẹ buồn nhiều. Đôi khi tự giận mình, làm con bất hiếu. Mà không biết phải làm sao để mẹ vui? Mẹ làm mẹ, thực sự đã thành công, đâu phải thất bại. Nhưng, cuộc sống không ra hồn người của tôi, đã khiến mẹ phải nghĩ như thế. Biết nói sao cho mẹ hiểu bây giờ?. Tôi không giàu có. Nhưng, tôi sống thanh thản. Giàu có là một khái niệm tưởng chừng cụ thể đấy, nhưng quả thật mơ hồ lắm. Đối với tôi, giàu có là khi ta có bạn, những người bạn tốt. Tôi vẫn sợ một thế giới lạnh lẽo, ảo tưởng, nơi con người dành giật những thứ quyền năng ít ỏi, những tài nguyên quý hiếm. Tôi vẫn thương con gái phải sống một thế giới không còn những cái nắm tay, những bờ vai và những ánh mắt cảm thông.
Mẹ làm mẹ, và cha làm cha, đâu phải thất bại. Tôi có thể nhìn thấy điều ấy, khi tôi trở thành mẹ.

Con gái, một ngày nào đó, con cũng sẽ đứng giữa một ngày Vu Lan, đứng yên để nhà chùa cài lên ngực con một bông hoa hồng. Lúc đó con nghĩ gì, con nhỉ ? Nếu con nghĩ thầm “Ước gì có mẹ ở bên”, thì mẹ quả là một người mẹ may mắn. Thật ngốc, lúc nào mẹ chẳng ở bên con, cho dù con có tin điều đó hay không.
Mẹ làm mẹ, dẫu biết trước là không dễ dàng gì, nhưng cũng có lúc chấp chới, không tưởng tượng nổi lại có cả những nỗi đau. Nỗi đau làm người, nỗi đau làm mẹ. Là con gái, ước ao nhiều lắm, biết mơ mộng chứ không như con trai. Rồi cũng có ngày con hỏi mẹ về đám cưới. Ước gì mẹ có thể đi bên con trong ngày trọng đại ấy. Hai mẹ con ngồi đọc tạp chí, mẹ sẽ cố gắng chạy kịp xu hướng thời trang để không lạc lõng trong mớ hỗn độn lúc ấy, để chọn cho ra 1 chiếc váy cưới, nhỉ. Mẹ sẽ nói gì với con về ngày cưới?
Mẹ làm mẹ, chẳng dễ dàng gì. Ít ra đó không phải là trò chơi ú tim, để thỉnh thoảng có thể trốn biệt đâu đó. Ông Trời thật kỳ lạ, thích chơi trò mèo vờn chuột, cho dù với ổng thì chúng ta chỉ như 1 con kiến, dí ngón tay nhẹ thôi cũng chết. Đằng này, ông Trời xem chúng ta như những chú gián hay chuột, đuổi cho chạy và dí tới tận chân tường. Cái trò mèo vờn chuột và dồn nhau vào chân tường, xem ra khiến người ta thích thú tột độ, còn hơn là bắn bùm một cái – ngắn – và – gọn.
Mẹ làm mẹ. Để ngày lễ Vu Lan, con cười trong nước mắt, tưởng ra nụ cười của mẹ trong gương mặt phật bà quan âm, thèm nghe lời sai bảo, dạy dỗ giáo điều, lễ nghi, những lời trách cứ, hờn giận và thậm chí là chửi mắng. Mẹ làm mẹ chẳng ra đâu vào đâu cả, phải không con gái ? Hãy cứ lớn lên trong lời ru của bà và mẹ, con nhé. 
Một ngày nào đó, khi con 20, mẹ đã bạc đầu, con sẽ hỏi mẹ “Mẹ ơi, mẹ cảm thấy gì khi mẹ tròn 20 tuổi ạ?”. Và mẹ trả lời “Xem nào ... đó là một ngày xa lắm rồi, phải không con?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét